________________________________
Đôi nét về cái “Ta”
trong bài thơ "Ta Về" của TÔ THÙY YÊN
Tạo Ân
Sự hình thành của bài thơ Ta Về là duyên nghiệp; duyên nghiệp ở đây thật đúng theo Phật Giáo, cái quả hôm nay bắt nguồn từ cái nhân ngày trước. Do đó, có thể nói là nếu không có chiến tranh Việt Nam và những hệ lụy của nó sẽ chẳng có bài Ta Về.
Bài thơ được viết sau khi tác giả ra tù lần thứ nhất (cuối năm 1985). Bài thơ khá dài, tổng cộng 124 câu. Dài như là thông lệ và đặc tính của thơ Tô Thùy Yên (TTY), nhưng ở đây cần yếu tố dài để đủ trải lòng. Khởi hành từ con “đường lớn” sau cổng tù, tác giả miên man tự truyện, ngậm ngùi cho số phận, vượt trèo qua những “truông cùng phá”, chạnh lòng trên hoang tàn đổ nát, giải bày cho mẹ cha, mừng tủi với người xưa, và tự cởi bỏ những xích xiềng nặng trĩu tâm hồn.
Cùng với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, TTY có chân trong nhóm Sáng Tạo. Mặc dầu không lâu, chỉ được khai sinh sau cuộc di cư 1954, nhưng nhóm này đã có ảnh hưởng lớn trong văn học miền Nam thời bấy giờ, và chúng ta cũng hãnh diện rằng đây là sản phẩm văn hóa riêng biệt của miền Nam. Nổi bật hơn hết là đường hướng mới trong nghệ thuật thi ca từ tư tưởng cho đến cách diễn đạt. Chúng ta hãy nghe TTY cảm nhận:
“Thơ là phản nghĩa của sự bình thản, dửng dưng, lạnh nhạt, quân bình và tự nhiên, nó là một cách khiến người ta từ chối những gì đã chấp nhận trước để tạo một thăng bằng chông chênh.” (Tô Thùy Yên, “Nói Chuyện Về Thơ Bây Giờ.”)
Tương tự như phép biện chứng của Hegel gồm chủ đề, phản đề, rồi dẫn tới tổng đề. Gạt bỏ những thuật ngữ mông lung nhà nghề vốn có của thi gia, chúng ta chỉ cần để ý đến kết cuộc “tạo một thăng bằng”, sẽ thấy tính tương tranh nhị nguyên trong cái nhìn mới về thơ của TTY. Để “phản nghĩa” trước hết phải có cái “nghĩa”, rồi mới sinh ra cái “cân bằng”. Cá nhân tôi không cho là tác giả chủ trương hoàn toàn ly khai cái cũ, nhưng thách thức chúng ta nhìn sự việc khác hơn lối suy diễn truyền thống. Vì vậy ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy cái vóc thơ mới còn đậm nét cũ. Đó đây tác giả chọn cũ để tô mới khi khéo léo đệm vào những hình ảnh ca dao, thành ngữ quen thuộc như: thơ đề vạt áo, truông cùng phá, ngựa đá qua sông, lá rơi về cội, máu chảy ruột mềm, thất bát, chớp bể mưa nguồn, bèo mây, vàng đá, hè nhà bụi chuối, tào khê, tinh đẩu. Độc giả sẽ thích thú như được nhấp rượu mới rót ra từ cái bình cũ; cái vị cay sè, mạnh mẽ, mới mẻ được cân bằng với cái quen thuộc, ngọt ngào hương xưa.
TTY có làm qua những thể loại thơ khác: thể tự do như bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” khá nổi tiếng, đã được phổ nhạc; thể ngũ ngôn như bài “Đêm Qua Bắc Vàm Cống” ; nhưng tâm đắc nhất phải nói là thơ bảy chữ. Với hình thức này, TTY ung dung làm chủ ngôn ngữ, điệu thơ hùng tráng tung hoành, âm thơ sóng vỗ, sét gầm, và ý thơ u trầm sâu sắc. Ngòai bài Ta Về phải kể thêm Trường Sa Hành, Góa Phụ, Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu đáng gọi là tiêu biểu cho phong cách TTY.
Hai chữ Ta Về được tác giả dùng làm tựa cho bài thơ và, như một công thức, được lập đi, lập lại đến mười sáu lần cho mỗi tám câu; cứ thế, mỗi tám câu gói một ý thơ, cần cù điểm danh từng nét hoang phế, thanh thoát ứng xử xúc cảm trong mọi tình huống. Chỉ một điểm này thôi, chúng ta cũng thấy được sự trình bày có suy nghĩ, cân nhắc của tác giả.
Đại danh từ ta trong bài thơ là cái tôi khách thể, đóng vai ngôi thứ ba (được/bị nói về); và người kể chuyện (đang nói) là cái tôi chủ thể, nói về cái tôi tổng thể. Còn một cái tôi nữa vô hình nhưng hữu thức (đang lắng nghe). Hiện tượng này loài người vẫn thường làm và gọi đó là tự thoại. Gọi mình là ta để khái quát cái tôi – gồm cả thể, tâm, thức. Dĩ nhiên độc thoại cũng là một thói quen khó bỏ của mười năm tù. Vì là độc thoại cho nên không có nhân vật thứ hai, chỉ có thân ta in bóng giữa đất trời trong nét cô quạnh, tang thương tận cùng.
Nét hoang tàn-bi hùng trong bài thơ đắp thêm bề dầy cho tâm lý nhân vật, nhìn cảnh mà thấy não lòng:
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn khách mới thưa
Thụy Khuê rất thi vị khi khoác cho TTY cụm từ “hành giả của cô đơn.” Trong bài Ta Về, cô tịch là khung vải nền cho thi sĩ vung bút. Chỉ bốn câu đầu thôi đủ để nói lên sự cô đơn bao trùm không gian. Vẻ phong trần, coi thường thế sự, đạp trên hoang tàn mà đi, nói lên phong cách của nhân vật.
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
Ngậm ngùi vì sự thay đổi tâm lý quá lớn. Qua suy thoái hình hài, hậu quả của 10 năm chung sống với những sinh vật có thủ đoạn đẩy lùi loài người về thời tiền sử, tác giả dí dỏm: “Ta hóa thân thành vượn cổ xưa.” Nhưng không phải vậy. “Ta vẫn là ta”. Như đóa hoa khô cố gắng vươn lên giữa khe đá, tráng sĩ trở về sau trận phong ba, trái tim tưởng chừng chai sạm, vậy mà vẫn “ngẩn ngơ trông trời đất cũ”, cảm thán vô thường, xót xa cho phận người, phận mình, cho thiếu sót (hay sai phạm) của chính mình, của lịch sử. Đạt Ma Tổ Sư sau chín năm bích diện để lại Dịch Cân Kinh. Bậc hành giả sau mười năm “tọa thiền” bất đắc dĩ cũng ngộ ra mấy chữ nhân-sinh-biến-chuyển.
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi.
Phong cách của hành giả thì khỏi nói, thật đúng là đáo bỉ ngạn của nhà Phật, pha chút vô vi của Lão Trang; vì phải đi tới tận cùng của đau khổ mới cảm thấy được chân hạnh phúc. Niềm hạnh phúc khó diễn tả của người leo núi, sau khi lên tới đỉnh cao, nhìn xuống dưới, đảo mắt chung quanh, mới ngộ ra rằng vách núi cheo leo vất vả kia thật nhỏ bé so với những gì ta đang thấy.
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.
Và cứ thế nhiều lần như vậy trong bài thơ, tác giả cho thấy bến bờ chân lý luôn ẩn hiện trong dòng nghiệt ngã. Trong tận cùng đau khổ là hạnh phúc. Trong thất vọng người lại tìm thấy hy vọng. Những lúc cần bám víu, dĩ vãng có thể là nơi nương tựa. Một trong những cái phao đó là tuổi thơ êm đềm, để trong phút giây oan khiên nhất, nó giúp ta vượt qua đau khổ. Lời thơ bình dị, trong sáng, đẹp lạ lùng hoa bướm.
Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Và tự khẳng định về tính hiện hữu thủy chung của nhân vật, đượm chất hồn nhiên, đơn sơ, nhỏ bé nhưng vẫn ngang tàng, khí phách.
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen.
Có một đoạn không biết vì vô tình hay cố ý, tác giả cho mình như đứa con hoang đàng trong Thánh Kinh, phung phá cho tới khánh kiệt mọi bề, rồi trở về trong tiếng ăn năn. Một hình ảnh khá ấn tượng, nhiều thi tính –một lần nữa– để ngậm ngùi cho canh bạc thua cháy túi.
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
Ta về – phải về “dẫu phải đi chân đất” – để đuổi bắt quãng thời gian hoang phí sau cánh cửa nhà, để “mừng giàn giụa mắt ai sâu”, để “nghe như máu ân tình chảy”, và trong lúc mừng mừng tủi tủi đó sẽ nói với người vợ yêu rằng chúng ta giống nhau trong khốn khổ:
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm Như Kiều của Nguyễn Du, tác giả phải trải qua thời gian đoạn trường. Chắc chắn là một dấu ấn khó quên trong ký ức mười năm tắm gội dâu bể:
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay…
Mười năm mặt sạm soi khe nước…
Mười năm thế giới già trông thấy…
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó…
Nhưng cuối cùng:
Mười năm ta vẫn cứ là ta
Cái ta chung thủy để đối với thế giới quay cuồng. Cái ta của một bản ngã vượt ra ngoài thời gian để nối kết và tập hợp thành cái ta tổng thể. Cái ta màu trắng hoa sen nở ra trên vũng bùn đen hận thù. Chỉ có cái tâm như vậy mới ngộ được cái đạo đất trời. Có lẽ thăng hoa nhất trong bài thơ là hai câu sau này:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Nghe như tiếng khánh ngân trong gió chiều, lời thơ bình hòa, trong sáng để gióng lên hồi chuông tỉnh thức cho những con người còn đắm chìm hận thù. Vào những năm 70/80, cả nước Việt Nam như một âm ty địa ngục khổng lồ, nhốn nháo đủ loại âm binh đầu trâu mặt ngựa. Ta về không phải để trả cái thù 10 năm theo kiểu kiếm hiệp ơn đền, oán trả, mà để giải oan, giải bùa cho “cuộc biển dâu này”. Ta về chốn xưa cảnh vật tiêu điều, “Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ”, không phải để than thân trách phận, nhưng sẽ trân quý từng bông hoa ngọn cỏ.
Bài thơ Ta Về ra đời trong thời gian điêu linh nhất của một đời người, thế nhưng lại quang sáng, không hề có bóng đen hận thù; tất cả chông gai như những bậc thang nâng nhân vật lên đỉnh cao của bình an vị tha. TTY muốn nhắn rằng phải quên đi thù hận mới là sống cho đúng con người; thế giới này cần ý thức như vậy để sống còn. Triết lý vị tha cao thượng, lời thơ bi hùng xoáy vào tâm can, giọng thơ như tiếng hịch phát ra sấm sét, âm vang như lời kinh hòa bình, tất cả là thách đố, cảnh tỉnh giữa một không gian tăm tối đầy ma lực, âm khí.
Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi.
Đọc tới đây có lẽ người đọc sẽ mỉm cười thích thú với chút ngạc nhiên bởi vì nhân vật hóa hoạt kê, khoác vào cái áo bào bát quái, vừa múa gươm vừa kể chuyện xưa.
Bài thơ là một bài thương ca vô tận, hun đúc trong lao tù, có thể cho là đại diện cho một lớp người hay một thế hệ, và, cũng có thể bao la hơn, cho cả một đất nước đau thương. Bài thơ là một hành trình tư tưởng bắt đầu từ gặp gỡ trong thù hận cho đến tỏa sáng trong nhân bản.
Lời thơ dài nhưng tác giả cho người đọc cái cảm tưởng ý thơ chưa dứt:
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.
Thơ tới đây không cần phải “đề vạt áo” nữa vì thơ đã thoát thai, chắp cánh như chim trời. Con người và vũ trụ hình như hòa nhập và hiểu nhau hơn. Khổ cuối có hai câu rất thi vị và thoát trần, thêm sức ngân xa thẳm.
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua.
Ta về mà cũng như đi, tích tụ cái tinh hoa, rồi lại thả nó tiêu dao trong trời đất!
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là nói về cái ta thoát tục. “Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan là cái ta đắm chìm trong thiên nhiên. “Mười năm ta vẫn cứ là ta” của TTY là cái ta được tôi luyện, dám thách thức với cuồng bạo, tỏa được khí hạo nhiên, ngang nhiên đứng giữa đất trời. Đáng phục lắm thay!
Tạo Ân
Cuối Thu 2014
No comments:
Post a Comment