https://www.youtube.com/playlist?list=PLfe9JTtbGcgWxr9ygVW9aWZoz0RQ7YQ0o
CHÂN DUNG NGÀY XƯA HOÀNG THỊ CỦA THI SĨ PHẠM THIÊN THƯ
Bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị được nhiều người đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Theo tôi, đánh giá như vậy có vẻ hơi quá. Thực tế, nếu không có Ngày Xưa Hoàng Thị của Nhạc sĩ Phạm Duy, chắc rằng chẳng mấy ai biết Ngày Xưa Hoàng Thị của Thi sĩ Phạm Thiên Thư. Hay nói một cách khác, Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, từ một cô bé lọ lem, đã được phù thủy Phạm Duy biến thành công chúa.
Nhiều người còn cho rằng, Phạm Thiên Thư đã đem thiền tính vào Ngày Xưa Hoàng Thị. Có thể đánh giá trên được dựa vào màu áo thiền sư của Phạm Thiên Thư lúc sáng tác bài thơ này. Nếu có, sắc thiền chỉ thoáng nhẹ trong ba câu:
Cho dù bài thơ mang tính thiền trên một góc độ cảm quan nào đó, nhưng chắc chắn không thể có trong 16 câu thơ đầu. Điều này sẽ được thấy rõ hơn nếu phân tích Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy.
Xin đừng trách tôi ngược ngạo khi nói về Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, nhưng lại phân tích Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy. Xin thưa, bởi Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy chính là chiếc gương chiếu hậu, cho ta thấy những gì được che giấu phía sau Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiêm Thư. Hay nói một cách khác, Phạm Duy đã giải mã những ẩn ngữ, thấy được ẩn ý, cảm nhận được ẩn tình; để từ đó thăng hoa những mạch rung động này trong nhạc phẩm của mình
Hãy đọc lại bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng.
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn.
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần.
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi!
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ.
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhoà mau
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ.
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng.
Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi muôn thủa
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi! Tình ơi!
Tình cờ quay về chốn cũ, bùi ngùi ghi lại nỗi lòng khi nhớ đến người xưa. Phạm Thiên Thư bắt đầu bài thơ bằng kỷ niệm của mười năm quá khứ, khiến lòng người đọc bị chùng xuống, tuy “nhẹ” mà “sâu”, khi bị kéo dần về hiện tại. Quả tài tình khi sắp xếp ý tứ như vậy, làm bài thơ tuy buồn nhưng lại rất êm, rất đẹp, rất duyên.
Bốn chữ “Tình ơi! Tình ơi!” ở câu cuối tạo nên cảm giác lâng lâng, giúp ta quên hết mọi vết hằn cát bụi của cuộc đời, để chỉ còn nhớ đến một hình ảnh nên thơ, dù đã chìm sâu trong vùng ký ức.
Những tưởng Phạm Thiên Thư đã chân tình tỏ bày tâm sự, nhưng hình như ta vẫn thấy đâu đó một chút gập ghềnh trong ý tứ. Phải chăng Phạm Thiên Thư vẫn còn cất giấu những nỗi niềm riêng?
Giai thoại văn chương trước nay có tên Hoàng thị Ngọ, là người con gái tóc thề áo trắng “em tan trường về, anh theo Ngọ về” của Phạm Thiên Thư. Thậm chí, nhiều người tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ, hay biết Hoàng Thị Ngọ là ai.
Chính Phạm Duy là người đã giải mã, đã hiểu được tình ý tinh nghịch của Phạm Thiên Thư nên khi phổ nhạc, ông đã khai diễn để tăng phần thú vị.
Sau đây là Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy:
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ.
Các bà, các cô tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ đang cầm chắc trong tay một bé cái lầm. Hoàng Thị Ngọ Ấy-Em hay Hoàng Thị Ngọ Bi-Em cũng thế mà thôi! Giai thoại văn chương làm chi cho thêm khổ! Càng nhìn mình là Ngọ, càng tội tình cho chú bé Phạm Thiên Thư!
Có chủ quan lắm không khi diễn giải Ngọ như thế này, khi chính Phạm Thiên Thư công nhận người con gái đó thật tên Hoàng Thị Ngọ; một bà tên Hoàng Dược Thảo tự nhận mình chính là người thơ tên Ngọ, và một người khác nữa tên Đỗ Thị Mai Trinh?
Xin thưa: Không.
Không, vì ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu Ngọ của Ngày Xưa Hoàng Thị chứ không phải của Phạm Thiên Thư. Người thơ của Phạm Thiên Thư tên Hoàng Thị Ngọ, Hoàng Dược Thảo, Đỗ Thị Mai Trinh, hay bất cứ tên gì đi chăng nữa cũng không phải là điều quan trọng. Tác giả là tác giả, tác phẩm là tác phẩm, và chúng ta chỉ phân tích tác phẩm mà thôi.
Có thể Phạm Thiên Thư không chủ đích tả cảnh đáng yêu “áo tà nguyệt bạch” trên thân thể người nữ sinh áo trắng trong một ngày mưa.
Nhưng nào nghĩa lý gì!
Ngôn từ trong Ngày Xưa Hoàng Thị cho thấy rằng, dù không nói ra bằng ý thức, Phạm Thiên Thư cũng đã nói ra trái tim của mình.
Rồi từ đó, Phạm Duy xuất hồn phù thủy, biến cô bé lọ lem của Phạm Thiên Thư thành một cô công chúa tuyệt vời.
Ngâm Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, nghe Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy mới thấy rằng, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một Ngày Xưa Hoàng Thị.
Đẹp quá Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư!
Hay quá Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Duy!
Và… Nhớ quá Ngày Xưa Hoàng Thị của tôi!
(Hoàng Trọng Thắng)
No comments:
Post a Comment