Monday, October 11, 2010

Lênh đênh phận người - Tăng ngọc Minh

Tưởng nhớ anh Phan văn Lê

  


Quen biết anh lúc còn thanh xuân trai tráng. Coi anh như một niên trưởng nhưng lại không mấy tôn kính bởi tinh cách của anh là một nhà kinh doanh chứ không hẳn là một đồng nghiệp trong nghề gõ đầu trẻ dù anh cũng là một chủ trường và dù bản chất nghề giáo cũng chẳng có gì hơn hẳn ngành nghề khác nhưng được cái là nghề đó luôn giữ chữ sĩ ( ít nhất là vào cái thời xa xưa ấy) tức là sống cam phận, chứ không dám muối mặt vay mượn linh tinh, lung tung để vói tới việc ngoài tầm tay, dù đói khổ mấy. Anh thì không như thế. Anh lập ra một trung học tư nhưng lai không có vốn, kể cả vốn cố định và vốn lưu động tại một thị xả mà số học sinh ngoài công lập không nhiều, do do phải nói anh là con nợ thuộc loại chúa chỏm, dù anh không thuộc hoàng tộc nào, nhưng cách làm ăn của anh khiến anh trở thành vua nợ, vua vì có quá đông chủ nợ và vì cách vay mượn táo bạo bất chấp hậu quả. Thường khi các món nợ cơ bản nếu không thể trả đúng hạn, đúng lúc thì chỉ còn cách bỏ trốn nhưng anh vẫn kiên trì đeo bám ngôi trường không sinh lãi ( hay do tính anh không biết liệu cơm gấp mắm ) nên anh phải vận dụng các chiêu thức mua nợ bằng mọi giá. Gì thì gì nhưng chẳng ai ghét bỏ hay tìm cách xa lánh anh bởi anh luôn tỏ ra hào phóng và tình nghĩa với mọi người, nghĩa là luôn hết lòng với bè bạn khi bè bạn gặp khó khăn dù phải vay mượn để thể hiện tình bằng hữu!
   
 Đối với quan điểm xử thế của giới kinh doanh thì lồi sống như thế có lẽ là chuyện thường tình bởi họ cần vốn để hoàn thành công trình đầu tư mà họ biết chắc sẽ đủ sức trang trải nợ nần ( đây là nhận xét tôi có được trong khoảng thời gian làm việc tại một số  cơ sở sản xuất nhỏ, đồng vốn thường chậm quay vòng nên nhiều khi cơ sở hụt tiền phát lương, phải chạy đon, chạy đáo lung tung ) nhưng với bọn thầy giáo chúng tôi thì quả là kỳ cục, làm chi mà khổ thân như thế khi chỉ một thân một bóng không phải chạy vạy nuôi vợ con.
    Sau ngày Miền Nam thay đổi chế độ,  trường tư bị đóng cửa, trường sở bị tịch thu trên danh nghĩa do sở hữu chủ tự nguyện hiến cho nhà nước, anh đến nơi khác sinh sống và cắt đứt liên lạc với người quen  để không phải bị mời gọi ký giấy hiến trường.. Nghe nói lúc đầu anh qua Tri Tôn vào khu Tứ Giác Long Xuyên làm nghề cày ruộng gia công với chiếc máy cày hùn hạp với người bạn cũng là thầy giáo ở thị xả đó nhưng hình như công việc làm ăn không thuận lợi nên anh lên vùng sâu Long Khánh lập trại mộc sản xuất hòm đưa tang. Anh có kể lại rằng công việc làm ăn này rất phát đạt, anh có của dư của để lại còn để dành được cả chục chiếc hòm bằng danh mộc. Lúc tình hình kiểm soát kinh doanh dễ chịu hơn anh lại mò về cái thị xả đó để vận động lấy lại ngôi trường và mở lai tư thục và anh đã làm được chuyện tầy trời đó, bởi khắp Miền Nam có lẽ chỉ mỗi mình anh làm được chuyện này. Trong vụ việc anh được sự giúp đỡ của nhiều học trò cũ nhưng cũng do anh có đủ tài chính và phương tiện  (mấy chiếc hòm danh mộc...) để vận động hành lang nhưng đáng kể nhất là về mặt pháp lý ngôi  trường vẫn còn là tài sản của anh bởi anh đâu hiến tặng. Thì ra việc làm hòm  ở vùng sâu không phải là cách kiếm sống theo đúng thời thế mà là một công cuộc đầu tư cho ngày trở lại nổi ám ảnh cũ, giấc mơ xưa. Có điều ngôi trường của anh sau hai mươi năm được dùng làm nhà ở đã xuống cấp thê thảm, bàn học và các trợ huấn cụ khác chẳng còn gì, nghĩa là anh phải làm lại hết và chút vốn liếng gom góp được từ việc đóng hòm chẳng thấm vào đâu. Thế là  anh buộc phải vận dụng lại các chiêu thức huy động vốn như xưa nhưng lần này thì khó khăn hơn nhiều bởi anh đã vô tình đánh bóng mình thành một nhà tư sản, tất nhiên là “ tư sản dân tộc “ đầy lòng ưu ái với sự nghiệp giáo dục địa phương, nghĩa là phải hào phóng, phải chơi nổi nhưng nguồn vay thì rất ít bởi chỗ quen biết cũ hoặc đã “đổi đời”, hoặc đã chạy ra nước ngoài. Tinh thế bắt buộc khiến anh vướng vào một sự vay mượn một số tiền khá lớn vào cuối thập niên 1990, với những ràng buộc thật ngặt nhưng anh lại không có cách nào hoàn trả đúng han, anh thử mua nợ theo kiểu cũ nhưng cách này khiến mất mát thêm chứ chẳng được tính đến. Trước khó khăn nan giải anh bực bội và buồn phiền đến ngày qua đời. Bực bội vì anh cho rằng khoảng vay mượn đó bất quá chỉ bằng ¼  cơ sở vật chất chứ không thể là ½ , bởi số tiền đó được sử dụng vào việc xây thêm hai dẫy lầu bên trên hai dẫy đã có của anh, nhưng anh đã nhắm mắt ký hợp đồng hợp tác xây dựng trường sở nên về mặt pháp lý phải coi toàn thể là tài sản của hai phần hùn khi có tranh chấp, kiện tụng và anh không có cách nào để biện minh nên đã thua. Anh buồn phiền vì đã hiến tặng cho đối tác 200m2 đất để đối tác xây dựng nhà ở cho một số chuyên gia  nước ngoài nói là sẽ về ở trong khoảnh thời gian tập huấn chuyên môn cho giáo viên trường anh, anh bảo vì quá tin tình bạn và quá tin tưởng sự thành công của dự án cải tiến, hoàn thiện ngôi trường nên đã làm sổ đỏ cho đối tác mà không làm hợp đồng về điều kiện sử dụng đất và anh có ý muốn thuê người chơi bẩn bằng các trò xã hội đen để đối tác trả đất cho anh, nhưng tôi khuyên không nên bởi không chắc những trò này đạt hiệu quả mong muốn, có khi còn làm mất mát thêm. Tôi khuyên như thế một phần vì tình hình khách quan nhưng phần khác do tôi nghĩ giữa anh và đối tác đã từng hùn hạp mua máy cày năm xưa và biết đâu chính anh đã bán máy hay làm hỏng mà không trả phần đóng góp của người ta và bây giờ thì nhân cơ hội đầy triển vọng này anh muốn bù đắp lại, hoặc vì quá phấn khích trước cơ hội vàng thực hiện ước mơ nên anh đã lót đường cho sự việc chóng hình thành, chứ chẳng lẽ anh lại khờ quá vậy, dù biết rằng giá đất nền vào cuối thập niên 1990 chỉ bằng khoảng 1/10 hiện nay nhưng một người ăn chắc, mặc bền như anh không thể hiến tặng dễ dàng như thế.

     Thấy bộ dạng thật bình dị, cách nói năng chất phác và nhu cầu tiền bạc bất bình thường của anh nhiều người có thể đánh giá anh chưa đúng bản chất, hiểu lầm anh là người thất học, chân chất. Thiếu thời tuy là người Gò Công nhưng anh đã thi đổ vào trung học Pétrus Ký ( nay là trường chuyên Lê Hồng Phong , Tp HCM), nghĩa là anh đã từng đấu học lực với học sinh Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh thành lân cận... và đã vượt qua được nhiều học sinh khác. Chẳng may năm anh lên lớp Đệ tứ , chuẩn bị thi Brevet, thì trường này chuyển sang chương trình Việt nhưng nhà anh lại nghèo, cha mẹ mất sớm phải sống với bà ngoại làm nghề bán dạo nên không đủ khả năng ra học các trường tư như nhiều đồng bạn khác. Có lẽ điều này là một ám ảnh lớn khiến anh đeo đuổi ngành giáo dục bằng mọi giá với ý định có cơ hội giúp đỡ học sinh nghèo, hiếu học . Tiếc là ngôi trường của anh chưa bao giờ đạt được mức độ đủ điệu kiện và khả năng thực hiện được ước vọng đó. Sự ám ảnh này biến anh thành một tay liều lĩnh, bạc mạng đến độ ngây thơ…nhưng đó cũng là cái cách người đời gắn bó với lẽ sống của mình. Nói cách khác, những người không chuyên môn, không vốn liếng nhưng lại muốn tự bương chảy kiếm sống mà không phải đi làm công cho thiên hạ, hầu như đều có phong thái giống như anh, khác chăng là ở chỗ anh thu gom của cải không chỉ dành riêng cho mình mà với ý đồ phụng sự xã hội …Ngoài những học sinh từng được anh cưu mang ( tất nhiên là theo hoàn cảnh của anh), anh cũng đã cưu mang nhiều bà con  và đã hoàn thành được khu mộ cho đại gia đình khá khang trang, trong đó anh gom về hết bà con, thân quyến nằm rải rác nơi này, nơi khác. Ước vọng đóng góp cho đời tuy dở dang nhưng mộng ước giúp bà con không lạnh lẽo, cô quạnh kể như anh đã hoàn thành . Mong anh hãy yên lòng ra đi và không còn cô đơn nữa.
    
 Khi thăm anh tại phòng cấp cứu, thấy anh đang được truyền dịch và truyền o-xy, tuy mặt anh vẫn hồng hào như trai tơ tôi vẫn linh cảm anh khó qua nên tôi chẳng còn biết nói gì, tôi nhẹ vuốt tóc anh để an ủi và nói đùa như bao lần từng đùa với anh: anh rán mau hết bệnh để còn về cưới vợ nhé ! Và bài viết này cũng chỉ để đùa vui với hương hồn anh, một con người mà có người bảo là “ ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, nhưng tôi không nghĩ anh chìm, nổi bởi bất quá anh chỉ lênh đênh thôi, lênh đênh như mọi thân phận nhưng cá biệt và độc đáo hơn.
                                                 
                                                 ( Viết tại Gò Công, ngày 8/9/2010)
                                                                

1 comment:

rachgia said...

Thầy kính mến
Cám ơn Thầy đã và xem trang blog . Em đã post bài Thầy nhưng em khong biết là đề tên Thầy hay bút hiệu như mọi lần trong các bài viết của Thầy . Cho em biết và em sẽ sửa theo ý Thầy . Em cũng có nghe về chuyện thưa gửi giữa một thầy .... với ông Lê do một em học trò từ bên nhà cho em biết . O^ng Lê có nuôi một người em nuôi ( học cùng lớp với em từ những năm Đệ Thất) . Thầy khỏe không ? Có bài viết nào Thầy muốn chia xẻ với các Thầy cô và học trò của Thầy thầy gửi cho em để mọi người cùng đọc nha Thầy . Em kính gửi đến Thầy lời chúc sức khỏe và niềm vui
Em
TL