Các bạn cùng đi theo tôi trên một con đường thẳng từ Tây sang Đông của Thị Xã Rạch Giá được mang 3 tên đường khác nhau đó là: đường Trương Vĩnh Ký , đường Cái Văn Ngà và đường Võ Tánh .
Bắt đầu từ bờ biển Rạch Giá đầu đường Hoàng Diệu , đi về hướng Đông trên con đường Trương Vĩnh Ký , phía bên tay phải là Trường Nữ Tiểu Học Tỉnh Lỵ ( Trước năm 1965 là Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực ) , phía bên tay trái là nhà của Lê Kim Định , gần đó là nhà của Ông Sìn có xe mì bán ở đầu nhà lồng chợ Rạch Giá vào những ngày Tết .
Đi đến ngã ba là đường Đinh Tiên Hoàng , đường này có nhà của thầy giáo Lê Bá Ban ( thầy của tui Lớp Nhứt D Trường Nam Tiểu Học ) và nhà của Bà Sáu Điếc bán bánh mì tôm chiên nổi tiếng ở cổng sau Trường Nam , cùng với xe nước đá bánh lọt đậu đỏ của Chú Xây .
Tiếp tục đi trên đường Trương Vĩnh Ký đến ngã ba kế tiếp là đường Võ Văn Sang ( trước năm 1964 là đường Huỳnh Tịnh Của ) , đường này có nhà của thầy Huỳnh Ngọc Thọ
Tiếp tục đi tiếp nữa trên đường Trương Vĩnh Ký , phía bên tay phải là Trường Nam Tiểu Học Tỉnh Lỵ , đối diện trường này là nhà trọ của cô Bùi Thị Sương ( cô giáo Lớp Ba F Trường Nam của tui ) . Năm 1963 năm mà ông Cái Văn Ngà hy sinh vì nước , con trai ông Cái Văn Ngà là Cái Thanh Hồng học chung với tui ở Lớp Ba F này . Căn nhà trọ của cô Sương này cũng có lúc làm Quán Nhện là loại quán nhạc đèn mờ , tương tự như Quán Dư Âm ở đường Lê Văn Duyệt của thầy Trương Ngọc Thạch và Quán Tìm Quên ở đường Mạc Cửu của ông Tư Biện .
Đi thêm một chút xíu nữa là đến ngã ba đường Thành Thái , đường này có Nhà Bảo Sanh Hồng Đức ( Trường Học Nghề cũ ) , có phòng mạch Bác Sĩ Nam , trong hẻm có nhà của Lê Hoàng Kiệt , đối diện với phòng mạch Bác Sĩ Nam là Chùa Bà Hải Nam , cạnh Chùa Bà Hải Nam là Sân Bóng Rổ Kiện Lực, (sân này đã từng tổ chức Giải Bóng Rổ Đoàn Kết của 16 tỉnh Miền Tây) .
Đi tiếp trên đường Trương Vỉnh Ký , phía bên trái có nhà của Nguyễn Thị Hiền , kế bên là đường hẻm đi vô nhà của Tất Ngọc Hưng ( nhà của Quán Mì Đào Ký ) , rồi đến Tiệm Khắc Dấu Đồng của Nguyễn Nghiệp Tự , đường Trương Vĩnh Ký đến đây là hết .
***
Bây giờ thì chúng ta đã đi đến Trung Tâm Thị Xã Rạch Giá đường Lê Lợi , phía tay trái có Tiệm Chụp Hình Tấn Hưng , có Quán Kem Gia Tân Băng Gia , có Rạp Hát Nghệ Đô ( trước đó là Trường Nữ Tiểu Học ) , phía tay phải có Nhà Việc hay Ty Cảnh Sát , đằng kia là Nhà Thương , phía bên kia đường là Chùa Bà Quảng , cạnh chùa là Trường Tàu Dân Trí , đi một đoạn thì đến nhà của Vương Hùng Kiệt ngang Nhà Thương . Các bạn hãy ráng đi thêm một chút xíu nữa qua Cầu Đúc , ở góc đường Nguyễn Thái Học và đại lộ Nguyễn Trung Trực để thăm cô Lý Thị Diển , cô giáo dạy Lớp Nhì E Trường Nam của tui .
Trở lại ngã tư đường Lê Lợi trước Ty Cảnh Sát là đầu đường Cái Văn Ngà (trước 1964 là đường Thiệu Trị ) , phía bên tay mặt có Xe Nước Mía của Huỳnh Hùng và Xe Mì Cảnh Ký ( anh em với Đào Ký ) , 2 xe nầy ở ngay trước cổng chùa Bà Quảng trước năm 1963 , sau lưng chùa này là sân chơi của Trường Trọng Ni , và sân này được xây dựng nên Chùa Bà Quảng mới , mặt tiền xoay qua đường Lê Lợi và Trường Trọng Ni nằm cạnh đó được đổi thành Trường Dân Trí, sở dĩ tui biết rành như vậy là vì tui đã theo học ở Trường Trọng Ni này hết 3 năm ( 1958-1961 ) rồi mới chuyển qua Trường Nam học Lớp Tư , tui không có học Lớp Năm . Trường Trọng Ni trước đó còn có tên gọi là Trường Tứ Quỷ và anh chị của tui đều học ở trường này .
Tiếp theo đó là Nhà Vẽ Thiếu Sơ , rồi nhà của Bà Tàu bán chè mè đen , và nhà của bà Tàu tóc cắt bum-bê bán bánh mì xíu mại, 2 bà này đều là bạn bè của bà nội tui .
Ở bên kia đường có sạp bán cháo trắng xá bấu hột vịt muối (Ban đêm) , kế đó là Nhà May Tân Tân , rồi Bi-da Bình Dân , đi một chút thì đến ngã tư đường Gia Long , quẹo trái có Nhà May Áo Dài Mới đồng thời cũng là quán ăn điểm tâm sáng , đằng kia là Nhà Sách Tấn Hóa của Lê Bé Quang , bên kia đường là Tiệm sửa Honda của Lê Trường Khánh .
Sau khi đi ngang qua đường Gia Long , phía bên tay phải có ngôi nhà cổ xưa , đó là nhà của Bà Cò Tàu Tuất , tui đã từng đến nhà này mua giấy báo tạp chí cũ cân kí lô , trên những cuốn Tạp Chí này đều có đề tên Đỗ Kiến Nhiễu.
Tiếp tục đi đến ngã tư đường Hùng Vương , nếu quẹo trái có nhà của Phạm Thị Ngọc Sương , nhà của Cô Sáu Cô Bảy (Cô Bảy là cô giáo Lớp Tư B Trường Nam của tui , còn Cô Sáu dạy Lớp Tư C . Lớp học của Cô Sáu Cô Bảy có cái đặc biệt là hàng tháng bàn ghế trong lớp đều được đánh bóng bằng dầu đèn cầy) , rồi tới Tiệm Chụp Hình Bạn Trẻ , đối diện là Quán Cà Phê Minh Châu . Nếu quẹo phải , bên tay trái ngay góc đường là Tiệm Cà Phê Phước Hải , trên lầu là Khách Sạn Đỗ Thành 2 , đằng kia là trường Trung Học Tư Thục Võ Văn (Rạch Giá còn có một trường trung học xưa nữa là Trường Trung Học Tư Thục Kiên Giang ở đường Thái Lập Thành [sau này mang tên Bến Bạch Đằng] , ngay bến tàu đi Phú Quốc , khoảng giữa phòng mạch Bác sĩ Định và đường Thành Thái , chưa nghe ai nói tới , sở dĩ tui biết là vì lúc nhỏ tui đi ngang qua trường này mỗi ngày) .
Chỉ còn một đoạn đường nữa là đi hết đường Cái Văn Ngà , tại đây bên tay phải có Phòng Sang Băng Nhạc của Khưu Hoài Trung. Tui không biết Quán Lệ Thanh , không biết nhà Bà Trần Thiện Khiêm , cũng không biết Khách Sạn Thanh Hải , chỉ biết Khách Sạn Thanh Hải ở bên hông Rạp Hát Châu Văn mà thôi .
***
Bây giờ thì chúng ta đi đến đại lộ Phó Điều , có lúc gọi là Phó Cơ Điều hay Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều , bên trái là bến xe đi Cần Thơ, bên phải là bến xe đi Long Xuyên (sau này bến xe được dời qua bên Bến Xe Hà Tiên , rồi lại dời ra Sân Bay Lạc Hồng sau Cổng Tam Quan ) .
Bắt đầu bước vô đường Võ Tánh , ngay góc phải là Tiệm Nước Mắm Lý Thanh Hưng của Lý Ngọc Kim và Lý Ngọc Bửu , tiếp tục đi trên đường Võ Tánh , tay phải có Bi-da ABC , sau khi đi qua ngã tư đường Trịnh Hoài Đức , phía bên tay phải có Đình Vĩnh Huề và Trường Tiểu Học Vĩnh Huề , đối diện là Hãng Nước Đá Châu Văn .
Rồi đi đến ngã tư Thủ Khoa Nghĩa , quẹo phải có Rạp Hát Hoà Lạc , chuyên hát Phim Tình Cảm Ca Vũ Nhạc Ấn Độ Đứa Con Trong Lửa Đỏ có Út Bạch Lan ca 6 câu Vọng Cổ . Đối điện rạp hát là Nhà Vẽ Văn Nghệ của Trương Vĩnh Hào .
Đường Võ Tánh còn một đoạn nữa là chấm dứt bởi một con đường ngang , rất tiếc tôi đã quên mất cái tên đường này rồi , trên đường này có chùa của Xác Kim Xê chuyên trị bịnh bằng thuốc Nam .
- Đường Trương Vĩnh Ký , giữa Đinh Tiên Hoàng và Võ Văn Sang (ngang Trường Nữ) là nhà Bé Ba, học chung LD trong này. Và nhà thằng Trí bị pháo kíck năm Mậu Thân lòi ruột !
- Đường Võ Văn Sang này còn có nhà của Thiện Ti Ti (em cô Tố Lang), cạnh dậu rào sắt là nhà Thu Đông , Ái Trung, Trí Gù, Ái Nhân ...
- Ở cái chỗ đường Cái Văn Ngà , vừa qua Ty Cảnh Sát, bên trái là tiệm may Tân Tân có em Tự ,đẹp gần bằng Á Hậu Hawaii, ở Phú Quốc mu vào học tiếp đệ tam Lâm Quang Ky. Ngang đó có nhà sau này của chú Xây bán nước đá và thằng tàu gì học chung lớp nhứt thầy Ban con của quán Ba Ký ?
- Bi-da Bình Dân ngang Kỳ Nam giặt giũ là nhà của Thầy făng-xê Huỳnh Ngọc Ẩn. Cạnh Kỳ Nam là dãy phố của dân Cả Bần họ hàng với bên Ngoại LL, có anh Tạ Duy Luân ở đó và căn nhà bố mẹ của bà Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm (dân Cả Bần).
- Bên mặt Cái Văn Ngà quẹo qua Gia Long là nhà LD, biệt thự ông Phó Tỉnh.
- Băng qua nhà Bà Cò Tàu Tuất là dãy phố có nhà thầy Făng-xê Phùng Nhật Nam.
- Đường Hùng Vương phía Bạn Trẻ còn có nhà Nguyễn Chánh Ngôn (em trai của Hạnh) và nhà Cô Sáu cô Bảy có Thảo (con cô Tám Yến dạy Vĩnh Huề) học chung LD, và là chị dâu Đặng Ni Cô bên này .
- Đường Hùng Vương bên kia Cái Văn Ngà là dãy phố mới có nhà Quách Băng Phục, Ngô Đông Hoa, .. xa xa nữa là Lợi Ký , Air Vietnam.
- Trên Phó Điều đi vào Võ Tánh, góc bên mặt là nhà Tony Hải, cạnh là đại lý nước mắm Phú Quốc Lý Thanh Hưng, papa của Lý Ngọc Tú (aka Tú Gov trong TLW này, aka also Tú Phạm, họ chồng )
- Võ Tánh đi tiếp tới là nhà Thế (Bạn Trẻ) anh của Thanh Thanh, người mẫu RG cao ráo, hiện là chị hai của Lộc Lê trong TLW . Đi tới nữa là Đình Vĩnh Hoà mỗi năm rằm tháng giêng là làm lễ 3 ngày 3 đêm có hát bội tùm lum. Đình này rất linh thiêng và lâu năm nay thờ ông Vĩnh Hoà và ông Võ Tánh. Kế đó là trường Tiểu Học Vĩnh Huề của tui hùi nhỏ.
- Đi nữa nghen là tới ngã tư rạp Hòa Lạc chuyên trị phim Ấn Độ và cho các đoàn Cải Lương từ Sài Gòn xuống. Đường này tên là Thủ Khoa Nghĩa, thẳng hướng South nữa gần tới Lò Heo là trại hòm Tám Cảnh (papa thằng Đá, học chung tui với thầy Ban).
- Hướng North của Thủ Khoa Nghĩa tới mé sông là khu Nóc Bằng nhà ngói đỏ, gần đó nổi tiếng với mấy cái hẻm hắc ám ! Khu nhà ngói Nóc Bằng (thiệt ra là nhọn, nhưng có 1 căn lầu xây tường 4 bên nên nhìn lên tưởng là nóc bằng .. là nhà tui đó, gia đình Nguyễn Hữu Trung (Pô) có ở đây 1 thời gian sau thời kỳ Tản Cư 1954 . Đúng ra đây là dãy nhà kho của tiệm Văn Minh Frères xây năm 1942. Văn Minh Frères là tiệm rất bự có 4 căn, buôn đồ Tây nhập cảng lớn nhất thời đó ở chợ Rạch Giá (của Papa LL và các người Bác hùn lại) mà sau này mấy ổng theo Việt Minh về U Minh kháng chiến chống Tây, bị Tây tịch thu và sang lại cho người Tàu là tiệm Nam Mỹ và Đổ Khuôn Mậu (cậu Chín) sau này ..
Ối sao mà dài giòng thế ???
Nguồn : Rạch Gía Trăm nhớ nghìn thương
No comments:
Post a Comment