Sunday, October 24, 2010

Thư gửi em Diễm Trinh - Chân Diện Mục


  Em Diễm Trinh thân mến !

   Thầy nhận được thư em bàn về " Từ Thiện " sau khi thầy cũng đã dược đọc bài của ông bạn Việt Kiều " Việt Nam đâu có cần các anh làm từ thiện " . Sau đó thầy cũng có đọc bài về " việc làm từ thiện " của một vị " Đại Đức " ở Biên Hoà . Nghĩ ngợi lan man mãi , hôm nay mới viết thư trả lời em , nên bài luận về từ thiện này hơi dài dòng .
        Thầy biết em có một tấm lòng luôn nghĩ đến dân nghèo . Thầy đồng ý với em là làm từ thiện thì không bao giờ thừa , không bao giờ mệt , chán nếu ta cómột tấm lòng , một mục đích , một lý tưởng . Nhữngngười làm từ thiện thì phải được khuyến khích , tôn vinh .

        Trước đây thầy có đọc cuốn sách của một người Pháp , lâu lắm rồi ... từ thế kỷ trước ... viết về chuyện giúp đỡ người hành khất ( trước kia người Việt mình nói : cho ăn mày ) .Một đề tài nhỏ như thế ... ai ngờ ông người Pháp đó viết cả trăm trang . Nhưng điều thú vị nhất là những phân tích của ông ta cho thấy hầu hết người ta cho ăn mày là ... vì mình , chứ không phải vì ăn mày ! ( không hiểu ông ta có bằng Tiến Sĩ Tâm lý học không ? )
        Một buổi đẹp trời nào đó , muốn cho tiền người khác , cho rồi thấy trong lòng vui vui , nhẹ nhõm , thơ thới . Khi ta ngồi với bạn , nhất là với người đẹp , người yêu, thì niềm vui đó được nhân lên gấp bội ! Khi ta  muốn cho , nhưng sờ túi không có tiền , ngày hôm sau có nhiều tiền thì ta cho nhiều để bù lại ngày hôm qua .
        Nhiều người đã dùng chữ Nghĩa cử hay " làm phước " thay cho chữ làm từ thiện , cho ăn mày.
        Người nhận tiền hay đồ ăn chỉ nghĩ đến dự tồn tại trong ngày hôm đó và những ngày kế tiếp , chẳng bao giờ họ nghĩ đến Phước đời này hay đời sau . Người cho cũng chẳng bao giờ nghĩ đến Phước của người nhận . Vậy người ta làm " Phước " là nghĩ đến " Phước " của mình vậy  . Tu nhân " tích Phước " cho mình và cho con cháu của mình vậy .
        Có anh học trò của thầy phất lên vào những năm đổi mới , lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh tiền bạc , anh ta luôn cho tiền những người hành khất đi tới . Khi người này đi khỏi thì anh ta quay sang thầy và cười nói " khi người ta khi mình "  ý nói khi nào mình lỡ bước ... thì sẽ có người cho lại ... Không hiểu đó là câu nói ngông hay câu nói ... đạt đạo . Nhưng nụ cười và nét mặt , giọng nói của anh ta lúc đó rõ rãng là không coi người hành khất kia ngang hàng với mình !    
        Đến đây thì ta nên liên tưởng tới cái Xí Cô Hồn ngày rằm tháng bẩy . Xưa kia người ta nấu nồi cháo lớn , lấy đũa quết cháo lên hàng ngàn lá đa vương vãi khắp sân để các cô hồn vất vưởng đi qua được hưởng ( cháo thí lá đa ) . Ngày nay thì người ta ném hàng ngàn tấm bánh , bọc bánh , trái cây lên đầu các cô hồn sống để các tay này tranh nhau chộp , có khi bánh trái bể nát , dơ hèm ( ở Phú Quốc có cả những du khách đi chơi đêm rằm cũng tham dự trò chơi này ) . Không hiểu sao cái Thuần phong mỹ tục này , cái truyền thống tốt đẹp mày không được người ta dẹp bỏ . Cái Xí Cô Hồn này không thể kể là một việc làm từ thiện được .
        Phải chăng ta không tôn trọng người khác như bên Âu Mỹ . Hình như ông Tourgueniev có viết :   Một người đi đường gặp một hành khất , ông ta móc hết túi quần . ao , không có tiền và bất cứ vật gì cho được , ông ta chìa tay ra và nói : người anh em , tôi không có vật gì cho người . Người hành khất đưa tay ra bắt tay vị khách nọ và nói : người anh em , đó cũng là một cách bố thí rồi .
        Phải chăng người Âu Mỹ hơn hẳn chúng ta một cáu đầu , một trái tim . Cho người , không thể đứng trên cao ném tiền xuống , mà phải từ một con người cho một con người . Một ông Tây khác nói : " người tự trọng là người biết tôn trọnh kẻ khác " . Đúng vậy ! Ta có trọng người thì người mới trọng ta !
         Gần đây người ta hay nói câu : Cho con cá không bằng cho cái cần câu . Nhưng nếu ngăn sông cấm hồ khiến người ta không câu được thì cũng như không ! Thế thì cho cần câu không bằng cho người ta cơ hội đánh bắt !  Nhưng nếu người ta có cơ hội nhỏ nhoi đánh bắt , chăn nuôi , trồng tỉa ... rồi mình lại dùng phương tiện lớn chèn ép ... độc bá đầu vào đầu ra , làm giá , ép giá .... thì người nghèo cũng chẳng cón cửa nào để sống ! Vậy thì cho cần câu  chẳng bằng cho một môi trường lành mạnh , một cơ hội đồng đều , một cơ chế minh bạch .
        Nếu ta chỉ nói suông : lo cho người nghèo , thì thực không bằng những lo nghĩ sâu xa của Nguyễn Trãi , Phan huy Chú ... trước chúng ta hàng mấy thế kỷ .
        Trở lại với tác giả Việt Kiều trên kia . Chắc hẳn ông ta không muốn nói rằng : Chúng tôi không bao giờ về Việt Nam làm từ thiện nữa . Làm từ thiện vô tư , âm thầm như quý vị về Bến Tre làm cầu khỉ , xây trường học ở những thôn làng hẻo lánh , xa xôi thì ai mà không trân trọng quý mến ( biết đâu chính tác giả đó đã từng làm như thế ) . Ông ta chỉ không đồng ý với những người đòi quản lý việc làm từ thiện , đòi độc quyền chia chác quỹ từ thiện . Người ta có quyền nghi ngờ sự " chia " để kiếm " chác " này khi gạo cứu trợ tới tay người nghèo đã mốc vì ... là gạo lâu năm . Nhiều người nghèo quá , đói quá ... đã phải nấu ăn thôi , nhưng chắc là vừa ăn vừa ngậm ngùi ... rơi lệ , tủi thân , và chắc là không cám ơn nổi những người gửi tới !
       Ông Việt Kiều này chỉ cười buồn khi thấy nhiều vị về nước làm từ thiện bằng cách khua chiêng đánh trống để chia danh " thơm " cùng các quan lớn .  Cứ nhì quý vị đó cầm bảng số tiền tượng trưng , hoặc bằng khen , đứng cạnh quan lớn ( dể chụp hình , quay phim ) mà mặt mũi hún ha hún hớn , tý ta tí tửng thì ai mà chẳng buồn cười . Các quan lớn có phải do dân bầu đâu . Có khi chạy chức hay do quan trên xỉ xuống để xếp đặt , chia chác . Có khi là những người ức hiếp dân và tham nhũng hối lộ mà chưa bị lộ đó thôi . Vậy thì mấy ông đó có tư cách gì mà như người trên ban " Bằng Khen " cho kẻ dưới . Mấy ông đó có tư cách gì mà đại diện cho dân nghèo , đại diện cho người hoạn nạn để cám ơn nhà hảo tâm ? !
         Ngày nay xã hội đang nóng rát như lửa cháy lông mày . Các thế lực đen tối đang muốn " Nướng dân đen ......"  ,  " Vùi con đỏ  .... "    ... thì lúc này hơn lúc nào hết người ta rất cần những tấm lòng từ thiện .   Hãy làm từ thiện ngay đi , nếu không thì e rằng   ... quá muộn .
         Em Diễm Trinh thân mến !
         Thầy cũng muốn làm từ thiện bằng cách viết mấy dòng chữ gửi đi .....
         Em có đồng ý với thầy không ?

                                                            Chân Diện Mục 
Nguồn:
http://vn.360plus.yahoo.com/chandienmuc36

No comments: