Riêng tặng má của con và các em thương yêu - món quà ngày Vu Lan
HTTL
_
Ngoài Tết Nguyên Đán ra thì ngày lễ tôi mê nhứt hồi ngày còn nhỏ phải nói là ngày lễ cúng cô hồn của Rằm tháng Bảy . Rằm tháng bảy còn là ngày của mùa Vu Lan báo hiếu. Chị em tôi đêm đêm thường xúm xít bên nhau nghe Ngoại kể về sự tích hiếu thảo của Đức Mục Kiền Liên, vị Bồ Tát đã kêu gọi tăng chúng mười phương cùng ngài hiệp tâm cầu nguyện cho thân mẫu ngài thoát khỏi chốn A Tỳ ngạ quỷ và kể từ đó ngày rằm tháng bảy hay lễ Tự Tứ Vu Lan mỗi năm là dịp để cho con cái cầu nguyện cho cha mẹ còn sinh tiền hoặc là hồi hướng công đức mình cho Tam Bảo đối với mẹ cha đà khuất bóng
Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ
Mười phương tăng đều dự lễ nầy
Người lo sắm sửa đủ đầy
Đồ ăn trăm món , trái cây trăm màu
. Tuy cùng là ngày rằm tháng bảy nhưng lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau. Một đằng thì liên quan đến chuyện Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát, một đằng lại liên quan đến chuyện ông A Nan Đà. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí, cúng dường cho những vong hồn khắp nơi không ai thờ cúng. . Ngày còn thơ bên nhau,chị em tôi đứa nào cũng thích ngày cúng cô hồn mà Ngoại giải thích là ngày xá tội vong nhân . Theo tôi Cúng cô hồn là một phong tục rất đẹp của người Việt. Một sự chia xẻ, một tấm lòng cho nhau giữa người sống và người chết, một sụ cảm thương cho những vong hồn vất vưởng lang thang không nơi nương tưa. Năm nào cũng vậy gần đến ngày là Má đã chuẩn bị từ cả tuần lễ trước nào là nếp nào là lá dây cột đầy đủ để gói bánh . Cúng Cô hồn vui lắm lễ cúng thì thường bày ra vào buổi chiều có lẽ ở thời khắc chạng vạng đó hồn ma bóng quế vất vưởng lang thang đâu đó sẽ nương theo khói hương mà trở về chăng ? Tôi chạnh nhớ bài thơ của Anh Thơ năm xưa
Gió hiu hắt gieo vàng muôn cánh lá,
Trời âm u mây xám bóng sương chiều.
Làng xóm ngập nhà nhà trong khói tỏa
Vẳng đưa lời khóc mã lạnh hiu hiu.
Trong chùa, điện hương đèn nghi ngút sáng
Tiếng mõ, chuông hòa nhịp trống bên đình.
Lời cầu cúng truyền theo làn khói thoảng
Quyến cô hồn nương gió lại nghe kinh.
Ngoài đê rộng bồ đài nghiêng đổ cháo
Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày.
Cùng lẳng lặng như bóng ma buồn não
Dắt nhau tìm nơi cúng để xin may.
Hai thứ bánh được sửa soạn để làm và phải có trong lễ cúng đó là bánh cấp và bánh cúng ., Bánh cấp là những cái bánh nho nhỏ hình chữ nhựt gói bằng gạo nếp nhỏ hơn bánh Tét nhiều, thường thường người ta gói một cặp và buộc chung từng cặp với nhau có lẽ vì thế nên gọi là bánh cặp và người ta nói riết rồi thành bánh cấp cho đến ngày nay ? Còn bánh cúng thì tôi nghĩ ban đầu có lẽ gọi là bánh cuốn vì lá được cuộn tròn lại như một cái ống đường kính khoảng một lóng tay dài hơn một gang tay , và cùng những nguyên liệu như bánh câp . Có điều tôi hơi thắc mắc tại sao gọi là bánh cúng . Bao nhiêu thứ bánh đem cúng mà có gọi là bánh cúng đâu ? Bánh nào đem cúng mà chẳng gọi là bánh cúng ?
Theo lời xưa truyền lạị đây là một loại bánh dân gian của người Chăm rất đặc biệt dùng vào dịp cúng kiến lễ lộc của họ. Người Chăm dùng sản vật tinh khiết tự nhiên của đất trời như gạo nếp để làm thành bánh , đặc biệt là không có thịt, chỉ hoàn toàn là nếp mà thôi để dâng cúng và cũng theo lời giải thích của TS Huỳnh Tới như sau "Nếu như bánh dày bánh chưng của Việt Nam tượng trưng cho Trời và Đất, thì ý nghĩa của bánh cúng - bánh cấp thực tế hơn rất nhiều. Bánh cúng (dài) tượng trưng cho... Linga (bộ phận sinh dục nam), bánh cấp (chữ nhật) tượng trưng cho... Yoni (bộ phận sinh dục nữ). Đây chính là nền văn hóa phồn thực của dân tôc Chăm, vì nhờ vào linga và yoni mà vạn vật mới sinh sôi nảy nở."
Có điều tôi không hiểu tại sao phải có hai thứ bánh của người Chăm trong lễ cúng cô hồn của người VN ta . Có phải chăng những hồn ma bóng quế của Hận đồ bàn năm nào vẫn còn lảng vảng trên mảnh đất nầy . Họ là những oan hồn còn sót lại chưa siêu thoát sau trận Nam Tiến chiếm Chiêm Thành của dân tộc ta ngày trước
Rừng hoang vu!
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương!
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây...
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm...khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga...
Người xưa đâu và tôi tự hỏi phải chăng những lễ cúng nầy dân ta dùng bánh của dân Chiêm Thanh dâng cúng trong rằm Tháng Bảy như chuộc lại một chút lỗi lầm nào với người đã khuất chăng ?Bánh được gói bằng nếp như bánh Tét nhưng nếp được xào với nước cốt dừa , trộn với đậu trắng đã luộc chín và thêm một ít dừa đã nao. thành sợi, nêm chút đường muối mặn mặn ngọt ngọt cho vừa miêng , ngoài ra nếp còn được bỏ thêm vào một chút lá dứa đã đâm nát lọc lấy nước bỏ vào cho nếp có màu xanh đẹp mắt mà bánh khi chín mở ra thơm lắm . Chỉ chừng nguyên liệu như thế chứ không có... thịt mỡ như bánh tét của ta. Thế mà nó ngon lạ ngon lùng . Bánh vừa mới vớt ra . Mùi của nước dừa ngào ngạt bốc lên quyện với mùi nếp, mùi lá dứa tạo nên một mùi thơm lạ thơm lùng ai mà không muốn bóc liền để thử miếng bánh nóng hổi mới ra lò ... Tôi lại mê ăn bánh cấp hơn bánh Tét . Có khi tôi òn ĩ với má bỏ thêm chuối vào giống như bánh tét chuối của Ngoại Má cũng chìu con má lấy chuối ướp thêm chút muối đường cuộn vào nếp và gói cho con gái mấy cặp . Má bảo " Bánh cấp không ai gói có thịt có chuối bao giờ đâu con
Đó là nói về bánh . Còn bao nhiêu thứ để cúng Cô hồn Rằm tháng bảy như mía chặt khúc , khoai lang trắng có , khoai bí có , cả khoai dương ngọc nữa , nhưng tất cả đều để sống mà cúng . Tôi thỏ thẻ hỏi má " Má không luộc cho chín mình cúng có ai mà ăn được hả Má " Má xoa đầu tôi và nói " Cúng người khuất mặt khuất mày mà con " Tôi gật gật làm như hiểu mà tự hỏi " Tại sao Khoai phải để sống còn bao nhiêu thứ khác thì chín nghĩa là làm sao . Như đĩa gà quay , đĩa tôm nướng ,miếng thịt quay hay miếng thịt luộc ăn kèm với bánh hỏi . Cúng cô hồn thì được bày cúng ở trước sân nhà . Má trải một chiếc chiếu mới và bao nhiêu thứ đều được bày ra . Có cả mấy bát cháo trắng loãng . Chị em tôi hay cười khi nghe Ngoại giải thích tại sao bắt buộc phải có ba bát cháo loãng trong cỗ cúng cô hồn . Ngoại bảo " Cháo đó để cho các vong hồn lâu nay không ai cúng kiến , họ phải dùng cháo trước cho cổ họng làm quen với thức ăn trước khi dùng các món khác "Có giấy tiền vàng bạc , đồ đạc bằng hàng mã nữa , nào áo , nào quần , nào xe , nào tiền không thiếu thứ chi v v Nhang thì đốt cắm dài dọc theo đường đi ra tận ngõ mà Ngoại giải thích là cho cô hồn theo nhang khói mà biết đường đi vào mà hưởng món ăn thức uống của gia chủ . Má còn làm mấy món đồ chay bì chay , gỏi cuốn . Năm nào Ngoại cũng nấu thêm một nồi cà ri chay thật to . Cúng xong khi đốt vàng mã xong . Ngoại múc từng chén và đem phát cho các cô hồn sống đứng dầy đặc trước cổng rào . Ngoại không cho mở cổng. Tôi nói Ngoại đóng cửa vậy cô hồn làm sao vô được . Ngoại cười và nói " Mở cửa mấy cái tụi cô hồn sống nó vào giựt hết làm sao mà cúng với kiến . Mà thiệt vậy bên ngoài cổng rào đa số là con nít trong xóm đứng đông nghẹt . Tôi nghe có tiếng đứa nầy nói
- Nhà nầy bánh cúng bánh cấp là ngon hết xẩy
Rồi loáng thoáng có đứa khác nói
- Con gà quay trông bắt mắt quá bây ... còn dĩa xôi vò nữa kìa !
Ngoại xây qua bảo tôi
- Đó bây còn kêu Ngoại mở cửa nữa không ? . Chưa cúng là tụi nó nhào vô rinh đi hết còn gì
Nhớ năm 2005 tôi về thăm nhà ngay rằm tháng bảy . Ngoại tôi đà khuất núi lâu rồi . Mâm cơm cúng khi xưa Má cũng làm bao nhiêu thứ đó . Má tôi lụm cụm đem ra trước nhà . Nhang chưa kịp thắp thì một đám con nít từ đâu ùa tới . Má chưa kịp nói dứt câu " Tụi con để cho bà cúng xong hả nghe " thì mâm cỗ đã bị giựt tứ tung . Má cười và nói " Bây giờ cũng còn biết bao nhiêu người đói , Cô hồn sống đầy dẫy hà con ..Thì thôi tụi nó ăn thì cũng vậy thôi phải không con ?
Những dòng chữ con viết hôm nay như lời thương nhớ của con gửi về Má, gửi về ngày xưa chốn cũ . Bây giờ Má đã yếu lắm rồi . Năm nay Má có còn gói bánh như ngày xưa chị em con còn bé hay không ? Bao mùa Vu Lan trôi qua Má thui thủi một mình với bao kỷ niệm chất chồng vẫn còn đó trong gian nhà cũ . Đàn con của Má đứa đầu non , người cuối bể . Còn đâu những rằm tháng bảy xa xưa , chị em tôi cúng xong ở nhà hay kéo nhau đến xóm nhà " Cắc chú" đầu ngõ xem họ cúng cô hồn . Người Tàu họ cúng lớn lắm . Họ còn có tục rải tiền . Con nít xúm nhau mà lượm . Trên đường về nhà , trên tay đứa nào cũng có một cái bánh , trái ổi , nắm xôi và vài đồng bạc cắc . Tiếng thằng Thiện vừa cười nắc nẻ vừa nói như vẫn còn văng vẳng bên tai " Xí cô hồn vui dễ sợ hả chị "
Tháng bảy lại về . Trong làn gió se se lạnh của buổi chớm thu nơi quê người tôi nhớ quay quắt những chiều tháng bảy năm xưa . Ôi ngày xưa của tôi ơi ! Một trời thương nhớ . Tôi khẽ gọi con gái của tôi
- Ty ngâm nếp cho Mẹ , ngày mai hai mẹ con mình gói bánh cúng cô hồn nghe con
Winnipeg Mùa Vu Lan 2011
Kiên Giang Tiểu Thư
5 comments:
Hi Cô.Lúc nhỏ em cũng rất thích bánh cấp và bánh cúng, giờ nghe cô nhắc lại nhớ ơi là nhớ ,hôm nay là rằm tháng bảy nếu không ghé Tha Hương chắc quên..Cám ơn cô nhiều lắm ,cho nên mới nói có Tha Hương đời còn "dễ thương'(thịêt đó hổng dóc đâu)cuộc sống bên nầy bận rộn lắm cô ơi! bánh cô gói xong chưa?nhớ ăn dùm em vài cái,bên nầy không có đâu.Chúc cô và gia đình chủ nhật vui vẻ,tháng tới trung thu nhớ nhắc em nghe,để xem cô làm gì cúng trung thu nè cho em biết trước được hông??để mà bắt chước...N
N em
Mời em đọc một bài viết về giật cô hồn nha . Hồi còn nhỏ chắc có con bé N trong đám con nít nầy quá . Phải hông nhỏ ?
______
Giật cô hồn - tuổi thơ tôi
Rằm Tháng bảy-lễ hội Vu lan-ngày những ai còn mẹ, một bông hồng cài áo, nhiều ý nghĩa đến thế, mãi sau này tôi mới hiểu ra điều này. Hồi đó đối với tôi, rằm Tháng bảy, tức là tháng cô hồn, chúng tôi mong đến ngày này bởi đây là thời gian chúng tôi nghịch ngợm và phá phách nhất.
Chẳng còn nhớ ngày xưa người ta cúng cô hồn bao gồm những lễ, nghĩa gì. Đối với tôi cúng cô hồn có lẽ phát triển thành phong trào rầm rộ nhất sau những năm 1990. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất nâng cao hơn "Giàu sang sinh lễ nghĩa là vậy".
Người Việt có lẽ ảnh hưởng khá nhiều từ phong tục cúng cô hồn của người Hoa. Đọc Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du thấy ngày xưa người ta cúng cô hồn đơn giản lắm, nhiều khi chỉ là "cháo lá đa" bày bên vệ đường cho những âm hồn vất vưởng hưởng lộc của bá tánh.
Bọn trẻ chúng tôi ăn theo tháng cô hồn rất hăng, có lẽ vào đầu tháng 7 hầu như chả đứa nào thèm ăn cơm ở nhà. Bởi khi ấy bữa cơm cá thịt hầu như là mơ ước quá xa tầm tay. Đi giật cô hồn có đủ thứ món ăn ngon mà chúng tôi thòm thèm.
Giật cô hồn cũng là một trò chơi khá thú vị của tuổi thơ tôi. Hình Internet
Tùy vào gia cảnh mâm cúng cô hồn có thể là trái cây, mía cắt khúc, đậu phộng luộc, bánh bò,... sang hơn người ta cúng vịt quay, gà luộc, và có cả tiền thật. Thời gian cúng cô hồn nhiều nhất là bắt đầu từ 14 tháng 7 âm lịch, kéo dài đến tận cuối tháng... Họ cúng cả ngày lẫn đêm không đặt nặng vào giờ giấc và quan niệm mâm cúng cô hồn không ai giật là mất thiêng.
Bởi thế suốt tháng cô hồn bọn trẻ chúng tôi ít ăn cơm nhà là vậy. Sáng ngủ nướng tới tận 9-10 giờ, thức dậy rửa mặt qua loa rồi rủ nhau cả bọn đi giật cô hồn. Người khó tính đợi nhang tàn mới cho bọn trẻ vào tranh nhau những vật phẩm cúng, người dễ tính thì cổ vũ cho bọn trẻ giật càng nhanh càng tốt, nên phát sinh nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười bởi những thằng cô hồn... sống là bọn trẻ chúng tôi.
Nhiều mâm cúng cô hồn dọn lên thật hấp dẫn, gà luộc có, vịt quay có... gia chủ lơ đễnh vào trong nhà bưng hoa quả lên chưng bày thì phát hiện: con gà luộc với vịt quay người cõi âm chưa chấm mút gì thì đã bị bọn cô hồn sống chúng tôi "khoắn" sạch sẽ.
Có người thành tâm thắp nhang cúng bái, miệng đọc kinh, mắt nhắm thập phần cung kính, nhưng khi mở mắt ra thì nguyên mâm trái cây không biết biến mất từ lúc nào, chỉ còn nghe tiếng cười đùa khoái trá của bọn trẻ đã cao chạy xa bay hằng mấy con hẻm.
Tháng này thằng nào cũng lên cân thấy rõ bởi được ăn đủ thứ của ngon vật lạ, trái cây thì không sao kể hết, có đứa đi giật cô hồn 1 buổi sáng chiến lợi phẩm là hàng chục kí lô trái cây chất ngất ngưởng trong nhà.
Sau này người ta lại "phát minh" thêm cái trò cúng tiền thật. Lúc này không chỉ bọn trẻ, mà người lớn cũng thành cô hồn nốt. Người Hoa vẫn là đối tượng cúng tiền thật nhiều nhất, có người cúng tiền triệu... họ giành giật, chen lấn giành nhau những đồng tiền làm huyên náo cả một góc phố.
Có lẽ bây giờ bọn trẻ chẳng còn thiếu đói như ngày xưa để mà đi giật cồ hồn. Vì thế vật phẩm cúng xong, gia chủ cũng ít dùng lại, đem nó vất bừa bãi khắp nơi. Mâm cỗ cúng cô hồn cũng đã thay đổi nhiều, họ quan tâm đến người cõi âm nhiều hơn. Chỉ biết rằng sau mùa Vu lan có đến hàng trăm tỷ đồng bị đốt vào những thứ hàng mã, vàng bạc, quần áo,nhà cửa, xe cộ cho người cõi âm.
Một sự phí phạm, nếu có người cõi âm, chắc chắn họ cũng không hài lòng.
Vulan 2011-Phùng Hiếu
Tổng cộng : lần thực hiện
Chi TL, oi, nhin may ro banh ma them qua, thoi chi cung co hon song cho tui nay huong truoc nha, chuc chi moi tuan lam banh cho moi nguoi thuong thuc ham thu, than quy, mg
Nhân ngày lể Vu Lan chúc mừng TL và các em một bông hồng đỏ.MH-San Jose
Chào anh MH
Đó là Anh HVM phải không ?Cám ơn anh đã tặng cho chị em HTTL một bông hồng đỏ . Có anh ở đây mời anh ăn thử miếng bánh cấp xem có ngon như bánh cấp ngày xưa anh đã từng ăn qua ? Thấy anh có tên trong bảng phong thần của Sanjose 2013 ? Chúc mừng anh có thêm job mới ...
TL
Post a Comment