Friday, April 27, 2012

37 năm qua... Tính sổ sân khấu cải lương

___________

Nguồn : Thời Báo online

30 tháng 4 năm 1975 - 30 tháng 4 năm 2012 37 năm qua... Tính sổ sân khấu cải lương


alt
Soạn giả Nguyễn Phương

30 tháng 04 năm 1975 là ngày mà dân Việt Nam nhất là người miền Nam không thể nào quên. Đến nay, sau 37 năm, về hình thức thì thành phố Sài Gòn có nhiều tòa cao ốc, nghe nói các nhà tư bản nước ngoài mua đất ở vùng trung tâm Sài Gòn để cất những cao ốc cao đến 55 tầng ở khu Nancy ngang Tổng Nha Cảnh Sát cũ.
Nhà lầu xây càng cao thì đường phố Sài Gòn càng bị ngập lụt nhiều mỗi khi có một trận mưa đổ ập xuống, và mức sống của người dân nghèo càng bị hạ thấp theo tỷ lệ đối nghịch với chiều cao của các nhà cao ốc.
Nhiều người từng sống ở vùng đang bị giải tỏa đó qua nhiều chục năm, hết đời ông, đời cha rồi đến đời các con cháu, nhưng phút chốc bỗng mất hết nhà cửa, rồi bị xiêu lạc ra tận các vùng ngoại ô xa xôi như các làng xã tân lập ở các quận 2 Thủ Thiêm, quận 7, quận Bình Chánh... Có không ít dân bị giải tỏa mất nhà mà tiền bồi hoàn không đủ cho họ mua lại một căn nhà khác, dù căn nhà đó nhỏ hơn nhà cũ, ở một vùng thôn quê xa xôi, không đủ phương tiện giao thông và điện nước. Đó là chưa nói đến trường hợp họ bị đuổi, phải dọn đến chỗ ở mới (nếu có chỗ để ở), mất công ăn việc làm cũ nhưng cũng không kiếm ra việc làm mới để sinh sống.
Trong số những người dân bị xiêu lạc này có không ít nghệ sĩ tài danh như Nghệ Sĩ Nhân Dân Viễn Châu, Nghệ Sĩ Nhân Dân Thanh Tòng, và các gia đình nghệ sĩ tài danh khác như Bạch Long, Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Trinh Trinh, Thanh Thảo, Tú Xương, Châu Phong và rất nhiều nghệ sĩ hồ quảng và nghệ sĩ cải lương, những người trước đây có nhà ở trong các khu vực vùng Phạm Ngũ Lão, Cầu Quan, Cầu Muối, Nancy... (khu đang bị giải tỏa để cất cao ốc). 
Tôi liên lạc với một số nghệ sĩ kể trên, hỏi về tình hình sân khấu cải lương hiện nay và cuộc sống của nghệ sĩ, các bạn đó nói: "Chú biết quá rõ tình hình sân khấu và cuộc sống của nghệ sĩ trước 1975 đến đầu năm 1990. Từ đó đến nay, chú cũng đã nhiều lần về thăm quê hương, chú cũng nghe nói và thấy tận mắt sân khấu cải lương bị mất khán giả đến độ người ta nói "Cải lương đã chết". Chú cứ tính sổ cải lương từ cái chuyện rạp hát, đoàn hát, đến tuồng tích, soạn giả, nghệ sĩ và thực tế sinh hoạt cải lương hiện nay ra sao, chú sẽ biết thực trạng của nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương".

Tính sổ cải lương bằng cách nào đây?
Tôi biết các bạn sống ở trong nước không dám nói đến những chuyện "nhạy cảm" vì có thể bị nhà cầm quyền ghép vào tội "nói xấu nhà nước" hay "muốn lật đổ chánh quyền", và các bạn cũng yêu cầu tôi không nhắc đến tên của các bạn khi nêu lên những ý kiến này mặc dù các bạn chỉ nói lên sự thật.
Tôi đang sống ở nước ngoài, đã trên 90 tuổi, tôi không sợ gì mà phải nói rào trước đón sau khi đề cập đến thực trạng của ngành sân khấu cải lương nhưng tôi cũng xin minh định thái độ: tôi không kết tội ai, không nói sai sự thật, tôi chỉ nhắc lại những sự kiện đã xảy ra để cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân nào làm cho nghệ thuật sân khấu cải lương đang giãy chết.

Trước khi đưa ra ý kiến, tôi xin nhắc lại một số ý kiến của các bạn nghệ sĩ còn ở trong nước và khán giả ái mộ cải lương:
- Có bạn cho rằng vì không có tuồng hay, các đoàn hát cứ hát tuồng cũ cho nên khán giả không muốn xem cải lương nữa.
- Có bạn cho rằng các soạn giả các thế hệ sau này viết cải lương mà làm mất chất cải lương. Ít bài ca cổ nhạc hoặc khai thác không đúng bài bản. Có người chen vô những bài ca của miền Bắc như hát Chầu văn, hát Bài chòi, hát Cò lã, hát Bội chen Cải lương. Và gần đây hát Opéra, tấu hài chen cải lương.
- Có bạn cho rằng soạn giả bây giờ soạn tuồng dở hơn hồi xưa, soạn tuồng nhanh như kiểu mì ăn liền, nên tuồng không hay, không đáp ứng được tâm lý của khán giả, khiến cho khán giả ngày càng chán cải lương.
- Có bạn cho rằng sau năm 1975, đạo diễn miền Bắc vô Nam, họ học kịch ở Liên Xô, Bungari, họ không biết cổ nhạc nhưng lại có quyền làm đạo diễn cải lương, họ cắt bỏ bớt bài ca cổ nhạc để tăng thêm kịch tính theo quan niệm của họ nên các vở cải lương trở thành những vở kịch thêm bài ca cải lương.
- Có nạn bè phái trong quản lý rạp, quản lý đoàn hát và các nghệ sĩ nên các nghệ sĩ trong phe cánh được nhiều dịp xuất hiện trên sân khấu, hoặc được mời thu video, thu truyền hình. Các nghệ sĩ không trong phe cánh thì bị thất nghiệp dài dài. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng của đêm diễn.
- Có người cho là video giết chết cải lương. Video cải lương luôn luôn có tuồng mới, nhiều thể loại, nhiều nghệ sĩ hay, xem hình ảnh và nghe lời ca rõ ràng. Người mướn video cải lương được ngồi nhà xem thoải mái, giá tiền mướn một video cải lương là quá rẻ so với việc phải đi đến rạp hát, chầu chực để mua vé hát và họ cũng đỡ tiền xe đến rạp coi hát và tiền xe trở về.
- Có người nói hiện nay có nhiều tụ điểm văn hóa, có tấu hài, có hát trích đoạn cải lương, có kịch, có xiếc, có tân nhạc, có nhiều loại giải trí khác như nhiều quán ăn nhậu, như bia ôm, hớt tóc ôm, tắm ôm, mát xa toàn thân, có đủ mọi thứ vui chơi đèn xanh đèn đỏ, chỉ cần có tiền, muốn giải trí bằng tứ đổ tường thì thứ gì cũng có.

Những ý kiến trên chỉ nói chung chung, không chỉ ra được những nguyên nhân chính yếu làm suy yếu cải lương đưa đến việc cải lương mất dần sự yêu thích của khán giả.
Tôi công nhận một số ý kiến của các bạn về điểm tuồng cải lương mất sức hút khán giả khi tuồng cải lương đưa ra những bài ca như hát Chầu văn, hát Opéra, hợp xướng vọng cổ, những bài cổ nhạc đặt không đúng chỗ và nội dung tuồng không đáp ứng được tâm lý của khán giả. Các bạn kết luận là lỗi do tại soạn giả, tuy nhiên, theo tôi thì có rất nhiều nguyên nhân khác đã góp phần làm cho khả năng sáng tác của soạn giả bị sa sút.
Để cho việc trình bày vấn đề có mạch lạc, tôi cho rằng muốn cho một ngành nghệ thuật sân khấu tồn tại và phát triển, nhất thiết phải tuân thủ theo 5 điều kiện sau đây:
1- Phải xét qua xem nhà cầm quyền cai trị xứ sở đối với ngành nghệ thuật đó như thế nào?
2- Khả năng và phương cách hoạt động của những ông bà bầu gánh hát, các soạn giả và nghệ sĩ trong cơ chế của chánh quyền hiện hữu.
3- Tình hình thực tế của các rạp hát, những nơi dùng để hát cải lương.
4- Phân tích tình hình khán giả, khả năng thu nhập tài chánh, thói quen sinh hoạt, những thời vụ sản xuất có ảnh hưởng đến việc thưởng thức nghệ thuật sân khấu của họ.
5- Môi trường sinh hoạt, khí hậu, việc di chuyển, phương tiện di chuyển của các đoàn hát và của khán giả. Những loại hình nghệ thuật sân khấu khác đang cạnh tranh với sân khấu cải lương. Thói quen và phương tiện giải trí của người dân nơi đô thị và ở các vùng thôn quê trong thời kỳ kinh tế hội nhập thị trường kinh tế thế giới.

Năm điều kiện kể trên tương quan mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên nhận xét nguyên nhân nào làm cho sân khấu cải lương mất khán giả, tôi nghĩ không thể bỏ qua một điều kiện nào trong 5 điều đã kể.

Điều thứ nhứt: Ảnh hưởng của nhà cầm quyền cai trị xứ sở đối với ngành nghệ thuật sân khấu cải lương.
Trước khi nói đến hiện tại, thời điểm hấp hối của nghệ thuật cải lương, tôi xin nhắc lại hai thời kỳ của chánh quyền đã tác động đến sinh hoạt văn học nghệ thuật ở trong nước.

Thời kỳ thứ nhứt: Sau khi thực dân Pháp chiếm được Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng bãi bỏ việc thi chữ Hán, chữ Nôm, buộc các công chức và dân chúng phải học chữ quốc ngữ và dùng chữ quốc ngữ trong mọi việc giao dịch giấy tờ trong công, tư sở, giao dịch trong việc mua bán, bằng khoán đất hay trong các việc công nợ và thế chấp. Đây là một ý đồ chính trị trong việc dùng chữ quốc ngữ làm một công cụ để thực dân hóa đất nước Việt Nam.
Việc thực dân Pháp buộc dân chúng học chữ quốc ngữ và chữ Pháp đã giết chết dần nghệ thuật hát bội, văn chương tuồng hát bội dùng nhiều chữ Nho, nhiều điển tích, khi người dân không học chữ Nho, chữ Hán, chữ Nôm thì khi nghe một nghệ sĩ hát bội hát, họ không thể hiểu câu văn trong tuồng nghĩa là sao.
Nhiều nhà học giả dịch ra chữ quốc ngữ nhiều bộ truyện Tàu như: Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông... các nhà soạn tuồng hát bội dùng những truyện Tàu này làm cốt truyện để viết thành tuồng hát bội. Người mới học chữ quốc ngữ thích đọc những truyện Tàu nên khi xem hát bội hát những cốt truyện đó, họ rất thích. Đây là nguyên do khiến cho ngành hát bội còn được dân chúng ở nông thôn và các tỉnh thành thích xem hát bội trong các đình, miếu trong các dịp cúng kỳ yên hằng năm.
Nhà cầm quyền Pháp khuyến khích dạy quốc ngữ, nên song song với sự tồn tại của hát bội, nghệ thuật hát cải lương được khai sinh từ phong trào đàn ca tài tử và đàn ca ra bộ.

Thời kỳ thứ hai: Dưới chánh quyền Quốc Gia (Việt Nam Cộng Hòa)
Thời kỳ này có nhiều tiểu thuyết chữ quốc ngữ của Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh, truyện Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều và những tiểu thuyết của các nước Anh, Pháp được dịch ra chữ quốc ngữ như tiểu thuyết Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, chuyện Bá tước Kích Tôn Sơn, chuyện Roméo Juliette, Trà Hoa Nữ,... Các tuồng hát cải lương lấy cốt truyện từ các sách dịch rất được khán giả ưa thích khiến cho sân khấu cải lương ngày thêm phát triển.
Dưới chánh thể Cộng Hòa, người dân được hưởng mọi quyền tự do nên về mặt kinh doanh, nhiều nhà tư sản bỏ tiền ra xây cất rạp hát.
Trước năm 1945, Sài Gòn chỉ có 4 rạp hát cho đoàn cải lương hát. Đó là các rạp Aristo ở đường Lê Lai, rạp Nguyễn Văn Hảo ở đường Hưng Đạo, rạp Thành Xương ở đường Yersin Sài Gòn và rạp Thuận Thành ở Đa Kao.

Từ năm 1954 đến năm 1975, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có tất cả 34 rạp hát mới xây cất hoặc rạp hát bóng sửa chữa dành cho các gánh hát cải lương hát. Đó là các rạp: Hưng Đạo, rạp Quốc Thanh, rạp Quốc Tế, rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Thành Xương, rạp Kinh Thành Cầu Muối, rạp đình Cầu Muối, rạp Đình Cầu Quan, Rạp Thăng Long, rạp Kim Châu, rạp đình Lý Nhơn quận tư, rạp đình Minh Phụng, rạp Thuận Thành, rạp đình Tân Kiểng, rạp Oscar, rạp Đông Đô, Rạp Thủ Đô, rạp Hào Huê, Rạp Đông vũ Đài Đại Thế Giới Chợ Lớn, rạp Cây Gỏ, rạp Quốc Thái, rại Đại Đồng Bàn Cờ, rạp Long Vân, rạp Đại Đồng Gia Định, rạp Cao Đồng Hưng, rạp Lệ Thanh B, rạp Lao Động, rạp Phú Nhuận, rạp Cẩm Vân, rạp Long Phụng, rạp Hốc Môn, rạp Gò Vấp, rạp Bình Trưng, rạp Kim Biên.

Cũng trong thời gian này, miền Nam có hơn 60 đoàn hát cải lương mà các đoàn hát nổi danh nhất có đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, đoàn Hoa Sen, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Kim Chung (có 7 đoàn Kim Chung từ Kim Chung 1 đến Kim Chung 7), đoàn Thăng Long - Huỳnh Thái, đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn, đoàn Kim Chưởng, đoàn Hương Mùa Thu - Thu An, đoàn Thủ Đô - Ba Bản, đoàn Thống Nhứt, đoàn Thủ Đô - Tấn Tài, đoàn Việt Hùng - Minh Chí, đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường, đoàn Tiếng Hát Dân Tộc, đoàn Dạ Minh Châu, đoàn Tân Hương Hoa, đoàn Phụng Hảo, đoàn hát hồ quảng Minh Tơ - Khánh Hồng, đoàn Tấn Thành Ban, đoàn Hoa Xuân - Mười Vàng, đoàn Năm Phỉ, đoàn Nam Phong, đoàn Việt Kịch Năm Châu, đoàn Tiếng Chuông - Bầu Cang, đoàn Đuốc Việt - Bầu Hơn, đoàn Kim Thoa, đoàn Phước Chung, đoàn Thúy Nga - Phước Trọng, đoàn Bích Sơn - Ngọc An, đoàn cải lương hồ quảng Huỳnh Long,...

Từ năm 1954 đến năm 1975, có 50 soạn giả tài danh hoạt động ở các đoàn hát thường trực tại Sài Gòn và nhiều soạn giả tiền phong có tuồng được trình diễn ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Các soạn giả tài danh gồm có: Năm Châu, Tư Trang, Năm Nở, Tư Chơi, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Cao, Tư Thới, Duy Lân, Điêu Huyền, Quang Phục, Lê Khanh, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Mộc Linh, Kiên Giang Hà Huy Hà, Hà Triều, Hoa Phượng, Ngọc Điệp, Thái Thụy Phong, Yên Ba, Hoàng Khâm, Thu An, Ngọc Huyền Lan (tức Nguyễn Ang Ca), Viễn Châu, Tám Vân (Nhị Kiều), Quy Sắc, Nguyễn Liêu, Thế Châu, Hoài Ngọc, Phương Ngọc, Thành Phát, Tứ Lang, Nguyễn Huỳnh, Loan Thảo, Hoàng Việt, Thể Hà Vân, Tuấn Khanh, Ngọc Văn, Vạn Lý, Ngọc huyền Quân (tức bầu Long), Yên Lang, Yên Hà, Yên Trang, Nguyễn Đạt, Nguyễn Minh, Hoàng Lang, Phan Hương, Bạch Diệp - Minh Nguyên. Đó là chưa kể các soạn giả tiền bối có tuồng đang được các đoàn hát sử dụng: soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Mạnh Tư Trương Duy Toản, soạn giả Mười Giản Đặng Công Danh, soạn giả Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh...

(còn tiếp) 

No comments: