(Petrotimes) – Nhạc sĩ Thanh Sơn nổi tiếng với những tình khúc về mùa hè và hoa phượng đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 74 vào một chiều ngày 4/4, để lại cho đời những tác phẩm đi sâu vào lòng người “Nỗi buồn hoa phượng”, “Hạ buồn”…
Được biết năm 2011, nhạc sĩ Thanh Sơn mắc chứng tai biến mạch máu não. Ông bị liệt nửa người và sức khoẻ giảm sút nhanh chóng. Do tuổi cao và việc điều trị lâu dài gây nên các biến chứng.
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1/5/1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em.
Ca khúc đầu tiên của ông là “Tình học sinh”, ra đời năm 1962, tuy nhiên không có sức lan rộng. Chính ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” đã làm cho tên tuổi ông sống mãi trong lòng khán giả. Cho tới hôm nay, khi những ngày hè đến, đâu đó vang lên những câu hát “man mác buồn”.
Sau khi ra đời, “Nỗi buồn hoa phượng” đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè, mùa chia tay. Sau đó, ông tiếp tục ch ra đời hàng loạt ca khúc viết về đề tài học sinh như: “Ba tháng tạ từ”, “Màu áo hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh”, “Hạ buồn”, “Ve sầu mùa phượng” … không những các bạn học sinh sinh mà còn được rất nhiều người đón nhận.
“Nỗi buồn hoa phượng” được sinh ra từ mối tình đầu trong sáng thơ ngây khi ông còn ở Sóc Trăng. Thuở đó, nhạc sĩ có quen và quý mến cô gái tên là Phượng. Và rồi, gia đình cô chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Hai người buộc phải chia tay. Họ chia tay nhau giữa sân trường. Anh nói “Vậy là hai đứa xa nhau rồi không biết khi nào mới gặp lại”. Phượng an ủi rằng: “Chắc chắn anh sẽ còn gặp em vì mỗi khi hè đến, hoa phượng sẽ nở”. Cuộc chia tay ấy vào năm 1953.
Đến năm 1963, một mùa hoa phượng về trong ký ức của Thanh Sơn. Nhìn hoa rơi, người nhạc sĩ tài hoa bất chợt nhớ lại câu nói của người con gái năm xưa. Cảm xúc ào ạt dâng tràn và ông viết như trải lòng lên trang giấy:“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Rồi mai xa cách hai đứa hai nơi/ Phút gần gũi nhau mất rồi/ Tạ từ là hết người ơi”.
Năm 1959, ông bất ngờ đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và khởi nghiệp con đường ca hát của mình trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Ban đầu ông sác tác về tuổi học sinh, sau đó ông chuyển sang viết những giai điệu về tình yêu nam nữ, về quê hương.
Trong một thời gian dài, nhạc sĩ Thanh Sơn làm biên tập cho trung tâm Rạng Đông, ông dìu dắt rất nhiều ca sĩ vào nghề. Những sáng tác của ông từ những năm 1970 đến 1990 đã làm nhiều lớp khán giả mê đắm với những giai điệu bolero mượt mà và ngọt ngào.
Lễ viếng nhạc sĩ Thanh Sơn được tổ chức từ 6h sáng ngày 5/4 tại tư gia (số 100/40/14 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP HCM). Lễ động quan diễn ra lúc 6h sáng ngày 9/4 và an táng tại nghĩa trang Bình Dương.
Nguyễn Hiển
No comments:
Post a Comment