Sunday, September 23, 2012

Ráng Chiều



___________



Con cháu thường hay chúc ông bà cha mẹ "trường thọ". Nhưng không ít cụ trường thọ...thật sẽ thấm thía thế nào là cảnh "ráng chiều" lờ lững trong chạng vạng của hoàng hôn...
Ngày Nhớ ơn Mẹ đã trôi qua, nhưng dư âm và cả dư vị, dư hương đằm thắm vẫn còn đó. Khi nhìn những món quà và tấm thiệp chúc mừng các con gửi với những lời chúc chân tình, hình dung ra đằng sau những ngôn từ đó là một tình cảm tràn đầy, lòng bồi hồi xúc động nên tôi quyết định ghé thăm viện dưỡng lão Burnside nursing home tại thành phố Melbourne, nơi Ba tôi đã ở trong những năm cuối cuộc đời ông.

Đa số các cụ sống ở đây đều chỉ còn “một nửa”, “được” hay “bị” con cái gửi vào vì hàng trăm lý do mà trong đó thường là không đủ thời gian trong cuộc sống công nghiệp luôn hối hả tại những nước phương Tây, hoặc không đủ phương tiện hay kiến thức về người già để chăm sóc cho cha mẹ.



Tôi đến vào giờ ăn trưa một ngày cuối tuần, phòng ăn vẫn trang hoàng rực rỡ với những bình hoa tươi thắm, những tranh ảnh đầy màu sắc, tiếng nhạc rộn ràng vang lên khắp phòng, tạo một không gian thân mật và ấm cúng như thuở nào!

Chỗ thường ngồi ăn của Ba tôi, nay đã có người thế chỗ, dù biết thế nhưng lòng sao vẫn nhói lên? Các nhân viên phục vụ chạy lăng xăng, người dìu các cụ ra phòng ăn, người bận rộn phân phối, dọn thức ăn ra, người ngồi đút, bón cho những cụ không tự mình lo được... Đưa mắt nhìn quanh, cả phòng ăn có khoảng 20 người, đa số đều ngồi lặng lẽ chờ thức ăn đưa đến, hầu như đó là những khuôn mặt buồn hoặc vô cảm, chẳng biểu lộ cảm xúc gì với những trò chuyện bông đùa của các nhân viên dành cho họ .

Đến gần một cụ đang lim dim - quả là đáng buồn, giờ ăn mà không có một chút hứng thú - tôi gợi chuyện và biếu cụ hộp chocolate nhỏ. Việc làm bé mọn của tôi khiến ánh mắt cụ sinh động lên, nắm lấy hộp kẹo và luôn miệng hỏi " Của tôi hả, tôi có thể giữ nó luôn chứ?". Dường như con người sau bao nhiêu năm tháng vật lộn với cuộc sống này hiện đang tơi tả vì những mất mát có thể đã xảy ra cho mình, đến nỗi không còn dám chắc là mình còn quyền sở hữu một cái gì, quyền được người khác quan tâm. Một nhân viên cho tôi biết, đã từ lâu không có con cái, thân nhân nào đến thăm viếng bà cụ nữa. Thì ra người phụ nữ già nua này đã trắng tay! Một cụ khác là vị vong nhân bật khóc khi nhớ đến “một nửa” của mình vừa rời cụ vài tháng trước, bây giờ "con số lẻ" một mình nhìn món ăn ưa thích của người xưa mà lòng đau đớn, nghẹn ngào nhớ lại những chăm sóc dành cho nhau. Nhìn một cụ cũng đã già yếu, nhưng vẫn chậm rãi, kiên nhẫn đút từng muỗng súp cho chồng, tôi tiến lại hỏi thì được biết cụ vẫn sống ở nhà riêng, hằng ngày vào với chồng đã bị bệnh mất trí nhớ của người già. Mất trí nhớ nhưng người đàn ông này vẫn còn trong góc tâm tư ký ức mình hình ảnh người bạn đời. Cụ ông vẫn cần đến bà, ngày nào bà bận hay mệt mỏi không vào thăm ông được thì ngày đó ông không chịu ăn , và cảm động nhất là tối nào bà cũng ngồi cạnh giường nắm tay , thủ thỉ với chồng thì ông mới ngủ được. Tình nghĩa đó đâu phải chỉ có ở phương Đông?

Một cụ bà ngồi ôm con búp bê, thỉnh thoảng lại thầm thì với nó, tôi gợi chuyện , cụ cho biết được con đưa vào với lời hứa hẹn dọn nhà xong sẽ đưa cụ về ở chung, nhưng "bóng chim tăm cá", cụ chỉ còn biết tâm sự với búp bê "bởi nó chỉ biết nghe mà không lừa dối mình!". Nghe thật não lòng !

Đưa mắt nhìn quanh, hầu như các cụ chỉ lặng lẽ ngồi chờ thức ăn dọn đến, như các nhà “hiền triết” đang suy gẫm chuyện đời chăng?. Vài cụ may mắn có con cháu đến thăm, nét mặt rạng rỡ hơn, nụ cười hóm hém với hàm răng lưa thưa vài cái, một chút nắng chiều rực lên trong buổi hoàng hôn chập choạng trông thật đẹp! Trò chuyện với nhân viên phục vụ tại đó, tôi được biết hầu hết con cái sau khi đưa cha mẹ vào rồi thì thường hiếm khi quay trở lại chốn này, họ như để mặc cho “trời sinh, trời dưỡng”. Cuộc sống cô độc, lặng lẽ cam chịu được nhìn thấy qua gương mặt, qua cách sống của các cụ .

Ba tôi cũng từng ở đây vài năm, chúng tôi đã từng thay phiên nhau vào chăm sóc, thăm viếng mỗi ngày nhưng thử hỏi có nơi đâu bằng nhà mình? Dù ở bên này những nhà dưỡng lão được trang bị thật hiện đại, ấm cúng, đầy đủ phương tiện và nhân viên được đào tạo chu đáo và rất có lương tâm như một bổn phận của xã hội dành cho những con người đã cống hiến suốt đời họ. Điều làm tôi không ngạc nhiên là tấm lòng cha mẹ, nơi đâu cũng thế, do “nước mắt chảy xuôi” nên dường như các cụ ít mở miệng than trách sự lơ là của những đứa con bội bạc.

Rời viện, lặng lẽ lái xe về , lòng chùng xuống, vẫn biết cuộc sống nơi xứ người bận rộn, lo toan, nhưng dành vài ba phút thăm hỏi với “núi Thái Sơn”, với “nước trong nguồn ” có bất khả thi chăng? Có người cho rằng vì Tây phương sống theo chủ nghĩa cá nhân nên tình cảm gia đình mới hời hợt như thế, nhưng hình như lời biện hộ này cũng lung linh như ngọn đèn trước gió, bởi tôi cũng đã chứng kiến không ít những giọt nước mắt buồn tủi của các bậc cha mẹ người Việt Nam trên đất này và ở trong nhà dưỡng lão đây. "Thân cò...vàng" có khác chi "Ráng chiều...trắng" mà tôi vừa vào thăm? Tình cha mẹ thương con thì ở gầm trời nào cũng là một tặng phẩm thiêng liêng cao quý Thượng đế ban cho con người. Và nỗi đau bội bạc của con cái thì Tây hay Ta cũng nào có khác khi chúng là những mũi kim làm tê buốt hồn người?

Buổi chiều viếng thăm khép lại. Trên đường về tôi cứ bâng khuâng câu hỏi và mong có được câu trả lời ấm lòng hơn: "Không biết bên nhà mình những "ráng chiều" thời nay ra sao? Tam, tứ đại đồng đường còn hơn cả một nét đẹp, dễ nơi nào có được?".

Hồ Thị Diệu Thảo

1 comment:

pvt said...

Ôi, "Ráng Chiều"tuyệt!Làm mình muốn
rơi lệ,chợt nghĩ đến cái khung cảnh
chập chờn,mờ mờ ảo ảo khi ánh nắng
chiều sắp sửa lịm tắt!Rồi cuộc đời của mình sẽ ra sao?Trông như "Ráng Chiều"dần tàn? Cám ơn nhiều về t/g
cho mình được ít nhiều thấm thía cái thường tình của cuộc đời!
tvp.