Tuesday, November 21, 2017

Tình già

_______________________

LANH NGUYỄN




Mới khỏ có 2 chữ "tình già" đã làm tôi nhớ lại bài thơ Tình Già của nhà văn, thi sĩ Phan Khôi. Bài thơ được đăng trong tờ báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 10.3.1932. Bài thơ đã khởi đầu cho phong trào thơ mới sau nầy. 
Ông Phan Khôi đã bắn một quả đại bác vào thành trì mục nát cổ lổ sỉ của đường thi. Nó phá tan các luật lệ gò bó lỗi thời đã có từ ngàn xưa. Những luật lệ đó đã chận đứng những cảm xúc trong tim của các thi sĩ nghiệp dư...
Nhưng thôi tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học sử nên không dám đi sâu cũng như không thể phê bình bất cứ vấn đề gì. 
Tôi chỉ muốn kể chuyện tình cho các bạn xem chơi mà thôi. Những câu chuyện tình tôi sắp kể sau đây khác với câu chuyện tình nổi tiếng của Phan Khôi.
Chuyện tình trong bài thơ "tình già" mô tả lại đôi trai gái yêu nhau khi tóc hãy còn xanh. Cái thời buổi nho giáo thịnh hành. Nam nữ thọ thọ bất thân, mà Phan Khôi dám để cho hai nhân vật nam nữ có độ tuổi thanh xuân hơ hớ ở trong một bối cảnh:

Muốn đừng cũng chẵn thể đừng 
Muốn ngưng chẵn thể  nào ngưng được rồi 
Ngoài trời mưa chảy nước trôi 
Trong nhà vắng vẻ mình tôi với nàng 


Bài thơ tình già không chỉ đột phá thành trì niêm luật của đường thi mà nội dung của nó còn cổ vỏ cho phong trào nam nữ tự do luyến ái. Phan Khôi đã viết đoạn đầu bài thơ như sau: 

Hai mươi bốn năm xưa, 

       một đêm vừa gió lại vừa mưa, 
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, 
       hai cái đầu xanh kề nhau than thở; 

- "Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, 
       mà lấy nhau hẳn đà không đặng: 
Để đến nỗi tình trước phụ sau, 
       chi bằng sớm liệu mà buông nhau!" 

- "Hay nói mới bạc làm sao chớ! 
       buông nhau làm sao cho nỡ? 
Thương được chừng nào hay chừng ấy, 
       chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy! 
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, 
       mà tính chuyên thuỷ chung!" 

Cái cảnh:
Ngoài trời mưa gió bảo bùng 
Hai ta đang ở trong mùng nỉ non 

Vậy mà ổng còn xúi dại:
Thương được chừng nào hay chừng nấy...

Thử hỏi mấy ông Nho chùm ngày xưa có tức lộn gan lên đầu không chứ.
Chuyện tình dang dở đó đã khiến cho 2 cái đầu xanh chia tay mỗi người một ngả để rồi 24 năm sau họ lại gặp nhau nơi xứ lạ quê người: 

Hai mươi bốn năm sau, 

       tình cờ đất khách gặp nhau: 
Đôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, 
       đố có nhìn ra được? 
Ôn chuyện cũ mà thôi. 

Liếc đưa nhau đi rồi, 
       con mắt còn có đuôi.   
Chắc là 2 người đều có gia đình riêng cháu nội ngoại đầy đàn  nên chỉ đành:   
  Ôn chuyện cũ mà thôi. 
Liếc đưa nhau đủ rồi, 
       
Câu chuyện tình buồn của Phan Khôi đã sống mãi trong văn học Việt Nam chúng ta. Còn câu chuyện tình tôi sẻ kể sau đây tuy không lâm li bi đát như 2 mái đầu xanh yêu nhau rồi lấy nhau không đặng của Phan Khôi nhưng nó cũng vẽ lại một khía cạnh nào đó của xã hội Việt Nam chúng ta.

Mời các bạn xem qua....

Chú Tư bốn. Đã Tư mà còn Bốn nữa thì thiệt là quá xá dư rồi. Nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó. 
Ở miền quê có những cái thật kì cục không giống ai. Một trong những cái kì cục đó là cách xưng hô. Tự dưng một ông lạ quơ lạ quắc chỉ mới quen sơ sơ với ông già mình liền bị bắt gọi ông ta bằng chú. Mặc dù ông ấy chưa lớn hơn mình được quá 10 tuổi. Ông Tư nầy cũng vậy. Đi cắm câu giăng lưới hay là làm mướn gì không biết rồi quen với ba tôi. Khi ông ta đến nhà chơi thì anh em chúng tôi bị bắt buộc phải gọi bằng chú và xưng bằng con mới chết một cửa tứ, dù rằng lúc đó ông ấy chưa lấy vợ mà chỉ lớn hơn tôi chắc chừng 8, 9 tuổi là cùng. 
Người có vai vế nhỏ không được phép hỏi tên người có vai vế lớn nhưng nghe những người lớn khác gọi ông ta là Tư C... Thật là thô tục, mà nhà tôi lại có mấy đứa em gái nên tôi bèn đổi ra thành Tư Bốn cho có vẽ thanh nhả hơn. Bà con chòm xóm thấy cái tên ngộ ngộ nên gọi theo, về sau nầy thành chết danh Tư Bốn là vậy đó. 
Nhà Tư Bốn cách nhà tôi chừng non cây số, nên cũng ít qua lại, do đó cũng không thân nhau mấy. Ông nầy đi lính Nghĩa Quân đống đồn kế bên trụ sở xã. 
Mỗi sáng tôi thường gặp ông ta tà tà vô quán cà phê của cô Út A. 
Gia đình tôi có một cái sạp bán đồ tươi bên chợ xã. Kế sạp tui là sạp của chị Năm Lùn. Hồi xưa có câu ca dao:
Trắng da vì bởi phấn dồi 
Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa.


Chị Năm Lùn đã lùn mà bán hàng thường bị ế nên chị lúc nào cũng ngồi chợ trưa. Chị đã gần hai mươi tuổi đầu mà vẫn chưa có bồ cũng như chưa có ai ngắm nghé dạm hỏi mặc dù chị có giọng nói nghe rất êm tai lại đảm đang tài giỏi hơn người.
Bác Sáu Đém ba của chị thường nói với ba má tôi:
- Chú thím hai ngó chừng coi có mối nào được được thì mần mai cho con Năm nhà tui dùm, để nó qua cái tuổi 25 thì trở thành gái già tội nghiệp nó...
Không biết ba tôi có mai mối hay nói vô nói ra gì với chú Tư không mà lúc sau nầy mỗi khi chợ sắp tan chú thường hay rề lại cái sạp của nhà tôi mà ngồi tán dóc với ông già. Chú tán dóc với ba tôi nhưng hai con mắt thì liếc dọc liếc ngang, liếc sang qua sạp kế bên để nhìn lén cái tướng lùn lùn có nước da bánh ích vì thường ngồi chợ trưa của chị Năm Lùn...
Những khi ba tôi không qua chợ bán thì chú rề lại bắt chuyện với tôi. Hỏi thăm đủ điều về chị Năm Lùn. Có lần tôi hỏi lại chú:
- Chú thấy chị Năm tôi thể nào???Vừa Lùn vừa đen mà cũng vừa đẹp lại còn thêm 2 cây răng khển có duyên quá chừng chừng quá phải hong chú?
Biết tánh tôi hay chọc phá chú cười cười trả lời: 

Đen đen, trắng trắng khác gì nhau 
Đèn tắt. Trắng đen chỉ một màu 
Mập ốm thấp cao gì cũng vậy 
Nếu mà ngủ ngáy cũng hỏng sao...

Bởi dzậy ông bà thời xưa mới nói:
 Thương nhau chín bỏ thành mười 
 Mình thương mình lấy ai cười mặc ai 

Chú Tư Bốn đi cưới chị Năm Lùn mặc dù hai người chưa có nói với nhau câu nào cả, chỉ là:

Lâu lâu anh len lén nhìn 
Rồi ghi vội lại bóng hình vào tim 
Còn em tuy vẫn lặng im 
Nhưng mà vẫn biết anh tìm kiếm em


Nhà ông Sáu Tơ với nhà ông Sáu Đém làm sui với nhau. Dzị là cái xóm nhà lá với xóm bên chợ bây giờ đã kết thành thông gia không còn chỏi nhau hay là rình mò chọc phá nhau nữa.
Chú Tư Bốn cất nhà ở riêng nên chị Năm Lùn cũng không phải chịu cảnh làm dâu. Thường thường thì chú Tư ngủ trong đồn nên chị năm Lùn cũng hay về nhà cũ của mình mà ngủ chứ không chịu ngủ mình ên,  vì vậy mà chị lại tiếp tục ngồi chợ trưa. Không biết 2 người lúc nói chuyện gọi nhau là gì, hay chỉ nói trống không nhưng mà lúc nói chuyện với tôi thì chú Tư Bốn khi đề cặp tới vợ mình thường dùng 3 chữ "Thím Tư Bây" còn chị Năm Lùn thì luôn luôn nhắc chồng mình bằng 3 chữ rất dể thương "Anh Năm Cậu".
Anh năm cậu và thím tư bây lúc ngủ chổ nầy lúc ngủ chổ kia vậy mà cũng đẻ lia chia. 
Nhớ hôm tui từ Xẻo Rô về thăm nhà. Vừa bước vô cửa đã nghe nhỏ em kể:
- Chị Năm Lùn hôm qua mới sanh thêm thằng con trai nữa. Chỉ còn đang nằm ở nhà bảo sanh bên chợ, anh hai có muốn đi thăm hông thì sẵn đi chung với tụi em cho vui.
Ở miền quê thời xưa người ta thường nhờ các bà mụ vườn đở đẻ ở nhà, ít có ai đến nhà bảo sanh bên xã, hay ra bệnh viện tỉnh để mà sanh em bé. Chị Năm Lùn là vợ Lính nên mới đến nhà bảo sanh xã để sanh con. 
Mấy anh em tụi tui đến thăm vào buổi chiều nên nhà bảo sanh chỉ có cô y tá trực trong đó mà thôi. Chú Tư Bốn thấy bọn tôi đến đã lẻn trốn đi mất tăm. 

Mấy bà già quê nói không sai tí nào. Có 2 cái miệng con gái nhập lại là đả nổi đình nổi đám rồi, huống hồ chi 4 người con gái gặp nhau thì hỏi làm sao không biến cái nhà bảo sanh thành cái chợ cá cho được. Vì vậy tiếng là đi thăm chị Năm sanh em bé mà tôi có nói chuyện được gì đâu, chỉ là ngồi nhóc mỏ vểnh tai nghe 4 người đấu láo với nhau thôi. Mà rổn rảng nhất vẫn là cô y tá trẻ tuổi:
- Chị Năm đặt tên cho em bé chưa dzị? 
- Ông nội nó đặt rồi. Tên là Nhí. 
Em gái tôi la lên:
- Tên Nhi là tên con gái mà. Sao đem đặt cho em bé trai kỳ vậy chị? 
Chị Năm Lùn cười cười trả lời:
- Tên để gọi thôi mà, tên nào mà hổng được hể đừng có tục tiểu như tên ba của nó là được gồi. Ý kiến ý cò chi với ông già chồng cho gắc gối cuộc đời. Đứa đầu lòng con so ba chồng chị thấy nó nhỏ con quá nên ổng đặt tên nó là Nhỏ. Lần nầy thằng thứ nhì con gạ lớn con quá mà ổng lại quết cho cái tên Nhí. Ổng nói Nhỏ Nhí mới vần với nhau, dể nhớ...
Ối! Mà con gái thì mới cần tên đẹp chứ con chai thì tên đẹp xấu đâu có nhầm nhò gì. Lần tới sanh con gái chị mới dành đặt tên đẹp cho nó...

Cái lần tới mà chị Năm Lùn ao ước đó sẻ không bao giờ có. Tháng tư 75 chế độ thay đổi. Cộng sản với chánh sách một gia đình chỉ được 2 con là tối đa mà gia đình "Thím Tư Bây với Anh Năm Cậu" đã có 2 đứa Nhỏ Nhí rồi nên 2 ông bà phải tham gia chương trình triệt sản. Không biết ai là người bị cắt ai là kẻ bị buột mà cả mấy năm sau không sản xuất ra thêm được nhóc tì nào nữa...

Mười mấy năm sau nghe tin tôi từ Mỹ về thăm nhà chú Tư Bốn đến chơi trên tay ông ta bồng đứa bé gái chắc vừa giáp thôi nôi. Tôi tưởng là cháu nội nên vọt miệng hỏi:
- Con của đứa nào dzị chú? Là của hai Nhỏ hay Ba Nhí dzị? 
Chị Năm Lùn vô sau trả lời:
- Là con của tui đó cậu hai. 
Tui cười lớn ghẹo liền:
- Hai ông bà còn gân dữ vậy hả? 
Chị Năm cũng cười lớn đáp lễ:
- Gân thịt gì nữa cậu ơi. Có súng mà bị người ta gở lấy đạn mất gồi. Bây giờ chỉ còn bắn khơi khơi chơi mà thôi. Con bé nầy tui với anh Năm cậu lượm ở ngoài bịnh viện tỉnh hồi năm ngoái, lúc tui nuôi đẻ cho vợ thằng Nhí. Lần nầy tui đặt tên cho nó là Quý. Cậu thấy tên nó có đẹp hông? 
- Ờ. Tên Quý đẹp lắm mà còn vần với tên thằng Nhí nữa. Nhưng nếu chị để cho ông Sáu đặt tên cho nó, thế nào ổng cũng đặt là con Nhảnh cho mà coi...

Chị Năm Lùn nhận nuôi bé Quý được 6 năm thì vào một đêm trời nóng nực, người khác thì mất ngủ vì trời nóng còn chị thì ngủ một giấc ngon lành, ngon như chưa bao giờ được ngủ cho đến tận hôm sau và mãi mãi sau nầy chị cũng không thèm thức giấc...
Chú Tư Bốn trong cảnh "gà trống nuôi con vịt" ở cái tuổi trung niên mà vẫn không chịu bước thêm bước nữa. 
Mỗi lần tôi về thăm mẹ mình, tôi đều có tạt qua đốt nén nhan cho chị Năm Lùn cũng như nhìn con bé Quý lớn dần theo năm tháng. 
Chú Tư Bốn chia hết đất ruộng cho 2 đứa con trai, Chú còn lại 2 công đất bờ sáng dùng làm rẩy kiếm cơm cho mình cũng như nuôi lớn bé Quý. 
Bé Quý cũng được đi học hành đàng hoàng như bao trẻ em cùng trang lứa khác ở trong cái xóm nghèo nầy. Có điều nó lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của mẹ. Chú Tư vừa làm cha vừa làm mẹ suốt một thời gian dài...
Còn bé Quý cũng vừa đi học vừa lo cơm nước cho cha lại còn phải lo bán các sản phẩm do chú Tư làm ra từ 2 công đất rẩy. 
Hai người anh được chia đất ruộng lâu lâu thì cung cấp cho chú một ít gạo lúa để ăn đấp đổi mà thôi.
Mười lăm năm sau Bé Quý trở thành cô giáo trường làng và phải lòng một anh thầy giáo cùng nhiệm sở. Hai người lấy nhau nhưng bé Quý nhất định không chịu ở riêng hay là sống bên chồng mà buộc chồng phải sống chung với chú Tư Bốn. 

Lần sau cùng tôi trở về quê để làm đám giổ đầu cho mẹ mình tôi đến nhà thăm chú vào buổi chiều vừa lúc hai vợ chồng bé Quý đang đi dạy về. Tôi hỏi:
- Chú Tư có nhà không Quý?
Bé Quý thấy tôi thì mừng rở chào:
- Anh hai về hồi nào dzị? Có chị hai về chơi hong hay lại đi một mình nữa? Ba em ở riêng với má mới trên kinh tư rồi.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Em nói thiệt hả? Hay lại giởn chơi. Chú Tư ở vậy đã gần 20 chục năm rồi. Nếu cần lấy vợ thì đã lấy từ khuya chớ ai lại chờ đến lúc già "cúp bình thiết" mới lấy vợ?
Tui theo hai vợ chồng Quý vào nhà. Căn nhà kê tán nhỏ nhắn, xinh xắn bao năm qua vẫn y vậy. Bàn thờ chị Năm Lùn vẫn còn nằm chơ vơ giữa nhà với ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Tôi với tay lấy 3 cây nhan đốt lên để sưởi ấm linh hồn của chị...
Quý đi pha bình nước trà còn chồng nó thì kéo ghế mời tôi:
- Anh hai ngồi uống nước đi rồi hai đứa em kể chuyện ba lấy vợ mới cho mà nghe. Ly kỳ lắm luôn đó...
Ba tách trà đang bốc khói vừa rót xong là 2 vợ chồng Quý sôi nổi kể:
...Hồi tết năm rồi nhà anh Ba Nhí làm lúa đông xuân, ba em tới phụ coi cho người ta cắt lúa. Lúc đó má em đang đi mần mướn, bà ôm lúa cho máy suốt, đang suốt lúa cho dây đất kế bên, chắc là bửa đó trời trưa nắng gắt nên bả bị say nắng hoặc giả thiếu nước sao đó nên bị xỉu giữa ruộng. 
Mọi người ai cũng bận rộn lo chuyện của mình, chỉ có mình ba em là rảnh, nên ổng mới chở ra bệnh viện tỉnh dùm rồi ở luôn đó mấy hôm liền nuôi bệnh. Chừng ổng về nhà thì kêu hết ba anh em tụi em lại rồi tuyên bố ổng muốn cưới dì Tuyết làm má mới của tụi em. 
Ba em cho biết dì Tuyết hiện đang sống có một mình. 
Ngày xưa gia đình dì ấy ở Minh Lương. Chồng dì năm 1980 dẫn theo thằng con trai đi vượt biên nhưng mấy mươi năm không nghe tin tức gì hết. 
Dì Tuyết ở lại với đứa con gái cứ chờ, cứ đợi mãi... 
Đứa con gái lớn lên cũng không dám lấy chồng chỉ vì sợ trở ngại trong việc bảo lảnh đi ra nước ngoài định cư. 
Năm rồi có người đi cùng tàu với chồng dì về nước thăm nhà, hỏi ra mớ biết chiếc tàu đó bị cướp thái lan đâm chìm chắc là mọi người đều làm mồi cho cá hết rồi. 
Chú ấy trước đây là ngư phủ nên lội biển rất giỏi, lúc tàu chìm lại  may mắn vớ được cái can không, sau mấy ngày trôi lênh đênh trên biển chú được ngư phủ Mã Lai vớt lên cho nên mới có cơ hội sống sót mà trở lại quê nhà...
Người con gái của dì Tuyết nghe tin động trời đó buồn quá ra quán nhậu xỉn quên trời quên đất quên cả cộc đời, lúc về nhà lạng quạng thế nào mà bị xe tải cán chết queo...
Dì Tuyết sống một mình không ruộng đất, không tài sản, không con cái, không nghề nghiệp chuyên môn  nên đành phải đi làm mướn mà sống đấp đổi qua ngày...
Nghe Quý kể hoàng cảnh bi đát của dì Tuyết mà nước mắt tôi tự nhiên ứa ra tôi hỏi nó:
- Nhưng sao chú thím Tư không ở chung với hai em mà lại cất nhà ở riêng vậy?
Hai vợ chồng Quý buồn so trả lời:
- Mấy tháng đầu sống chung cũng vui vẻ bình thường. Lúc sau nầy không biết má Tuyết nghĩ sao mà cứ đòi ra riêng. Tụi em năn nỉ hết lời mà ba má không chịu nghe, hai người nhất định đòi cất nhà riêng trên đầu đất của anh ba trong kinh tư, rồi ở đó làm rẩy còn hai công rẩy nầy thì cho tụi em lập nghiệp. 
Tuy là ở riêng nhưng mà lúc nào rẩy em thu hoạch ba má cũng đều xuống phụ...
Tôi từ giả tụi nó ra về thì chồng Quý hỏi:
- Anh hai có muốn đi thăm ba má em không thì em chở cho đi...Đường trong kinh tư bây giờ người ta đấp đê cao ráo mấy cái mương được bắt cầu ván xehonda chạy bon bon thẳng qua tới kinh xáng mới luôn. 
Chú Tư Bốn có 2 miếng đất ruộng. Miếng sau nhà tôi 10 công tầm cắt còn miếng trong kinh tư gần vuông Tư Xệ 15 công. 
Kinh tư lúc sau nầy nhà cửa dầy đặt, cái chòm mã lạng bị người sống lấn chiếm cất nhà gần hết, hỏng biết con ma vú dài có còn lẩn quẩn ở đâu đó không hay là đã bị đuổi đi, không biết hồn nó bay vất vưởng ở phương trời nào...
Đạt dừng xe trước một căn nhà nhỏ còn thơm mùi lá mới. Căn nhà được ngăn đôi bởi một cái màng mỏng phía trước chỉ có một cái chỏng tre và cái bàn nhỏ cùng 2 cái ghế.
Đạt gọi lớn:
- Ba ơi! Má ơi! Hai người có nhà không?
Một không gian lặng lẻ im lìm, tiếng gọi của Đạt chìm vào trong cái yên lặng của buổi chiều nhạt nắng. Nó lớn tiếng gọi lại lần nữa rồi quay sang tôi nói:
- Chắc hai ông bà còn đang làm cỏ hay cho cá ăn ở sau vườn. Anh hai đứng đây chờ nghen để em ra đó mời ổng bả vô nhà...
Tôi bước theo Đạt ra sau nhà, đi lần giữa những líp đậu bún vừa ra hoa. Ở tận cái mương sau cùng giáp với thửa ruộng mới màu xanh tươi hai bóng người đanh ngồi kề sát bên nhau...
Tiếng của Đạt lại vang lên:
- Ba má ngồi đây mà con kêu khan cổ họng hổng ai nghe, hổng ai thèm lên tiếng hết trơn làm con lo quá trời luôn. 
Tiếng chú Tư trả lời:
- Già rồi hơi lảng tai. Mà ai đi sau bây dzị? Cái tướng thấy quen quen nhưng nhìn hổng mấy gỏ. 
Tôi bước tới gần hơn mới lên tiếng:
- Dạo rày khỏe hông chú Tư?
Nghe giọng nói của tui chú mừng rở reo lên:
- Thằng hai hả? Bây về hồi nào dzị? 
Quay sang vợ mình chú nhỏ nhẹ tiếp lời:
- Thôi vô nhà bà ơi, thằng hai nó từ nước ngoài về thăm mình nè...
Vợ chú vừa đứng lên gật đầu chào tôi làm tôi giật thót mình tưởng là mình thấy ma. 
Trời ơi! Sao mà lại giống chị năm Lùn hết cở. Cũng khuôn mặt tròn tròn với cái răng khểnh, cũng dáng người ú ú nhưng đi đứng rất lẹ làng, cũng nước da  màu bánh ích.  Nhưng giống nhất là cái tướng lùn tịt chừng non mét rưởi...



Bây giờ thì tôi biết tại làm sao mà chú Tư Bốn bị tiếng sét ái tình xẹt trúng phóc ngay tim đen.
Bốn người ngồi nói chuyện đời xưa, chuyện trên trời dưới đất chú Tư Bốn vẫn luôn miệng gọi "Thím Tư Bây" mỗi khi đề cặp đến bà vợ mới của mình nhưng dì Tuyết thì khi nói tới chú tư bà ta dùng 3 tiếng "ba con Quý" nghe nó ngọt ngào làm sao làm tôi nhớ đến chị Năm Lùn thường dùng 3 chữ "Anh Năm Cậu" để chỉ chồng mình...

Trên đường về thằng Đạt thắc mắc hỏi tôi:
- Em thiệt không hiểu sao ông bà già vợ em lại thích sống riêng trong cái chòi nhỏ vắng vẻ như vậy hỏng biết nữa. Chẳn lẻ từng tuổi đó rồi mà còn quọt quẹt được sao ta??? 
Tôi định nói:
- Chắc chú thím Tư không muốn làm gánh nặng cho 2 đứa em nên mới ra riêng sống để cho tụi em rảnh rang mà gây dựng sự nghiệp.
Nhưng tôi không muốn chúng ưu tư lo lắng nên trớ sang chuyện tếu:
- Súng của ổng bị người ta lấy hết đạn 40 năm trước rồi còn cọ quẹt được đâu mà em nói. Chắc là 2 người muốn vui vẻ với phong cảnh thiên nhiên mà thôi em không thấy hồi chiều nầy 2 người tay trong tay ngồi xem cá đớp mồi sao ? 

Thất thập cỗ lai hy 
Lục thập có khác gì 
Súng gươm chừ sét rỉ 

Chỉ ngó, chẳn mần chi...

8 comments:

Katie co5rg said...

Sư huynh LN viết truyện vừa vui vừa cám động, cô 5 tui say mê đọc một lèo luôn.

Unknown said...



Chuyện tình của chú Tư Bốn cũng hao hao giống một người trong nhóm TH....Tui cũng có một người bạn tên là chú Năm Ngầu, chú cũng làm một bài thơ gần giống như LN:
-Thất thập cổ lai hy
Bát thập súng vẫn ghì
Lau hoài sét không rỉ
Luôn trúng mỗi lần thi....

trường tôi said...

Hình như chú Năm Ngầu là anh của chú Sáu Lục phải vậy hong Thầy kkk...

trường tôi said...

Gõ tiếp ...và có người em là Bảy Thất hứa...thiệt là... tình mà...

Lanh Nguyễn said...

Bát thập nói làm chi
Cửu thập bắn rất chì
Súng gươm chua bị rỉ
Đứng nhứt mỗi lần thi
Hi..hi..

Katie co5rg said...

Bát thập súng gươm gì
Dặn vợ nhớ mà ghi
Thế nào cũng bị ...rĩ
Xin đừng có ...ỷ y
Ngừa phong đòn gánh tức thì
Để mà mang bệnh nhứt nhì ( gì ) cũng phiêu ...hihihi

Lanh Nguyễn said...

Ngũ thập quên trước sau
Vợ dặn phải ghi vào
Không thì bị quên ráo
Vợ nhéo lại than đau..

vk said...

Nghề chơi cũng lắm công phu. Mỗi thể thơ đều có cái đẹp riêng của nó. Tuỳ theo cái duyên và cảm hứng của mỗi người mà tác giả có thể trải rộng những xúc cảm của mình. Đường thi không thể "Mục nát, cỗ lõ sĩ..." mà nó đã và sẽ còn cuốn hút nhiều người trong giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc. Đành rằng không ai phủ nhận được cái đẹp, mới lạ trong Tình già của Phan Khôi, Nhớ Rừng của Thế Lữ, Mùa thu của Lưu trọng Lư.... Nhũng cũng không ai có thể phủ nhận cái độc đáo của Thăng Long thành hoài cỗ của bà Huyện thanh Quan hay Thu Điếu của cụ Tam nguyên Yên Đổ...
Cứ để mới cũ, đông tây hoà quyên với nhau cho vườn hoa văn nghệ muôn mầu, muôn sắc.