Sunday, November 5, 2017

Lộng giả thành chân kỳ 4


_______________

LANH NGUYỄN




Xã hội nào cũng được cấu tạo bởi rất nhiều thành phần. Dân tộc nào cũng có người tốt kẻ xấu. Cộng đồng nào cũng có những người thành đạt nổi danh cũng có những kẻ thất bại đứng đường ăn xin. Đó là quy luật tự nhiên của một xã hội. 
Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ không ngoại lệ. 
Thành phần trí thức đức cao trọng vọng như những vị bác sĩ mà người ta ví "lương y như từ mẫu" trong đó cũng có người tốt kẻ xấu chứ không riêng vì những thành phần ít học, kiến thức hẹp hòi mới phạm tội rồi bị xem là kẻ xấu. 
Người tốt thì đã có quá nhiều văn sĩ ca tụng rồi tôi chỉ đơn cử một vài thí dụ về các ông bà bác sĩ khả kính của chúng ta chưa được tốt mà thôi. 
Chắc quý vị không tin đâu hé. 
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ nó rối ren như là Đào Hoa trận của lão Đông Tà trong truyện Quách Tĩnh Hoàng Dung (Anh Hùng Xạ Điêu).
Nhưng nhìn chung đại khái có thể tóm tắt như vầy:
- Bảo hiểm tư 
-Medicare của chánh phủ liên bang 
-Medical của tiểu bang California
- Những clinic của thành phố nơi mình đang sống.
Mỗi một hảng bảo hiểm có giá tiền để trả cho nhà thương, trả cho bác sĩ khác nhau thế nên các ông bà bác sĩ thiếu lương tâm cũng có cách khám bệnh khác nhau.
Tôi có một ông bạn lúc còn đi làm xài bảo hiểm tư rất tốt thì không bao giờ đi bác sĩ. Không biết anh ta sợ tốn tiền co-pay hay là sợ bác sĩ khám ra bệnh. Đến khi về già có medicare và cả medical (vì anh ta vô sản) thì anh ấy lại thường xuyên viếng văn phòng bác sĩ để khai bệnh rồi xin thuốc gởi về Việt Nam.
Mỗi lần gặp bác sĩ anh ta chỉ cần nói bệnh của người bên Việt Nam khai với anh là ông bác sĩ cho toa ra pharmacy lấy thuốc đem về ngay. Ông bác sĩ khỏi cần sờ mó nắn bóp bộ xương khô của anh ta làm gì cho đau đôi tay ngà ngọc. 
Đến khi anh ta thật sự bị đau ngực, ho khan, khi khai bịnh với ông bác sĩ ổng cũng không cần khám cứ thế mà ra toa thuốc ho đem về uống. 
Uống một thời gian không hết ho mà anh ta lại khạc ra cục máu. Bà vợ hoảng hồn đem vô nhà thương cấp cứu thì lòi ra ông ta bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối cùng. Nhà thương bắt ở lại, nằm chưa đầy 1 tháng sau thì anh ta đã đi về Bạc Liêu bán muối hột rồi. Rỏ thật là đau lòng. 
Bệnh giả đã đời hóa ra bệnh thiệt lúc nào cũng không hay.
Một ông bạn khác cũng ở tuổi xế chiều đang hợp tác với 3 anh em nhà họ "cao". Mỗi tháng ông ấy đều đều đến viếng văn phòng bác sĩ chỉ để mỗi việc lấy toa thuốc rồi cũng qua pharmacy lấy thuốc mới đem về nhà "thưởng thức" mà thôi. 
Ông bác sĩ của anh ta cũng không có thời gian nghe ngóng coi tim mạch đập thế nào. Lượng đường trong máu lên cao hay xuống thấp, hoặc giả áp huyết tăng hay là giảm. Bởi vì ông bác sĩ còn đang chạy đua với thời gian để tìm cho đủ số bệnh nhân hầu móc tiền medicare của chánh phủ. 
Có khi hên lắm thì được ông ta hỏi:
- Hôm nay anh thấy trong mình thế nào.
Thường thì câu trả lời:
- Cũng vậy. Không có gì thay đổi. 
Cho đến một ngày ông ấy bị nhức đầu như búa bổ. Khi vào gặp vị bác sĩ khả kính anh ta được hỏi thêm:
- Ở nhà có chuyện gì rắc rối không? Có cự lộn với bà xã không? Có phàn nàn vì con cháu không? Có lén vợ để nhớ người đẹp nào không?
Ông bạn tôi đang áp dụng chánh sách 4 không của cố Tổng Thống Thiệu thế nên ông bác sĩ cho toa mua thêm thuốc nhức đầu rồi tuyên bố:
- Uống ít viên thuốc nhức đầu xong ông ngủ một giấc, còn những chuyện  không vừa ý khác cứ quên hết đi thì tự nhiên sẻ hết nhức đầu thôi...
Tối hôm đó anh ta về nhà sau khi uống 2 viên thuốc, anh ta ngủ một giấc ngàn thu quên hết mọi việc trên đời và cũng không thèm thức dậy dù trời đã sáng bét...
Chuyện bác sĩ khám bệnh qua loa tắc trách chả có gì là dữ dội. Có khi họ không cần khám chỉ cho người đi thu góp thẻ medicare của những người già kém hiểu biết rồi dụ dỗ ngon ngọt mời các cụ đổi medicare lấy một ít quà hay tiền mặt còn họ thì thẳng tay chặt vào quỷ medicare. Số tiền gian lận của họ lên đến hàng trăm triệu mỗi năm. Quỷ Medicare thâm thủng cho nên FBI đã nhảy vào cuộc họ tung nhân viên đi gày bẩy bắt chuột. 
Cuối thập niên 80 một chiến dịch truy lùng gian lận medicare quy mô được tung ra. Rất nhiều bác sĩ bị bắt, trong đó có không ít bác sĩ Việt Nam. 
Bị động ổ các bác sĩ chưa bị dính đã cấu kết với luật sư, bọn họ chuyển qua gian lận tiền bảo hiểm. 
Một tai nại xe cộ thường thì thiệt hại vật chất không bao nhiêu nhưng thiệt hại về thể lực và tinh thần của tài xế cũng như hành khách ngồi trong xe mới là điều mà các hảng bảo hiểm về xe cộ lo ngại. Quan tòa căn cứ vào giấy chứng thương, quá trình trị liệu của bác sĩ mà quyết định số tiền bồi thường cho nạn nhân.
Các luật sư vô lương tâm cấu kết với những bác sĩ ham tiền dụ dổ những người có liên quan trong một vụ tai nạn đụng xe, dù lớn hay nhỏ dù có thương tích hay không có khi các nạn nhân không cần đến gặp bác sĩ mà chỉ cần ký tên vào những tờ giấy mà đại diện luật sư mang đến nhà là đủ rồi.
Thường thì số tiền mà luật sư đòi được trong một vụ kiện được chia ra làm ba phần, nạn nhân nhận một phần, bác sĩ lấy 1/3 và 1/3 còn lại là phần của luật sư.

Chuyện gia đình ông Bắc...
Sau một thời gian khá dài sống ở San Francisco với số tiền trợ cấp hàng tháng ít oi gia đình ông Bắc dự định di chuyển đến Monterey để gây dựng lại cơ nghiệp. 
Ông Bắc liên lạc được vài người bạn cũ họ rủ ông xuống tận nơi xem chơi cho biết sự tình. Chuyến đi tham quan thật là vui vẻ nhưng khi về đến thành phố trong lúc xe ông đang đậu chờ đèn đỏ thì bất thình lình một chiếc xe bồn đổ xi-măng to lớn từ phía sau tông vào đít xe ông một cái rầm, làm y như là trời sập xuống, khiến cho cái cóp xe bung chành té bẹ. Ông Bắc hồn vía lên mây, nhưng hai đứa con trai thì mừng rân còn 2 cô con dâu thì cười tươi như hoa nở... 
Cái tai nạn đụng xe lần đó theo như con dâu út cho biết là lần thứ nhì rồi. Lần trước cũng đậu chờ đèn thì bị một bà già lơ đảng đèn đường chưa bật xanh mà bà lão đã nhanh chân nhấn ga vọt lẹ nên xe bà "hít" đít xe cô nàng đang đi nhờ, làm cái đít xe bị móp chút tí nên hảng bảo hiểm không đền được bao nhiêu tiền và luật sư cùng bác sĩ cũng chả có vẽ thêm được gì nhiều. Lần nầy là chiếc xe bồn húc đít thế nào cũng có cơm, mà nếu không cơm chắc cũng có cháo bào ngư...
Sau mấy tháng thương lượng cuối cùng hai bên thỏa thuận cái mức bồi thường là 15 ngàn đô-la cho mỗi người ngồi trên xe. 
Bên phía ông Bắc 4 người sau khi bác sĩ và luật sư lấy phần của họ thì gia đình ông còn lại 20 ngàn. Còn gia đình cậu út 2 người thì cũng được 10 ngàn.
Khi nhận 2 tấm checks từ văn phòng luật sư họ cho biết số tiền trên nếu đang nhận trợ cấp của chánh phủ thì cần phải báo cáo để các cán sự xã hội xem xét lại tình trạng tài chánh.
Vợ chồng ông Bắc không có con nhỏ đã bị cắt trợ cấp mấy tháng rồi nên không có gì trở ngại. Ông định đứng tên nhận luôn cho 3 gia đình. Con dâu lớn còn ở chung nhà nên không có ý phản đối còn cô dâu út thì nhất định hát bản "không". 
Thế là tiền ai nấy giữ. Trước khi ra về nàng hỏi nhỏ người đại diện luật sư xem có cách nào mà sở welfare không trừ tiền của nàng vừa nhận được không. 

Vẽ đường cho hưu chạy. Luồn lách qua những kẻ hở của luật pháp là nghề kiếm sống của các luật sư mà. Thế cho nên vợ chồng Hồng Hạnh được chỉ vẽ làm một cuộc ly dị giả. Hồng Hạnh nghe qua là hân hoan chấp nhận không cần suy nghĩ nhưng Tồn thì dần dừ hỏi lại:
- Ly dị rồi thì tui sống ở đâu đây.
Thư ký văn phòng luật sư mĩm cười trả lời:
- Thì ở nhà anh như cũ chứ ở đâu nữa. Xứ nầy ai muốn ở đâu tùy ý mà. Chỉ trừ khi...
Anh ta ngập ngừng không nói tiếp làm cho Tồn sốt ruột hỏi dồn tới:
- Chỉ trừ khi cái gì hả?
Anh ta cười hì..hì:
- Chỉ trừ khi chị nhà chán anh thì chỉ tống cổ anh ra đường hoặc giả có ai ghen ghét mà báo với sở an sinh xã hội, có khi họ bất thình lình xuống kiểm tra nếu mà bắt gặp anh tại trận thì họ cúp trợ cấp của chị nhà và đòi lại tiền chánh phủ đã phát ra chứ cũng chả có chuyện gì to tát.. Nhưng mà các cán sự xã hội đâu có quởn để đi lo chuyện tào lao đó. Anh đừng lo. Hơn nữa trợ cấp của anh chị sớm muộn gì cũng sẻ chấp dứt khi nhận đủ thời gian. Bây giờ chánh phủ chỉ trợ cấp cho những trẻ em dưới 18 tuổi mà thôi còn cha mẹ chúng thì không cấp dưởng nữa. Nhưng nếu là người mẹ đơn thân thì vẫn được giúp đở. Anh chị tính sao thì tùy ý...
Nghe bùi tai vợ chồng Hồng Hạnh đồng ý ly dị để ẳm trọn số tiền 10 ngàn đồng mà không lo sở welfate trừ bớt và cũng không còn lo tới ngày chấm dứt trợ cấp nữa.

Thời gian trôi qua nhanh như tàu cao tốc vượt đại dương. Một hôm bốn anh em chúng tôi họp mặt hàn huyên nhậu nhẹt để nhớ chuyện đời thuở xa xưa thì gặp Tồn cũng theo chơi với Kiên. Chợt nhớ đến Hồng Hạnh tôi hỏi anh ta:
- Hai ông bà có thêm cháu bé nào mới nữa chưa? Còn thằng bé sanh ở đão Bidong đã học lớp mấy rồi vậy?
Tồn lắc đầu rồi cầm chai bia nốc một hơi cạn sạch mà không thèm trả lời trả vốn câu hỏi của tôi. Còn thằng Kiên thì kéo tay tôi đứng dậy ra nhà sau kể nhỏ:
- Hai ông bà đó rả đám cả năm nay rồi. Không biết lúc đầu nghe theo lời ai bày vẽ, xúi họ làm ly dị giả để nhận tiền trợ cấp theo kiểu "single mom". 
Rồi không biết ai chơi ác đi tố cáo với sở welfare thế là người ta xuống nhà vào buổi tối bắt tại trận anh ta đang ở nhà mặc "quần tà lỏn" Rồi bà vợ sợ bị cúp tiền trợ cấp nên đã hùng hổ xực lộn với anh ta ngay trước mặt các cán sự xã hội. Sẵn đà chị ta tống cổ anh ấy ra khỏi nhà. 
Ít lâu sau chị ta cũng cuốn gói dắt theo thằng con dong qua tiểu bang khác mất dạng. 
Thiệt đúng là "lộng giả thành chân" làm chơi mà thành thiệt. Ly dị giả mà bây giờ thành ly dị thiệt rồi. Không biết người nào mà chơi độc đi tố cáo làm chi cho anh ta bị nhà tan cửa nát. 
Tôi định nói:
- Thì thằng bồ của vợ anh ta chứ còn ai trồng khoai đất nầy. Thằng đó bày kế độc để thiên hạ khỏi xì xầm nguyền rủa cô nàng  là kẻ đã bỏ chồng theo trai...

Nhưng mà tôi không muốn nghe thiên hạ chưởi mình là thằng nhiều chuyện nên làm thinh rồi trở vô nhậu tiếp. Thiệt đúng là: 

Ngán ngẩm quá tay cái sự đời 
Tình nghĩa vợ chồng đem giởn chơi 
Chén đủa còn nguyên chưa khua động 
Quan tòa đang mộng bổng được mời 
Tình xuân đôi lứa đang phơi phới 
Cũng bởi đô la phải rả rời. 
Chuyện tưởng giởn chơi ai ngờ thiệt  
Thôi đành giả biệt, rẻ đôi nơi...

1 comment:

trường tôi said...

Tội nghiệp nhân vật trong câu chuyện quá, giờ thì vợ con biệt tăm... biết ở phương trời nào
Giả làm li dị mần chi
Giờ thì ôm hận trách ai bây giờ... Thiệt là... tình mà...