Tuesday, August 20, 2019

Giảng văn

________________________


Cao Vị Khanh
Image result for hình ảnh thầy đồ ngày xưa


tranh minh họa: Internet

tặng m

Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi làm nghề dạy học. Mà dạy văn chương nữa mới bảnh chớ. Dĩ nhiên từ nhỏ tôi khoái đọc sách. Nhưng mà từ chuyện khoái đọc sách – bất kể trinh thám, kiếm hiệp, đường rừng hay tâm lý ái tình, kể cả thơ năm chữ, bảy chữ, hay lục bát kiểu Nguyễn Bính chị-cho-em-chị-chiếc-khăn-thêu, ý-chị-thương-em-khóc-đã-nhiều, ngày-trước-khóc-chị-giờ-lại-khóc, đời-mình-thêm-lỡ-một-lần-yêu dù thiệt ra chưa biết thất tình nó thốn tới bực nào – đến chuyện đi bình văn cho người khác nghe, dù người khác ở đây nhỏ hơn tôi năm bảy tuổi cũng phải nói là chuyện không được… giáo khoa cho lắm.
 Dẫu vậy, tôi cũng đã làm hết sức tôi, nghĩa là múa may nói năng tá lả. Và học trò của tôi, ôi những cặp mắt nai cứ nở tròn xoe và đen nhánh như hột nhãn, chớp lia chia khi tôi hạ giọng ê a kiểu Kẻ-chốn-chương-đài-người-lữ-thứ-Lấy-ai-mà-kể-nỗi-hàn-ôn hay lên giọng hát bội Vòng-trời-đất-dọc-ngang-ngang-dọc-Nợ-tang-bồng-vay-trả-trả-vay của Nguyễn Công Trứ. Cái đám người mới lớn đó, lòng trắng nõn như mấy cái nụ hoa sứ ngoài cổng trường, cứ hí ha hí hửng thâu góp tóm gọn mỗi chữ mỗi lời vuột ra khỏi cửa miệng tôi. Tội nghiệp! Có ai biết nỗi lòng của ông thầy trẻ, loạn lạc như tơ vò, mà mở miệng ra là cứ kiểu … chi hồ giả dã! Nói có ông bà cha mẹ thầy cô làm chứng, tôi không có chút ý gì dám phạm thượng tới các bậc học giả tiền bối đã nghiền ngẫm, thẩm định để soạn ra cái chương trình gọi là Quốc Văn cho đám học trò trung học thời đó. Từ khi chưa có chữ viết đến khi bị ép uổng học chữ của mấy chú con trời (chữ Hán) cho đến khi có thứ chữ mới ghép bằng mẫu tự La-tinh cốt để học đạo Chúa (chữ quốc ngữ) cũng trải qua hơn mười mấy thế kỷ, chen vô khúc giữa có lúc do tinh thần tự chủ, ông bà cũng cố gắng mằn mò ra một loại chữ mới (chữ Nôm) – khổ nỗi mượn đâu không mượn lại đi mượn thứ chữ Tàu vốn khó giàn trời để ký âm tiếng Ta, thành ra công cốc – muốn học chữ Ta phải biết chữ Tàu. Ta Tàu Tàu Ta cứ lộn tùng phèo thành ra… Tàu vẫn là Tàu mà Ta thì mỗi lúc một… teo. Nói… cho vui chớ có phải dễ dàng gì đâu. Công lao của quý ông bà tổ tiên qua suốt mấy ngàn năm mở nước và giữ nước kể sao cho hết. Hẳn rằng mọi lo toan từ đó, cốt lõi là giữ cho được cái mạng sống của mình trước đã. Nghĩa là miếng ăn, mảnh đất, đầu tiên. Sau đó mới tới chuyện… trà dư tửu hậu. Hai lần Bắc thuộc gần hai ngàn năm với mọi thứ gươm giáo trường thương mã tấu cùng với chiêng trống phèn la lùng tùng xèng hè nhau hỗ trợ đủ để tạo nên một phong thổ thuận lợi cho cái hột giống phương bắc bắt rễ mọc lia chia bất kể. Người Việt ta còn ngẩng mặt lên trời mà ngôn rằng Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (lại chữ Hán!) vậy là đã quá mức ăn thua rồi chớ còn đòi hỏi hơn nữa sao đặng. Hổng tin, mở sổ bộ đời ra coi, đã có bao nhiêu tộc người bị giống Hán nuốt gọn đã phải… nín cười nơi chín suối mà chẳng để lại được chút gì cho con cháu ngâm nga tán tụng. Lại nữa cái lối học đòi theo lục bộ của Hán tự xuyên qua mớ tứ thư ngũ kinh nặng bề bề riết rồi cũng khiến ông bà ta chậm bề nhúc nhích. 19 thế kỷ trôi qua, chữ Hán chữ Nôm theo luật đào thải trôi tuột vào bóng tối của lịch sử, còn lại mớ chữ quốc ngữ, bây giờ đem giảng dạy mớ văn chương ta cho quý mầm non mới nhú… Kể ra như vậy cũng có lợi. Bởi vì từ khi mấy ông cố đạo Bồ-đào-nha viết ra chữ Đức-Chúa-Lời cho tới khi Hàn Mặc Tử kêu than Trời-hỡi-làm-sao-khi-khát-đói Gió-trăng-có-sẵn-làm-sao-ăn, chính ông Trời cũng phải chịu lột xác- phụ âm L thành phụ âm T, nói gì tới chữ quốc ngữ cũng đã mấy phen chìm nổi để có được cái bộ dạng sáng sủa dễ coi, ít có móc ngoéo sổ toẹt như thời thầy đồ dạy học làm đám nhỏ cũng đỡ phần… gò mình uốn mẩy như khi còn dùi mài chữ… Tàu. Sinh hoạt văn thơ nhờ vậy cũng đâm ra phổ thông và nhất là em út được dịp học hỏi thả giàn. Trong số đó có món Việt Văn. Từ đệ thất (lớp 6) đến đệ tứ (lớp 9) thì chia ra kim văn với cổ văn. Từ đệ tam (lớp 10) đến đệ nhị (lớp 11) sau đó đôn thêm đến đệ nhất (lớp 12) thì có thêm phần văn học sử. Nhưng kim cổ gì cũng có phần phụ diễn gọi là giảng văn. Nghĩa là thầy giảng văn thơ cho trò nghe. Có khi để thêm phần long trọng, còn lên giọng gọi là… bình giảng. Nghĩa là ngoài việc giải thích chuyện trời trăng mây nước ở cái thời xa tít mù xa lại còn kiêm luôn cái trò làm ngự sử văn đàn để phê phán bình luận hay dở nông sâu, ý tình và ngón nghề của mấy đời cố tổ. Kể ra thì cũng vinh dự có thừa. Mà điều lắm khi, nghĩ lại cũng thấy… lạnh mình. Lạnh mình vì khác với quý đồng nghiệp dạy toán, lý hóa, sử ký, địa dư … có đâu nói đó. Ông Euclid hồi đó ổng nói vậy thì dẫu ngàn năm sau cứ y theo ổng mà nói. Đại loại… từ một điểm ở ngoài đường thẳng, ta chỉ vẽ được một đường song song với đường thẳng đó và chỉ một mà thôi. Kể cả định lý của ông Pythagore hay của ông nào đi nữa, mỗi khi bước lên… bục giảng cứ một mực vậy vậy mà lớn lối. Lý hóa thì đè ra mà dỗ ngọt cũng không nói khác hơn được cái vụ hai phân tử Hydro cộng với một phân tử Oxy thì ra… nước. Còn Sử Địa thì dẫu có hứng bất tử tới đâu thì đầu năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung chém đầu tướng tàu Hứa Thế Hanh ở gò Đống Đa chớ không thể lạc qua bến đò Rạch Miễu. Sách sử dày cộm, chữ đen giấy trắng rành rành, từ Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đời nhà Lê đến Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của triều Nguyễn… rồi Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim… sách nào sách nấy, y như rằng, vậy là vậy, không có lăng xăng lích xích gì được! Quý thầy mà có vui buồn hờn giận, phụ tình tình phụ gì bất kể, cứ y theo vậy mà bộc bạch, chẳng có gì phải sợ leo lề như xe lửa sợ trật đường rầy…

Trong khi đó, mấy ông thầy dạy Việt Văn… như tôi, đời cho làm thầy mà cứ hục hặc với cái nghiệp trời cho, thì phải nói, dẫu có uốn lưỡi bảy lần trước khi nói đi nữa mà lắm khi cũng phải ngượng ngùng mà đặt vấn đề với chính tôi… phải vậy hông, thiệt vậy à, ông văn sĩ đó, bà thi sĩ ấy… có nói (nghĩ) vậy sao? Lấy gì làm chắc? Nay đời xa người khuất lấy gì mà hiểu đúng ý nhau. Con người vốn là sản phẩm của xã hội. Áo dài có lúc phủ tới gót vừa đi vừa quét nhà. Rồi có lúc bỗng rút lên, ngắn cũn cỡn thiếu điều che không kín cái chỗ phải che. Ai dám nói hiểu nhau khi đời trước với đời sau cách nhau hằng hằng thế kỷ. Hơn nữa, người ta với nhau chớ có phải máy móc gì đâu mà rạch ròi. Buồn thì có buồn buồn, buồn hiu, buồn bực, buồn-muốn-tự-vận… v.v… và v.v… Còn vui thì cũng vậy. Vui vẻ, vui tươi, vui mừng, vui muốn khóc… Chỉ hai trạng thái sơ đẳng nhất của tâm lý con người mà còn nhiêu khê như vậy thì hỏi làm sao mà phanh phui cho tới nơi tới chốn tâm thức của mấy ông mấy bà để mà quả quyết thơ nói vầy văn nói nọ. Nhất là văn chương là thứ hay lắt léo quanh co, ấm a ấm ớ, nói vậy mà hổng phải vậy. Thêm ba cái mỹ từ pháp vốn là ngón nghề của mấy ổng bả, nào là ẩn dụ, so sánh, rồi hoán dụ rồi thậm xưng, điệp ngữ điệp tự với lại đảo ngữ… đảo qua đảo lại lộn lên lộn xuống tới mờ người thì lấy gì là đoan chắc mà… bình với giảng. Lại đến khi ông Freud ổng vạch ra bí mật nhiều từng của tâm lý con người mà xanh rờn cả mặt. Con người ta phức tạp lắm. Hành động của hôm nay có thể bắt nguồn đâu từ chuyện hôm qua hôm kia hôm kìa hôm kỉa xa tít mù xa trong quá khứ. Như vậy, để giải thích rằng thơ làm bữa kia của người đó cho người nầy có nghĩa là vầy thì lấy gì làm chắc khi mà người xa đã xa, đời xưa đã đổi, lấy gì mà truy tìm, làm sao mà lòn vô ý thức của người sáng tác rồi chui xuống tiềm thức rồi chùi tuốt xuống tận tới cõi vô thức của người ta cho được mà… giảng với bình… chuyện của người ta!!!
Nhưng nói thì nói vậy mà chuyện làm thì cứ làm. Hổng làm nhà nước đuổi việc thì lấy gì mà ăn với chơi. Bởi vậy mà, ngày này qua ngày nọ, khi sáng sớm, lúc chiều chiều, quý vị tương lai của đất nước vẫn thấy tôi vừa vẫy tay ra dấu ngồi xuống vừa rảo bước lên cái bục giảng vuông vức với cái bàn thầy vuông dài. Rồi là chương trình được tái diễn suôn sẻ như mấy bài học thuộc lòng. Điểm danh. Kiểm bài. Học trò bên dưới được một phen… nín thở khi thấy cây viết bic rà lên rà xuống cuốn sổ Khuyên điểm dài ngoằng. Sau một hồi… khủng-bố-trắng là tới màn giảng bài mới. Bài mới có thể là đoạn mở đầu Chinh Phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn với bản dịch của bà Đoàn thị Điểm. Có khi là đoạn Kiều ngồi lầu Ngưng Bích ngó tới ngó lui mà buồn trông ra… đủ chỗ đủ nơi. Mà sáng trưa chiều tối gì cũng y một dàn bài đã được định sẵn đâu từ đời kiếp nào.
Kim văn cũng như cổ văn, bài giảng phải đủ tiết mục và theo một thứ tự cố định. Y như luật lệ một bài thơ Đường luật. Không thêm không bớt. Bài nào như bài nấy. Dạo đầu là hoàn cảnh sáng tác, rồi tiểu sử tác giả, đại ý, bố cục. Xong tới phần phê bình nội dung và hình thức.  Sau hết là kết luận.
Kể ra cũng khá đầy đủ và hợp lý. Giới thiệu một bài văn một bài thơ của một tác giả nào đó cho ai đó như vậy đã là hết tình hết nghĩa. Chỉ có cái phần phê bình nội dung và hình thức thì có chút nào hơi lấn cấn với tôi. Chẳng những lấn cấn, mà đôi khi còn làm tôi ray rứt. Nói vậy mà phải vậy hông, có đúng ý tác giả hông hay chỉ là dựa theo khuôn khổ có sẵn mà… dạy đời.
… Hồi đó, nghĩa là những năm 60 , 70 sách vở về văn chương Việt Nam  nhất là sách có tính cách giáo khoa dù không nhiều nhưng cũng không phải là hiếm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm là những công trình nghiên cứu rất nghiêm túc, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận với những lời bình văn rất bay bướm của Hà Như Chi, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ, Văn Học Việt Nam của Phạm Văn Diêu…  Mấy bộ sách trên có thể được coi là sách gối đầu giường của mấy tay dạy văn chương cho đám trẻ, ngoài ra còn dậm thêm mắm muối một số không nhỏ công trình nghiên cứu phê phán có tính cách chuyên biệt hơn cho thêm phần mặn mà.  Dĩ nhiên không phải một sớm một chiều mà được đời phong cho chức thầy, họ cũng đã đòi phen mon men chốn trường văn trận bút, đặc biệt là đầu óc cứ lơ mơ chốn hạc nội mây ngàn, chăm bẳm với mớ văn thơ phú lục. Riết rồi văn chương xưa nay thấm vào người như nước lụt, ăn nói đẩy đưa thêm phần ướt át mà cũng không thiếu chuyện… theo đuôi. Tới trường tay không, lên lớp không sách, đem thơ văn người xưa trong trí nhớ ra giảng dạy, hùng hồn hay lí nhí, thao thao bất tuyệt hay lắp ba lắp bắp, noi theo lý luận của sách vở giáo khoa như đi trên con đường mòn mà người trước đã đi, bất kể. Đi mà yên tâm vì hai bên đã có rào cản, dựng sẵn bởi quý vị tiền bối khả kính.


Nhưng mà rồi, nói vậy cho có vẻ chính chuyên chớ thiệt ra trong lòng lắm khi cũng muốn… xé rào.
Thử nghĩ coi, đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, ai cũng thấy ra cái vẻ đài trang trong từng câu từng chữ. Nhốt gọn trong cái lồng Đường luật, thơ chỉnh chu, đúng đắn, gọn gàng, vừa phải không thiếu không thừa, mỗi câu mỗi chữ được chọn lựa đúng y chang cái nghĩa, đứng ngay bon cái chỗ của nó, không chê vào đâu được.
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Rồi thì cứ là… lòng ái quốc với lại khuynh hướng hoài Lê… như sách vở đã mấy đời mực đen in trên giấy trắng. Nhưng mà…! Nhưng mà sao lại ta với ta một mảnh tình riêng?

Tấm lòng ái quốc, tâm sự hoài Lê sao không đem san sẻ với người thiên hạ mà chỉ vò võ một mình! Lại nữa, khi chiều hôm nhớ nhà

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Ai ở chốn chương đài còn ai người lữ thứ…? Biết ai mà hỏi. Mà phải biết ai ra ai thì cần chi làm thơ! Thơ làm vì có chuyện muốn nói mà người nghe thì quả tình xa thiệt là xa. Tại vậy mới làm thơ. Kẻ chương đài người lữ thứ. Nghe ra sao xót dạ. Sao không xếp người làm thơ vào loại nòi tình mà ép uổng vô chỗ ái quốc trung quân chi cho nó nặng trì vai người cô lẻ. Dĩ nhiên không ai muốn phủ nhận sự chia khuynh rẽ hướng của quý vị phê bình gia, nghiên cứu gia nghiền ngẫm so đo sắp xếp văn thơ cho thành hàng thành lối. Nhưng nếu chỉ xô cho trăm sông đổ về một mối thì nghĩ ra cũng tội tình cho mấy thứ mà con-tim-thì-thấy-còn-con-mắt-thì-không. Nếu lúc đó, trên bục giảng, tôi mà nổi hứng bất tử, bẻ gãy cái vòng kim cô mà tẳn mẳn tỉ mỉ khêu, gợi, đặt nghi vấn về cái… người-lữ-thứ đó thì hổng chừng dám có chuyện đôi co với quý vị cha mẹ học sinh. Giữa chốn cửa Khổng sân Trình ai mà chịu để cho lang bang tới vậy. Khổ nỗi, đem văn chương mà nhốt vô mấy cái lồng đạo đức chặt chịa và chật hẹp như mấy cái rọ bắt cá thì làm sao mà không khỏi thấy… tức tưởi ! Ai cũng nói Bà Huyện là con gái đoan trang, học trò danh sĩ, đàn bà mẫu nghi. Nhưng thiệt ra ai cấm, mà ai cấm được, giữa khuê phòng lặng lẽ lại không thể có những… vơ vẩn vẩn vơ về một… gì đó khi còn là con gái làng Nghi Tàm. Vậy chớ hổng nghe, ở cái thuở còn xa hơn nữa, Trương Tịch đã thay ai đó viết ra Tiết Phụ Ngâm… Quân tri thiếp hữu phu. Tặng thiếp song minh châu, Cảm quân triền miên ý. Hệ tại hồng la nhu… Mà lại còn tình tứ tới nỗi nhắn gởi với ai kia rằng… Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt. Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử. Hận bất tương phùng vị giá thì.  Ai biết chuyện thiệt hay chuyện giả. Mà giả hay thiệt khác nhau ở chỗ nào khi-tình-là-cái-chi-chi, không-chi-chi-thì-cũng-chi-chi-với-tình!!!!  (*)
Giữa trường lớp, không nói ra thì lùng bùng giữa cái đầu và con tim, mà nói ra thì ngại ngùng không chừng còn xảy ra chuyện lung tung giữa nhà trường và xã hội. Thiệt là…

Mà thôi, chuyện đã qua, kể lể cho lắm cũng chỉ đến chỗ… lê thê. Mà điều không nói thì ấm a ấm ức. Mấy lớp đệ nhị, những năm đó, học trò trai gái ai nấy đã quá tuần cặp kê, tấm lòng tròn vo như miệng phễu, đang hướng ra bốn phương tám hướng để hứng sương mai hay nắng lửa gì hổng biết. Có điều biết chắc là nhạy như mấy sợi dây đàn để tiếp nhận mọi biến thái của thanh âm. Tại vậy, đứng trước mấy cặp mắt háo hức trông chờ những điều mới lạ, khi giảng Kiều tới đoạn… biết thân đến bước lạc loài, nhụy đào thà bẻ cho người tình chung… tôi bỗng thấy ú ớ muốn lạc sang cái chủ trương Make Love Not War của đám hippy hoa lá cành đang quậy tưng bừng thời đó. Ôi tiếng “thà“ nghe mà thương đến đứt ruột. Tiếng-kêu-đứt-ruột đó có phải là hệ luận của chủ trương Yêu Cuồng Sống Vội rất thịnh hành những năm giặc giã?  Kẻo bỏ lơ rồi có ngày tiếc nuối kêu rêu… uổng một đời hoa! Thơ vậy mà giảng lơ mơ, loanh quanh… thì thiệt tình còn uổng hơn uống rượu đào trong… ly giấy. Giảng loanh quanh, ấp a ấp úng thì làm sao chỉ cho em út thấy cái chỗ ý nhị tuyệt vời của người làm thơ. Hổng thấy được cái tuyệt vời đó thì làm sao cho họ thích thơ. Hổng thích thơ thì làm sao mần thơ mà để lại cho đời!
Có những khi hết giờ, quay lưng đi ra khỏi lớp mà lòng băn khoăn như thiêu thiếu một điều gì. Như nói chưa hết điều muốn nói.
Rồi lại lắm khi thấy như mình vừa nói gì quá đáng. Đã bao lần, lên giọng như đang đứng trước ba quân tướng sĩ:
Vòng trời đất, dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng, vay trả trả vay

Chí làm trai, nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể (*)

Lại nữa:
Thông minh nhất nam tử
Yếu vi thiên hạ kỳ

Trót sinh ra thì phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu (*)

Làm như ở đời chỉ có làm trai là số một. Còn đàn bà con gái chỉ để trưng bày cho vui mắt. Học trò trai chắc hí hửng còn học trò gái hổng chừng có người giận lẫy nữa là khác. Dẫu vậy, bài thì phải giảng cho đâu ra đó mà khuất trong cái hẻm sâu hút trong đầu tôi, vẫn có tiếng kêu-đòi-quyền-sống-cho-phụ-nữ. Bộ chỉ có nam-nhi-chi-chí mới làm nên chuyện thôi sao? Vậy chớ hổng có mấy bà thì ai bếp núc cho mấy ông đi làm chuyện lớn? Hổng có hồng nhan thì ai đẻ ra trượng phu? Ép chi mà ép còn hơn ép dầu ép mỡ. Nghĩ thì nghĩ vậy cho công bằng chớ còn xúi con trai đi làm nghĩa vụ thì vẫn phải xúi. Bởi vì… chí làm trai là phải… dặm ngàn da ngựa, mà lỡ da ngựa có bọc thây thì cũng chẳng có gì phải phàn nàn vì đó là… chí làm trai. Bài giảng giữa một thời kỳ khói lửa mịt mù nghe ra có phần xót xa làm sao!
Chẳng những vậy thôi, cái đầu không có nền nếp của tôi, lắm khi còn khều móc lung tung. Nhớ lại, mỗi lần giảng tới bài Vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ là mỗi lần có đấu-tranh-tư-tưởng:
Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông


Ờ thì đúng là có hình ảnh nào đẹp bằng dáng đứng trượng phu, thẳng băng như mũi tên nhọn đâm xoạc trời cao của cây thông. Xanh lá bốn mùa như thách đố với thời gian. Mà hơn nữa, càng cỗi càng đẹp. Cái đẹp lặng, tự tại như tia nhìn sắc và lạnh. Không có lá nhỏ lao chao, không có cành nhánh loay hoay, vỏ dày, cứng, vặn vẹo như từng đường dao đẽo, bất chấp gió mưa sương tuyết, vẫn lừng lững. Lừng lững!  Đem hình ảnh của cây thông mà gợi đến đức độ của người quân tử quả nhiên là đạt. Có điều từ đó rồi kêu gọi ai nấy nên (phải) sống thanh cao, đức độ, không màng lợi lộc, không để lem luốc bụi trần… Nếu vậy thì xảy đến lúc lỡ-làng-nước-đục-bụi-trong, làm sao nhảy ra chợ-trời-buôn-lậu để kiếm chút gì nhét vô mấy cái miệng đói trong khi cỗ bàn thì đã bị nuốt gọn bởi cái đám vừa từ trong bưng bường ra. Nghĩ đi nghĩ lại rồi thấy phân vân, nhất là sau khi trải qua mấy kỳ gió bụi. Có lúc nào trong cuộc đổi đời năm đó, giữa đám thú dữ đội lốt làm người, đám em út tôi nhớ lại bài học năm nào. Và cay đắng …!
Mấy cái chuyện hục hặc đó, kể ra cho vui và… buồn. Đã có lúc, giữa nhà trường và xã hội bên ngoài không còn sóng đôi chung bước. Bên ngoài, đời sống thoắt đi vùn vụt, thêm cái nạn chiến tranh như cuồng phong lật đổ hết mọi thứ giá trị vốn đã ngàn năm, thì bên trong cửa lớp, thầy trò vẫn ê a học đòi thứ trật tự đã cũ mèm. Ngay cả cái môn Kim văn ̣(kim = nay) mà bài trích giảng vẫn còn đâu từ cái thuở ông Nguyễn văn Vĩnh cười cái tật hay cười của người-an-nam ta. Thật ra cũng có lúc lấn sang tới thời Tự Lực Văn Đoàn nhưng mà chợ văn thời đó thì đã tràn lan sách báo khai phá những hướng đi mới, song song với thời đại mới. Nào là văn-chương-dấn-thân, nào là tiểu-thuyết-phi-tiểu-thuyết… Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị của nền văn học cũ. Nói vậy chỉ là ước mơ cho con tim của giới trẻ được dịp đập cùng nhịp với nhịp đập của thời đại mình sống. Học trò thời đó biết đủ chuyện của ông bà mình mà chuyện của mình thì ngơ ngơ ngác ngác. Xã hội thời tiền chiến khác thời hậu chiến và càng khác xa thời hiện chiến. Em út tôi mở mắt ra đã thấy khói súng mịt mù, tai đã nghe chát chúa tiếng đạn bay, bộ mặt đời đã nám đầy thương tích mà trường học cứ loay hoay hoài với mớ hình sương bóng khói êm ả của một thời đã xa mút mù xa, thì quả tình là chẳng giúp ích được gì mấy cho đám trẻ còn đang ngập ngừng dò dẫm bước vào đời. Văn chương học thuật thì mãi có giá trị tự thân, tuy nhiên học chậm vậy rồi hành làm sao giữa lòng một xã hội đã đảo điên quá đỗi. Nói vậy cũng không phải để đổ lỗi cho ai. Bởi vì nghĩ cho cùng thì ai cũng có lỗi. Giữa lúc chỉ có súng đạn là mạnh miệng, thì chuyện văn chương rồi ra cũng chỉ là phù phiếm. Cái trật trịa giữa nhà trường và xã hội cũng chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Mấy bài giảng văn cũng chỉ như giờ ra chơi giữa hai hồi trống nhập học. Rồi thì ai nấy cũng đều có tên trong sổ đoạn trường. Thầy trò ai nấy cũng rồi quên. Hổng quên thì làm sao sống còn khi đất nước đã đổi sang thời kỳ… đồ giả.
Nghĩ ra vậy mà ngậm ngùi. Có phải chúng ta đã lỡ làng một cơ hội?
Dẫu vậy, suy đi rồi tính lại, bốn mươi năm qua, lịch sử đã minh chứng một điều: người miền Nam có thua trận nhưng không thua một tấm lòng dù cũng chính vì tấm lòng đó mà thua trận. Bốn mươi năm qua, lịch sử đã chứng minh cho tính nhân bản của nhà trường miền Nam. Có phải từ những bài học văn chương đầu đời đó, ít hay nhiều, đã là nhịp cầu nối đời sau với đời trước, cho đời nay giao cảm với đời xưa, để truyền tụng và lưu giữ hồn-tính-việt-nam. Bao nhiêu thế hệ trai gái ở đó đã thụ nhận nề nếp tinh thần của cha ông, đã chiến đấu giữ nước với tấm lòng nhân hậu, biết đau cái đau của giọt máu chảy ra từ người đồng chủng, biết xót xa cái xót xa của làng mạc điêu tàn, biết đùm bọc nhau khi trái gió trở trời, biết san sớt nhau nỗi vui chung niềm buồn riêng… Những khi đó, ở bên kia bờ Bắc, trường sở biến thành lò đúc người thành khí cụ cho chuyện giết chóc không gớm tay. Từ bài toán đố lớp ba lớp năm, xác người lính miền Nam bị biến thành con số để học cộng trừ nhân chia cho đến những bài thơ rặt một giọng sát nhân Giết, giết nữa, bàn tay không ngơi nghỉ của Tố Hữu v.v… và v.v… Ngay cả thơ văn từ mấy đời xưa để lại cũng bị cố tình ngụy biện đổi trắng thay đen, ra rả cái giọng thù hằn đấu tranh giai cấp, xúi người ta giết nhau chẳng bận chút nhân tình. Bởi vậy mà …
… cho nên có lạ không, bốn mươi năm sau khi chiếm trọn nước non, những người chủ mới sau khi đã giết chóc rồi đập phá đã tay, cũng cố chường ra cái bản mặt phồn hoa mà đằng sau đó là những-tấm-lòng-có-còn-gọi-được-đâu-là-những-tấm-lòng-việt-nam với sự lương thiện, hồn hậu… như là thuộc-tính-việt-nam.
Bởi vậy mà …
… mãi đến bây giờ, nhiều năm sau… dẫu đã nhiều lắm những năm sau, tôi vẫn còn nhớ còn thương quãng đời làm thầy dạy văn chương, văn chương cổ cũng như kim… ở đâu đó, nơi ngôi trường trung học cũ, nơi gạch ngói còn đó nhưng hồn xưa đã lạc mất lâu rồi.
Mãi trong tôi, còn mãi trong tôi… những kỷ niệm thầy trò dù chưa được nửa đường đã… rã gánh!!!
Cao Vị Khanh

tháng 4-2019

(*) Nguyễn Công Trứ


No comments: