Sunday, August 25, 2019

Về bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu

___________________

Image result for hoàng hạc lâu của thôi hiệu

Tuần qua, một người bạn qúy từ bên trời Âu, gửi cho đọc một bài viết về Dịch Thơ Đường, nhân thể muốn được biết ý kiến của tôi nghĩ sao về chuyện dịch thơ phải cho đúng nếu không chỉ là "traduire, c'est trahir", "nhái thơ", "thuổng ý thơ", "đạo thơ" và cho rằng bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được nổi tiếng cho là hay là vì 2 câu thơ của Thi Tiên Lý Bạch "Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu" (Trước mắt có cảnh không thể nói được nữa / Vì đã có thơ của Thôi Hiệu viết ra rồi)  ̣ 

Ôi chao, lại chuyện dịch thơ Đường và bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu! Chữ nghĩa tôi  ăn đong, nhất là thơ Đường, một loại cổ ngữ, đã qua bao thế kỷ rồi, đã "chết" rồi (tử ngữ), chữ tuy còn nhưng tiếng đã đổi, và chắc gì xưa nay tiếng cùng một âm mà vẫn có cùng một nghĩa. Còn chăng, lúc này, may ra còn một chút thơ, một chút tình của những tâm hồn đồng điệu? Tôi đã trả lời bạn tôi là không có ý kiến và xin được thứ lỗi  ̣ Nhưng, mấy ngày sau này, không hiểu sao đầu óc vẫn không thể quên và hôm nay lại ngồi chuyển dịch lại bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, lần này không biết bao nhiêu lần rồi. Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, đối với riêng tôi, mỗI lần ở nơi đất khách, nhớ quê nay đã không còn nữa, tôi lại ngồi hàng giờ mê mẩn với từng con chữ, chuyện chuyển ngữ đúng hay sai, quả tình không nghĩ đến. Thế thôi. PKT 08/22/201

Hoàng Hạc Lâu
Thôi HIệu - Đời Đường

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Lầu Hoàng Hạc
PKT - Mây Tần

Người xưa cỡi hạc bay đi mất / Chốn này còn lại ngôi lầu Hoàng Hạc đứng chơ vơ / Hạc vàng một đi rồi không thấy trở lại nữa / Mây trắng ngàn năm vẫn còn lãng đãng nổi trôi // Bến cây Hán Dương lung linh trong nắng / Cỏ huơng trên cồn Anh Vũ rậm rạp ngút ngàn / Chiều tố́i quê nhà nơi nào nhỉ / Khói sóng trên sông không khỏi chạnh lòng  
                    (1)
Nguời xưa cỡi hạc về đâu nhỉ ?
Bỏ lại lầu thơ đứng đợi chờ.
Một thuở hạc vàng bay mất biệt,
Ngàn năm mây trắng nổi ngu ngơ.
Hán Dương, lồ lộ cây soi nước,
Anh Vũ, lê thê cỏ lấp bờ.
Chiều xuống, không nhà nơi đất khách,
Trên sông khói sóng những bơ vơ!
                    (2)
Người xưa cỡi hạc về Trời,
Lầu Thơ bỏ lại bên đời bơ vơ.
Hạc đâu về nữa mà chờ,
Ngàn năm mây trắng lững lờ trôi ngang.
Hán Dương rợp ánh nắng vàng,
Cỏ hương Anh Vũ rộn ràng khoe tơ.
Chiều buông đất khách thẫn thờ,
Hồn theo khói sóng vật vờ về đâu?

Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com

1 comment:

Quang Minh said...

Tôi thì dốt đặc chữ nho , chữ Hán, nhờ người hán học uyên thâm dịch ra mà mình hiểu ý, hiễu nghĩa của bài thơ để từ đó rút ra bài học sống cho mình
Khi ai làm điều gì đó mình không vui , thì tự nhủ lòng, chuyện đó đã qua rồi như cánh chim hạc vàng bay đi không bao giờ trở lại, không để một dấu tích thì tại sao mình phải ôm ấp mãi trong lòng để nhớ thương sầu khổ , để thắc mắc vấn vương. Như mặt hồ tỉnh lặng , cánh hạc bay qua, bóng chim hiện rõ dưới đáy hồ rồi vụt mất và mặt hồ vẫn vậy , tỉnh lặng không một gợn sóng lăn tăn. Tâm con người cứng thế, đừng dính mắc chuyện thị phi , hãy bình thản vì chuyện như thế là như thế " gate gate, paragate , parasamgate, boddhi svara "