Friday, June 17, 2022

Căn Nhà Bên Suối

 ____________________________

Tam Bách  Đinh Bá Tâm                                                                                  


                                                               

         (Youtube Suối Mơ : https://youtu.be/qQzGODeY7vY)                                                                                                                                            

Vào những ngày cuối năm, trời Cali bỗng dưng âm u, mưa rỉ rả suốt đêm ngày. Tôi nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài khung cửa mà nhớ đến những cơn mưa đầy kỷ niệm trong đời. Đó là tíếng mưa rơi tí tách trên đường nhựa, hoà với tiếng rao buồn rười rượi của những “O Huế” bán trứng vịt lộn đêm khuya. Đó là tiếng mưa rả rích vào những đêm đông rét mướt, cùng với tiếng giày khô khốc của lính canh ngoài khung cửa nhà tù “cải tạo” đất Bắc. Đó là tiếng gió mưa xào xạc trên rừng cây lá cao su miền biên giới Việt Miên. Và cũng nơi quận lỵ miền biên cương này, tôi nhớ đến những đêm tạm trú trong căn nhà của một người dân hiền hoà tốt bụng. Ban đêm vùng này thật im ắng, nghe cả tiếng nước róc rách êm đềm của con suối phía sau căn nhà tạm trú qua đêm.

Thật ra, ngày mới về nơi quận lỵ “đèo heo gió hút” ấy, tôi đã trú ngụ nơi cư xá  công chức trong một thời gian ngắn. Sau cư xá là con suối nhỏ. Tuy nhiên đám lau sậy rậm rạp dọc bờ suối khiến tôi e ngại, nhất là về đêm. Một hôm, tôi ngỏ ý đó với một nhân viên trong văn phòng, nhờ tìm thuê một căn nhà gần khu chợ đông đúc, an toàn hơn.  Vài hôm sau, người nhân viên chuyển lời mời tôi đến xem căn nhà  gia chủ đồng  ý cho thuê. Đó là căn hộ khá rộng, liền vách với những căn nhà cùng dãy. Bên trong có sẵn bàn ghế, giường tủ, bếp núc. Đặc biệt có một hầm chống pháo kích với những bao cát chung quanh.  Chủ cho thuê nhà là đôi vợ chồng trẻ, chồng Tàu, vợ Việt, hành nghề bán gạo sỉ. Họ đồng ý cho tôi thuê căn nhà và vui lòng nấu cơm tối cho tôi.

Bữa cơm đầu tiên với gia chủ và hai đứa con nhỏ, dưới ánh đèn dầu hỏa lờ mờ, nhưng thật ấm cúng thân mật. Bà chủ nhà mỉm cười nói:

- Chắc Ông chưa ở nơi nào như thế nầy! Ở đây không điện, không nước máy như Sài gòn đâu! Lâu lâu, nhứt là tối Chủ nhựt “tụi nó” pháo ẩu vô khu chợ vài trái!  Nhà Ông thuê chỉ để ở ban ngày, ban đêm Ông ở lại đây, ngủ tạm trên giường trong phòng kia! Vợ chồng con cái tụi tui ngủ hết trong hầm. Khi “tụi nó” pháo, ông chạy vô đó, tụi tui khiêng bao gạo lấp miệng hầm là xong!

Trong căn nhà rộng chỉ có một phòng ngủ với chiếc giường. Gần phòng ngủ là kho gạo, với những bao cỡ lớn chồng chất thành một hầm trú ẩn. Bà chủ nhà mời tôi vào hầm để quan sát, rồi hạ giọng như thì thầm - mặc dù trong nhà chẳng có ai xa lạ:

- Tui nói cho Ông nghe, khi có pháo kích, Ông vô đây núp. Còn khi “tụi nó” vô nhà lùng bắt, ông lên gác chạy ra phía con suối. Ở đó đám lau sậy hai bên bờ, cũng kín đáo lắm Ông à! Để tôi chỉ đường cho Ông…

Miệng nói chân đi, bà chủ nhà hướng dẫn tôi lên gác, di chuyển xuyên qua các căn gác không ngăn cách. Rồi xuống thang gác căn nhà cuối dãy, mở cửa sau ra suối…

                                                       ****    



Quận “đầu đời công chức” này đối với tôi là một nơi có nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là một thị trấn xưa, đuợc dựng lên từ thời Pháp đến khai khẩn đất trồng cây cao su. Nơi cư ngụ và làm việc của chủ đồn điền người Pháp là một căn nhà rộng lớn màu trắng, nằm trên ngọn đồi thấp bao phủ cỏ xanh. Trong căn biệt thự sang trọng ấy có máy bơm nước, có máy điện, có thực phẩm tươi  từ Sài gòn chở lên bằng máy bay, và được dự trữ trong tủ lạnh. Trong khi đó, người dân sinh sống trong khu thị tứ dưới thung lũng có cuộc sống khá nghèo nàn, với nhà cửa chật hẹp, thiếu tiện nghi tối thiểu như điện nước… Những đêm thường nhật trong tuần, cuộc sống có vẻ an bình. Nhưng cuối tuần, khi chủ đồn điền lên máy bay về Sài gòn, VC lại pháo kích vào nhà dân, hay vào chi khu quân sự cạnh sân bay.

Văn phòng quận là một căn nhà gỗ xinh xắn nằm cạnh quốc lộ, cao hơn khu thị tứ dưới thung lũng gần đó. Nơi đây nguyên là Câu Lạc Bộ của đồn điền cao su người Pháp. Sau đó họ nhường lại cho chính quyền Việt Nam để làm văn phòng quận, với những bộ bàn ghế bằng gỗ quý,  những cánh cửa sổ mở toang như để ngắm nhìn rừng cây cao su chung quanh.

Trong phòng làm việc của tôi, khung cửa sổ mở rộng phía sau ghế ngồi. Ngay buổi làm việc đầu tiên tôi đã thấy “lạnh gáy”.  Tôi có cảm tưởng như có một tên du kích đang ngắm nhìn tôi từ Làng Hai - một vùng mất an ninh không xa quận lỵ -với một khẩu súng có ống nhắm. Các nhân viên ngồi làm việc trong văn phòng quận, có vẻ bình thản hơn. Bởi hầu hết họ là người địa phương, nên đã quá quen thuộc với tình hình an ninh nơi này. 

Một hôm tôi đang ngồi trong văn phòng, người tùy phái báo tin có cô giáo muốn vào gặp. Tuy bận rộn công việc, nhưng tôi không thể từ chối đón tiếp cô giáo đang làm việc tại địa phương.  Khi cô giáo bước vào, tôi nhận ra cô Hồng – cô giáo trẻ tuổi, gương mặt tươi vui mà tôi đã gặp khi thăm trường của cô. Với nụ cười tươi vui, lẫn chút e dè,  cô nhỏ nhẹ nói:

-Xin chào Ông. Chắc Ông bận rộn nhiều công việc, em chỉ xin  thưa chuyện ít phút thôi. Em mới đổi về đây, phải ở chung với người bạn. Nhà nhỏ nên hơi chật, thiếu yên tĩnh để soạn bài cho buổi dạy; ngoài ra em còn phải học hành thêm nữa. Em nghe nói cư xá công chức còn nhiều căn nhà bỏ trống. Ông có thể cho em ở tạm một căn được không ạ?

Tôi nhìn cô giáo trẻ ngạc nhiên. Liệu cô có biết cư xá còn trống chỗ, bởi nó ở nằm gần bờ suối rậm rạp, bất an chăng? Khi tôi lưu ý cô giáo về vị trí của căn cư xá có thể gặp nguy hiểm về đêm, cô vẫn điềm nhiên cả quyết:

-Dạ em có đến xem căn cư xá và có gặp Trung úy Hoàng để vấn kế. Ông ấy bảo cứ xin Ông chấp thuận là được. Ban đêm đã có Nhân Dân Tự Vệ đi tuần, không có gì đáng lo ngại…

Tôi mỉm cười nhìn cô, thầm khen lòng can đảm cô giáo trẻ mới đến phục vụ nơi địa đầu giới tuyến này! Hôm sau, cô Hồng nhờ Trung úy Hoàng xin phép mượn xe để di chuyển đồ đạt vào căn nhà mới. Ban đầu, tôi do dự. Bởi tôi không muốn chiếc công xa của quận biến thành “con ngựa thồ” chở vật dụng riêng tư của cô giáo. Nhưng suy nghĩ lại,  tôi thấy cô giáo mới đến dạy học, “tứ cố vô thân” nên  chấp thuận lời yêu cầu của cô.

Cuối tuần, tôi đến cư xá thăm cô giáo Hồng. Trái với ý nghĩ ban đầu, tôi thấy cô không ở một mình  trong căn nhà này. Khi tôi gõ cửa, một sĩ quan ra mở và mời tôi vào nhà. Cô Hồng đang loay hoay nấu nướng trong bếp. Thấy tôi đến thăm, cô tỏ ra vui mừng giới thiệu tôi với viên sĩ quan.

Quay sang tôi, cô Hồng chỉ người sĩ quan:

- Dạ, Trung úy đây làm việc trên Chi khu. Chúng em đã đính hôn với nhau, nhưng còn chờ cuối năm làm đám cưới xong mới chung sống …

            Tôi mỉm cười nhìn người sĩ quan “ý trung nhân”của cô giáo:

            -Thế thì sau đám cưới, hai người có cư ngụ nơi đây không?

            Anh Trung úy trẻ tươi cười đáp thay cho người yêu:

            -Có lẽ chúng tôi sẽ xin phép Quận cho tiếp tục ở căn cư xá này. Phiá sau nhà có con suối róc rách rất nên thơ. Hơn nữa nơi đây an bình, yên tĩnh lắm…

            Trong lúc hứng khởi với tương lai tươi sáng, người sỹ quan có dáng dấp nghệ sĩ ấy với  lấy cây đàn ghi-ta dạo khúc nhạc mở đầu bản “Suối Mơ”. Cô ý trung nhân của chàng cất giọng ca:

Suối mơ
bên rừng thu vắng
giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
….

… Suối ơi
ôi nguồn yêu mến
còn ghi khi bóng ai tìm đến
đàn ai nắn buông lưu luyến
suối hát theo đôi chim quyên…

            Tuy nhiên “đôi chim quyên” ấy–cô giáo và viên sĩ quan ý trung nhân- đã không thực hiện được niềm mơ ước đơn giản của mình!  

Năm 1972, khi đang làm việc ở quận Định Quán, tỉnh Long Khánh, tôi nghe tin Lộc Ninh thất thủ. Việt Cộng đã áp dụng chiến thuật biển người, cố đánh chiếm nơi này để làm thủ đô Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sau ba ngày giao tranh đẫm máu, chiến đoàn 9 thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh và chiến đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh được lệnh rút về tử thủ An Lộc. Thiếu tá quận trưởng Nguyễn Văn Thịnh, nhân đêm tối trời đã cải trang, băng rừng về Tiểu khu An Lộc trình diện. Sau trận này, Thiếu tá Thịnh được vinh thăng Trung tá .

Tuy nhiên một số quân cán chính và cả viên chức xã ấp không được may mắn như thế.  Ông tân Phó quận Lộc Ninh - một bạn đồng môn mới ra trường- bị mất tích.

                          ****

            Năm 1973, tôi được thuyên chuyển về quận Xuân Lộc, cùng tỉnh Long Khánh. Cuối năm 1974, một quận mới được thành lập tại khu Rừng Lá . Đó là quận Bình Khánh.  Anh P. - một bạn Hành chánh của tôi, từ Bình Long về làm Phó quận Bình Khánh.

Một hôm tôi đến quận mới thành lập thăm tân Phó quận, tôi được hướng dẫn đến các trại tạm cư của đồng bào chiến nạn từ Miền Trung chạy vào. Sau đó anh đưa tôi đi thăm trại tạm cư đồng bào Bình Long. Họ đã từng bị tan nhà nát cửa sau trận chiến Lộc Ninh và An Lộc. Rồi chúng tôi ghé thăm một lớp học mới thành lập. Trưa hôm ấy trời mưa to, mái trường lợp lá đơn sơ bị dột, nước mưa từng giọt nhỏ xuống lớp học. Tuy nhiên học sinh vẫn ê a học hành, ca hát vui vẻ. Cô giáo thấy ông Phó P. và tôi bước vào lớp, vội ra dấu cho cả lớp im lặng và đứng lên chào. Nhìn thấy cô, tôi nhận  ra cô giáo Hồng ở Lộc Ninh ba năm trước đây.

 Sau buổi học, tôi mời cô Hồng về thị trấn Xuân Lộc dùng cơm trưa.  Mới ba năm mà trông cô thật gầy ốm! Gặp lại tôi, cô mừng rỡ, nhưng vẫn không dấu được vẻ u buồn trên gương mặt tiều tụy. Nét tươi vui, yêu đời của cô giáo Hồng tôi gặp ở Lộc Ninh trước đây, nay không còn nữa. Với giọng buồn bã, cô kể lại những ngày chiến cuộc bùng nổ ở Lộc Ninh, cô đi ẩn trốn khắp nơi. Từ đó cô không gặp Trung úy ý trung nhân của cô. Ban đầu cô nghĩ người yêu đã bị VC bắt trong trận giao tranh. Nhưng sau đó, trong cuộc trao đổi tù binh tại Lộc Ninh, không thấy có tên anh!

Cô cất giọng trầm buồn, tâm sự:

-Hồi ấy chúng em nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, muốn có căn nhà bên suối,   tươi đẹp nên thơ. Anh ấy xin về phục vụ tại Chi khu Lộc Ninh chỉ vì biết em đang dạy học nơi đây. Chúng em yêu đời quá, không màng đến hiểm nguy ở quận giới tuyến này. Lúc em xin  vào trú ngụ trong cư xá bên bờ suối, Ông có lưu ý sự hiểm nguy khi đêm xuống. Em cám ơn Ông rất nhiều và tự trách mình đã quá khờ dại không nghe lời Ông. Nay thì niềm mơ ước của em và cả người yêu sắp cưới đều mất tất cả…

Tôi ngồi lặng yên nghe cô giáo tâm sự. Nỗi đau buồn cô dấu kín bấy lâu, nay mới có dịp tỏ bày. Tôi nhìn ra ngoài, trời vẫn còn mưa. Những giọt mưa đầu hạ tí tách rơi, khiến tôi nhớ đến bài hát Suối Mơ. Đó là hát bài ba năm trước đây đôi “uyên ương” đã hoà ca trong căn cư xá bên suối ở Lộc Ninh:

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
nghe suối róc rách trôi
hoa lừng hương gió ngát
đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…

Có lẽ họ đã ước mơ được sống thanh bình, tươi đẹp; nhưng niềm mơ ước đơn giản ấy mãi mãi không thể biến thành sự thật.

****

Cơn mưa đã dứt, những giọt mưa vẫn còn tí tách rơi trước hiên quán ăn tại tỉnh ly. Tôi nhìn cô giáo Hồng ngồi trầm mặc, u buồn trước mặt tôi. Có lẽ cô đã tiếc nuối mối tình ngắn ngủi với người sĩ quan yêu dấu. Ba năm trước họ ước mơ xây căn nhà hạnh phúc bên suối.  Nhưng nay, hạnh phúc ngắn ngủi và mong mong manh ấy như chiếc lá khô trôi theo dòng nước. Và con suối năm xưa - chứng tích tình yêu của đôi ý trung nhân, nay cũng đã hoang phế, mang theo kỷ niệm của  người yêu mà giờ đây không biết đã trôi dạt phương nào?

                                                                                                 Tam Bách Đinh Bá Tâm


No comments: