Sunday, June 19, 2022

RIÊNG MỘT GÓC TRỜI

 ************************************

Tam Bách Đinh  m   


Riêng Một Góc Trời :Tuấn Ngc ca-  https://youtu.be/C5ZClv3Am98

 

 

Thanh lái xe  chậm lại khi vào cổng trường Cypress College và dừng ở bãi đậu. Anh ngồi nán lại trong xe, chờ đợi phòng Lab mở cửa. Anh tự nhủ hôm nay mình phải làm  xong  các bài tập Computer trong tuần. Ngày mai  bắt đầu hai ngày nghỉ cuối tuần, anh muốn tìm lại cảm giác của cậu học sinh thời niên thiếu ở quê nhà khi được nghỉ thoải mái vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, hay lễ Tết... Nơi môi trường mới của chốn học đường hôm nay, người sinh viên đã đứng tuổi muốn tìm lại  chốn thiên đường đã mất - thiên đường của tuổi thơ, của giấy bút thơm tho, của tiếng cười nói hồn nhiên vô tư lự…

Thanh mơ màng  theo tiếng hát từ dĩa nhạc trong xe. Tiếng hát của Thanh nhẹ nhàng, lả lướt, bay vút lên cao. Tiếng hát như gợi lại những ngày tháng năm xưa ở quê nhà; những buổi chiều đứng lặng bên cầu Trường tiền, nghe tiếng hò mái đẩy dìu dặt trên  sông Hương. Và xa xa từ cầu Bạch Hổ ẩn hiện trong sương mờ, tiếng còi tàu vang vọng trong chiều tà  quạnh quẽ.  Ðôi khi anh muốn thoát ra khỏi vùng quá khứ u hoài của quê hương, tuy nhiên những kỷ niệm xưa vẫn hiện về, qua những bản nhạc, những khuôn mặt gợi nhớ đến người xưa,  mùi hương quen thuộc của một cánh hoa thuở học trò. Trong cuộc sống mới ở một xứ sở khác lạ chốn quê xưa, anh đi tìm một thế giới mộng mơ của quá khứ, để tâm hồn lắng đọng, vơi đi những phiền muộn  của cuộc sống mới.

 

 Từ trên nóc tòa cao ốc, tiếng đồng hồ điểm giờ, gõ nhịp ngân nga, vang vọng khắp khu đại học. Nắng đã vương nhẹ trên những hàng cây cao, tỏa xuống lớp sương mù trông như những giải luạ đào mờ ảo. Các sinh viên bắt đầu tấp nập lái xe vào bãi đậu. Thanh bỗng thấy một chiếc Lincoln mầu trắng dừng  lại gần xe anh. Xe do một người Mỹ cao niên lái và ngồi cạnh là một  thiếu phụ  Á châu, mà thoạt nhìn gương mặt nàng, Thanh thấy một nét quen thuộc mơ hồ. Từ trong xe, một thanh niên trẻ tuổi mở cửa bước ra, xốc lại chiếc túi đựng sách, đi vội vào trường. Sau anh có tiếng người thiếu phụ nói vói theo, bằng tiếng Việt.  

Ðó là một sinh viên mà anh mới quen trong lớp học- một người Việt tỵ nạn mới sang Mỹ cùng với  mẹ, sau khi cả cha và các chị gái bị nạn chết trong chuyến vượt biển gian nan nguy hiểm. Trong thời gian ở đảo, tuy gặp cảnh tang chế đau buồn, người mẹ vẫn phấn đấu với nghịch cảnh.Nàng đã tự nguyện phụ giúp phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc trong tác thông dịch và tham gia trong những công tác thiện nguyện khác.

Vì không có thân nhân ở ngoại quốc để nhờ bảo lãnh, nên hai mẹ con phải chờ trong trại tỵ nạn ở Mã lai đến hơn hai năm. May thay, một nhân viên thiện nguyện người Mỹ đã đem lòng thương mến,  đưa mẹ con bà về Mỹ để lập một gia đình nhỏ bé, ấm áp tình người. Ðó là những lời tâm sự của cậu sinh viên trẻ khi gặp Thanh trong phòng Lab, khi nhờ anh chỉ dẫn những bài tập khó hiểu, hoặc trong những lần họ cùng đi ăn trưa. Thanh ngậm ngùi nghe qua - như nghe những chuyện đau lòng khác của đồng hương trong những chuyến vượt biển lắm tai nạn đau thương. Và hôm nay, nhìn gương mặt u buồn của bà mẹ cậu sinh viên trẻ, chàng thoáng thấy một nét quen thuộc qua đôi mắt, nét môi của nàng.

 

Buổi trưa hôm ấy, Thanh không về nhà. Anh hẹn cậu sinh viên trẻ đến ăn trưa ở quầy bán thực phẩm của nhà trưng. Họ mang thức ăn đến chiếc bàn tròn, với chiếc dù xinh xắn che bên trên, cạnh hàng  cây phong lá ửng đỏ khi mùa đông đến. Vài con chim hải âu trắng bay sà xuống, đi quanh quẩn bên bàn ăn. Gió đông xào xạc thổi qua hàng cây khiến Thanh cảm thấy se lạnh.



            Nhìn người sinh viên trẻ đang im lặng ăn trưa, Thanh chợt  nhớ lại khuôn mặt của người mẹ mà chàng thoạt nhìn thấy trong chiếc xe Lincoln màu trắng sáng nay. Anh  hỏi người bạn trẻ:

- Hồi còn ở Việt nam, nhà cháu ở thành phố nào vậy? 

- Cháu ở Huế, trong khu thành nội, thưa bác... Bác có biết thành nội Huế không?

- Biết chứ! Tôi đã ở Huế hơn năm năm. Phong cảnh Huế thật thơ mộng, nhưng buồn lắm! Hồi ấy, tôi có quen với một cô bạn học, nhà ở  khu thành nội.

Chàng sinh viên trẻ chăm chú nhìn Thanh tò mò hỏi:

-  Bác còn nhớ nhà người đó ở đường nào  không ?

Thanh lặng yên, hồi tưởng quãng thời gian hơn năm mươi năm về trước, một khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời đầy biến động của anh:

- Tôi không nhớ rõ lắm. Hình như ở gần hồ Tịnh Tâm thì phải...




            Chàng thanh niên ngưng ăn, nôn nóng ngắt lời Thanh:

- Nhà của cháu cũng ở gần hồ Tịnh Tâm. Vậy tên người bạn của bác là gì? 

 Thanh đắn đo, suy nghĩ: đây là chuyện riêng tư của mình, có nên kể chi tiết cho cậu thanh niên trẻ này nghe chăng?  Tuy nhiên trong lòng anh, mối cảm tình vừa mới nảy sinh đã khiến anh gắn bó anh với trai , nên anh không còn e ngại, đắn đo gì nữa. Anh thong thả đáp:

- Cô ấy tên Lan...Nhưng cháu không biết đâu, vì đã lâu lắm rồi...

Người sinh viên trẻ sôi nổi chống chế:

- Cháu biết rõ mà! Ðó là tên của mẹ cháu khi còn ở Việt nam. Trên giấy tờ, mẹ cháu không còn mang họ tên họ đó nữa, vì đã thay đổi khi lấy chồng ở Mỹ rồi.

 Thanh nhìn cậu sinh viên chăm chú, nghi hoặc trong lòng. Có phải người bạn trẻ này chính  là con của người bạn gái của anh tại xứ Huế năm xưa chăng?

            Trên đường trở lại phòng Lab, anh thân mật nói với cậu sinh viên:

            - Cháu về thưa lại với mẹ: lúc còn là nữ sinh ở Huế, mẹ cháu có quen người bạn nam sinh tên là Thanh không? Nếu  quả đúng như vậy, bác sẽ rất mừng khi gặp lại mẹ cháu!

Bẵng đi mấy hôm, Thanh không gặp lại cậu sinh viên trẻ đã tự nguyện làm chim xanh đưa tin ấy nữa. Một hôm anh gặp lại cậu ta, từ chiếc xe trắng quen thuộc bước ra và đi về phía Thanh. Trên xe, hôm nay chỉ có ông bố dượng người Mỹ, vắng bóng người mẹ  thường lệ vẫn  đưa đón  cậu. Chàng sinh viên trẻ  e dè nói  với Thanh:

- Cháu đã thưa lại với mẹ những điều bác dặn. Mẹ cháu buồn rầu nói với cháu: “Đúng đó con! Ngày xưa mẹ có quen biết với người bạn trai tên Thanh. Nhưng sau đó, ông ta theo cha mẹ vào Sài gòn, cắt đứt liên hệ tình cảm với mẹ , và không gặp lại mẹ lần nào nữa. Từ đó, trái tim của mẹ đã vắng bóng ông ấy rồi con ạ!

 

                                                  ****

 

 Riêng với Thanh, trong lòng anh vẫn còn ghi đậm nhiều kỷ niệm với người con gái tên Lan, vào thuở thanh xuân nơi đất thần kinh. Hồi đó anh đang học năm cuối của bậc trung học đệ nhất cấp. Anh có quen với cô bạn xinh xắn, có đôi mắt bồ câu đen láy, mái tóc thề chấm ngang vai. Cả hai  cùng học chung lớp luyện thi Toán và Pháp văn để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Vào ngày nghỉ, nàng  thường  đến nhà anh để ôn bài vở.

Một hôm,  thấy  nàng   nhìn cây ngọc lan trước sân nhà  đang nở những đóa hoa  thơm ngát trên cành có vẻ thích thú,  anh liền trèo  lên cây  hái những nụ hoa đẹp nhất tặng nàng. Cây ngọc lan khá cao, cành dòn, dễ gãy, nhưng Thanh chẳng để ý đến những hiểm nguy đó...

Ðêm hôm ấy, Thanh bị mẹ rầy la vì tính lãng mạn liều lĩnh; tuy nhiên anh vẫn vui trong lòng, bởi vì anh đã nhìn thấy trong đôi mắt cô bạn gái một cảm tình sâu đậm dành cho anh. Chàng thanh niên từ Miền Nam Trung Việt ra đây ngót năm năm, bỗng dưng thấy lòng rung  động trước khuôn mặt trái soan, trước đôi mắt  bồ câu  của người bạn gái xứ thần kinh ấy. Và đôi mắt  đã in sâu vào ký ức của anh. Mãi năm mươi năm sau, qua những biến đổi của cuộc đời, anh vẫn còn thấy lại  đôi mắt ấy, đôi môi ấy nơi gương mặt người mẹ của cậu sinh viên trẻ.

 

            Thanh nhớ lại những ngày êm đềm thơ mộng tại xứ Huế. Những ngày cuối tuần, anh và các bạn học, trong đó cả Lan và các bạn gái khác, thường  tổ chức những  cuộc đi chơi xa bằng xe đạp: bãi biển Thuận an, đồi Ngoạn cảnh, lăng vua Tự Ðức. Thỉnh thoảng họ cùng hẹn nhau tham dự những đêm trình diễn văn nghệ cuối tuần ở Phú Văn Lâu, bên bờ sông Hương, trước thành nội Huế.

            Sống trong một thành phố tương đối nhỏ bé và yên tĩnh như  thành phố Huế vào cối thập niên 50 của thế kỷ trước, tình cảm  giữa bạn học nam nữ thật bình dị, chân thật, nhưng cũng thật đậm đà. Thanh và Lan chưa có những lời tỏ tình nào, những lời thề non hẹn biển nào. Nhưng theo ngày tháng, mối liên lạc tình cảm đã thắt chặt tim anh với cô bạn xứ Huế ấy.

Bẵng đi một thời gian ngắn, hai người không gặp nhau, vì lớp học đã bế giảng để học sinh chuẩn bị ôn bài cho ngày thi. Sau những ngày thi căng thẳng, vất vả, anh cũng không gặp được các bạn, có lẽ ai nấy cũng đã mệt nhoài. Ðến ngày niêm yết kết quả,  Thanh đọc thấy tên mình và tìm mãi, không thấy tên họ của Lan.  Sau đó, nàng không đến với anh, và anh cũng e ngại đến gặp nàng. Anh không muốn làm buồn lòng người bạn gái, vì  nỗi buồn phiền cay đắng nào chẳng đến với kẻ hỏng thi?

Ðêm trước hôm di chuyển vào Sài gòn, Thanh đến từ biệt Lan. Anh nhớ hôm đó là một đêm mùa hạ, trăng lên cao thật đẹp, nhưng trong lòng Thanh thật buồn. Ngày mai anh sẽ rời xa đất thần kinh nhiều kỷ niệm này, xa người bạn gái mà anh đã bắt đầu mến thương và không biết đến bao giờ sẽ gặp lại. Khi Thanh đến cổng, nhìn vào nhà, thấy nàng đang ngồi chăm chỉ học, đầu cúi thấp, mái tóc thề buông xuống che phủ bờ vai. Khi nàng nghe tiếng động, ngẩn lên trông thấy anh,  vội bước ra nói nhỏ:

- Sao Thanh  lại đến giờ này, tối rồi! Không chờ đến ngày mai được sao?

Ðoạn nàng cùng anh ngồi xuống chiếc ghế đá trong vườn, dưới cây bông sứ đang đơm hoa thơm ngát. Nàng thì thầm:       

- Anh ngồi xuống đây nói chuyện. Vào nhà ba me thấy phiền lắm. Sao  lâu nay anh không đến chơi?

Người bạn trai cảm thấy bối bối trước mặt cô bạn đang niềm nỡ hỏi chuyện. Anh ngập ngừng trước khi lên tiếng:

-  Ngày mai Thanh đi Sài gòn sớm, nên chỉ còn đêm nay đến thăm Lan thôi.

Cô bạn gái nhìn Thanh sững sờ, vội vàng hỏi:

- Mai Thanh đi à? Sao lâu nay không nói cho Lan biết?  Vậy bao giờ anh trở lại?

Thanh e dè trả lời nàng, giọng anh trùng xuống:

                -  Thanh theo ba mẹ vào ở hẳn trong Sài gòn... Đi xa, chắc là Thanh sẽ nhớ Huế, nhớ các bạn  lắm.

             Bỗng dưng Thanh thấy người bạn gái ngồi bên anh im lặng, đầu cúi thấp, kín đáo lau  nước mắt, giọng nghẹn ngào:

-  Lan khổ lắm, Thanh biết không ? Vừa mới đau buồn vì hỏng thi, bây giờ lại nghe tin anh đi xa.  Vào Sài gòn nhớ viết thư cho Lan,  đừng quên bạn cũ... anh hỉ?

Thanh chợt cảm thấy tim mình se thắt lại. Anh nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mềm mại, ấm áp của nàng. Hai người ngồi im lặng sát bên nhau. Ðâu đó trong vườn, có tiếng giun dế kêu vang, và xa xa tiếng chó sủa vu vơ dưới ánh trăng khuya, tăng thêm nỗi u buồn trong lòng Thanh.  Bỗng từ trong phòng khách tiếng chuông đồng hồ thong thả gõ nhịp. Trong đêm vắng, từng tiếng ngân nga, vang vọng, phá tan không khí yên lặng của đôi bạn trẻ sắp xa nhau.

            Thanh buông bàn tay bé nhỏ của người bạn gái, đứng lên:

- Thôi Thanh về nhé. Nhớ ôn bài cẩn thận cho kỳ thi sắp tới! Thế nào Lan cũng thi đậu mà. Ðừng quên viết thư báo tin vui cho Thanh khi có kết quả.  

Nàng tiễn anh ra cổng, giọng buồn buồn:

- Lan có linh cảm sẽ không còn gặp lại Thanh nữa. Thôi anh về đi. Mong anh đừng quên Lan  !

 

Thế rồi, cuộc sống Sài gòn tấp nập đã khiến Thanh quên hẳn việc liên lạc với cô bạn học đất thần kinh. Nhưng rồi một tháng sau đó, anh đã nhận được thư  của nàng, thăm hỏi anh và báo tin nàng lại thi hỏng. Ba mẹ khuyên nàng hãy gác lại chuyện thi cử để đi tìm việc làm, và còn sửa soạn chuyện lấy chồng vào năm tới.  Thanh hồi âm cho nàng ngay, khuyên nàng đừng buồn, và cứ lo đi tìm việc làm để khỏi trái ý ba mẹ. Còn chuyện tương lai của nàng, anh không dám có ý kiến, mặc dù anh thật  xót xa trong lòng...

  Cuộc sống nơi chốn phồn hoa đô hội đã khiến tâm hồn chàng thanh niên từ một tỉnh miền Trung di chuyển vào đô thành, dần dần thay đổi . Trái tim chàng bỗng nhiên rung động với những cảm xúc mới, từ những tà áo màu thướt tha, những mái tóc uốn tân kỳ xinh đẹp, những thân hình quyến rũ... Tuy nhiên những lá thư của người bạn gái từ xứ Huế xa xôi  vẫn đều đặn đến với Thanh, mặc dù vắng thư trả lời của anh.

Một hôm,  người bạn cũ từ Huế vào Sài gòn, thấy anh vẫn tiếp tục nhận thư của nàng từ bao năm nay, bèn cười chế nhạo Thanh:

- Bà Lan đã lấy chồng rồi bạn ơi! Chớ có lãng mạn quá... Ðừng viết thư cho bà ấy nữa kẻo thằng chồng biết được, sẽ vào đây tìm bạn thanh toán đó nhé!    

Thanh nghe lời người bạn, và từ đó ngưng viết thư cho nàng. Một hôm anh nhận được  thư của Lan, dày hơn những thư khác. Bên trong là những lời ân tình lẫn trách móc , kèm theo đóa ngọc lan mà năm xưa anh đã hái tặng nàng. Ðóa hoa nay đã khô héo, nhưng chưa phai tàn. Năm năm sau, Thanh lập gia đình. Nhân khi di chuyển đồ đạc đến căn nhà mới, những lá thư của Lan, cùng đóa hoa kỷ niệm mối tình thuở học trò của anh đã thất lạc. đó, anh không gặp lại Lan; những kỷ niệm xưa hầu như đã phai mờ trong lòng Thanh.

                                 

                                                     *****

              Tối hôm ấy, khi phòng Lab của trường đóng cửa, Thanh bước ra bãi đậu xe, và anh đã thấy cậu sinh viên trẻ đang đứng chờ người nhà. Anh bước đến thân mật  hỏi chuyện:

- Cháu chờ người nhà đến đón đấy à?  Hôm nay mẹ có đến không?

- Dạ không, mẹ cháu bị bịnh mấy hôm nay, nên không đi đón cháu được.

Thanh tò mò hỏi thêm:

- Thế mẹ cháu bị bịnh thế nào? Có nặng lắm không?

Cậu sinh viên trẻ buồn rầu nhìn Thanh:

- Thưa bác, từ hôm cháu nhắc lại lời thăm hỏi của bác, mẹ cháu buồn và bịnh luôn. Cháu cũng không hiểu mẹ bị bịnh gì! Tuy nhiên mẹ cháu có đưa cháu bức thư bà đã viết từ lâu lắm mà không gởi đi. Nay cháu xin gởi bác, để hiểu mẹ cháu hơn. Thôi xin chào bác, cháu về.

             Chiếc xe Lincoln trắng vừa đến nơi để đón cậu sinh viên trẻ, nhưng trong xe vắng bóng người mẹ của cậu.Thanh nhìn theo chiếc xe, và cảm thấy một nỗi u buồn dâng lên trong lòng anh.

             Chuông đồng hồ ngân nga gõ nhịp, vang vang trong đêm vắng. Thanh chợt nhớ tiếng chuông đồng hồ trong đêm chia tay với cô bạn gái đất thần kinh năm xưa, trước khi anh vào Sài gòn. Ðã hơn nửa thế kỷ rồi, mà nay tiếng chuông đồng hồ Westminster vẫn còn gợi trong lòng anh những cảm xúc năm xưa.



          


Thanh nhìn lên cột đồng hồ sừng sững trên nóc toà cao ốc chính của trường. Ðó là chiếc cột xi măng sơn trắng, cao độ hai mươi thước, phần trên toả bốn nhánh, xòe ra như những cánh hoa lan vĩ đại. Ánh đèn từ dưới chiếu lên,  rực sáng những cánh hoa màu trắng - biểu tượng của ngôi trường - nổi bật trên nền tím thẫm của bầu trời. Biểu tượng đẹp đẽ ấy đã ngự trị nơi đây hơn sáu mươi năm rồi, đã chứng kiến bao năm tháng trôi qua. Đã có biết bao sinh viên đã  từ giã ngôi trường; biết bao kỷ niệm còn lưu lại trong lòng họ về ngôi trường thân yêu , về những bạn học cùng lớp, về những mối tình chợt đến rồi chợt đi.

Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, Thanh lấy bức thư cậu sinh viên trẻ đã trao cho anh ra đọc. Đó là một bức thư đã cũ, giấy đã ngã màu, đựng trong phong bì có ghi tên người nhận, nhưng không ghi địa chỉ…

 

Huế ngày 30 tháng 10 năm 1964

Thưaanh,                                                                                                                                      

Đã lâu, có lẽ cũng hơn sáu năm rồi, tôi mới viết thư này cho anh. Thư đã viết lên giấy, nhưng không biết có thể đến với anh không? Bởi địa chỉ của anh vẫn mù mịt như sương mù xứ Huế; cũng bặt tăm như tin tức về anh trong sáu năm qua…Anh đã bỏ Huế ra đi, không một lần trở lại.  Bao năm mong chờ, vô vọng! Bao năm suy nghĩ, tủi hờn! Và sau một thời gian đủ để cõi lòng  lắng dịu, tôi mới can đảm viết thư này cho anh.

Năm ấy, tôi thi hỏng, lòng nặng trĩu u buồn. Nỗi buồn “thi không ăn ớt thế mà cay”, cọng thêm mối u sầu do chia ly tình bạn thân thiết thuở đầu đời… tất cả đã khiến tôi chán chường vô hạn. Để rồi sau đó, vâng lời ba mẹ, tôi đi lấy chồng. Và cũng như Cô Lái Đò trong thơ Nguyễn Bính: “Chẳng lẽ ôm cầm chờ đợi mãi/ Cô đành bội ước với tình quân/Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông/Cô lái đò kia đi lấy chồng…”. Vâng, tôi đành quên mối tình xưa và đi lấy chồng. Tuy nhiên tôi vẫn về ở trong ngôi nhà cũ với ba me, để chồng yên tâm đi hành quân xa ! Cho nên dòng sông Hương êm đềm thuở ấy đã níu chân tôi nơi chốn cố đô thâm u ny - có lẽ suốt cả cuộc đời thanh xuân cũng như đến lúc tuổi già bóng xế….

Đã bao năm qua tôi vẫn sống vò võ nơi đây, kể từ khi anh bỏ Huế, không bao giờ trở lại thăm người bạn bạn cũ nơi đất thần kinh u buồn này!

Hôm trước, một người bạn đã gặp anh ở Sài gòn về cho tôi biết: anh đang theo học trường Hành Chánh Sài gòn, tôi xin mừng cho anh. Tuy nhiên trong niềm vui và hy vọng nơi tương lai sáng sủa sau khi tốt nghiệp ngôi trường ấy, có bao giờ anh chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống hẩm hiu của người bạn gái cũ nơi quê nhà, nơi miền đất thần kinh u buồn này không ?.........  

 

            Thanh đọc hết lá thư của Lan- người bạn gái thuở thiếu thời, rồi thẫn thờ nhìn ra ngoài khung cửa. Cơn gió từ biển Huntington Beach thổi vào mát rượi, vẫn không làm vơi đi nỗi u sầu vừa dấy lên trong lòng anh. Gn ba mươi năm sống nơi xứ người, anh hầu như quên đi những khổ đau của quãng  đời mình trong quá khứ. Anh đã lãng quên bạn bè thân thiết ở quê nhà, quên những  người bạn bị bệnh trầm kha. Và với gia quyến những bạn đã giã từ cuộc sống khổ đau,  anh gởi lời thăm hỏi, chia buồn với tang quyến . Kỳ dư, anh không biết tin tức các bạn khác hiện đang sống trong cảnh nghèo khó hẩm hiu, đi làm thuê làm mướn cực nhọc ở quê nhà …Có thể họ đang ở trong một thôn xóm keo cư ở mìền Hậu giang. Có thể họ đang sống vất vả trên một mảnh đất khô cằn sỏi đá miền Trung Việt. Đã lâu không ai biết tin tức gì về họ để có thể thăm viếng, giúp đỡ lúc họ túng quẫn ngặt nghèo! Bây giờ có lẽ họ đang ở một góc trời nào đó trên quê hương?

            Lá thư của Lan đã đến với Thanh thật bất ngờ, do chính ngưi con trai của nàng trao lại. Nó như cánh chim không mệt mỏi, đã vượt qua nửa vòng trái đất, trải qua hơn năm mươi năm, đánh thức trong lòng Thanh nỗi khắc khoải ưu tư.

            Thanh chợt nhớ đến ánh mắt buồn ray rức của Lan,  khi anh nói lời giã t,  di chuyểnvào chốn phồn hoa Sài gòn năm ấy. Và trong lá thư vừa nhn đưc t cu con trai của nàng, Thanh thấy thấp thoáng những lời trách móc của người bạn gái năm xưa. Phải chăng những lời trách móc ấy cũng giống  tâm trạng của một người con gái trách người tình đã đi xa, để lại cho nàng một cuộc sống đơn độc,  gặm nhấm  nỗi buồn cô đơn, ở “riêng một góc trời”: 

 

Người vui bên ấy, xót xa nơi này, thương hình dáng ai
             Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai
             Đời như sương khói, mơ hồ, trong bóng tối
             Anh  đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời…

 

                                    ( Trích trong bài ca “Riêng Một Góc Trời” của Ngô Thụy Miên) 


                                                                                                                                   
                                                                                                                  Tam Bách Đinh m                                                                                              

 

          

 

 

 

 


No comments: