Monday, June 27, 2022

NGƯỜI BẢO VỆ NĂM XƯA

    ____________________________________

Tam Bách Đinh Bá Tâm     


                                                       

http://www.quocgiahanhchanh.com/cho_loc_ninh.jpg

Trong buổi lễ Kỷ Niệm 30 năm ngày Thành Lập Danh Xưng Little Sàigòn tại Westminster tôi gặp lại Trung sĩ H. từng làm thông dịch cho Cố vấn Mỹ tại Lộc Ninh truớc năm 1972. Thời gian có làm phai mờ nét trẻ trung của người hạ sĩ quan năm xưa, nhưng vẻ mặt vui tươi vẫn còn đó. Người bạn thời chiến ở Lộc Ninh đến chào hỏi  tôi và cho biết tin tức những người quen nơi cố quận năm xưa:

-  Ông còn nhớ người “Bodyguard” của  ông ở Lộc Ninh trước năm 1975 không?

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, anh hỏi thêm như để gợi lại trí nhớ của tôi:

-Ông quên rồi sao? Anh chàng người Việt gốc Miên thường theo bảo vệ ông ở Lộc Ninh khoảng năm 1970. Anh ta tên là Thạch H., ông nhớ rồi chứ?

Trong một giây lát, cái quá khứ đầy biến động, hiểm nguy trong những năm tháng làm việc ở quận đầu đời chợt loé lên trong đầu tôi. Tôi đáp:

- Anh Thạch H. người Việt gốc Miên, Phó Xã trưởng An Ninh Lộc Ninh.? À! Tôi nhớ ra rồi. Nhưng bây giờ anh ta ở đâu? Anh gặp anh ta lúc nào vậy?

Người cựu thông dịch viên nhìn tôi vẻ mặt rầu rầu:

-Tôi chỉ gặp người con trai anh ta trong một buổi họp mặt đồng hương thôi. Người cha đã hy sinh trong trận đánh Lộc Ninh năm 1972. Mẹ và cậu con trai qua đây, theo  chuyến vượt biên đường bộ qua Campuchia . Sau đó đến Thái Lan, rồi sang Mỹ …

Anh cựu thông dịch nhìn tôi trong giây lát rồi hỏi:

- Xin ông cho số phone, địa chỉ nhà của ông. Hôm nào rảnh rỗi, tôi đến đưa ông đến thăm hai mẹ con của họ. Gặp người con, ông sẽ nhớ lại ông bố Thạch H. năm xưa. Cậu ta giống bố như đúc …!                   ****** 

Tôi đến định cư ở Mỹ đã hơn hai mươi năm. Môn giải trí thích thú nhất của tôi là   xem những phim loại “action” của Hollywood trên các kênh TV Mỹ. Trước năm 1975, tôi đã từng xem những loại phim này trên màn ảnh lớn trong rạp cinê. Sang đây, khi xem phim The Bodyguard , tôi cảm thấy thán phục người cận vệ đẹp trai, trung tín và tận tâm trong vai trò Người Bảo Vệ. Đó là cốt truyện phim về một nữ ca sĩ nổi danh (Whitney Houston) được một bodyguard (Kevin Costner)  bảo vệ cho nàng và đứa con trai của nàng. Hai mẹ con đang ở trong tình trạng nguy hiểm vì bị kẻ lạ mặt hăm doạ tính mạng của họ …

Ngoài đời, các nhà lãnh đạo quốc gia, những  nhân vật quan trọng trên chính trường; hoặc những tài tử phim ảnh, ca sĩ giàu có… thường thuê mướn  bodyguard để bảo vệ cho mình. Tại Việt Nam, trước năm 1975,  người ta thường gọi các vệ sĩ là “gạc-đờ-co” – do tiếng Pháp: “Garde de Corps”- Nghề làm bodyguard rất nguy hiểm. Đôi khi phải hy sinh tính mạng để giữ an ninh cho thân chủ, nên cần người gan dạ và trung tín. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà chính người cận vệ lại ám sát thân chủ một cách bất ngờ nhất. Như tại Ấn độ, vào ngày 31 tháng 10 năm 1984, hai người Sikhs thuộc toán cận vệ của bà thủ tướng Indira Gandhi, đã ám sát bà ngay trong khu vườn Tư dinh Thủ tướng tại số 1 đường Safdarjung ở New Dehli. 

Riêng  tôi,  khi anh cựu thông dịch viên nhắc đến Thạch H, tôi bỗng nhớ đến người cận vệ trung tín của tôi trong những năm làm việc ở Lộc Ninh.  Sau đó tôi từ giã Lộc Ninh thuyên chuyển về quận Định quán, tỉnh Long Khánh.  Vài tháng sau,  nghe tin VC đánh lấy Lộc Ninh để làm thủ phủ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Từ đó tôi không gặp lại anh ta bao giờ nữa.

                                                                    ***** 

Thị trấn Lộc Ninh là quận địa đầu chiến tuyến tỉnh Bình Long. Quận lỵ nằm trên quốc lộ 13, cách cách biên giới Campuchia độ 15km, cách Sài Gòn khoảng 110km về hướng tây bắc. Quận Lộc Ninh nằm sát biên giới Cam bốt, là địa điểm cuối cùng của “đường mòn Hồ Chí Minh” nên VC thường lẻn sang đặt súng cối pháo kích vào thị trấn… Thỉnh thoảng du kích xuất hiện trên Quốc lộ 13 đắp mô, giật mìn, chận bắt các viên chức xã ấp đi xe đò trên tuyến đường Lộc ninh - An Lộc…

Bên trong chi khu quân sự Lộc Ninh có một cái hầm xi măng kiên cố, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 10 thước. Hầm có năm cửa, mỗi cửa có một bunker bằng sắt có bao cát chất quanh- Một hầm Truyền tin  ở sâu dưới cùng, tại đây có dự trữ lương thực, nước uống, nhiều bình acquy để thay máy phát điện, máy truyền tin… Các bunker đều có đường dẫn đến khu trung tâm truyền tin, nhưng các bunker không ăn thông với nhau. Hầm này do quân Nhật xây trước năm 1945, rất kiên cố, có thể chịu đựng bom nổ bên trên mặt hầm.

   Cuộc chiến tại Lộc Ninh bắt đầu từ năm 1967, ngày 29 tháng 10, với 2 trung đoàn Việt Cộng tấn công vào quận lỵ Lộc Ninh. Tuy nhiên đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân đội VNCH nơi đây. Tại chi khu quân sự, có nhiều ổ kháng cự đã bị VC đánh sập, duy chỉ còn hầm sâu với bunker chỉ huy và các bunker chung quanh còn đứng vững. Cuối cùng, VC đã dùng  pháo binh trực xạ vào các bunker nhưng không thành công . Sau đó một đơn vị Biệt kích từ căn cứ lực lượng đặc biệt ở đầu sân bay  tiến vào Chi khu, tiếp cứu bộ Chỉ huy Chi khu và cố vấn Mỹ. Khi phóng viên báo chí đến phỏng vấn, Đại úy Công, Chi khu trưởng Lộc Ninh hãnh diện cho biết:  Hầm này tốt nhất Việt Nam, có thể chịu đựng cả bom B52!

Sau trận đánh, viên Trung đội trưởng Biệt kích người Việt gốc Miên tên Thạch H. xin giải ngũ, về sống với vợ con gần chợ Lộc Ninh. Để tưởng thưởng người chỉ huy đơn vị Biệt kích Miên gan dạ đã giải cứu Chi khu quân sự  Lộc Ninh, Đại úy Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng đề nghị Xã trưởng tuyển Thạch H. vào chức vụ Phó Xã trưởng An ninh Lộc Ninh.                                                                      *****

Lộc Ninh là quận đầu đời công chức của tôi sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh Sài gòn năm 1967; và khóa Sĩ quan trừ bị Thủ Đức 1968.  Vào những ngày đầu đến nhậm chức, sau giờ làm việc ở văn phòng quận,  tôi lái xe vào chi khu quân sự Lộc Ninh để nghỉ đêm.  Sau đó tôi cảm thấy nơi đây chật hẹp bất tiện, nên đã nhờ người sỹ quan phụ tá tìm thuê một căn nhà trong khu phố chợ. Căn nhà rộng rãi, nằm trong dãy nhà dân chúng, có hầm chống pháo kích , nên ban ngày tôi yên tâm ở đó . Ban đêm, theo lời mời của chủ nhà, tôi ăn cơm với gia đình họ và ngủ lại trong căn phòng sát bên hầm trú ẩn của gia đình. Chủ nhà gốc người Hoa sang Việt Nam từ nhỏ, lấy vợ Việt – đưọc gọi là thím Hoa. Họ làm ăn sinh sống tại đây; có môn bài bán gạo, dùng kho gạo làm hầm trú ẩn  chống VC pháo kích.  

Vào một buổi tối cuối tuần, VC pháo kích ầm ĩ. Có một vài quả rơi vào khu  chợ . Sau đó có tiếng súng AK  nổ lẻ tẻ ngoài bìa rừng cao su. Tôi định bước ra ngoài nghe ngóng tình hình để liên lạc với Xã và Chi khu , chợt nghe tiếng gõ cửa và tiếng gọi to của Trưởng Ấp tên Long:

-Thím Hoa ơi! Mở cửa cho tôi vào gặp ông Phó, báo cáo có VC tấn công vô chợ!

Bà chủ nhà bước ra sát cửa trả lời :

-Ổng lên Chi khu hồi chiều rồi, không có ở đây…

Đợi bà vợ trở vào,  ông chủ nhà tắt đèn, kéo tôi vô hầm gạo, đóng cửa hầm lại…

Sau đó bà chủ  nhà vào nói nhỏ với tôi:

-Cậu Trưởng ấp đó có bà con là du kích VC. Ông nên tránh tiếp xúc với nó, nhất là về đêm, ông  à! 

Có lẽ thấy tình hình an ninh khá nguy hiểm cho người Phó Quận trẻ tuổi mới ra trường, nên ông Xã trưởng đề nghị Phó Xã trưởng An ninh Thạch H, ban đêm đến bảo vệ . Ngay tối hôm ấy, sau khi đi kiểm tra các toán Nhân Dân Tự Vệ, Thạch H đã đến gặp tôi nơi tôi thường trú ngụ ban đêm. Anh ta dùng cơm tối với tôi và uống một chung rượu cho ấm bụng. Sau đó, Thạch H. nai nịt súng ống đầy đủ như sắp đi tác chiến, đoạn lặng lẽ đưa tôi đến một nhà khác, gõ cửa với mật hiệu.  Người chủ nhà- một chủ tiệm thuốc bắc người Hoa- ra mở cửa và mời tôi vào nghỉ đêm. Sau đó, Thạch H. nói nhỏ với tôi trước khi bước ra ngoài:

-Ông yên tâm nằm nghỉ đi. Tôi nằm ngoài cửa canh gác. Có động tịnh gì, tôi vô báo cho ông biết ngay…

Đến nửa khuya tôi thức dậy, thấy Thạch H. ngồi dựa vào tường mà ngủ. Trên người anh ta vẫn còn mang lựu đạn, súng lục, với máy truyền tin HT1 đặt bên cạnh. Nhìn anh ta, tôi thấy cảm mến thương người cựu binh sĩ biệt kích. Anh ta tuy đã giải ngũ, nhưng  vẫn còn có tác phong và tinh thần của người lính chiến luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ! 

Một lần khác, vào buổi chiều cuối tuần, người thư ký đồn điền cao su  tên Kim mời tôi đến nhà dùng cơm chiều.…Ông cũng mời luôn Thạch H, Phó Xã Trưởng An Ninh mà ông biết là người thường đi theo bảo vệ tôi. Trong bữa cơm gia đình thân mật hôm ấy, tôi uống rượu hơi say, nên ông Kim có ngỏ ý mời ở lại nhà ông nghỉ đêm. Như thường lệ, gần khuya, Thạch H. vào phòng ngủ,  nói nhỏ với tôi:

- Đêm nay cuối tuần, tụi nó sẽ pháo kích. Nhà này không có hầm, nguy hiểm lắm. Ông đi với tôi qua ngủ nhờ nhà người khác, ông à!

Quả nhiên, đến gần sáng, tôi nghe có tiếng pháo nổ ì ầm, nhưng không phải vào khu chợ, mà vào dãy nhà cư xá của nhân viên đồn điền. Hôm sau, ông thư ký Kim lên Văn phòng Quận đưa văn thư của đồn điền như thường lệ. Xong ông vào gặp tôi nét mặt nghiêm trọng:

- Thưa ông, đêm qua tụi nó pháo vô dãy nhà nhân viên đồn điền. Một quả lọt sau nhà tôi, sập một bên mái, nhưng nhờ Trời không ai chết chóc, thương tích g. Nhà sập thì sửa lại, nhưng nếu có điều gì không hay xảy ra cho ông, tôi ân hận biết chừng nào!

Sau lần may mắn thoát chết đó, tôi càng thêm cảm tình và tin tưởng viên Phó Xã trưởng An Ninh Thạch H.

Sau non hai năm làm việc tại Lộc Ninh, tôi cảm thấy mỏi mệt vì thần kinh luôn căng thẳng nơi vùng đất bất an này. Do đó, tôi làm đơn xin thuyên chuyển về tỉnh Long Khánh. Trong buổi tiệc chia tay trước khi rời Lộc Ninh , Phó Xã trưởng An ninh Thạch H, bịn rịn nắm  tay tôi,  tặng tôi chiếc khăn tay màu đỏ sậm có sọc ca -rô đen và nói:

-Xin tặng ông chiếc khăn nầy. Khi gặp nguy biến, ông mở ra lau mặt để lấy lại tinh thần, coi như có tôi bên cạnh bảo vệ ông! Tôi đón nhận, cảm động đến nghẹn lời.  Và  đó là lần cuối , tôi chia tay với  người cận vệ trung tín Thạch H.                                   *****   

Khoảng đầu năm 1972, khi  đang làm việc tại quận Định Quán, tôi nhận được tin tức thật đau lòng. Quận Lộc Ninh, - quận đầu đời mang nhiều kỷ niệm vui buồn trong đời công chức của tôi- đã bị VC tấn công dữ dội và bị chúng chiếm đóng sau 48 giờ giao tranh ác liệt. Trung Tá Thịnh Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng liền họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu quyết định phân tán rút lui. Lợi dụng trời tối, họ vượt hàng rào phòng thủ về hướng Nam để thoát vòng   Sau những ngày bôn ba lặn lội đầy gian lao khổ cực, cuối cùng ông cũng về đến An Lộc.     

Riêng số phận các quân nhân, các viên chức hành chánh thì không được may mắn như vậy!   Một số bị bắt, một số khác đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ác liệt ấy. Trong đó có Phó quận trưởng Lộc Ninh, Phó Xã trưởng An Ninh Thạch H…  


****

Gần năm mươi năm sau, tại miền Tây nước Mỹ xa xôi này, tôi mới biết một tin tức đau lòng về người cận vệ trung tín năm xưa. Khi anh bạn cựu thông dịch viên chở tôi đến nhà Thạch H.,  cậu con trai đã ra  đón chúng tôi trước cửa. 

Bà goá phụ Thạch H. đã khá lớn tuổi, nhưng trí nhớ vẫn còn tốt. Bà nhận ra tôi mặc dù đã trải qua biết bao biến đổi kinh hoàng trong đời. Nhìn cậu con đứng vòng tay bên mẹ, tôi bỗng giật mình, tưởng như thấy lại người cha cậu năm xưa. Cũng thân hình cao to cứng cáp, đen đủi rắn chắc; cũng mái tóc đen nhánh dợn sóng lăn quăn, và nhất là miệng cười rộng mở phô bày hàm răng trắng bóng. Bà Thạch H. cúi chào tôi, lễ phép như lần tôi đến nhà họ ở Lộc Ninh gần năm mươi năm  trước:

-Chào ông Phó, gặp lại ông tôi mừng quá…

Tôi vội đỡ lời:

-Chị đừng gọi tôi với chức tước như ngày xưa ở Việt Nam. Qua đây tỵ nạn, mình là đồng hương. Gặp nhau, còn tình cảm với nhau là quý lắm rồi. Tôi muốn đến thăm chị để biết rõ về anh Thạch H. sau trận Lộc Ninh năm 1972. Đã bao nhiêu năm tôi dò tìm tin tức mà không ai biết gì về anh ấy. Nay tình cờ gặp người bạn cựu thông dịch viên cố vấn Mỹ này cho biết anh đã hy sinh khi VC chiếm Lộc Ninh.   Tôi buồn lắm, nên nhờ ảnh chở đến thăm chị và  cháu trai.

Trong khi bà mẹ đi pha nước trà mời khách, cậu con trai ngồi nghe tôi kể lại những lần cha của cậu đã theo sát bên tôi, bảo vệ tính mạng tôi trong những đêm bọn du kích VC lén về pháo kích, đột kích vào nhà đồng bào ở quanh chợ Lộc Ninh. Tôi cũng kể lại những lần cha của cậu thường theo tôi mỗi khi đi công tác các ấp mất an ninh quanh thị xã… Hôm nay, tôi muốn nêu lên tấm gương can trường của người cha tại Lộc Ninh năm xưa cho cậu con biết rõ  bởi thuở ấy cậu còn rất bé.  

Tôi cũng mô tả cho cậu thấy hình ảnh nước Việt Nam Cộng Hoà năm xưa. Đất nước này lúc ấy đang xảy ra cuộc chiến tàn khốc, nhưng cuộc sống người dân vẫn ấm no hạnh phúc. Những  sắc dân sống trên miền đất tự do ấy không kỳ thị lẫn nhau.  Cho nên người sắc tộc thiểu số như bố cậu vẫn trung tín bảo vệ một viên chức chính quyền cấp Quận như tôi lúc bấy giờ. Và chính tôi lúc bấy giờ, vẫn luôn tin tưởng vào sự trung thành của người cận vệ thiểu số như bố cậu vậy!

Khi chúng tôi chào tạm biệt vợ và con trai của người cận vệ trung tín năm xưa, bên ngoài trời đã ngã bóng hoàng hôn. Gió biển vi vu từ biển Thái Bình thổi vào, khiến tôi nhớ đến cơn gió rừng se lạnh vào những buổi chiều ở quận lỵ Lộc Ninh. Đâu đây, tiếng trực thăng vần vũ trên bầu trời hải cảng Long Beach. Tất cả đã  gợi lại kỷ niệm đầy lo âu trong  quá khứ mỗi khi bóng chiều bao trùm thị trấn bất an Lộc Ninh.  Tôi như thấy lại ánh mắt của người Phó Xã trưởng An Ninh Thạch H. nhìn tôi, miệng cười với hàng răng trắng bóng khi mời anh ta một vài chung rượu nhỏ. Sau đó chúng tôi lặng lẽ đến “ngủ nhờ” nhà một người  dân mà anh ta quen biết. Những lúc ấy người cận vệ trung tín ấy  đã dựa vào cửa đánh một giấc “ngủ ngồi” , với súng lục, lựu đạn, máy truyền tin HT1…  chằng chịt trên vai . 


****

Đã gần năm mươi năm rồi, sau trận Lộc Ninh, người dân tan tác bỏ chạy, viên chức chính quyền địa phương bị bắt, bị giết, tôi vẫn không biết tin tức người cận vệ trung tín năm xưa. Nay  được biết anh ta đã hy sinh trong trận chiến ác liệt năm 1972, lòng tôi thật đau xót. Tôi chia buồn, an ủi họ. Nhưng liệu có ai chia sẻ  nỗi đau buồn, luyến tiếc  của tôi, khi biết một người cận vệ tận tụy, trung thành như Thạch H. đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Lộc Ninh? Đã từ lâu tôi mong chờ một ngày gặp lại Thạch H , cám ơn anh đã  tận tụy trong nhiệm vụ bảo vệ tính mạng cho một viên chức hành chánh cấp quận như tôi. Nhưng tôi không còn một dịp nào để thực hiện niềm ước mong ấy, dẫu để nói với anh một lời cám ơn  muộn màng!…

                    

Tam Bách Đinh Bá Tâm  

* ĐÍNH KÈM : YOUTUBE  < https://youtu.be/Cq-rmVbEJJY >

                



No comments: