Wednesday, June 22, 2022

RỪNG GIÁ TỴ

________

Tam Bách Đinh Bá Tâm







Hôm ấy hội đồng hương chúng tôi có tổ chức cuộc họp mặt, gồm Quân Dân Cán Chính trong Tỉnh của một thời chưa mất nước. Buổi hội ngộ được tổ chức tại một nhà hàng vùng Little Saigon. Tôi đến tham dự cùng với Nhàn, từng làm việc tại quận Định Quán, năm xưa. Hồi ấy, anh Nhàn thường cùng tôi đi công tác Xã Ấp.

            Đã lâu lắm rồi, chúng tôi không có dịp gặp nhau. Khi anh Nhàn đến rủ  tôi đi dự cuộc họp mặt, anh hóm hỉnh tiết lộ rằng sẽ có nhiều kỳ thú bất ngờ dành cho tôi! Kỳ thú nhất là chúng tôi gặp lại nhiều anh em từng làm việc tại địa phương năm xưa. Bất ngờ nhất là khi anh đưa tôi đến một bàn tiệc và dừng lại nơi đây để giới thiệu những người đồng hương quen biết. Bỗng anh chỉ một cô trong bàn, hỏi tôi:

-Ông còn nhớ “cô Lan Ấp125” này không?

Tôi mỉm cười lắc đầu. Thế nhưng vẫn giải thích để che dấu trí nhớ sa sút của mình:

- Tôi thấy cô có nét quen thuộc. Nhưng hình như tôi chưa gặp bao giờ.

Cô gái mỉm cười hóm hỉnh hỏi lại tôi:

-Thế Ông không còn nhớ đã ngủ tại nhà ba má em hôm đến Ấp công tác, trước năm 75’ sao?

 Tôi còn đang suy nghĩ, anh Nhàn đã lên tiếng giải thích:  

-Hồi đó chúng tôi đi công tác tại ấp 125. Đêm ấy chúng tôi vào thăm bác Hai và được bác cho nghỉ đêm tại đó. Chuyện xảy ra đã lâu mà sao bây giờ cô còn nhớ, cô Lan?

            Cô gái mỉm cười đáp:

            -Dạ, em còn nhớ chứ! Lúc đó em còn nhỏ nhưng cũng cảm thấy hãnh diện, nên thường khoe với bạn bè. Đến bây giờ mà em vẫn chưa quên đấy ạ!

            Cả bàn tiệc cùng cười, khiến quan khách quay nhìn chúng tôi. Tôi chỉ kịp chào cô Lan, rồi quay sang nói chuyện với các bạn năm xưa.

                                                                        ****

            Hồi ấy du kích VC thường gia tăng hoạt động quân sự, nhắm vào các cơ quan hành chánh và quân đội để gây tiếng vang, chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris năm1973. Vào một đêm tối trời cuối năm 1972, một toán đặc công len lỏi theo khe đá ba chồng vào Chi khu Định quán. Chúng ném bộc phá làm sập văn phòng quận, sập luôn mặt tiền tư thất Quận trưởng. Trước khi rút lui, chúng còn ném chất nổ vào lô cốt trước cổng, khiến cho một Trung sĩ bị chết cháy.

Sau biến cố đáng buồn đó, ông Quận trưởng bàn bạc với tôi, dự định mở cuộc hành quân hỗn hợp xuống Ấp gần Quận. Bởi theo tin tức tình báo, có thể nhóm đặc công đột kích vào Chi khu đêm đó đã lấy tin tức từ những người đi vào rừng đốn cây, làm rẫy. Họ là cư dân ở ấp Đoàn kết, cách quận lỵ Định quán không xa. Cuộc hành quân có nhiệm vụ kiểm tra, thanh lọc thành phần trốn quân dịch, không giấy tờ hợp lệ, bị tình nghi tiếp tế cho Việt cộng.  

Ấp Đoàn Kết (ở cây số 125 trên quốc lộ 20)có rừng cây giá tỵ rậm rạp, với thân cây cao, nằm trên diện tích gần 150 mẫu tây. Khu rừng giá tỵ ăn sâu bên trong, tiếp giáp với rừng lá thấp, kéo dài mãi đến mật khu Việt Cộng. Từ khu rừng đó, chúng thường xuất hiện trên quốc lộ  lúc xế chiều, đón xe cộ, bắt cóc, khủng bố dân chúng! Cũng đã có lần một đơn vị Nghĩa quân đi hành quân về muộn bị phục kích tại khu rừng giá tỵ này.

Rừng giá tỵ được trồng từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Gỗ giá tỵ (teck) là loại gỗ quý đa dụng, thường dùng để đóng bàn ghế, giường tủ. Đặᴄ biệt hơn nữa, vì gỗ giá tỵ ᴄhắᴄ ᴠà nhẹ, không bị mối mọt gặm nhấm, nên ưu tiên dùng trong việc đóng tàu biển ᴠà làm báng ѕúng cho quân đội.  Vì rừng giá tỵ là tài nguyên quốc gia, không thể khai quang cho bớt rậm rạp nên du kích VC thường lợi dụng đêm tối, lẻn về ấp Đoàn Kết ép buộc người dân tại đây tiếp tế tiền bạc, lương thực cho chúng.

Cư dân ấp Đoàn Kết phần lớn là những người vào rừng đốn cây, chở gỗ thuê, hoặc làm rẫy bái. Họ từ các địa phương khác quy tụ về đây, với cuộc sống bất định, nay ở mai đi.  Cuộc sống ấy khác hẳn với cư dân Phương Lâm hay Phú Lâm nằm trên quốc lộ 20 về phía

bắc, có cuộc sống ổn định hơn. Người xưa có câu “Nhất phá sơn lâm. Nhì đâm hà bá”. Đó là hai nghề nguy hiểm nhưng thường đem lại nhiều lợi tức. Trái lại cư dân sống tại ấp Đoàn Kết đa số đi làm rừng, nhưng chỉ làm thuê, nên cuộc sống vẫn cùng khổ.  

                                                ****

Chiều hôm ấy, khi toán Hành quân Hỗn hợp đến Ấp Đoàn kết, hoàng hôn đã bao trùm vạn vật. Nhà trong Ấp thấp thoáng ánh đèn. Sau khi Thiếu tá Chi khu phó và Đại úy chỉ huy Cảnh sát Dã chiến phân chia công tác cho các đơn vị, ban Chỉ huy chúng tôi ngồi uống trà ngay trên mặt lộ. Thiếu tá Chi khu phó bàn với tôi:

-Đêm nay tôi và Đại úy chỉ huy CSDC sẽ nằm ngủ tại đây để chỉ huy đám lính. Nếu có động tịnh gì, tôi nhanh chóng liên lạc Chi khu để xin yểm trợ pháo binh. Riêng Ông đại diện Quận trưởng, nên có một nơi nghỉ đêm kín đáo hơn. Việc này anh Nhàn rành hơn tôi. Đồng ý không anh Nhàn?

Nhàn đáp:

-Vâng, đồng ý. Tôi đã đến công tác ở Ấp này đôi lần, nên cũng quen thuộc nơi đây. Tôi sẽ vào nhà ông Hai Xe Be hỏi ý kiến, rồi chúng tôi vào nghỉ đêm tại đó.

Đại úy chỉ huy Cảnh sát nhìn chúng tôi, nêu ý kiến:

-Tôi được biết ông Hai là “đối tượng tình nghi tiếp tế VC”. Anh Nhàn với Ông Phó ngủ tại nhà ông ta có nguy hiểm lắm không?

Nhàn chậm rãi đáp:

-Tôi đã suy nghĩ kỹ điều này. Vì ông Hai chỉ là thành phần “tình nghi tiếp tế VC”, nên nếu trường hợp chúng tôi bị ám hại tại nhà ông ta, nghi can đầu tiên là gia chủ. Mà nếu chủ nhà bị Cảnh sát bắt để điều tra, sẽ cung khai những tên nằm vùng, hay tiếp tế cho VC. Như thế bất lợi cho chúng. Cho nên chúng tôi vào nghỉ đêm tại đó yên tâm hơn những nhà khá, trong ấp “xôi đậu” này!

Thế rồi anh Nhàn đi vào nhà ông Hai xin được nghỉ đêm tại đây. Một lát anh trở ra,  nhìn tôi gật đầu. Khi chúng tôi vào gõ cửa, ông Hai ra đón. Ở lứa tuổi trung niên, trông ông gầy ốm nhưng khoẻ mạnh rắn chắc. Ông ở cùng bà vợ và cô con gái cỡ bảy tám tuổi. Căn nhà khá rộng, phòng khách gần quốc lộ, buồng ngủ và nhà bếp ăn sâu vào bên trong, cạnh rừng cây.

Thấy tôi cùng đi với anh Nhàn, gia chủ cúi đầu chào và vui vẻ nói:

- Khi nãy nói chuyện với ông Nhàn nói, tôi tưởng chỉ có mình ổng đến chơi tối nay. Nếu tôi biết trước có Ông, tôi đã mời vô nhà. Tôi có lên văn phòng quận một đôi lần, biết Ông, mà chắc Ông chưa biết tôi. Nhưng ông Nhàn đây thì tôi quen lắm...

Sau đó, chủ nhà gọi vợ và con gái ra chào và nấu nước pha trà mời khách. Chúng tôi ngồi nói chuyện về việc làm ăn của đồng bào trong Ấp, cũng như của gia chủ.  Ông Hai gốc người Long An, lên đây lập nghiệp đã lâu. Hai vợ chồng Ông cố gắng dành dụm tiền bạc, mua sắm một  chiếc xe be để chở cây trong rừng về bán cho trại cưa.

Ngồi uống trà và nói chuyện đến khuya, ông Hai mời chúng tôi vào nghỉ đêm trên bộ ván gõ ở góc phòng khách. Riêng ông Hai nằm ngủ trên chiếc võng bằng vải dù. 

                                                ****

Đèn trong nhà đã tắt, nhưng tôi và Nhàn vẫn chưa chợp mắt. Chúng tôi thì thầm trao đổi vài công việc sáng mai. Tuy nhiên không đề cập đến hiện trạng của chúng tôi đêm nay.  Trước đây tôi đã từng “ngủ ấp” nhiều nơi như La Ngà, Phương Lâm, Phú Lâm…nhưng không cảm thấy hồi hộp, lo lắng như lúc này! Ngoài đường, không có tiếng người, vắng cả tiếng xe cộ. Chỉ có tiếng chó sủa bâng quơ cuối xóm. Từ xa, vọng lại tiếng đại bác từ bên kia sông La Ngà.  Tôi nghĩ ông Hai vẫn chưa ngủ, nên thỉnh thoảng có tiếng võng kẽo kẹt.

Gần sáng, tôi tỉnh giậy khi có tiếng gia chủ nói chuyện với vợ con nơi nhà bếp. Thấy tôi và anh Nhàn thức dậy, ông Hai mời chúng tôi ăn sáng. Uống xong ngụm cà phê cuối cùng,  chúng tôi cám ơn gia chủ, rồi vội đến văn phòng Ấp...

Đến gần trưa, cuộc Hành quân Hỗn hợp chấm dứt. Ban Chỉ huy cuộc hành quân lên xe trở về quận, mang theo một số “đối tượng tình nghi” nằm vùng hay tiếp tế cho VC- trong đó không có ông Hai Xe Be.

Độ một tuần sau, tôi được  Nhàn báo cho biết, ông Hai Xe Be – gia chủ cho chúng tôi nghỉ qua đêm hôm ấy- đã bị mất tích.

                                                                           ****

Sau buổi hội ngộ đồng hương Long Khánh tại Nam California, tôi và Nhàn gặp nhau một lần nữa tại tiệm cà phê đường Brookhurst, Westminster. Nhắc lại niềm vui trong buổi hội ngộ, Nhàn hỏi tôi có ý định đến thăm gia đình cô Lan-con gái ông Hai Xe Be năm xưa không? Anh nói thêm, cô Lan có cho anh biết số điện thoại và địa chỉ nhà cô. Tôi đồng ý và hẹn ngày Nhàn đến đón tôi cùng đi.   

Khi chúng tôi đến nhà và bấm chuông ở cửa, cô ra mời vào. Hôm nay, trông cô Lan không còn tươi vui, nhí nhảnh như trong buổi hội ngộ vừa qua. Có lẽ khi gặp lại chúng tôi lần này, cái quá khứ đau buồn đã trở lại với cô. Cô Lan cho biết, một tuần sau khi chúng tôi nghỉ qua đêm tại nhà họ, ông Hai và người tài xế lái chiếc xe be vào rừng chở cây, mãi không thấy về. Khác với trường hợp trước đó, khi chủ xe be bị du kích VC bắt, chúng nhắn tin gia đình đưa tiền đến chuộc mạng. Riêng bà Hai chẳng nghe tin tức gì về người chồng và tài xế lẫn chiếc xe be cả. Từ đó họ biệt tăm luôn!

Bà Hai buồn rầu lẫn lo sợ, liền bán hết nhà cửa, dẫn con gái về sống với cha mẹ ở Long An. Năm sau, bà buồn rầu sinh bệnh rồi mất. Cô Lan sống côi cút với ông bà ngoại, sau đó đi lấy chồng. Khoảng năm 1980, phong trào vượt biên trốn CS bùng phát khắp nơi. Đôi vợ chồng trẻ bán nhà cửa ruộng vườn, âm thầm vượt biên. Cô Lan cho biết, có lẽ do cha mẹ linh thiêng phù hộ nên chiếc tàu nhỏ bé chở gia đình cô cùng một số gia đình khác được tàu Đức cứu vớt và được hưởng quy chế tỵ nạn tại Đức. Về sau gia đình cô được người anh chồng bảo lãnh, di chuyển sang Nam California sinh sống đến nay.

****

Nghe xong câu chuyện buồn của cô Lan, tôi xin một thẻ nhang, thắp lên để tưởng nhớ đến người gia chủ tốt bụng đã cho chúng tôi nghỉ đêm tại nhà ông. Qua làn khói hương mờ toả, ông Hai Xe Be như đang nhìn tôi với đôi mắt trong sáng như ngày tôi đến nhà ông năm xưa. Đứng bên tôi, người con gái của ông Hai cũng chăm chú nhìn hình ảnh người cha thân yêu. Thỉnh thoảng cô đưa tay lau giọt nước mắt tiếc thương người cha, mà mà hơn bốn mươi năm rồi cô chưa gặp lại.

 Tôi nhớ lại đêm chúng tôi đến thăm và ngủ lại nhà ông Hai. Tối hôm ấy gia chủ và chúng tôi ngồi uống trà, rồi nói chuyện đến khuya. Cô Lan lúc ấy còn bé, nằm trên võng cạnh đó say sưa nghe chuyện và ngủ thiếp đi. Khi cuộc nói chuyện chấm dứt, ông Hai sẽ cúi xuống hôn lên trán đứa con gái bé bỏng của ông. Cô bé mở mắt ngơ ngác rồi nở nụ cười với cha. Đoạn ông nhẹ nhàng bế cô bé đi vào phòng ngủ vợ chồng ông.

                                                          ****

 

See the source image



Từ ngày định cư tại Hoa kỳ, cứ gần đến ngày lễ Father’s Day, tôi lại nghe ca khúc Papa do ca sĩ Paul Anka trình bày- với giọng thật sâu lắng, thiết tha:

Every night my papa would take
And tuck me in my bed
Kiss me on my head
After all my prayers were said…

(Tạm dịch Việt ngữ:
…Hằng đêm cha vẫn bế                                                                                                       Và đặt tôi vào giường
 Đặt nụ hôn khe khẽ                                                                                                                    Sau khi đã nguyện cầu…) 

Mỗi khi nghe lại bài hát do người ca sĩ Canada trình bày, tôi như thấy lại hình ảnh của ông Hai Xe Be bế con vào giường ở một thôn ấp xa xôi, hẻo lánh tại Miền Nam nước Việt- trong đêm chúng tôi ghé thăm và ngủ tại nhà ông. Sau đêm ấy, ông Hai bị du kích VC bắt đi mất tích. Nỗi đau đớn vì mất người cha thân yêu, đã chôn chặt trong lòng cô gái cưng suốt gần nửa thế kỷ qua.

Tôi nhớ lại hôm đến nhà thăm cô Lan, cô kể lại một lần về Việt Nam, có dịp đi du lịch Đà Lạt. Khi xe  đi ngang qua khu Giá Tỵ ở ấp 125 năm xưa, cô như thấy lại hình bóng người cha yêu dấu. Những cây giá tỵ, theo năm tháng vẫn còn đó, mà người cha vẫn thường bồng bế cô, đặt nụ hôn trên trán cô mỗi tối trước khi đi ngủ…nay còn đâu? Chuyến đi thăm Đà Lạt năm ấy, đối với cô không còn thích thú gì nữa. Hình bóng người cha thương mến như vẫn hiển hiện trước mắt cô , tô đậm thêm niềm nhung nhớ mà cô vẫn luôn canh cánh mang trong lòng suốt hơn nửa thế kỷ qua

 Tam Bách Đinh Bá Tâm

No comments: