Tuesday, June 28, 2022

QUÁN CÔ DỨNG

 __________________

Tam Bách Đinh Bá Tâm



             Tôi có thói quen, hàng cuối tuần hay đến quán cà phê người Việt trên đường Brookhurst, Nam California để họp mặt với bạn bè. Thói quen đó xảy ra khi đã nghỉ hưu hơn mười năm nay. Tôi đến để gặp mặt, hàn huyên với những bạn đồng môn năm xưa ở Việt Nam; với các nhà văn, nhà thơ  mới xuất hiện ở xứ sở tỵ nạn này. Quán có nhiều “ẩm khách” ngồi ngoài hiên, theo từng nhóm với nhau. Họ bàn chuyện “thiên hạ sự” hay kể lại những kỷ niệm thời thanh xuân của thế kỷ 20 - những năm cuối thế kỷ trước ngày Sài gòn rơi vào tay CS.  Ở lứa tuổi trên dưới “thất bát tuần” như chúng tôi, kể lại chuyện xưa cũng là cách trắc nghiệm trí nhớ xem còn “dùng được” hay không, tinh thần còn minh mẫn không?  

            Hôm ấy có người giới thiệu một “ẩm khách” với tôi và nói:

            -Anh bạn này từng lái trực thăng, huấn luyện lính “Biệt kích nhảy toán” trong rừng cao su Lộc Ninh năm xưa…

            Nghe nhắc đến Lộc Ninh bỗng nhiên tôi có cảm tưởng sắp được hưởng cái thú “tha hương ngộ cố tri”!   Anh bạn  cựu pilot bắt tay tôi thật chặt khi biết tôi cũng là người từng làm việc ở xứ quận biên giới Lộc Ninh năm xưa. Anh  hỏi tôi giọng thân mật:

            -Hồi đó anh làm gì ở Lộc Ninh? Sĩ quan Chi khu? Sĩ quan Địa phương quân?

            Tôi lắc đầu nhiều lần, rồi trả lời:

            -Không , tôi làm Phó hành chánh tại quận Lộc Ninh.

            Tôi muốn gợi lại kỷ niệm xưa ở vùng đất “nhiều kỷ niệm” ấy, bèn hỏi anh:

            -Theo anh, thị xã Lộc Ninh có gì đặc biệt, có gì đáng nhớ?

             Anh ta không trả lời ngay, nhưng lại đặt câu hỏi với tôi  :

            -Vậy anh có nhớ quán hủ tiếu thiệt ngon ở chợ Lộc Ninh không ?

            Tôi đáp nhanh với người đang sát hạch “bộ nhớ” của mình:

            -À! Quán hủ tiếu người Hoa trong dãy nhà bên cạnh chợ, gần tiệm thuốc bắc phải không?

            Thấy trí nhớ tôi còn khá tốt, anh ta liền hỏi lại:

            -Ngoài hủ tiếu ngon, quán đó có gì đặc biệt hấp dẫn thực khách?

              Câu hỏi này như tia sáng rọi vào tiềm thức, làm sống lại kỷ niệm ấp ủ trong tôi từ lâu. Như một thí sinh được hỏi trúng “bài tủ”, tôi đáp nhanh:

            -Cô con gái chủ quán người Việt gốc Hoa…

            Anh ta lại hỏi dồn thêm:

            -Cô ta tên chi?

            Bỗng nhiên, một cái tên trong nằm trong tiềm thức mấy mươi năm qua bỗng loé lên trong óc,  tôi đáp ngay:

            -Cô Dứng!

             Anh  cựu phi công trực thăng nhìn tôi mỉm cười hỏi: 

            -Anh nhớ tên “người đẹp” lâu lắm đó. Chắc hồi đó thường ăn hủ tiếu ở quán cô Dứng? Hay là bồ bịch với cô ta  ?.

            Tôi liền đáp:

            -Không đâu anh. Tôi chưa từng quen thân với cô Dứng, chứ đừng nói “bắt bồ” với cô ta . Còn vì sao tôi còn nhớ tên cô ta? Chuyện dài dòng lắm đó anh bạn…

                                                                        *****

           


Lộc Ninh cũng là quận đầu đời công chức của tôi sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh  Sài gòn. Đầu năm 1969, tôi đáp xe đò lên tỉnh Bình Long trình diện Tỉnh trưởng để nhận Sự Vụ Lệnh làm việc tại quận Lộc Ninh. Vì đường bộ thường bị VC giật mìn, chận xe, bắn sẻ… nên tôi phải đi bằng máy bay Cesna của đồn điền cao su. Quận lỵ Lộc Ninh đã trải qua hai trận chiến 1967 và Mậu thân 1968, khiến nhà cửa trong phố chợ đổ nát  hoang tàn. Nhưng sau đó, người ta đã tái thiết xong, người buôn kẻ bán tấp nập trở lại.

            Nằm trên Quốc lộ 13 là văn phòng quận - một căn nhà gỗ khá cũ kỹ. Trước đây là Hội quán (Cercle) thuộc quyền ở hữu của đồn điền cao su Pháp. Từ cửa sổ của Văn phòng làm việc, có thể nhìn thấy khu phố chợ. Ngoài xa là Làng Hai, khu vực thiếu an ninh mà VC thường lẻn về pháo kích . Ngày đầu tiên ngồi làm việc nơi văn phòng, tôi muốn mở cửa sổ cho thoáng mát. Tuy nhiên người sỹ quan phụ tá cho biết VC có thể nhắm bắn sẻ từ khu Làng Hai, cách đó không xa. Tôi nghe mà “lạnh gáy”, bèn cho  xây  lớp bao cát che chắn cửa sổ, sau lưng ghế ngồi.

             Chợ Lộc nằm dưới thung lũng, khá sầm uất, buôn bán tấp nập. Có nhiều quán bán cà phê, hủ tiếu; cũng có một tiệm bán thuốc bắc và một tiệm thuốc tây.  Bởi đây là thị trấn đã thành lập từ lâu , nên sinh hoạt trong chợ khá đông đảo tấp nập. Duy chỉ có điều bất tiện là chưa có nhà máy điện để đem lại ánh sáng và an ninh về đêm cho dân chúng. Vì cẩn trọng, tôi chưa bao giờ đến quán xá trong khu chợ để ăn sáng, uống cà phê, chỉ  nghe đồn có một quán hủ tiếu rất ngon trong khu phố chợ. Con gái chủ quán người Hoa có cô con gái  có nhan sắc “chim sa cá lặn”. Các chàng trai trong khu phố, các quân nhân… thườngđến đây ăn uống, trong số đó có cựu phi công đến công tác ở Lộc Ninh.

            Vào những ngày đầu mới đến quận, sau giờ làm việc buổi chiều ở văn phòng, tôi lái xe vào chi khu quân sự Lộc Ninh để nghỉ đêm.  Về sau tôi đã nhờ viên sỹ quan phụ tá tìm thuê một căn nhà trong khu phố chợ, để dễ thân dân hơn.

            Căn nhà thuê khá rộng, có hầm chống pháo kích, nên tôi ban ngày tôi ở đó. Ban đêm, theo lời mời của chủ nhà, tôi thường đến ăn cơm nhà họ và nghỉ đêm trong căn phòng sát hầm trú ẩn của gia đình. Chủ nhà gốc người Hoa lấy vợ Việt – được gọi là thím Quay. Họ làm ăn sinh sống tại đây từ lâu; có môn bài bán gạo, và họ dùng kho gạo làm hầm trú ẩn chống pháo kích. 

            Bởi tôi không mang gia đình theo khi đến địa phương làm việc, nên Chi khu biệt phái cho một nghĩa quân người Việt gốc Hoa còn trẻ, tên Mụn. Anh ta  lo việc cơm nước, giặt giũ và làm “cận vệ” cho tôi lúc ban ngày tại  nhà thuê. Chiều tối  anh nghĩa quân phải lên chi khu làm nhiệm vụ canh gác. Còn tôi, đến nhà thím Quay để nghỉ đêm…

            Tình hình an ninh tại quận Lộc Ninh, sau trận đánh Tết Mậu thân 1968, đã trở lại yên tĩnh. Thỉnh thoảng du kích VC thường pháo kích vào quận lỵ lúc đêm khuya. Do đó, Thiếu tá quận trưởng quyết định tổ chức hành quân vào Làng Hai, nơi du kích VC thường pháo vào chi khu quân sự, hay vào phố chợ Lộc Ninh.... Cuộc đột kích sáng sớm bất ngờ đã bắt giữ một số du kích VC, khám phá nơi tích trữ lương thực, một số tài liệu chúng bỏ lại để tẩu thoát. Sau đó, ông Quận trưởng đưa cho tôi một tài liệu chỉ rõ đường đi công tác của tôi, cũng như những nơi tôi thường đến viếng dân chúng, thăm thân hào nhân sĩ trong quận lỵ. Ông quận trưởng lưu ý tôi:         

            -Ông nên cẩn thận. Ban đêm đừng đi đâu một mình ra khỏi nhà. Nhất là nên đổi lộ trình đi công tác cũng như đi thăm viếng dân chúng. Ông cũng nên cho người dò tìm  những kẻ khả nghi, thường đến quán xá đông đảo lấy tin tức, tìm cách ám hại ông …

            Tôi suy nghĩ về những lời Thiếu tá quận trưởng và tìm cách đối phó. Một buổi sáng, ông quận đến sớm gặp tôi, bàn vài công việc trước khi đi hành quân. Cậu nghĩa quân Mụn đi mua hủ tiếu về đãi khách. Cậu ta mang “gà mên” đi mua, nhưng lại trở về tay không. Tôi chưa kịp hỏi lý do, đã thấy cô chủ quán và người nhà bưng hủ tiếu đến.  Lại có cả hai ly cà phê sữa còn nóng hổi. Cô cúi đầu chào, e thẹn nói vài câu và tự giới thiệu tên Dứng. Tôi và ông quận trưởng trẻ tuổi nhìn cô, thầm ngạc nhiên. Nơi quận lỵ nhỏ bé Lộc Ninh, xa chốn thị thành lại có cô gái xinh đẹp như thế sao?

            Người con gái mang hai dòng máu Việt Hoa  có vẻ đẹp thanh tú như bức tranh Tàu . Đó là lần đầu tôi gặp mặt cô Dứng, cô chủ quán hủ tiếu đã thu hút nhiều khách hàng đến quán cô… Từ đó tôi nảy ra ý định sẽ thực hiện điều mà Thiếu tá quận trưởng đã lưu ý. Tôi bắt đầu thực hiện mạng lưới tình báo trong dân chúng. Quán hủ tiếu cô Dứng là nơi quy tụ nhiều khách hàng ăn uống ở khắp nơi trong quận lỵ. Ngoài quân nhân từ chi khu và biệt kích từ đồn bót trên phi trường đến quán cô Dứng; còn có cư dân trong thị xã hay các ấp chung quanh; các công nhân đồn điền cao su. Ngoài ra có dân làm rừng, làm rẫy từ các vùng mất an ninh quanh thị trấn đến đây. Tôi đặt kế hoạch móc nối cô Dứng để lấy tin tức từ những người lạ mặt đến ăn uống tại quán của cô.

            Một buổi tối cuối tuần, tôi cùng cậu nghĩa quân trẻ đến nhà thím Quay. Sau khi cậu ta lên chi khu làm nhiệm vụ canh gác, tôi vào phòng ngủ thắp đèn dầu xem sách. Bỗng nhiên có tiếng pháo kích ì ầm vào chi khu gần sân bay. Lát sau, có tiếng người gọi qua khe cửa:

            - Thím Quay ơi, có ông Phó ở đó không?

            Tôi bước xuống giường, định ra xem tình hình. Ông chủ nhà nhanh trí lên tiếng:

            - Không có đâu! Ổng chỉ ghé đây ăn cơm. Sau đó lên Chi khu rồi…

            Cùng lúc, thím Quay bước nhanh vô phòng tôi đang nằm thổi tắt đèn, nói nhỏ:

            - Ông vô hầm đi. Im lặng nằm trong đó với hai đứa con tui. Tui ra ngoài nghe ngóng rồi cho Ông biết tin tức.

            Lát sau, bà chủ nhà cho biết tình hình không có gì đáng lo, nhưng phải cẩn thận đề phòng. Người vừa hỏi trước nhà chính là Trưởng ấp Sang. Bà vô hầm thì thầm với tôi:

            - Người ta nói cậu Sang có thân nhân Việt Cọng đó ông. Cậu ta có nhiều hành tung đáng nghi lắm. Đêm tối, ông tránh gặp cậu ta thì hơn…

            Hôm sau, tôi bàn với nghĩa quân Mụn về kế hoạch móc nối cô Dứng làm tình báo cho tôi:

            - Sáng mai cậu đi mua cà phê, hủ tiếu nhân thể. Nhân thể nhờ cô Dứng dò xem trưởng ấp Sang thường đến quán nói chuyện với ai?  Họ nói chuyện gì?.Cậu nói tiếng Tàu với cô ta, chắc không ai để ý đâu! Đây là công tác bí mật, chớ tiết lộ với ai. Nhận được tin tức gì, cậu báo cho tôi biếtngay.

            Một buổi trưa, viên Thư ký đồn điền tên Kim vào Văn phòng Quận mời tôi đến nhà dùng cơm chiều nhân bữa cúng giỗ trong gia đình. Thường ngày, ông Kim vẫn hay lái xe chiếc xe Citroen 2CV (còn gọi là xe Đơ sơ vô) mang văn thư giấy tờ của Công ty Cexo đến Quận. Ông cũng mời luôn Trung úy Hồng, người cùng “quê hương bổn kiểng” Miền Tây với ông. Khi ông Kim từ văn phòng quận bước ra, tôi nghe trưởng ấp Long đang đứng bên ngoài hỏi ông: 

            -Hôm nay cuối tuần, chú Kim có tổ chức nhậu nhẹt gì cho vui không? …

            Ông Kim thật tình đáp:                     

            -Nhà có giỗ nên tôi đến mời ông Phó Quận và Trung úy Hồng đến uống chén rượu cho vui. Mời anh Sang cũng đến tham dự nhé!

             Trong bữa tiệc cúng giỗ chiều hôm ấy, ông Kim mời mọi người uống rượu Tây, cười nói vui vẻ.  Tuy nhiên tôi không thấy sự hiện diện của trưởng ấp Sang. Tôi sực nhớ đến tin tức do cô Dứng tiết lộ với cậu nghĩa quân Mụn trưa nay. Ngày hôm trước, có người lạ mặt từ Làng Hai đến ăn hủ tiếu tại quán cô Dứng. Sau đó trưởng ấp Sang đến ngồi cùng bàn và thì thầm nói chuyện với người lạ mặt.  Họ nói nho nhỏ nên cô Dứng không rõ nội dung. Tuy nhiên thấy vẻ mặt hai người đang bàn tán, cô đoán là chuyện quan trọng lắm.            Cho nên chiều hôm ấy, khi trời sụp tối, tôi v Trung úy Hng kiếu từ ra về. 

            Nửa đêm hôm ấy, bỗng dưng có tiếng pháo kích ì ầm hướng Quốc lộ 13, nơi có  khu nhà của nhân viên đồn điền Cexo.  Sáng hôm sau, ông Kim lên Văn phòng Quận đưa văn thư giấy tờ như thường lệ. Xong ông xin vào gặp tôi, nét mặt ông nghiêm trọng hơn ngày thường:

            - Thưa Ông, đêm qua “tụi nó” pháo vô khu nhà của nhân viên đồn điền, một quả làm sập mái sau nhà tôi. Nhưng nhờ Trời không ai chết chóc, thương tích gì cả. Nhà sập thì sửa lại, nhưng nếu có điều gì không hay xảy ra cho Ông, tôi ân hận biết chừng nào!

                                                            ****

            


Gần hai năm sau, tôi được  thuyên chuyển về tỉnh Long Khánh, phục vụ tại quận Định Quán. Một lần trở lại thăm cố quận Lộc Ninh, tôi có ghé vào quán cô Dứng. Sau đó tôi đến nhà thăm cậu Mụn từng đã từng lo cơm nước, lo an ninh cho tôi trước đây. Mụn cho biết khi tôi đi rồi, cô Dứng rất lo lắng. Vì trưởng ấp Sang thường đến vặn hỏi cô hay thì  thầm“ to nhỏ” gì với Mụn.  Riêng nghĩa quân Mụn , lo sợ trưởng ấp Sang ám hại nên từ đó không dám đến quán cô Dứng nữa.

             Năm 1972, tôi đang làm việc lại quận ĐịnhQuán thì nghe tin Lộc Ninh thất thủ. Bởi VC cố đánh nơi này để làm “thủ đô Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” cho chúng.  Sau ba ngày giao tranh đẫm máu, các đơn vị thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh được lệnh rút về tử thủ An Lộc. Thiếu tá quận trưởng cùng các sĩ quan tham mưu, nhân đêm tối đã cải trang thành người dân làm rẫy, băng rừng rút về Tiểu khu An Lộc trình diện. Riêng viên cố vấn Mỹ tại chi khu bị mất tích.  Phó quận trưởng Lộc Ninh -một bạn đồng môn QGHC với tôi- mới về nhậm chức cũng mất tích. Sau trận này, Thiếu tá Thịnh được vinh thăng Trung tá và sau đó được đề cử làm quận trưởng Kiệm tân cho đến ngày mất nước.

            Tuy nhiên người dân Lộc Ninh không được may mắn như vậy. Khi VC đã chiếm được quận lỵ Lộc Ninh, người dân thật bàng hoàng khi thấy tên Sang, nguyên trưởng ấp VNCH đã lộ mặt CS nằm vùng! Hắn mang băng đỏ trên cánh tay, đeo súng K54 đi lùng bắt các viên chức xã Lộc Ninh, cùng nhiều người dân thường mà chúng nghi ngờ tiếp tay cho chính quyền VNCH . Sau cảnh tan tác đau thương đó, không ai gặp lại cô Dứng nữa! 

                                                                                *****

            


Hôm nay, một ngày đầu tháng Tư,  trời Nam California bỗng nhiên đổ mưa. Tôi nhìn giọt mưa thánh thót rơi, tưởng như những giọt lệ tiếc thương cho nạn nhân cuộc chiến dữ dộitại Lộc Ninh năm 1972.  Tình cờ tôi đã gặp anh bạn từng lái trực thăng, từng bay trên vùng trời Lộc Ninh, từng đến quán cô Dứng những năm 1970. Chúng tôi, mỗi người một tâm sự, cùng nhớ đến Lộc Ninh, nhớ đến cô chủ quán người Việt gốc Hoa hương sắc một thời ở khu phố chợ Lộc Ninh. Bây giờ cô ở đâu?  Cô còn sống hay cô đã chết bởi sự trả thù tàn bạo của bọn VC nằm vùng.  Nhất là tên cựu trưởng ấp Sang đã từng cật vấn cô, nghi ngờ cô làm “tình báo viên” cho Phó quận Lộc Ninh trước đây?                                                                                                                                                   

                                                                                                 Tam Bách Đinh Bá Tâm

           

                                                                                                      

           

                                               

 

  

 

 

 

No comments: