Friday, February 11, 2011

Mùi Tết - Thành Phương

_____________




Tết, nghĩ đến Tết là tràn ngập hình ảnh, tràn ngập âm thanh tưng bừng, chan hoà, rộn rã. Hình ảnh đêm Ba mươi không trăng sao, nhưng phố phường ngập tràn ánh sáng của đèn hoa. Nhà nhà mở đèn, thắp nến rực rỡ. Phố phường ngập tràn người và người, đi lễ chùa, cầu nguyện cho năm mới. Sáng Mùng Một trời luôn xanh trong, mát dịu. Cái nắng trưa vàng rực như mật ong không làm chậm lại dòng người khoe áo mới, lầm rầm cầu nguyện lễ chùa, hoặc tíu tít chúc tụng những lời chúc tốt đẹp đầu xuân.
Tết trên quê hương tôi, nhà nào cũng mâm cao cỗ đầy với mong muốn quanh năm sung túc và tạ lễ trời đất, ông bà trước khi gia đình sum họp vui vầy. Miền quê thì không rõ, chứ trong Sài Gòn thì đủ thứ món ăn ngon. Bánh chưng, bánh tét, thịt kho, củ kiệu là không thể thiếu. Gà luộc, giò chả, lạp xưởng làm mùi vị và màu sắc mâm cỗ thêm phong phú. Rồi người gốc Bắc có thêm cá kho, giò tai, giò thủ. Người Nam có thêm bánh lá, chè sen. Người Hoa có thêm cải hầm, bánh tổ… Cuối cùng là chai rượu, thùng bia. Ai cũng hỉ hả, ai cũng vui tươi. Tết là vậy mà.
Trong nhà ngập tràn âm thanh chúc tết, nói cười vui vẻ trong tiếng rộn rã ca nhạc chào đón xuân. Ngoài đường lại tưng bừng tiếng trống lân. Nhà tôi nằm trong vùng Chợ Lớn, nhiều người Hoa, người Hoa lại thích múa lân, nên tiếng trống lân trở thành biểu tượng của ngày Tết trong tôi từ thuở nào.
Nhớ mỗi đêm ba mươi trước giờ giao thừa, tôi thường không thể bỏ qua chương trình truyền hình trên tivi, nhất là các vở kịch Táo quân. Mỗi năm mỗi khác, mỗi kịch bản nhưng luôn đem đến tiếng cười thoải mái cho chúng tôi trong những giờ phút cuối cùng của năm, tất bật và háo hức ấy. Mâm bàn dọn xong, bàn thờ chuẩn bị tươm tất, chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, chờ giờ phút giao thoa của hai năm, để đốt nhang cúng Trời đất, ông bà, và để đốt pháo chào đón năm mới. Đúng mười hai giờ đêm ba mươi, không hẹn mà lên, nhà nhà châm pháo đốt. Tiếng pháo nổ vang rền, đì đùng pháo Bình đà, lách tách pháo trung, ầm ì pháo đại, lẹt tẹt thỉnh thoảng vài phong pháo “chuột”. Tất cả như hòa nhịp một bản hoà ca, chào đón năm mới với bao niềm hy vọng. Rồi nhang đèn, giấy tiền vàng bạc đốt lên, làm bừng sáng những khoảng sân tối, khiến không gian như bừng tỉnh ở giờ phút thời gian và không gian giao hoà. Tôi đứng ở lan can nhà, nhìn ra phía sông Sài Gòn, chiêm ngưỡng từng chùm pháo hoa bắn lên từ những chiếc tàu viễn dương đang neo đậu trên bến. Tây cùng đón Tết với ta…
---
Nhà tôi nằm ngay trung tâm phố Tàu của khu Chợ Lớn, tức “Tàu rặc”. Căn nhà xinh xắn trên lầu hai một chung cư chỉ có hai tầng, nhà tôi có sân thượng. Hàng xóm bên trái là người Hoa, bên phải là người Tàu, phía dưới cũng Hoa, phía trên là .. trời. Giống như các khu người Hoa đặc trưng trên khắp Thế giới, khu nhà tôi luôn tấp nập do hàng quán dọc đường, hầu như nhà nào cũng hàng quán. Muốn ngủ, chỉ có nước chui vô phòng, đóng kín cửa mới ngủ được. Nhiều lắm các món ăn đặc trưng đặc sản của người Hoa, Việt đủ cả. Mì tàu, bún vịt, hủ tíu bò viên suốt ngày. Tối thì có bánh mì, xôi mặn, chè cháo… Muốn ăn hầu như giờ nào cũng có. Khỏi nói, Tết đến là hàng quán lại mở tận 4-5 giờ sáng mỗi đêm, giúp người vui xuân có cái lót dạ đêm dài se lạnh, vỗ giấc cho ngày xuân ăn chơi kế tiếp. 
Hương vị Tết trong tôi không chỉ nằm ở màu sắc và âm thanh, mà còn ở các loại mùi vị. Có lẽ mùi vị là thứ dễ cảm nhận nhất, dễ gợi nhớ về kỉ niệm nhất trong cuộc sống, hoặc cũng có thể vị giác là cái giác quan mạnh nhất của tôi, nên hễ bắt gặp một thứ mùi vị quen thuộc nào đó liên quan, tôi lại nhớ đến Tết.
Mùi Tết, trước tiên phải là mùi pháo. Mùi pháo tức mùi diêm sinh hoà lẫn mùi giấy bọc pháo khi cháy bốc lên. Mùi pháo thật mạnh, bao trùm không gian xung quanh nơi đốt. Mà Tết ở xứ tôi thì nhà nhà treo pháo, người người đốt pháo, nên mùi pháo tồn tại khắp nơi suốt những ngày xuân. Mùi pháo bắt đầu từ đêm giao thừa mù mịt đến ngộp thở, nhẹ nhàng hơn khi sáng tinh mơ, rồi chợt bùng lên dữ dội cùng tiếng pháo nổ, còn phảng phất vương vấn đến tận ra Giêng. Nhớ xưa còn bé, tôi nhát chỉ dám đốt pháo “chuột”, thứ pháo nhỏ xíu như đều que kem, nổ “lẹt tẹt”, trong khi anh tôi và bạn bè đã dám đốt pháo “trung”, lớn cỡ đầu đũa, và tất nhiên nổ lớn hơn cái “tẹt” kia. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại còn đốt pháo đại, bằng cách an toàn là nối giấy một đoạn vào tiêm pháo rồi châm lửa đốt. Gan tôi nhỏ, nên miếng giấy nối tiêm pháo của tôi phải dài hơn của mấy thằng bạn khác. Nhớ nhiều phen hết hồn khi mẹ chở tôi chạy trên đường, phải thắng xe gấp, vì một viên pháo đại cỡ bự trên đường. Ai nấy hồi hộp đứng chờ nó nổ, con nít bịt tai nhưng mắt không rời viên pháo. Rồi khi giấy mồi cháy hết, sau tiếng “xìiii” dài thượt của tiêm pháo, là tiếng nổ cái “tẹt” nhỏ xíu như chuột kêu. Thì ra có đứa nào rắn mắt, bỏ viên pháo chuột vào vỏ pháo đại, hù doạ mọi người. Cười vỡ bụng…  Đến Canada ngày tết không có pháo, mà chỉ có tuyết (!?), tôi không cảm nhận được không khí Tết nữa. Vô chùa đốt nhang đêm cuối năm, chợt bắt gặp lại mùi pháo, thấy lại màu hồng xác pháo, lòng tôi ấm lên dưới tuyết trời lạnh giá. 

Thứ mùi vị đặc trưng thứ hai của ngày Tết quê tôi nữa là mùi dưa hấu. Dưa hấu có từ sự tícch Mai An Tiêm mà chắc ai cũng một lần nghe kể qua. Dưa hấu truyền thống ruột đỏ, vỏ xanh đậm. Còn sau này, nhiều loại dưa khác nhau lần lượt “trình làng”, và cũng được đón nhận nồng nhiệt không kém, như dưa vỏ soc xanh nhạt, dưa vỏ vàng ruột đỏ, dưa vỏ xanh ruột vàng, dưa hấu không hột ..v..v., thậm chí có cả dưa vuông từ Nhật Bản, dưa dài từ Đài Loan. Cái tên dưa hấu xuất phát từ chữ “hủ”, tức “ngon” theo tiếng Hoa.
Nhớ ngày xưa, mỗi sáng sớm mùng Một Tết, là thời điểm đại gia đình bên Nội tôi tụ họp. Sau khi thay quần áo mới, ba mẹ chở chúng tôi đến nhà Nội cũng trong Chợ Lớn. Các ngày cuối năm, Ba vẫn thường tới lui nhà Nội để giúp nôi trong coi chuyện trong ngoài, tôi cũng được theo. Tuy nhiên, cái buổi sáng mùng Một là thời điểm trang trọng nhất của một dịp Tết, đối với tôi, mà tôi không bao giờ quên. Cả nhà quây quần, cây mai, tràng pháo. Bàn thờ trang nghiêm nhang khói, đèn thắp sáng rực. Mọi người thường tụ tập quanh cái bàn ăn lớn đặt ở phòng ăn, trên bàn thôi thì đủ thứ đồ ăn tết đặc trưng. Bánh tổ cắt lát mỏng chiên dòn, nồi cải hầm kiểu Triều Châu mà bà nội không bao giờ thiếu mỗi khi tết về, thịt kho, lạp xưởng, tôm khô, củ kiệu. Tóm lại là đầy đủ thức ăn đặc trưng của ngày Tết, công thêm một nồi cháo trắng. Cháo trắng là món ăn truyền thống của người Hoa, có thể ăn kèm với củ cải muối hoặc hột vịt muối rất ngon. Các món ăn “truyền thống” càng làm cho ngày sum họp thêm đậm chất “truyền thống”. Cô, chú, anh, chị, em bên nội của tôi cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm mới, bữa sáng ngày mùng một.
Tôi thì luôn bị thu hút bởi cặp dưa hấu trên bàn thờ ông bà Nội chưng từ chiều ba mươi. Cặp dưa rất to, luôn luôn rất to và tròn đều, mà tôi chắc tôi không thể bưng nổi với độ tuổi bấy giờ. Nghe là sui gia nào đó biếu tặng, nhà Nội tôi đông cô chú, nên mỗi năm đều có sui gia thơm thảo ít quà, mà Nội thì rất quí căp dưa hấu chưng bàn thờ. Trái dưa luôn được tô điểm bởi miếng giấy đỏ chữ Phước, đặt trang trọng trên dĩa sứ ngay ngắn trên bàn thờ. Sau màn chúc Tết, lì xì xôm tụ, Nội tôi sẽ xẻ dưa hấu. Nội bảo làm vậy để chia lộc đầu năm cho con cháu, cầu lộc và may mắn cho suốt năm mới. Dưa to, tất nhiên dao cắt và mâm đựng cũng phải to. Mùi dưa hấu ngào ngạt , quyến rũ, mát rượi. Ai cũng phái ăn một miếng, tùy thích lớn nhỏ. Tôi thì ấn tượng về kích thước trái dưa cùng con dao cắt nó, và luôn chỉ ăn hết một phần ba miếng dưa mà thôi. Không biết lời cầu chức của tôi khi ăn miếng dưa có ling ứng không, nhưng tối thì luôn thấy mình “năm sau nhiều tuổi hơn năm trước”!?
Nói đến đồ ăn tết của quê hương Việt Nam thì khó mà tả cho hết. Nhiều thứ thức ăn tuy đơn giản nhưng cũng gây cho tôi nhiều ấn tượng, gợi lòng tôi nhớ về không khí ngày tết, đem hồn tôi trở về với quê hương, ví dụ như củ kiệu tôm khô, cải hầm kiểu Triều Châu (của nội tôi ắt là ngon nhất), mứt bí, hạt dưa đỏ (không phải hạt bí vàng hay hạt hướng dương nâu xám).
Nhớ thời những năm 1990, ở Việt Nam bắt đầu có nước ngọt Coca Cola. Trước đó, nược ngọt chủ yếu trên thị trường là xá xị con nai, nước ngọt Chương Dương, Tribico .v.v… Coca Cola bắt đầu bước vô Việt Nam sau khi nhà nước mở cửa kinh tế. Ban đầu chỉ có lon, giá cao. Chỉ có dịp giỗ chap, lễ lạt người ta mới uống Coca. Ngày Tết, nhà nào sang mới có một thùng Coca, mà để đến rằm cũng chưa dám uống hết!
Cũng ngày mùng một, sau khi chúc Tết bên nhà nội, ba mẹ và chúng tôi chạy qua nhà Ngoại để chúc tết “hiệp hai”. Thường thì đã gần bữa trưa, nên đại gia đình bên ngoại của tôi lại cùng ăn cơm đầu xuân với nhau, bữa trưa mùng một. Bữa cơm đầu năm, tất nhiên phải “hoàng tráng”. Bữa cơm hoàng tráng với các loại thức ăn đặc trưng của miền Bắc, mà bà mợ của tôi tự tay chế biến cho cả gia đình, như miến gà, gà luộc, gà rôti, gỏi, bánh chưng (dĩ nhiên) ..v..v, và không thể thiếu Coca. Mùi vị Coca đối với tôi giờ đã thường lắm, thậm chí ít uống vì tin nó là thực uống không có lợi sức khoẻ nếu lạm dụng, nhưng cái ấn tượng ban đầu ở những năm tháng ấy không phai. Mỗi lần khui lon Coca, trước khi “ực” một cái, tôi luôn thấy hình ảnh gia đình tôi, và tôi, sum họp vui vẻ.
---
Tết, tất nhiên, không chỉ có thức ăn. Không khí xuân không chỉ có họp mặt. Văn hoá năm mới không chỉ có tiệc tùng. Ngày Tết cũng là thời điểm mọi người chăm sóc lại nhà cửa, bộ mặt phố phường như được “thay áo mới”, giống như con người. Ngoài đường thì rợp cờ, hoa, Hàng quán trang trí lộng lẫy hơn để đón thêm nhiều lượt khách, các hoạt động văn hoá như ca nhạc, múa lân, công viên trò chơi thiếu nhi, khu du lich… trở nên rôn rịp hơn. Trong mỗi nhà thì chà rửa, sơn phết, quét dọn… Ai cũng tất bật, ai cũng tìm việc để làm, nhằm kết thúc dọn dẹp trước giờ giao thừa, cả năm sách sẽ và thảnh thơi. Kinh tế phát triển, sau này đa số dân thành thị sử dụng sơn nước để trang trí nhà cửa. Chứ trược kia, khi tôi còn bé, ở Viêt Nam người ta đa số xài sơn dầu cho sơn cửa và vật dụng bằng gỗ, và dùng vôi để quét tường mỗi khi Tết đến.
Nói đến quét vôi, thì ngoài việc sử dụng vôi cho nhà cửa, người ta còn quét vôi mồ mả ông bà dịp 25 tháng chạp, coi như trang trí “nhà cửa” cho ông bà mình ăn tết. Việc đó trở thành một nét văn hoá của ngày xuân quê tôi. Riêng tôi vì thời đó còn bé, nên chưa từng biết tự quét vôi cho tường nhà. Tuy nhiên, nét văn hoá quét vôi lại nằm sâu trong kí ức của tôi từ ấy. Vôi ấn tượng với tôi không phải màu sắc hay qui trình làm, mà ở cái mùi của nó. Đương nhiên, nếu không tự tay quét vôi, thì tôi chỉ có cách cảm nhận được cái thứ nước bôi lên tường ấy là “vôi” bởi qua màu sắc và cái mùi của nó. Màu sắc thì nhiều, tùy gia chủ, tùy thời, càng ngày hình như tôi nhớ càng loè loẹt. Nhưng mùi vôi thì chỉ một, đặc trưng. Hễ ra đầu ngõ, ngửi thấy mùi vôi, là biết ngay đêm qua có người mới sơn nhà. Mùi vôi quyện với mùi sương sớm những sáng đầu xuân, tạo cảm giác mới mà gần gũi, phấn khích nhưng đầm ấm.
Hồi nhỏ tôi ở nhà ngoại, trong một cư xá nhỏ, bên hông trường đua ngựa Phú Thọ. Nhớ mấy thằng bạn, ba nó mới quét vôi nhà buổi tối, sáng nó ra đứng trước cửa nhà trông ra đường, giả bộ ngó lơ, nhưng chỉ đợi được hỏi tới…   
Người ta bắt đầu quét vôi nhà cửa ăn tết xung quanh 23 tháng chạp, tức ngày tiễn ông Táo. Thường thì lúc đó tôi vẫn còn phải đến trường, nhưng mùi vôi mỗi sáng sớm luôn đem đến cho tôi niềm háo hức khi một cái tết gần kề, sắp được nghỉ học, đi chơi, ăn uống và lì xì.
Trước khi Nội tôi đi Canada, thì gia đình ba mẹ tôi dọn về Chợ Lớn. Năm ấy quét vôi lại nhà, màu vàng, cũng là năm ba tôi đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Từ đó, ấn tượng buồn lấn át niềm vui của mùi vôi trong tôi.
---
Nếu ngày nay người ta đi mua sắm gần như quanh năm, thì hồi đó lúc tôi còn bé ở Việt Nam, tôi được mẹ dắt đi mua đồ mới đa số là vào trước tết. Thời xưa hàng hoá khan hiếm, kinh tế cũng không mấy gì khá giả, người ta ít tiêu dùng. Quần áo thì nhiều người cho, có cả chú, cậu bên nước ngoài gửi về, nên tôi ít chú ý. Tôi thường thích giày mới để mang Tết. Giày đa số giày da, da thuộc rồi. Giày mới nên da mới thuộc, còn thơm mùi da mới. Lúc còn bé, thì ba thường mua giày cho chúng tôi theo kích cỡ mỗi đứa, và anh em tôi cứ thế mà mang. Lớn lên chút, cả nhà tôi thường đi tới khu giày da trên đường Nguyễn Trãi, gần Châu Văn Liêm để kiếm giày đẹp. Mùi giày da mới cho tôi biết một cái Tết sắp đến.
Thời gian trôi qua, năm hết tết đến. Mỗi lần đến tết là cái không khí, hương vị, màu sắc đặc trưng ấy lại xuất hiện. Tôi thì mỗi năm một trưởng thành, xã hội cũng thay đổi. Tuy nhiên, cái đặc trưng của Tết thì vẫn thế. Chúng trở thành những nét văn hoá in đậm vào tâm trí của tôi. Ngày Tết của Việt Nam, với những đa dạng của sự đặc sắc, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của dân tộc, đậm nét dân gian hoà trộn tính thời đại, lưu truyền không mai một từ trăm năm.
Bao trùm của mùi vị, trong những ngày Tết, đối với tôi, không phải là hương vị của một loại thức ăn, hay hương sắc của một loài hoa, hương thơm mực mới của những bao lì xì, mà là mùi hương trầm dịu dàng phảng phất trong hơi lạnh đầu xuân.
Nhắc đến hương nhang trầm, người ta thường nghĩ đến Phật giáo và ngày Tết cổ truyền. Có lẽ vì phật giáo đã hình thành và tồn tại trên đất nước ta hàng chục thế kỷ, mà đạo Phật thì gắn liền với khói hương, nên quen thuộc của hương trầm đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian, trở thành văn hoá. Hoà quyện với văn hoá Tết, mùi hương trầm đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu.
Trước hết là trong nhà, nhà Nội hay nhà Ngoại, nhà tôi hay nhà bạn bè, đâu đâu cũng phảng phất hương trầm suốt những ngày Tết. Nếu vào lúc giao thừa, thì bạn sẽ ngộp thở hoặc sẽ chảy nước mắt, khi đến thăm nhà tôi. Số là mẹ tôi đã quen thắp nhang cho Trời Phật, thần thánh và ông bà tổ tiên vào thời khắc ấy. Nhà bàTàu sát bên cũng thế, nhà ông Bắc cuối dãy cũng vậy… Khắp nơi thắp hương, hương khói làm ấm trời khuya tĩnh mịch.
Hai ngôi chùa Ông – chùa Bà ngay trước mặt nhà tôi, nghe đâu có từ hơn 300 năm trước, là nơi dân chúng đổ đến thăm viếng cầu nguyện suốt những ngày xuân. Nhớ những đêm giao thừa, xe cộ bị cấm lưu thông trên đoạn đường trước nhà, nhường chỗ cho người đi bộ và dãy hàng bán nhang đèn, bánh trái đúng phong cách dân gian dọc hai bên đường. Người đông đến độ thậm chí đi bộ cũng khó mà chen chân đi bình thường nổi. Dòng người bắt đầu hình thành độ khoảng 10 giờ đêm giao thừa, đổ về chùa Bà. Dần dần dày đặc lên, đến gần nửa đêm là nghịt cả khúc đường ngắn. Trên tay ai cũng cầm hương trầm, đèn và hoa quả đến dâng Bà, trả lễ Bà, với niềm tin Bà sẽ tha thứ mọi lỗi lầm trong năm cũ, và phù hộ mọi chuyện tốt lành cho năm mới. Đứng từ trên lầu nhìn xuống đường, dòng người trở nên lung linh vì ánh lửa nhang dưới làn nhữngkhói. Mà hay một điều, người ta chen nhau đi dâng hương chùa, đông đúc nhường ấy, bận rộn nhường ấy, lại rất hiền hoà và thân thiện. Có lẽ ai cũng tâm niệm làm điều hay vào thời khắc giao hoà của thiên nhiên, muốn nói toàn chuyện tốt, cư xử văn hoá, không mất trật tự hoặc ồn ào như một đám đông thuần túy. Cảnh tượng dòng người viếng chùa Bà đêm Ba mươi Tết rất ấn tượng. Chắc không cần nói, đọc đến đây thì ai trong chúng ta cũng “ngửi” thấy mùi hương trầm, phảng phất từ đám đông ấy, từ ngôi chùa nổi tiếng ấy bay đến…
Sáng mùng một cả khu phố thường được đánh thức bằng vài tiếng trống lân. Các đoàn lân sau khi tập hợp múa “lạy tạ ông” vào trưa ngày Ba mươi, thì sáng mùng Một thường quay lai chùa Ông (kế bên chùa Bà, cách một con đường Triệu Quang Phục) để xin lộc cho năm mới. Dân chúng cũng như lân, đến chùa Ông xin lộc từ đêm Ba mươi, suốt đến sáng mùng Một.
Buổi sáng, nên người ta ăn mặc lịch thiệp, chải chuốt sáng sủa hơn. Hàng quán cũng mở sớm đón khách. Điểm khác với tết Tây là chỗ này, hàng quán bên Ta luôn mở, thậm chí dài giờ hơn để phục vụ những ngày lễ tết. Tây thì khác, họ đóng cửa. Làm cho tết bên Tây càng trở nên yên lặng. Buồn…
Khung cảnh những ngày Tết thật lạ, đoạn đường ngắn trước nhà tôi, tức ngay chùa Ông – chùa Bà, bỗng chốc trở thành một điểm đến của hàng vạn con người, du xuân có, tín ngưỡng cũng có. Khu phố trở nên nhộn nhịp bất ngờ, đẹp lộng lẫy. Tôi chỉ không còn nhìn thấy cái đẹp nữa khi đôi mắt sụp xuống, không mở nổi nữa, vì quá buồn ngủ sau những giờ vui chơi xả cửa. Tuy nhiên, mùi hương trầm ấy, vẫn theo tôi vào trong những giấc mộng…
---
Bây giờ, đã đi xa, không còn nhiều dịp sống trong không khí Tết cổ truyền trên quê hương, tôi vẫn luôn nhớ Tết. Nhiều khi bận rộn với công việc, muốn quên đi chuyện lễ lạc để tiết kiệm thời gian. Khổ nỗi, nhắm mắt bịt tai thì dễ, nhưng ai lại bịt được mũi mình?
Mùi vị ngày tết vẫn như “vô tình” gợi lại trong tôi nhiều nỗi nhớ nhung. Tôi biết, tôi sẽ không quên được văn hoá Tết. Biết là sẽ khó, nhưng tôi sẽ cố gắng giữ gìn văn hoá Tết trong tôi, và, cho con tôi.        

Tết Tây 2011.


No comments: