Nguồn :hoingovanchuong
NTT: Không phải một cái truyện ngắn hay tản văn. Nhưng câu chuyện này không nằm ngoài văn chương. Một câu chuyện thật cảm động và kính phục bởi cả hai mẫu nhân vật đều có thật ngoài đời. Bạn hãy thử đọc nhé.
1. Khi tôi kết thúc cuộc trò chuyện đầu tiên với cô gái nhỏ nhắn người VN kia thì người cha hỏi tôi, giọng đầy sự quan tâm: “Cô thấy phát âm tiếng Việt của con gái tôi như thế nào?”. Tôi bày tỏ sự thán phục: “Cô ấy nói tiếng Việt giọng Bắc rất chuẩn và tiếng Việt của cô ấy thật đẹp. Chắc cô ấy cũng mới sang Mỹ phải không?”. Đôi chân mày của người cha giãn ra, vẻ mặt đầy hân hoan và hạnh phúc: “Con bé sang đây đã 13 năm”.
Tôi nhìn hai cha con, lòng đầy nghi hoặc. Làm thế nào để người cha Mỹ kia giữ gìn tiếng Việt cho đứa con gái Việt trong suốt 13 năm ấy trong khi ông không biết nói tiếng Việt? Cô gái tôi gặp kia dạ thưa rất lễ phép, nói năng e ấp và đáng yêu như một cô gái Bắc Hà chính hiệu được giáo dục trong một gia đình nền nếp xưa đã gây cho tôi nỗi ngạc nhiên lớn lao. Và rồi sự ngạc nhiên trong tôi đã chuyển thành thán phục, khi tôi được nghe bạn bè kể về cuộc nhận và nuôi con nuôi này.
Đó là một ngày của 13 năm trước, người đàn ông Mỹ sang VN và tìm đến cô nhi viện để kiếm một bé gái nhận làm con nuôi. Khi ấy, ông đã nói với những người có trách nhiệm ở cô nhi viện: “Hôm nay, tôi nhận của quý vị một đứa bé VN, tôi hứa sau này sẽ trả lại quý vị một cô gái VN. Tôi sẽ không biến cô ấy thành người Mỹ”.
Để thực hiện lời hứa của mình, trong ngần ấy năm qua vợ chồng ông đã thay phiên nhau chăm sóc tâm hồn Việt cho cô bé, cứ đến cuối tuần họ lại chở cô bé đến những nơi có người Việt sống để cô bé nói chuyện bằng tiếng Việt. Người cha cũng “tranh thủ” bạn bè người Việt của mình ở Mỹ, gặp ai ông cũng bảo họ “nói tiếng Việt với con gái tôi” và tôi không phải là người đầu tiên được ông nhờ. Người cha ấy cũng tìm hiểu văn hóa VN, cho con gái ăn thức ăn VN để chắc chắn rằng khi cô bé trở lại quê cha đất tổ sẽ không xua tay bịt mồm trước nước mắm quê nhà.
Ông nói rằng sẽ thật là mắc cỡ nếu để con gái mình không hiểu gì về văn hóa Việt, đời sống Việt. Tháng 8-2009, cô gái sẽ trở về và làm việc tại VN sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Ông nói: “Đó là lựa chọn của con gái tôi và cũng là mong muốn của tôi. Tôi thật sự lo cho con gái nhưng tôi luôn muốn con bé tự lập trên quê cha đất mẹ của nó”.
Hạnh (thứ hai từ phải sang) bên cạnh nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong buổi biểu diễn dân ca VN tại bế mạc trại sáng tác Trường Umass Boston – Ảnh: Bruce Weigl
2. “Bố tôi luôn yêu cầu tôi nói tiếng Việt ngay khi có thể. Ông tìm hiểu về văn hóa VN và dạy cho tôi. Ông mua những băng nhạc VN để tôi nghe và tìm kiếm những người bạn VN để tôi giao tiếp với họ bằng tiếng mẹ đẻ của mình” – cô con gái đã nói về người cha của mình như thế. Cô gọi ông bằng “bố” hoặc “bố tôi” đầy trìu mến và thương yêu.
Cô kể rằng khi nhận nuôi mình, người cha đã lặng lẽ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa VN từ đền chùa, miếu mạo đến phong tục tập quán hằng ngày. Đến nay, tuy ông không nói được tiếng Việt nhưng hiểu tiếng Việt khá nhiều. Và điều quan trọng nhất là ông đã dạy dỗ và “giữ gìn” cô theo cách của một ông bố VN.
Cô nói: “Bố đã dạy tôi từng chút một, từ những việc đơn giản nhất trong ứng xử của đời sống thường nhật đến những suy nghĩ, hành động. Bố luôn muốn tôi phải là một người VN, phải nói tiếng Việt thật giỏi, để khi tiếp xúc với tôi, người ta không được nói tôi là một Việt kiều gì đó”. Trong iPod của cô con gái, ngoài những bản nhạc jazz mà cô rất yêu thích là những bài hát Việt.
Buổi bế mạc trại sáng tác ở Trường đại học Umass Boston cuối tháng 6 vừa qua, cô đã cùng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những người bạn VN làm thành một đội biểu diễn dân ca, vừa hát say sưa vừa gõ nhịp theo những bài quan họ Bắc Ninh lả lướt.
3. Người cha đó là một tên tuổi lớn của nền thi ca nước Mỹ đương đại. Thơ của ông được đọc ở nhiều nơi và được rất nhiều người yêu thích. Ông đang giảng dạy tại Trường đại học Oberlin ở Ohio. Hồi ký ông viết về một quãng thời gian hai năm tại VN cùng với những dòng thơ tặng con gái trong The circle of Hanh: A memoir đã trở thành một trong những cuốn hồi ký hiếm hoi là best-seller lúc bấy giờ. Ông là Bruce Weigl. Còn cô con gái tên là Hạnh. Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến gương mặt rạng rỡ đầy tự hào của ông khi nghe tôi nhận xét tiếng Việt của con gái ông thật là đẹp.
Tôi thật sự muốn nói với ông lời cảm ơn vì ông (và gia đình) đã giữ gìn và nuôi dưỡng một tâm hồn VN bằng tất cả thương yêu của mình. Một người bạn của tôi khi biết chuyện này đã nói rằng: “Ông ấy đến từ một nền văn hóa lớn nên ông ấy biết trân trọng một nền văn hóa lớn khác”. Còn tôi, tôi chỉ nghĩ đơn giản: ông ấy là một người cha thực thụ, và khi làm một người cha, người ta sẽ biết cách để làm điều gì tốt nhất cho con mình.
Con gái bố
Thật là ngạc nhiên khi con không hề sợ hãi, kể cả đêm đen với những bóng đêm đe dọa xung quanh.
Trên con đường chúng ta tìm kiếm chính mình, trong suy tưởng…
Con đã làm gián đoạn thời gian đơn độc của bố, thời gian bố đối diện với cái chết và mỉm cười trước nó.
Nhưng, con đã đến đây.
Trong bộ đồ mặc ở nhà sáng màu mà chúng ta đã mua ở Hà Nội, con tập nói tiếng Anh bập bẹ và trong đôi mắt đen của con, những dòng sông của Bình Lục vẫn chảy êm đềm.
Đôi mắt con ẩn chứa cả một đại dương bao la tình thương khi con đến với bố.
Bố muốn nói với con rằng con là dòng sông của bố hoặc con là bông hoa của bố, hay con là con chim vàng anh xinh xắn của bố.
Nhưng, bố không muốn dùng những từ ngữ để miêu tả con, bố không muốn con bị giới hạn trong những ý nghĩa của từ ngữ.
Và vì thế, bố yên lặng. Bố ngắm nhìn con…
(BRUCE WEIGL)
Đây là một trong rất nhiều bài thơ mà Bruce Weigl đã làm tặng con gái mình. Bài thơ bằng tiếng Anh nhưng có tựa đề tiếng Việt không dấu là Con gai bo. Bruce đã đọc bài thơ này trong buổi đọc thơ tại thư viện Menard, Boston vào cuối tháng 6-2009, khi đọc ông nhìn con gái đầy thương mến.
Bên dưới khán phòng, Hạnh Nguyễn Weigl đã khóc và rất nhiều độc giả khác cũng đã khóc vì cảm động. Bài thơ này được in trong tập thơ mới nhất của Bruce: Declension in the village of Chung Luong.
TRẦN THU HOA
No comments:
Post a Comment