Thursday, January 17, 2013

QUÊ HƯƠNG & NỖI NHỚ

__________


Mạch Vạn Niên

Từ thuở mang gươm đi mở nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Đúng như lời ngỏ sở dĩ Blog Tha Hương ra đời là vì TỪ NHỮNG TẤM LÒNG HOÀI VỌNG CỐ HƯƠNG....như người xưa đi mở mang bờ cõi lúc nào cũng mơ về cố hương Thăng Long Ngàn Năm Văn Vật. Dù Thăng Long có ba chìm bảy nổi thì những người có tấm lòng như Bà Huyện Thanh Quan cũng không khỏi ngậm ngùi cho Thăng Long thay ngôi đổi chủ.

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Thăng Long với tang thương biến đổi. Bà Huyện Thanh Quan không lìa bỏ đất Thăng Long, Bà còn đó nhưng Bà vẫn mang trong lòng nỗi nhớ Thăng Long Một Thời Vàng Son (?) để đến đổi phải đứt ruột đoạn trường ! Ôi ! Quê Hương có ai không nhớ. Bởi vì khi nói đến quê hương thì người ta thường gợi lên hình ảnh mái nhà tranh với lũy tre làng, cánh đồng lúa vàng trĩu nặng mà xa xa là dãy núi chập chùng hay những đứa mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo v.v...chứ ít ai vẽ lên quê hương hình ảnh thành thị đầy khói xe bụi bặm ồn ào ...

Quê Hương hình như nó gắn liền với Tuổi Thơ nhưng phải là tuổi thơ được sống trong thanh bình thịnh trị chứ như tuổi thơ của Phan Thị Kim Phúc, của chiến tranh, của kinh hoàng vì bom đạn thì "tuổi thơ ơi xin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người".

Tôi được may mắn có tuổi thơ còn đầy đủ cha mẹ anh em tại một làng quê thanh bình trong một đất nước chiến tranh. Quê tôi vùng Hòa Hảo Châu Đốc không đội trời chung với Việt Minh từ khi Đức Huỳnh Phú Sổ bị mất tích tại Đốc Vàng sau khi Ngài đi họp với họ để chống Tây. Từ đó dù được
bình yên nhưng quê tôi cũng không thoát khỏi cảnh nghèo nàn chung với đất nước. Nhưng người dân ở đây hiền hậu không biết ăn thịt bò, nhà cửa thì bỏ ngỏ không hề có trộm cắp.

Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, nơi tôi ở cũng có ba lớp học khang trang, vách tường, lợp ngói, và nền cao để chống lụt. Có lẽ trường học đã được nhà nước bảo hộ xây dựng từ lâu nhưng các ông tướng Hoà Hảo cai trị vùng nầy chỉ nghĩ đến vấn đề an ninh cho vùng các ông chứ các ông chẳng quan tâm về học vấn cho lắm. Nên trường học có đó mà thầy giáo thì không. Cũng may những người lớn có tấm lòng nghĩ đến tương lai của dân tộc đã tự nguyện làm thầy giáo không lương. Trong số nầy có vị sư còn trẻ mà chúng tôi thường gọi là ông Đạo Tám trụ trì một ngôi chùa gần một con rạch qua một cánh đồng lúa cách nhà tôi khoảng ba cây số. Muốn đến chùa chúng tôi phải lội bộ trên một con đường cao như bờ đê vắng vẻ rợp bóng cây me keo dọc theo bờ kinh. Con kinh nầy gặp con rạch tại một ngả ba. Phải qua một cây cầu khỉ bắc ngang con rạch và đi trên một đoạn đường mòn non năm trăm thước nữa mới đến ngôi chùa nằm giữa đồng không mông quạnh. Dù ông Đạo Tám Thầy chúng tôi không nhận tiền bạc thù lao dạy học nhưng nhớ công ơn nên mỗi tháng chúng tôi cũng mang cây trái và chút ít gạo muối tương chao để dâng Thầy. Mỗi lần như thế, Thầy đều gìữ chúng tôi lại đọc kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an rồi dùng cơm chay với Thầy. Những ngày ấy đối với chúng tôi thật là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc nhất là tôi được cõng cô bạn học đi qua cầu khỉ vì cô bé nầy rất sợ đi cầu khỉ và không biết bơi !  Thật ra hạnh phúc ấy chỉ là phù du vì tôi phải xa quê lên tỉnh tiếp tục việc học rồi bị cuốn xoáy vào chiến tranh mà quên mất ở chốn quê xưa có cô bạn học vừa mới lên mười mà thằng con nít hỉ mũi chưa sạch như tôi lúc nào cũng háo hức mong được cùng nàng đến chùa thăm thầy mỗi tháng !  

Bạn ơi ! Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng với quê hương và kỷ niệm ấy luôn luôn ray rức và thúc giục chúng ta phải trở về mỗi khi có thể ! Người Mỹ cũng nói nowhere like home, dù có đi đâu cũng không bằng ở nhà. Nhưng tại sao mấy thế kỷ trước người Anh, người Ái Nhỉ Lan phải bỏ quê hương để qua Mỹ tìm đất sống. Là bởi vì như thi bá Vũ Hoàng Chương đã từng viết : " Lũ chúng ta sanh lầm thế kỷ, quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh" ! Ở Anh Quốc họ bị nhà cầm quyền truy đuổi và sát hại vì không có tự do tôn giáo mà họ phải vượt Đại Tây Dương mười chết một sống để rồi may mắn vất vưởng qua một mùa đông lạnh lẽo mà còn tồn tại là nhờ những thổ dân da đỏ. Để từ đó người Mỹ bây gìờ mới có ngày ThanksGiving trọng đại. 

Năm 1225 Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý bằng cách ép Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh rồi nhường ngôi cho chồng. Chưa hết ông còn bắt những người mang họ Lý đổi sang họ Nguyễn và những ai thuộc hoàng thân quốc thích với nhà Lý đều bị tru di. Hoàng Tử Lý Long Tường, con của vua Lý Anh Tông và Hiền Phi Lê Mỹ Nga cùng đoàn tùy tùng may mắn trốn thoát trên những con thuyền đến đất Cao Ly tức Hàn Quốc ngày nay. Ở quê hương mới chính ông đã có công đánh đuổi quân Nguyên khiến vua quan Cao Ly kính nể trọng dụng. Chính Cố Thổng Thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn khi qua thăm Việt Nam Cộng Hoà năm 1958 cũng từng tuyên bố dòng dõi ông lả người Việt Nam. Thật vậy, theo nghiên cứu của Trần Đại Sỹ, Ông Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng Tử Lý Long Tường.

Năm 1954 đất nước bị chia hai trong hoà bình. Hằng triệu người đã di cư từ Bắc vô Nam từ bỏ quê cha đất tổ đã có ngàn năm xây dựng để làm lại cuộc đời mới nơi những vùng đất hoang vu mà trù phú ở Phương Nam. Bạn thấy đó ! Bàn tay cần cù của họ đã tạo nên những khu vực từ nghèo nàn trở nên thịnh vượng như Kinh B (Kiên Giang), Hố Nai Gia Kiệm (Biên Hoà), Kim Châu Phát (Ban Mê Thuột) v.v..

Rồi 30 Tháng 4 Năm 1975 đất nước được thống nhất trong chiến tranh. Lại hàng trăm ngàn người thi nhau bỏ chạy và tiếp theo hàng triệu người vượt biển vượt biên. Họ đã an cư lạc nghiệp nơi xứ lạ quê người sau bao nhiêu năm cần cù xây dựng đời mới...

Quê Hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người (?)

Điều đó có đúng không cho một Phan Thị Kim Phúc được nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa. Bà được nhà nước nuôi dưỡng cho du học ở Cuba nhưng cuối cùng lại xin tị nạn ở Canada. Điều đó có đúng không cho Hoàng Tử Lý Long Tường, cho những người Bắc di cư 1954, cho những người Việt lưu vong khắp bốn phương trời sau 30/4/1975. Hay là họ ôm trong lòng mối hận ly hương. Và càng có đúng không cho những người khắp nơi trên thế giới đang nhận Mỹ Quốc làm quê hương ? Nếu họ không tha thiết với miền đất mới thì tại sao chỉ cần hai trăm năm thôi Mỹ Quốc đã trở thành một siêu cường. Quê Hương nào họ NHỚ hơn ?! Xin hỏi George Washington một người chống mẫu quốc Anh, quê hương cũ của ông, để thành lập một USA độc lập.

Bài Học Đầu Tiên Yêu Quê Hương là cho những ai sống trong một quốc gia mà nhà cầm quyền biết lấy câu DÂN VI QUÝ XÃ TẮC THỨ CHI QUÂN VI KHINH, hay một chính quyền DO DÂN CỦA DÂN và VÌ DÂN...Ngược lại thà họ làm Mạc Cửu dong buồm đến quê hương mới Hà Tiên (nơi các nàng tiên đang tắm trên sông ?) mà dựng nghiệp !

Riêng tôi lỡ mang nặng nòi tình nên Quê Hương không phải là chùm khế ngọt cho tôi trèo hái mỗi ngày mà là :
Quê hương là cây cầu khỉ
Trên lưng mang nặng khối tình
Cõng em qua con rạch nhỏ
Đến chùa nghe kệ nghe kinh


Mạch Vạn Niên


7 comments:

Anonymous said...

Hi Anh MVN ! Quê Hương& Nổi Nhớ. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho mọi người ray rức, nhớ thương. Bài Anh viết quá hay . Anh đã nói lên tất cả..Anh Niên ơi ! Nếu sau nầy Anh có về lại quê hương yêu dấu gặp lại cô bé năm nào liệu Anh có còn đủ sức cõng nàng hay không ?
( Cõng em qua con rạch nhỏ
Đến chùa nghe kệ, nghe kinh)Lãng mạn thật. N.

Anonymous said...

Bài viết có gía trị. Tôi đồng ý...

Một độc gỉa TH

MVNiên said...

Hi N & Một Độc Giả !
Cảm ơn sự khích lệ của hai Bạn.
Hello N !
Còn nữa đâu mà cõng.

Nàng đã qua cầu tre lắc lẻo
Bỏ con rạch nhỏ, cảnh chùa xưa !

Anonymous said...

Nàng qua cầu tre để đến chùa xưa chờ bạn đó.Ráng lết đến đó mà cỏng nàng hì hì hì...Anh có bà con thân thuộc gì với anh Mạch Vạn Quốc khóa 14 sĩ quan Thủ Đức,làm việc ở Trung tâm huấn luyệnVạn Kiếp Bà Rịa không?Sở dĩ tôi hỏi như vậy là vì anh Quốc viết văn cũng tếu và sâu sắc như anh.
Rể Rach Giá.

MVNiên said...

Chào anh Rể Rạch Giá !
Tôi là bào đệ của anh Quốc. Quả thật anh rất rành anh Quốc của tôi. Anh ấy ra trường khoá 14 Thủ Đức và làm Huấn Luyện Viên Súng Cối ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp Bà Rịa cho đến cuối năm 1965 thì về làm việc tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trên đại lộ Thống Nhất (tức Lê Duẫn bây giờ) cho đến ngày tan hàng. Anh ấy có viết cho báo Tiền Tuyến, Thẳng Tiến v.v...và đôi khi làm phóng viên chiến trường. Anh cững được giải thưởng đặc biệt của Tổng Thống Thiệu cho thiên phóng sự Mặt Trận Trong Thành Phố nói về Biến Cố Mậu Thân mà anh theo Chiến Đoàn Biệt Động Quân để đánh lại VC ở Chợ Lớn.
Anh đã ở tù ngoài Bắc hơn 10 năm và đã qua đời ở Việt Nam vì một tai nạn xe cộ nho nhỏ mà anh tưởng không có gì nhưng lại bị xuất huyết não sau đó một tuần, năm 1990.
Hân hạnh được biết anh. Nếu có thể cho biết tên thật và rất mong có duyên hội ngộ vì thỉnh thoảng tôi cũng có tham dự những lần Hội Ngộ Kiên Giang ở Little Saigon.
Kính mến.
MVN.

Anonymous said...

Anh Niên,
Tôi hết sức buồn khi biết sự thật về anh Quốc.Nếu có thể anh cho biết email của anh để tôi gửi một bài tôi vừa viết tháng rổi có liên quan đến anh Quốc.
Email của tôi là:
corpsteven@gmail.com

Tha Hương said...

Email của tôi:
machnangu@yahoo.com