Tuesday, May 7, 2013

Cuối Đường

_____________

Phan

Mỗi lần đi hết một con đường nào đó, tôi rất lo nghĩ về chuyện rẽ phải hay rẽ trái sẽ suôn sẻ, vì từ bé tôi đã hay đi lạc, chẳng nhớ được đường nào đến trường học, đường nào đến sân banh; đường vô nghĩa địa với cái ná bắn tắc kè thì quên cả giờ về cho phù hợp với giờ tan học; lại còn con đường tuổi nhỏ, xuyên qua bãi tranh rộng trên đường đi học là đường ra bờ sông. Dù có sợ mấy cái mả nằm im ỉm giữa trời nắng chang chang thì mắt nhắm mắt mở, chạy càn cũng qua! Liều mạng vì ở đó là thiên đàng, có nước trong, gió mát, lại có cả những trái bần, trái bình bát chím thơm đến trong mơ...


Chuyện tuổi thơ và trường làng như viên kẹo nhỏ lóc cóc trong miệng khan những hôm sầu viễn mộng; những hôm buồn tênh một góc trời lưu lạc ngồi nhớ cố hương...
Hoặc giả hôm nọ, tôi đi đến cuối một con đường mà vẫn không quyết định được là rẽ trái hay rẽ phải, sẽ đến nhà người bạn như đã hẹn. Tôi nghĩ đến lý do hẹn, sự gặp gỡ - tay bắt mặt mừng đến đâu thì cuối cùng cũng diễn ra cảnh cáo từ. Đời vô thuỷ vô chung từ cội rễ nên người ta cứ ráng tiệc tùng để mất gốc; nhưng cái gốc rễ con người là thế, từ vô thuỷ vô chung mà đến nên lại về vô thuỷ vô chung. Người ta cứ hẹn, rồi gặp, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc chia tay. Cả ba điều ấy đã diễn ra trọn nhiều đời người cũng không đi đến đâu, huống chi đời dở dang một người, chỉ có sự phân vân ở những ngã ba đường từ bao giờ và cho đến bao giờ!
Tôi nhớ câu thơ cũ, đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng... Khi sự đi tiếp đã gần như đồng nghĩa sai lạc; mà quay về thì mấy ai dám động đến sự kiêu ngạo, ngoan cố và hơn cả là sự ngu ngốc riêng tư. Tôi đứng ở ngã ba đường đến chiều tàn, đêm xuống; trong vũng tối mênh mông làm người ta không còn nỗi sợ lạc lối, màn đêm làm cho lòng người chơi vơi vì mất hết khả năng xác định phương hướng như khi còn mặt trời, nhưng sau đó là sự thanh an lạ; sự bình yên của lòng cam chịu: trời tối thế này thì biết đâu mà đi...
Trong khi đời sống cứ tiếp diễn ở những ngã ba đường theo nguyên tắc phải chọn một trong ba: Chả nhẽ chọn quay về, nhưng rẽ trái hay phải có khác nào là chọn cơ man hay cơ hàn; còn cơ may thì ngày càng hiếm gặp trong đời thừa!
Tôi thường chọn theo cách riêng là: làm lại từ đầu để lảng tránh bế tắc trước mắt; như chiều nay kẹt xe trên đường đi lễ chùa thì sao không gọi anh bạn mà mình đã lỗi hẹn để nói lời xin lỗi cho phải phép. Hẹn gặp anh ở quán nhậu là đôi đàng dễ xử hơn cả. Cái tế nhị đời thường là đừng đột xuất ghé nhà ai để khỏi liên đới trách nhiệm với những chuyện dở khóc dở cười ngày càng diễn ra như cơm bữa trong những gia đình đương đại. Đồng thời, đến chùa thì sự ray rứt cũng theo ta về lại nhà với những chướng mắt mới vì ta đã quá chướng mới đi chùa; đừng trách thiên hạ chốn thiền môn. Đi chùa, so với đi nhậu, sự ray rứt sẽ sớm chuyển thành ăn năn vì thời gian ở quán bia qua nhanh; nồng độ bia dễ dàng giúp ta tự hứa sẽ đi chùa vào ngày mai, Phật đường mở cửa 24/24, người chen chân những hôm lễ lạc ở chùa chỉ để nhiều người khác biết mình cũng đi chùa. Trong khi ông Phật trong chánh điện những hôm chùa vắng thèm bầu bạn thì ta sẽ đến. Đời dư người xin Phật sao ta không là người cho...
Thế là nơi trụy lạc đời thường, người bạn nói với tôi, “Cái xe của ông mới mấy năm mà đã chạy tới 60 ngàn miles rồi sao?” Tôi chưa nghĩ ra câu giải thích thì người bạn khác đã trả lời thay, “Ôi! Cái ông này. Xe ông ấy chạy 60 ngàn miles thì đi lạc đã hết 40 ngàn miles...”
Tôi mừng rỡ như người vừa tìm được chân lý: Tôi đã đi lạc hai phần ba đường trần! Thế còn đường đạo; đường đời... nói chung là đi lạc hai phần ba số phận rồi còn gì! Nhưng từ suy nghĩ đó, trong tôi chẳng có bừng chút nắng hạ nào sất; tháng ngày như đọng lại trong đáy cốc u minh. Tôi dò dẫm trong tâm can chút lẻ loi của ngọn hải đăng xa vắng với hy vọng sự le lói là có thật. Ngọn hải đăng chỉ lối soi đường thỉnh thoảng gặp trong mơ chứ thức dậy chỉ toàn đèn điện, mà đèn điện thì... ngọn nào cũng trả tiền điện như nhau.
Tôi cũng có nghe người ta nói: Giấc mơ của những đấng minh vương thường thấy mình là người nông dân vô ưu trên đồng nội; trong khi người nông dân nằm mơ ưa thấy mình là quân vương hùng tài thao lược... Thế ngọn hải đăng mà tôi thường mơ thấy - chỉ là mơ. Nếu mơ ngọn đèn dầu loe loét thì có thể gặp trong đời. Tất cả đã muộn từ một giấc mơ...
Tôi hỏi người bạn vì lòng tin ở khả năng của anh về đường muôn vạn nẻo. Anh ta có biệt tài là nhìn qua địa chỉ đã hình dung được địa chỉ đó nằm ở khu vực nào (dĩ nhiên là trong vùng Dallas-Fort Worth thôi). Anh ta chỉ cần nhíu mày một chút là đã có thể chỉ cho mình con đường ngắn nhất để đến địa chỉ đó! Nhưng tôi hỏi về đường đi nước bước trong đời sống thì anh ta chịu, câu trả lời khá thú vị của anh rất an ủi tôi: “Cỡ anh em mình mà đi đúng đường thì giờ này đã có thể ngồi nhà hưởng phước, đâu phải vất vả nữa!”
Tôi quen biết anh bạn này đã lâu nhưng không mấy khi tâm tình bên cái lẩu và chai lọ; nhất là vào một chiều mưa gió âm u do ảnh hưởng bão như chiều qua. Sáng nay thức dậy với tâm thức mới, dường như câu chuyện tranh luận giữa tôi và anh vẫn chưa dứt. Theo anh, ông Phật ở trong chùa, kẻ trốn lễ miệng lưỡi chỉ thêm tội nghiệt. Nhưng anh không lý giải thoả đáng được câu “Phật tại tâm” cho tôi đầu hàng vô điều kiện. Anh không tin “nhân tri sơ tánh bổn thiện” chỉ là câu nói của một cao nhân bên Tàu, mà theo tôi là người sùng đạo Phật đã vịn vào câu đó để biến cải thành “Phật tánh” có sẵn trong lòng người. Cái có sẵn trong lòng người chỉ là bản năng sinh tồn của loài máu nóng. Chiều qua tôi có lý luận với anh, đứa bé một tới ba tuổi sẽ đánh trả mẹ nó vì không được cái nó thích; nhưng khi khôn lớn sẽ không như thế nữa vì đánh lại, nói hỗn với mẹ là vô phép. Như vậy, cái bản năng chiếm và sở hữu có sẵn trong lòng người hay Phật tánh có sẵn?
Cứ như thế đến tạm biệt, chia tay, sau khi gọi hẹn, mừng rỡ gặp gỡ... ba điều lập đi lập lại đã nhàm chán trong đời. Hay thật sự người ta đã đi đến cuối đường từ lúc khởi hành, bởi cuộc lữ không có điểm đến; những chặng đường khác nhau chỉ có kẻ độc hành khuất bóng sau những cuộc vui, chuyện buồn của dòng sống miên man. Những người cơm nhà quà vợ thì hưởng dương hay hưởng thọ cũng không khác gì nhau mấy; kẻ độc cô cầu bại cũng buồn như que diêm xài rồi... Cuối đường mà ta muốn đến là nơi từ đó ra đi nhưng không ai chịu quay về vì mỗi người mỗi cảnh: kẻ không đủ thời gian để quay lại; người thiếu can đảm; người không chịu sai vì tự cao tự đại... kẻ không buông bỏ được tội lỗi đã trót vì lòng tham.
Sáng tháng Tư không gì mới mẻ hơn những bí hiểm của tâm tư còn đó; chỉ có cái đồng hồ bứng người ta khỏi đời sống tâm linh để đi cho đến cuối đường đời thường buồn bã từ cất bước ra đi...

Phan

No comments: