Tuesday, May 28, 2013

Em ơi ! Hà Nội ... Nỗi lòng

___________
Mạch Vạn Niên

Trước khi hiệp định Geneva ký kết năm 1954 chia đôi đất nước, tôi chỉ là một đứa trẻ quê chưa bao giờ nghe ai nói đến hai chữ Hà Nội. Quê tôi thuộc vùng cai trị của Giáo Phái Hòa Hảo thuộc tỉnh Châu Đốc. Một vùng quê thanh bình trong một đất nước chiến tranh !
Hòa Hảo vốn là một Giáo Phái được sáng lập bởi Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ. Vì bị ảnh hưởng của Phật Thầy Tây An, người chủ trương Phật Giáo Tứ Ân, trong đó có ân Tổ Quốc, nên Giáo Phái Hòa Hảo cũng tổ chức võ trang bảo vệ tổ quốc chống lại sự trở lại xâm lược của đế quốc Pháp sau đệ nhị thế chiến. Hòa Hảo hợp tác với Việt Minh để bảo vệ phần lớn miền Tây Nam Nam Phần từ Cần Thơ sang Long Xuyên Châu Đốc Hà Tiên...
Nhưng kể từ sau vấn nạn mất tích bí mật của Đức Huỳnh Giáo Chủ tại Đốc Vàng khi Ngài đi tham dự cuộc họp với Việt Minh thì Hòa Hảo quay lưng chống lại họ. Về sau, Quốc Gia Việt Nam được thành lập dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, tất cả lực lượng võ


trang Hòa Hảo đã mang quân về hợp tác. Một số Tướng Tá của Hòa Hảo được Quốc trưởng  Bảo Đại công nhận và gắn lon. Từ đó, phải thành thật mà nói, hầu hết vùng nào dưới quyền kiểm soát của Hòa hảo đều được sống trong yên bình, không tiếng súng.
Ngoài những buổi cắp sách đến trường, thú tiêu khiển của tôi là cùng lủ bạn lúc thì tắm sông, lúc thì chơi đùa vật lộn. Đôi khi gặp trận mưa giông thì giành nhau lượm xoài. Lượm để mà vui chứ làm sao mà ăn cho hết. Tới mùa lúa thì đi mót lúa. Người ta tát đìa thì đi bắt hôi. Trời mưa thì đi bắt cua soi ếch. Mùa đốt đồng thì bắt rùa, bắt chuột v.v...Nói tóm lại, tôi có một tuổi thơ thật thần tiên trong một làng quê hết sức thanh bình.
Dù ham vui, tôi vẫn là một đứa trẻ rất ngoan. Thức khuya dậy sớm theo cha ra chợ quê bán thịt heo mỗi ngày hè hoặc giúp mẹ làm vườn trồng rau quả cây trái chung quanh khu đất của nhà ở. Tôi không nề hà vì cảm thấy đó cũng là một trò tiêu khiển. Vả lại kết quả đã thấy ngay sau vài tuần, vài tháng hoặc vài năm khi rau củ xanh tươi và cây đơm bông kết trái.
Tuy tôi ở thôn quê nhưng không quê mùa như những đứa cùng trang lứa vì mỗi tháng tôi được theo cha lên Sài Gòn. Số là ông anh hai (anh cả) tôi đi lính quốc gia đánh nhau với Việt Minh và bị Việt Minh bắt đi mất tích. Nếu đánh nhau mà chết thì chính phủ trả cho gia đình lãnh luôn một lúc 12 tháng lương, đằng nầy vì mất tích nên cha tôi từng tháng một phải lên đơn vị của anh ấy mà lãnh cho đến hết 12 tháng mới thôi. Mỗi lần lên Sài Gòn là ông dẫn tôi theo. Nhờ vậy mà tôi có dịp biết Kim Chung, Đại Thế Giới, biết đi xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho...Biết những trò chơi " văn minh " của những đứa trẻ thành thị như lái xe điện cho trẻ nít, cưỡi ngựa merry goround...trong Đại Thế Giới và nhiếu thứ khác v.v.
Hàng xóm tôi có gia đình Bác Năm Thận là khá giả nên có mua một cái máy hát quay tay về hát cho bà con lối xóm thưởng thức mỗi chiều sau khi cơm nước xong xuôi. Từ đó tôi mê luôn cải lương. Tôi thuộc từng bài Vọng Cổ, Lý Con Sáo, Hoài Tình, Vạn Huê Trưởng hận, Thủ Phong Nguyệt, Sơn Đông Hướng Mã v.v...Tôi thương mối tình Nguyệt Thu Nga với chàng hàn sĩ Nhật Thanh Thiên. Tôi yêu Út Trà Ôn với Bạch Huệ trong Tình Yêu Thôn Dã. Tôi cảm kích Hoàng Tử Lưng Gù coi đất nước và tình huynh đệ nặng hơn một mỹ nhân. Tôi biết giọng ca nào là của Bảy Cao, giọng ca nào là của Út Trà Ôn, của Bạch Huệ, của Cô Ba Bến Tre, của Cô Năm Cần Thơ...
Rồi một ngày hè năm 1954 tôi loáng thoáng nghe đến cái tên Điện Biên Phủ, đến hai chữ Geneva. Tôi quan tâm đến cái quan tâm của cha mẹ tôi vì ông bà nói rằng hiệp đinh đình chiến là cơ hội anh tôi được về nếu anh còn sống vì có trao trả tù binh.
Và một ngày vui tận cùng đã đến với gia đình. Tôi cắp sách về nhà sau một buổi học. Chiếc xe đò chạy đường Sài Gòn Châu Đốc xịt ngừng trước nhà. Một chuyện lạ mà ít khi xảy ra nếu trên xe không phải là người quen.Tôi tò mò nhìn kỹ kẻ xuống xe là ai. Tôi chợt vui mừng hét lớn : " Má ơi ! Anh Hai về " !
Má tôi dù đang bệnh gần liệt giường đang nằm trên chõng phóng vút một cái ra tới đường ghì chặt lấy anh tôi như sợ vuột mất một giấc mơ đẹp mặc cho hành khách trên xe ngơ ngác trong khi anh lơ xe chưa kịp trao hành lý từ trên mui xe xuống !
Ngày vui nào rồi cũng qua ! Anh tôi trở lại Sài Gòn tiếp tục làm một quân nhân. Nhưng từ rày chữ thọ của anh to hơn vì đất nước đã chia hai. Mỗi miền tự kiến thiết lại đất nước sau bao năm chinh chiến. Từ đó tôi biết có hai thủ đô . Một Sài Gòn miền Nam. Một Hà Nội miền Bắc.
Ngoài anh hai ra tôi còn có người anh thứ năm, thuở ấy anh chừng mười tám đôi mươi sống tự lập và làm thư ký cho trường trung học Trưng Vương tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng anh dẫn về quê một người bạn tên Thuỷ là Bắc Kỳ di cư chánh cống. Anh Thủy thật khéo nịnh luôn luôn gọi má tôi cũng bắng má thay vì như người Bắc gọi là cụ hay cô. Má tôi rất hài lòng về anh mặc dù bà nói cái thằng Thuỷ nầy nói giọng trọ trẹ khó nghe.
Hai ông anh nầy mỗi lần về tới quê là dậy làng dậy xóm. Ông thì mandoline, ông thì guitar quậy tới bến ! " Lìa xa thành đô yêu dấu một sớm khi heo may về lòng khách tha hương vương sầu thương.......Rồi đây dù lạc ngàn nơi ta hướng về chốn xa vời .... nghẹn ngào thương nhớ em Hà Nội ơi ! ". Giọng anh Thuỷ ray rức kéo dài chữ Hà Nội ơi nghe như con chim đau đớn réo gọi tìm đàn.
Vâng ! Tôi bắt đầu hiểu và bắt đầu yêu mến Hà Nội từ giong ca chan chứa nỗi lòng của anh qua bản nhạc Giấc Mơ Hồi Hương thật bất hủ của Vũ Thành.
Rồi một ngày đẹp trời thay vì anh Thủy thì anh tôi dẫn về một cô gái thật đẹp nghe nói là đang học Trưng Vương. Chị thật dịu dàng dễ thương đối với tôi. Chị cũng gọi má tôi bằng tiếng má ngọt ngào.Chị kể vể gia đình, về Hà Nội 36 phố phường ... Bà già tôi thích chị ra mặt và nói với cha tôi rằng con nhỏ con nhà ai mà lễ phép nền nếp và ăn nói dịu dàng mặc dù chị cũng Bắc Kỳ di cư như anh Thủy, nhưng lần nầy bà không chê giọng trọ trẹ khó nghe ! " Má ơí ! Gái Hà Nội di cư bằng máy bay, không ngoan hiền sao được ! " Anh tôi cười trả lời má.
Qua chị, một lần nữa Hà Nội trong tôi là cả một bầu trời mộng mơ !
Bẳng đi một thời gian tôi quên mất Hà Nội khi tôi bỏ quê lên tỉnh thành tiếp tục việc học. Tôi cũng quên luôn Nguyệt Thu Nga, Hoàng Tử Lưng Gù ...quên hò xự xang líu cống. Tôi đã tập lảm quen với do re mi fa sol la si cùng đám bạn trung học và cũng giống như anh năm tôi, tụi tôi họp lại nhau thì dậy khóm dậy phường.
" Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu, bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều.Hà Nội ơi ngày ấy tôi mang cây đàn ...". Như một người tình chợt gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, bản nhạc Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng ra đời vào lúc tôi cũng tròn mười tám khiến tôi cảm nhận ngay tất cả nỗi niềm. Tôi yêu bản nhạc như yêu người tình Hà Nội !
Rồi ngày tháng trôi đi.... Cuộc đời như một cơn gió lốc !
    Chiến tranh ngày một gần, không ở xa mà sát bên thành thị. Tôi nhập ngũ. Ra trường may mắn thay tôi được biệt phái về lảm việc tại Sài Gòn với công việc rất là hành chánh. Dòng đời đưa đẩy tôi yêu và kết hôn với một " người con gái Hà Nội sinh tại Sài Gòn ". Thật vậy ! Bố mẹ nàng di cư vào Nam khi còn mang thai nàng trong bụng. Nàng nói được cả hai giọng Sài Gòn và Hà Nội. Tài chưa ! Tôi có nàng là tôi có cả bầu trời Hà Nội. Thốt nhiên tôi là dây mơ rễ má quấn lấy cây đa trước cầu Thê Húc dẫn qua Đền Ngọc Sơn. Em ơí ! Hà Nội của em chưa bao giờ gặp mặt mà cũng là Hà Nội của ước mơ anh !
Nhưng oan nghiệt ! Cuộc đổi đời 30/4/1975 cho tôi gặp Hà Nội bằng xương bằng thịt với chinh con mắt mình qua ô cửa nhỏ của một toa tàu hàng từ Hải Phòng lên Yên Bái băng ngang Hà Nội. Vâng ! Chuyến xe lửa chở tù gồm toàn những toa chở hàng mà cửa sổ là những cửa lưới để thông hơi. Đã bị nhốt trong toa mà tửng cặp chúng tôi còn được "gắn bó" với nhau bằng còng số 8 !
Hà Nội lần đầu tiên trong mắt tôi là một đêm đen, ánh sáng lờ nhờ qua khung cửa lưới. Hà Nội ơi ! Ta yêu ngưòi lắm sao người lại nở phụ ta !
Sáu năm tù dài đăng đẳng tôi được tạm tha và được đưa về Hà Nội bằng chuyến xe buýt để ra ga Hàng Cỏ xuôi Nam. Lần nầy thư thái hơn vì người tài xế dường như được lệnh trên cho xe chạy lòng vòng Hà Nội để các " người tù học tập tốt " có dịp " tham quan ".

May thay người ngồi bên tôi là nhạc sĩ Anh Linh Trần Đình K. Anh đã từng sống tại Hà Nội trước năm 1954. Anh xem tôi như là ngưòi em văn nghệ vì chúng tôi từng là những thành viên của Ban Văn Nghệ trong trại tù. Tưởng cũng nên nhắc lại chút đỉnh về anh. Nhạc sĩ Anh Linh vốn là con chim đầu đàn của ban kích động nhạc AVT khi ban nầy còn trụ tại quán Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Anh cùng Tuấn Đăng và Vân Sơn lập ra ban AVT với tên tắt của ba người. Sau đó anh có lệnh nhập ngũ vào Thủ Đức, nhạc sĩ Hoàng Hải nhảy vào thế chỗ của anh nên phải đổi thành Anh Hải cho thích hợp với chữ tắt A trong AVT. Về sau nhờ xuất hiện ở các đại nhạc hội mà ban AVT nổi đình nổi đám.
Nhờ anh Kế tôi mới biết đâu là đê Yên Phụ , đâu là cầu Long Biên, rồi Viện Viễn Đông bác Cổ , Hồ Gươm , Đường Thanh Niên nằm giữa hai hồ Trúc Bạch và Hồ Tây, Hà Nội 36 Phố Phường..Nhưng nói chung chúng tôi chỉ ngồi trên xe dạo kiểng xem hoa vậy thôi.
Nhìn chung thuở ấy (năm 1981) Hà Nội quá nghèo nàn, đưởng phố đầy ổ gà bụi băm và hầu hết là xe đạp. Tôi thật sự vỡ mộng ngoài những nét đẹp của những cái hồ.
Về tới phương Nam tôi lại bàng hoàng. Trời ơí ! Nhưng không chết người trai từ cõi chết mà chết người vợ hiền héo hắt chờ mong !
Về đây nghe bạc mệnh
Hạnh phúc trắng màu tang
Em cuối trời phiêu lãng
Hay yên ấm thiên đàng

Em bỏ đi vào cõi vĩnh hằng cũng là mang theo trái tim Hà Nội của tôi mãi mãi nghìn trùng.
Tôi quyết đinh làm cuộc đổi đời lần thứ hai với mười chết một sống. Tôi quyết đinh vượt biên sau hai tuần từ tạ tất cả bà con.Ở laị làm gì gậm nhấm nỗi đau mà một nửa Hà Nội của tôi bây giở là hũ tro cốt trong ngôi chùa lạnh lẽo.
Nhưng cái duyên Hà Nội nơi tôi không chấm dứt. Tôi lại gặp một người con gái Hà Nội khác trong một trường college ở cách xa quê hương nửa vòng trái đất. Nàng di cư vào Nam khi vừa ba tuổi, Bố mẹ nàng đã từng có một cửa hàng kim hoàn ở Hàng Bạc của Hà Nội 36 Phố Phường. Sau hai năm quen biết, ra trường mỗi người có công việc vững chăc chúng tôi quyết đinh đi đến hôn nhân.
Một ngày đầu năm dương lịch 2007, tôi và nàng cùng đứa con gái út đáp chuyến bay Pacific Airlines từ Sài Gòn ra Hà Nội. Con gái tôi bây giờ có quê nội Miền Nam và quê ngoại Miền Bắc. Nó háo hức gặp gỡ mọi người..


Chiếc xe buýt từ sân bay Nội Bài chở chúng tôi về trạm chính của Pacific Airlines trên đường Đào Tấn, một nghệ sĩ phường chèo tiên phong (?). Chúng tôi còn đang đứng xớ rớ vì cô em họ bên vợ chưa tới đón kịp thì một rừng người nào là tắc xi nào là xe ôm bu quanh chèo kéo. Tôi vôi rút cell phone gọi thì cô em bảo sẽ tới ngay và nói rằng đang hướng dẫn tắc xi đến. Quả nhiên không đầy hai phút cô nàng đến. Nàng đẹp lông lẫy xa hoa bằng chiếc áo complet và chiếc jupe cũn cỡn cao hơn đầu gối trên chiéc Dylan đắt tiền và gương mặt được make up đúng là à la mốt. Nàng chào chúng tôi bằng giọng ngọt ngào nhưng không trầm ấm như giọng bà xã mà cao vút như hỏa tiễn lên giàn ! Xong đâu đó nàng xoay qua các anh tắc xi và xe ôm quát tháo rằng đã có người nhà đón rước rồi hãy cút ngay ! Trời thần ơi ! Từ tiên nga nàng vụt cái thành phù thủy ! Một người con gái tốt nghiệp đại học, thành công trên thương trường từng đi Hồng Kông Nhật Bản mà ..như vậy sao ? Tuy nhiên nàng xoay qua chúng tôi cười hiền " Phải như vậy mới được anh chị ạ, hiền quá là chúng thuổng đồ đạc của anh chị mất ". Tôi gật đầu thông tỏ vẻ thông hiểu.
Hà Nội sau 25 năm đối với tôi đã thay da đổi thịt . Nhưng nói chung cũng giống Sài Gòn, cũng nóng bức tuy đang là đầu năm chỉ dịu mát lúc chiều tối trở đi. Chúng tôi thuê khách sạn trên đường Hai Bà Trưng cho gầu 36 Phố Phường, gần Hồ Gươm, gần Sông Hồng ..
Tôi bây giờ thật sự đã đặt chính bước chân mình trên cầu Thê Húc , Đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, nhìn Tháp Rùa trong sương sớm, đạp nước trên Hồ Tây v.v...Nhưng hình như cảm giác của tôi là vô cảm !
Ngày cuối cùng trước khi rởi Hà Nội, cô em bên vợ đãi chúng tôi tại nhà trong căn phố ba tầng đường Kim Mã. Có rượu chát Bồ Đào Nha trong thùng tonneau 3 lít có vòi vặn. Em dịu dàng với chúng tôi bao nhiêu thì quát tháo người làm bấy nhiêu. Bên trái tôi là người đàn bà của Hà Nội xưa, bên phải tôi là người con gái trẻ của Hà Nội nay. Tôi thấy ngà ngà và cao hứng ngâm nga :
" Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi
   Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
                           Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
                           Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi "
Hình như tôi đang không hài lòng một điều gì hay tôi đã say !?

_________________________________________________________________________


6 comments:

Anonymous said...

Hi Anh MVN ! Chắc tại Anh ở hìền gặp lành cho nên gặp Chị là người Hà Nội xưa chớ mà Anh ở ác gặp phải người đẹp HN ngày nay chắc chắn đời anh sẽ khổ dài dài...Chúc anh hạnh phúc bền lâu với người HN xưa. Hẹn gặp Anh Chị Reunion tháng 7, mà anh Niên ơi ! Nhớ để dành tiền đãi 2 tô phở xe lửa ở phở Hòa nghen ! N.

Anonymous said...

Hi anh MVN;
Không ngờ cuộc đời của anh MVN lại có những giai đoạn buồn đến như vậy.... trải qua bao thăng tram.....rồi mới vừa được làm ông ...úy (tui chỉ đoán vậy thôi không biết là gì ÚY nửa) không bao lâu thì lại đổi đời , phải ra đến mien bắc học tập...rồi trở về thì bà xã mất, xin chia buồn cùng anh, được cái là anh có kết cuộc rất vui, có được bà xã mới, vừa xinh đẹp vừa tài giỏi. Chúc anh luôn vui, khỏe và that hạnh phúc. bc

MVNiên said...

Hi N & BC !
Số của tui là Thân Cư Thê nên nếu không có vợ thì lông bồng đường tình. Cảm ơn hai vị có lời khen, Bả đọc được comment của hai vị Bả phồng cả mũi.
Riêng N thì chuyện Phở Hoà là chuyện nhỏ ! Ông Bạn Láng Giềng hứa đãi tụi mình một chầu nhà hàng có Beer & Vine, N và phu quân nhớ chừa bụng, ăn tô phở xe lửa no cành hông thì lỡ tàu đó nghen !
Còn BC thì sao ?
MVN

Anonymous said...

Hi anh MVN;
Nghỉ học cũng hơn 40 năm rồi, chưa được đi reunion bao giờ, bạn bè chắc cũng không ai còn nhớ tui nửa rồi, nên ngại quá không dám đi anh MVN ơi, với lại còn chút việc nhỏ chưa đi được, hi vọng vài năm nửa ông xã tui nghĩ hưu thì tụi nầy sẽ đi reunion. Cũng muốn đi reunion lắm, để gặp anh MVN ? ngày xưa còn đi học tui ở 32 Duy Tân, còn tiệm thuốc bắc Ngọc Hiển thì ở 28 Duy Tân anh MVN còn nhớ không? vào thời tôi ở đó thì anh đả đi Sài Gòn học rồi , nên tui đâu có thấy ai là anh MVN đâu? tui chỉ thấy trong tiệm Ngọc Hiển có chú gì đó, tui không biết tên , dường như chú là thợ hớt tóc, chỉ nhớ vậy thôi. Viết để nhìn bạn láng giềng….HỤT với anh MVN. hihihi...bc

Anonymous said...

Mèn ơi !
Vậy là BC và tui là láng giềng quá gần mà không biết. Số nhà 32 là nhà của Bác Năm con ông Hội Đồng Long. Còn số nhà 30 là nhà Bác Tám Hành cũng con ông Hội Đồng Long. Chắc BC là bà con với chị Điệp, Tiên, Nga con Bác Tám Hành ?
MVN.

Anonymous said...

Bởi vậy khi anh MVN nói là anh bán "cao đơn hoàn tán" ở tiệm thuốc bắc Ngọc Hiển , tui cố nhớ coi anh là ai, mà tui nhớ hoài không ra, sau nầy đọc tiếp chuyện của anh, tui mới biết là lúc tui ở đó thì anh đả lên SG gì rồi..., mà anh MVN nhớ toàn là người đẹp không hà nhe, hihihi... mấy chị con chú tám Hành đó rất là đẹp, mà tui không có bà con, chỉ là ông nội tui xuôi gia với ông Hội Đồng Long, hình như là 2 ông đó làm xuôi thấy vui, nên đến lượt ba tui lại cũng xuôi gia với người con trai thứ Năm của ông HDL vậy thôi. bc