TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
truongvankhoa
"Niềm đau đớn, hiểu theo một cách khác, cũng là một thứ hạnh phúc còn đọng lại trong cuộc đời chúng ta như là một hành trang cho những suy nghĩ về cuộc đời." ( Từ Công Phụng)
Chiều cuối thu, ngồi nhấp ly café ở góc phố, nghe lại bản nhạc “Trên ngọn tình sầu”, lòng cảm thấy bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm. Với giai điệu thiết tha và trầm buồn, giọng ca của Trần Thái Hòa đã đưa chúng ta về một miền thương nhớ, xa vắng… Hơn 40 năm rồi, tình ca ngày ấy vẫn còn nguyên những nét đằm thắm và quyến rũ đến lạ thường.
Ca khúc được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ từ một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê. “67, khúc thêm cho Huyền Châu” là bài thơ viết về một mối tình được in trong tập thơ “Tay gõ cửa đời” xuất bản năm 1967. Ngày ấy, Du Tử Lê yêu tha thiết cô giáo Huyền Châu, cháu ruột của giáo sư Lê Ngọc Trụ (Đại học Văn Khoa Sài Gòn). Thế nhưng, tình yêu của họ không đi đến hôn nhân vì sự ngăn cách của gia đình. Sau biến cố 1975, Du Tử Lê định cư ở California để lại một mối tình đầu ban sơ và lưu luyến. Hai mươi sáu năm sau, năm 1991, ông quay trở về thăm lại người yêu cũ và có ý định đem Huyền Châu qua Mỹ. Cô đã từ chối với lý do cha mẹ già yếu.
Hiện cô vẫn còn độc thân và cư ngụ tại một căn nhà cũ ở Bến Chương Dương – TP HCM.
67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
cây mộng nởtừng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thưở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lòi ai say cho trời đất lại gần
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo uột từ những người cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm nhớ thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
(Du Tử Lê – Năm 1967)
Thật ra, bài thơ sáng tác không phải cho Từ Công Phụng phổ nhạc. Thế nhưng, với nét nhạc tài hoa và sự đồng điệu của tâm hồn, Từ Công Phụng đã thành công trong việc đưa ý tưởng của Du Tử Lê trở thành một ca khúc bất hủ.
Từ Công Phụng có một người bạn thân tên là Nguyễn Thiệp, một sĩ quan VNCH đã chết trong một lần vượt ngục bất thành vào năm 1978. Tình cờ gặp nhau, Từ Công Phụng được anh Thiệp giới thiệu bài thơ này, anh Phụng đọc xong, thấy hay và soạn thành ca khúc. Sau đó, anh mang bản thảo ra quán café La Pagode, nằm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi – Sài Gòn), nơi Du Tử Lê thường xuyên lui tới. Đây là một quán café nổi tiếng đối diện với Công viên hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước 1975. Từ Công Phụng hát cho Du Tử Lê nghe và đề nghị nhà thơ đặt tên cho ca khúc, Du Tử Lê không dùng “67, khúc thêm cho Huyền Châu” mà đổi lại “Trên ngọn tình sầu”.
Có những chi tiết được mọi người gọi là “sự can đảm” của nhạc sĩ trong khi viết ca khúc này là sử dụng âm vực rất rộng, lên cao và xuống thấp. Ngay khởi đầu “Trên ngọn tình sầu”, Từ Công Phụng đã sử dụng nốt nhạc cao, từ Sol lên Fa hay vì Mi lên Fa, tức là quá một tone để tạo một âm hưởng lạ ? Và đó cũng là cách để dòng nhạc diễn tả hết nỗi buồn và đau xót của của một tình yêu đã đi xa.
Nếu so sánh ca từ, chúng ta sẽ thấy, Từ Công Phụng có thay đổi một số ý để phù hợp hơn với tinh thần của bản nhạc. Điệp khúc “hạnh phúc” và “mưa mau” được nhắc lại như một sự níu kéo của đôi tình nhân:
“Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
từ những ngày con nước về.
ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
tay vuốt mặt khôn cùng…”
Ông cũng đã thêm “rêu xanh” vào câu thơ của Du Tử Lê:
“…bầy sẻ cũ hom hem
chiều ngói xám, rêu xanh…”
Thời gian trôi đi để mái ngói xám trở thành rêu xanh với lớp bụi thời gian. Tình yêu bây giờ quá xa xăm với những tháng ngày xưa cũ…
Riêng câu cuối cùng, Từ Công Phụng đã dùng từ “quen” thay “quên”. Suy cho cùng, hai từ đều có những cái hay riêng. Vượt qua tất cả, để ngồi lại với nhau, nhắc đến một giai điệu quen, một âm thanh quen thuộc và dấu yêu cũng là một cách diễn đạt cái ân tình của người nghệ sĩ.
“…em ở đó bờ sông còn ẩm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quen”
con sóng tình vỗ mãi một âm quen”
Sau này, khi nghe ca khúc này, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã khen ngợi về sự xuất sắc của Từ Công Phụng khi chuyển hóa “67, khúc thêm cho Huyền Châu” trở thành ca khúc để đời.
TRÊN NGỌN TÌNH SẦU
Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen
Vài chục năm sau, khi nghe lại, chúng ta mới thấy những tình ca của Từ Công Phụng thật ấm áp và tuyệt vời. Nói như nhà văn Song Thao trích trong lời bạt tập “Một góc đời phôi pha”:
“…Những tình khúc của Từ Công Phụng như những đợt sóng biển nối tiếp nhau vỗ về cõi lòng của những người trẻ thuộc nhiều thế hệ. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi một giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Tình ca của Từ Công Phụng đã len lỏi vào từng thế giới thân thiết đó. Chúng không phải là tình ca lướt trên da thịt mà đã luồn lách vào từng dòng máu, từng hơi thở của những người yêu nhau. Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm và đầy trí tuệ…”
No comments:
Post a Comment