Wednesday, June 29, 2016

Chim sẻ và tuổi thơ Việt Nam

______________

Trần Mộng Tú


Trong những tin tức ngổn ngang đời thường đang diễn ra ở Việt Nam, từ việc lớn đến việc nhỏ như: Ô nhiễm môi trường, cá chết, biểu tình, biển chia, đất cắt. Tin nào cũng làm người Việt trong cũng như ngoài nước hoang mang, đau lòng, thất vọng. Nhưng tin các em đang tuổi thiếu niên ở Thừa Thiên Huế phải bỏ học, sang xứ lân bang lao động, phụ gia đình kiếm sống làm tôi đau lòng nhất.

Theo bản tin nhật báo Người-Việt cho biết các em thuộc các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn, huyện Phú Lộc-Thừa Thiên Huế, bỏ học sang Lào kiếm việc nhiều nhất.
Huyện Phú Lộc ở cạnh dẫy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, một huyện có bề ngang rất hẹp và chịu nhiều thiên tai nhất nước (*).
Sáng hôm qua, tôi đứng trong bếp nhâm nhi tách cà phê nóng, nhìn ra ngoài khung cửa kính, hoa Mộc Liên trắng nõn đã nở từ từ từng búp và khá nhiều chim sẻ kéo về máng ăn treo trên cành đang tíu tít. Thấy hoa biết tháng sáu đã về, biết nửa năm đã đi qua. Thời gian đi nhanh thế, mình nên tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời trên mỗi bước chân của thời gian.
Mở cửa bước ra sân, xém chút nữa giẫm phải một con chim sẻ đang nằm úp mặt trên vuông sân gạch. Con chim nâu trên nền gạch đỏ đang còn rung rung một bên cánh rũ xuống đất. Tôi đoán nó bị thương, bị thương ngay trước cánh cửa kính này chắc là nó bay lao đầu vào khung kính trong suốt mà tưởng bay vào không gian trước mặt.
Tôi cúi xuống nhặt nó lên, nó vỗ cái cánh còn lại rất yếu ớt và hai mắt nhắm nghiền. Tôi mang nó vào nhà, kiếm cái hộp giấy nhỏ đặt vào, một chút hạt kê rắc vào hộp, lấy cái chén nhỏ cho vào chút nước, để một góc hộp. Sau đó tôi đặt cái hộp trên cái ghế cao chân, mang ra sân, để sát vào tường. Hy vọng nó nằm nghỉ sức một hồi lâu sẽ lại bay được. Tôi không dám cứ mặc kệ nó nằm đấy bao giờ tỉnh thì bay đi, hay để cái hộp dưới mặt sân vì sợ nó sẽ là miếng mồi ngon cho con mèo già hay con mèo rừng (raccoon) nào đi qua.
Lo xong cho chim sẻ, quên cả việc ngắm hoa, quay vào nhà lo mấy việc buổi sáng. Đến trưa tôi ra sân, ngó vào hộp, con chim không còn nữa. Không có dấu vết xô lệch gì của cóng nước, tôi an tâm chim sẻ đã hồi sức bay đi, không phải bị con vật khác bắt ăn thịt. Tôi có một ngày an bình.
Sáng nay mở trang mạng báo Người-Việt ra nhìn thấy hình cậu bé này lòng nghe như muối xát.
Có ai không mủi lòng, khi nhìn nét mặt hiền lành, đầy nhẫn nhục của cậu, cậu đang cầm túi bánh bột lọc đứng trước cây xăng chờ khách đến mua.
Em lên chín hay em lên mười? Em học lớp 4 hay lớp 5. Em đứng bán như thế này mỗi ngày mấy giờ. Em vẫn đi học đấy chứ? Bao giờ thì em sẽ phải tìm cách khác kiếm sống cho cả gia đình, vì bán bánh bột lọc chẳng đủ tiền mua gạo cho cả nhà. Mẹ và bà nội hay bà ngoại đang chờ em mang tiền về. Nhà nước nói trợ cấp gạo, sao mãi đến nay vẫn chưa có. Gia đình em chắc đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang, không được cứu trợ vì không được xếp vào diện làng chài. Bây giờ làm sao để sống.
Cha và anh thì đã bỏ đi xa lắm rồi. Họ lên xe đò sang A Lưới, rồi đi bộ băng qua rừng sang Lào. Bao giờ thì sẽ đến lượt em? Bao giờ em cũng sẽ đi bộ băng qua rừng sang Lào bằng đôi chân bé bỏng đó.
Nhưng em bé quá, chắc không ai nhận em làm đâu. Em đừng đi em nhé.
Nếu sang đó em sẽ làm gì? Tôi nghe nói, người Việt sang Lào sẽ có những việc như trồng rau, phụ hồ, bốc phân bò và thồ hàng. Với sức vóc và tuổi nhỏ của em, phụ hồ và thồ hàng nặng nhọc quá, trồng rau cũng không phải dễ, tôi đoán em sẽ đi hốt phân bò. Tôi hình dung ra với nét mặt nhẫn nại này, em sẽ chọn hốt phân bò cho vừa sức mình. Em sẽ đi theo sau những con bò chờ phân rơi xuống rồi hốt, hay đi trên những con đường đất gồ ghề dưới nắng hạ Lào. Công việc hôi hám và cực nhọc lắm. Có thể em khát khô họng mà nhìn quanh không có nước uống, em liệu làm được bao lâu! Rồi khi kiếm được tiền em phải gửi về nhà, mẹ em sẽ chắt chiu để dành mỗi lần một chút, cho khi em về có tiền đóng cho thầy cô để được đi học lại. Em còn nhớ chữ nào trong đầu để đi học lại không?
Trong những ngôi làng ở miền Trung, học trò lớn, nhỏ bỏ học đi kiếm sống nhiều lắm. Bắt đầu là người cha đi, rồi đến các anh lớn, rồi sẽ đến các em nhỏ. Họ phải đi để kiếm sống. Bà mẹ than thở“Mình không thương mình thì ai thương mình bây giờ.” Chồng và hai người con trai của bà bỏ học đi sang Lào làm ăn rồi. Mấy đứa lo ở nhà cũng không có tiền đóng cho thầy cô học thêm. Mà dù bây giờ có tiền trả tiền học, học xong cũng chẳng có việc làm, nên kéo nhau đi hết rồi.
Chuyện học hành khó khăn, chuyện tương lai mờ mịt như thế, các em phải bỏ đi kiếm việc sinh sống là điều đương nhiên phải đến.
Có em đi tha phương một mình, không có sự kiểm soát của cha mẹ, giáo huấn của gia đình, rất dễ rơi vào chỗ hư hỏng. Trách các em hay trách cái xã hội đã bỏ rơi em.
Những con chim sẻ Việt Nam bé nhỏ này, đang lao đầu bay vào không gian trong suốt trước mặt vì các em không nhìn thấy bức tường đá lởm chởm. Các em sẽ bể đầu, gẫy cánh, thương tích cùng mình. Có ai nhặt vào vỗ về trên những vết thương, cho các em nắm hạt kê, cóng nước, tìm cho các em một chỗ an toàn. Hay em sẽ bị những con người khác chụp các em như con mèo già trong xóm, con mèo rừng (raccoon) chụp con chim sẻ bé bỏng không biết tự vệ.
Ôi tuổi thơ Việt Nam, tôi thương các em muốn khóc.
tmt
6/11/2016

3 comments:

Anonymous said...

Đọc xong bài viết , buồn và ngậm ngùi , đau xót cho cả 1 thế hệ tương lai , đất nước VN sẽ đi về đâu ?
Cô em Viễn Xứ
😥😢😥😢

Anonymous said...

Cô em VX ơi , Hồi đó tui dìa VN trời nắng chang chang thấy mấy đứa nhỏ ổm nhom mố hôi nhễ nhãi đi bán nước ngọt mời khách hỏi ra mới 8,9 tuổi đầu..thấy thiệt là tội nghiệp...

Kẻ Ly Hương

Anonymous said...

Đó là kết quả của chế độ Cộng Sản tham nhũng.Dân đói,dân khổ mặc bây,tiền tham nhũng ông cứ bỏ túi.
Các cán bộ cao cấp có tiền Tỷ dôla gởi nhà băng Thụy Sĩ.Thử hỏi tiền đó lấy ở đâu ra?
Trong khi dân khổ,các ông bày ra những trò chơi gái cực kỳ thô bỉ,tục tằn.Các ông dư tiền của lo cho gia đình mình ăn rau sạch tự trồng,bay qua Hồng Kong mua thức ăn sạch hằng tuần.Trong khi đó chín chục triệu dân Việt Nam phải ăn thức ăn ô nhiễm ngộ độc
Cộng sản Việt Nam hết thuốc chữa rồi...chỉ chờ ngày chết thôi.