________________
NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Mỗi
sáng thứ Ba hàng tuần, tôi có nhiệm vụ kéo chiếc thùng rác ra mặt đường, trước
khi đi làm. Hôm nào nhận được tin nhắn của bà xã: “Anh đem thùng rác ra chưa?”,
y chang rằng tôi đã quên. Nhiều lúc tôi cũng tự giận mình, cả tuần chỉ có chừng
ấy việc, cũng quên. Vậy mới phục “bộ nhớ” siêu phàm của bà xã. Bao nhiêu chuyện
trên trời dưới đất, trong nhà ngoài ngỏ, cây kim sợi chỉ... bà ấy đều nhớ vanh
vách, không quên.
Trong buổi họp mặt bạn bè, ai nói câu gì, ra khỏi cửa là
tôi đã quên. Vài tuần sau, K. Hoa nhắc: “Cuối tuần này, mình có hẹn đi câu với
anh chị Minh ở Falls Lake”. Thôi chết, chút xíu nữa là tôi lên chương trình đi
thăm con gái tuốt dưới Charlotte! Bà xã sắm riêng cuốn lịch treo tường, bắt tôi
phải ghi tất cả việc cần làm, hẹn cần nhớ, để khỏi quên. Kể cả việc kéo thùng
rác ra đưởng, vào mỗi thứ Ba hằng tuần. Kết quả khả quan, bà xã hớn hở. Đến tờ
lịch tháng thứ nhì, mọi chuyện trở lại “vết xe cũ”, tôi quên coi lịch trước khi
đi làm! Có hôm K. Hoa nhìn tôi cười cười: “Anh có trí nhớ thật tốt. Chuyện hơn
40 năm, “người nào” mặc áo màu gì, cổ áo viền ra sao, nói câu gì, thì anh nhớ
rõ từng chi tiết. Nhưng chuyện mới hôm qua, thì anh quên mất hết!”. Tôi đã quen
quá, cái nụ cười này trước cuộc “truy kích”, nên cũng làm bộ yên lặng, cười trừ.
“Chắc anh đợi thêm 40 năm nữa, mới nhớ lại “chi tiết” chuyện hôm qua chớ gì?”,
bà xã nhỏ nhẹ. Tôi biết ngay mà!
Nhà
chỉ có hai người và hai chú chó nhỏ, con cái làm việc và sinh sống ở xa, vậy mà
tuần nào kéo thùng rác cũng thấy đầy, cũng thấy nặng? Tôi thì từ hừng sáng đã
“vác laptop” đi, đến xế chiều mới ló mặt về nhà. Mọi việc “sinh sống” coi như
được tôi giải quyết ở chỗ làm. Sao mà rác nhiều đến như vậy? Hơn nữa, vài năm
trước, một hôm K. Hoa tuyên bố: “Mình phải đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.
Từ nay phải tiết giảm tối đa việc tạo ra rác!”. Nói là làm, K. Hoa mua một số
xách đựng bằng vải, để đi chợ và mua sắm không cần phải dùng loại bọc ny-lon, bọc
giấy của tiệm. Còn hai chú chó nhỏ, Simba và Gizmo? Hai lần mỗi ngày, bà xã đều
dẫn chúng đi bộ và làm vệ sinh (được bỏ vào thùng đặt dọc theo đường), nên chỉ
tốn hai miếng tả giấy. Vậy mà rác vẫn đầy mỗi tuần? Tôi tự hỏi và hỏi K. Hoa.
“Nhà mình rác nghèo, nên nhiều rác”, đó câu trả lời kiểu “lững lơ” của bà xã.
Chẳng lẽ rác cũng phân biệt “rác nghèo và rác giàu”? Có thật là nghèo lại nhiều
rác, giàu thì ít rác? Không biết lý luận này phát xuất từ đâu, nhưng tôi cũng
không dám hỏi tiếp? Phải suy nghĩ trước đã, nếu không lại “thua vợ”, tủi thân!
Nhớ
lại trước đây vào khoảng những năm 1969 – 1973, gia đình cô Út tôi giàu có lên,
xây biệt thự, mua chung cư cho mướn và cả hai chiếc xe hơi chạy đám cưới. Tất cả
là nhờ rác! Gia đình cô Út chuyên việc thầu rác ở các căn cứ Mỹ. Ban đầu chỉ có
hai vợ chồng và mấy đứa con. Sau càng ngày càng mở rộng, phải mướn thêm hàng trăm
người làm phụ giúp. Công việc của họ nghe đâu chỉ là phân loại rác! Tôi không
biết rõ lắm về chuyện làm ăn này, chỉ biết gia đình cô Út giàu có lên từ đó. Có
thể nói đây là rác của nhà giàu? Đến năm 1973, quân đội Mỹ rút quân, cô Út chấm
dứt việc thầu rác, trở về Vĩnh Long chuyên tổ chức đám cưới và lập dựa thầu mua
bán trái cây.
Tôi
đã đi qua nhiều thành phố lớn của nước Mỹ, nhất là các khu downtown, phố Tàu
(Chinatown), phố Hàn (Koreatown), phố Việt (Vietnamtown),... đâu cũng rác ơi là
rác. Có điều rác ở thật nhạt nhẽo, vô vị. Nếu có mùi, thì cũng là mùi tanh xa lạ,
rất khó chịu. Đây là “rác nhà giàu” kia mà? Chắc chắn có người trở thành triệu
phú, nhờ vào rác. Tôi tỉ tê với bà xã cảm
nhận của mình. “Khứu giác anh có vấn đề. Làm gì mà có mùi rác ‘tanh’ khó chịu
và mùi rác ‘tanh’ dễ chịu? Nói em nghe”, bà xã hỏi. Thật không phải là câu trả
lời dễ. Hay khứu giác tôi có vấn đề? Nhớ một lần tôi về thăm nhà ở Rạch Giá,
cách đây khoảng 7 năm. Nhà cũng khá rộng, nhưng tối đó tập trung chật cứng người,
bà xã và con gái ham vui, ngủ lại trong nhà. Tôi phải trở về khách sạn đọc và
trả lời một số điện thư của hãng. Không thích biển (kể từ ngày vượt biên) nhưng
tôi rất yêu thích hình ảnh và không khí của chợ. Cô em vợ mướn cho tôi một
phòng mini khách sạn gần chợ Rạch Giá. Khoảng gần 5 giờ sáng, không ngủ được nữa,
tôi tắm rửa qua loa rồi ra khỏi khách sạn. Bên ngoài, trời vẫn còn lờ mờ tối.
Trên đường xe cộ thưa thớt, vắng lặng. Thỉnh thoảng có vài nhóm người tập thể dục,
đi bộ hoặc đánh vũ cầu, cười nói vui vẻ. Không khí buổi sáng trong trẻo, ẩm nhẹ
và thoang thoảng mùi mằn mặn của vùng biển bùn. Dọc hai bên đường là những chiếc
thùng đựng rác, nhưng nhìn quanh rác vẫn nằm cùng khắp mặt đường. Nhiều rác thế
này, chắc là rác “nhà nghèo”. Điều lạ lùng, trong mùi vị gió biển hanh mặn quyện
vàò mùi rác “nhà nghèo” thật dễ chịu, thật quen thân. Tôi hít thở không khí nồng
thắm, khô ẩm sao dâng trào niềm xúc cảm. Vẫn là không gian của rác, nhưng rác của
quê hương tôi có mùi vị đặc biệt. Mùi vị giúp tôi nhận thức, mình thật sự đang ở
trên chính quê hương mình. Một thứ cảm giác lâng lâng, bùi ngùi khó tả. Không
gian mở rộng vô chừng. Thời gian thôi ngừng trôi chảy. Hiện tại chợt thành quá
khứ, và quá khứ như cô đọng theo giòng máu luân lưu, xuôi ngược... Tôi vội gọi
điện thoại cho bà xã, báo đã tìm được “mùi rác” thật thân thương, dễ chịu. K.
Hoa giọng ngái ngủ: “Em biết rồi. Nhớ thu lại tất cả những hình ảnh và mùi vị
đó cho em!”, rồi cúp máy. Biết mà, nhưng tôi đâu dễ bị gạt, “thu lại mùi vị”?
Tôi đắc chí, tận hưởng một mình! Mùi vị
đặc biệt của thành phố biển Rạch Giá đây mà... Chợt cơn gió nhẹ, thổi bụi rác
bên đường, sao quanh tôi bay bay bóng hình bao nỗi nhớ. Bóng hình mái tóc buông
dài của N.T.Y, ánh mắt ngấn lệ của N.T.B.S, khuôn mặt đẹp não nùng của T.T.T.H,
nụ cười răng khểnh của L.K.H, bờ môi hôn muộn màng của L.T.T.D và còn,... Ôi, dòng thời gian hay dòng đời trôi khắc
nghiệt? Lòng người quá hẹp hay lòng tôi ích kỷ, nhỏ nhoi? Tôi yêu người hay chỉ
yêu chính tôi?
Vài
tiếng cửa sắt kéo mở... Văng vẳng tiếng chổi xào xạc quét mặt đường... Những tiếng
bàn ghế va chạm của chiếc xe bán hàng rong... Tất cả như tạo thành một thứ âm
thanh của cuộc sống đời thường, quen thuộc. Thứ âm thanh nằm ẩn khuất, sâu thẳm
trong mọi ngõ ngách của tiềm thức... Rồi thoang thoảng đâu đó, bắt đầu có hương
vị bếp lữa. Mùi của xâu thịt nướng. Mùi của nồi súp xương. Mùi của hương thơm bột
gạo... Tất cả, tất cả tạo thành một hợp chất, hợp chất quen thân rất Rạch Giá,
rất quê tôi.
***
*** ***
Có
lẽ “giận” là đặc sản của phái nữ? Chuyện gì các “nàng” cũng giận được. Và kể cả
không có chuyện gì, “các nàng” cũng giận luôn! Có điều khác biệt là, nàng thì
giận ngắn ngủi và nàng thì giận rất dai! May thay “phu nhân” nhà tôi, thuộc
nhóm thứ nhất. Giận đó rồi huề đó. Khóc đó rồi cười ngay. Đến nổi có lần sau
khi hết giận, K. Hoa nói: “Em giận cứ kệ em. Anh đừng để tâm, chút là hết!”.
Thì ra là vậy, phải nắm lấy “thời cơ” để lâu lâu chọc giận cho vui nhà. Có khi
thành công, nhưng lắm lúc thất bại ê chề! Một hôm trên bàn ăn toàn rau là rau,
tôi nói: “Em nuôi anh như nuôi thỏ! Toàn là cho ăn rau”. Bà xã an ủi: “Ăn rau cải
tốt cho tiêu hóa, tốt cho sức khỏe. Anh phải tập ăn cho quen, tránh ăn thịt ba
chỉ, thịt bò!”. Trúng bẫy, tôi “ra tay” ngay: “Hèn gì, thiên hạ chung quanh nói
em “ăn hiếp” chồng, “ăn hiếp” anh!”. K. Hoa ngừng ăn, nhìn tôi giọng tỉnh queo:
“Thiên hạ nói đúng. Em không “ăn hiếp” anh, thì người khác cũng “ăn hiếp” anh.
Vậy thà là em”. Đúng là “gậy ông đập lưng ông”!
Trong
những thập niên gần đây, một phong trào “di dân” rộng lớn xảy ra trên toàn cầu.
Theo thống kê gần nhất, có khoảng trên 2 tỉ người xây nhà trên facebook. Công
nghiệp thông tinh phát triển nhanh hơn vận tốc của ánh sáng! Nhà cửa trên mạng
xã hội này ngày càng lộng lẫy, cầu kỳ với mọi hinh thức kiến trúc khó có thể tưởng
tượng nỗi. Và dĩ nhiên, điều không thể thiếu trong cộng đồng “mạng” sinh sống
là rác. “Rác mạng” cũng đã trở thành vấn nạn lớn cho “quốc gia” khổng lồ này.
Rác khắp nơi, rác đủ loại và đặc biệt là loại rác “mạng” mùi hôi tanh không kém
gì “rác đời” chung quanh ta. Con người đã bỏ không ít thời gian sống thật cho
cuộc sống “mạng”. Và điều sẽ làm các bạn ngạc nhiên hơn, là có rất nhiều người
đã trở thành triệu phú, tỉ phú nhờ vào “rác mạng”! Khác với rác thường, chúng
ta tha hồ xả rác trên mang vô tư, không cần thùng đựng rác cho mỗi hộ dân. Đến
nổi hiện nay có thêm nghề, chuyên tạo ra rác và tải “rác” khắp nhà mạng. Rác
càng nhiều, càng “độc hại” càng được trả nhiều tiền. Rác giả, “đô-la” thật.
Có
những thứ tưởng như thừa thải, bỏ đi cũng là một phần trong đời sống của chúng
ta. Như bụi như rác, trong mọi không gian, trong từng hơi thở. Chừng mực, vừa
phải luôn là những tác dụng tốt, hữu ích. Quá độ, lạm phát bao giờ cũng trở
thành thứ độc hại? Tôi đã sống, đã đi ... bằng tất cả đam mê, bằng
hết tin yêu vào con người và cuộc sống. Để cuối cùng chợt hiểu, tôi chưa hiểu
gì hết. Nếu có hiểu, đó cũng là những câu hỏi? Nhưng điều tôi biết chắc chắn,
dù bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, lứa tuổi bao nhiêu niềm tin yêu vào con người,
vào cuộc đời vẫn là niềm hạnh phúc lớn nhất!
Cả
cuộc đời, gặp gỡ bao nhiêu con người, thương nhớ bao nhiêu khuôn mặt, nụ cười
mà cuối cùng chỉ còn lại vài cái tên, vài kỷ niệm? Xin cảm ơn em, cảm ơn em đã
cho tôi vài cái tên của quá khứ, vài kỷ niệm “đau thương ngọc ngà”, để sống và
để yêu. Như biết bao là rác cùng khắp thành phố, mặt đường, trên toàn cầu, vậy
mà mùi vị của nó vẫn nhạt nhẽo, vô vị và xa lạ. Kể cả “rác nghèo” trong căn nhà
tôi đang ở trên quê người, nay đã gọi là “quê hương thứ hai”. Tôi có thể ghi lại
những hình ảnh, góp nhặt bụi đất quê nhà, nhưng làm sao, làm sao có thể ghi lại,
góp nhặt mùi vị của quê hương?
Giữa
bao bụi rác dòng đời, em yêu dấu, hãy trân trọng những gì đang có và càng trân
trọng hơn những gì mình đã mất!
(tháng
Năm, 2018)
NNH
No comments:
Post a Comment