______________
Nguyễn Ngọc Hoàng
Từ
chợ Giồng Riềng có hai đường để vào xã Hòa Thuận. Đường sông bằng đò máy mất
khoảng một giờ, nhưng phải tốn tiền đò. Bằng đường bộ, thì phải mất hơn hai giờ
đồng hồ. Để tiết kiệm và cũng không hối hả gì, tôi quyết định hỏi thăm để đi đường
bộ.
Xã Hòa Thuận có 6 ấp, ấp Một đến ấp Sáu. Tham dự công tác “bổ túc văn hóa” của huyện Giồng Riềng, lớp 11D do tôi làm chủ nhiệm có 24 em: 5 nam và 19 nữ. Việc phân phối chỗ ăn ở, điểm dạy của các em do ban giáo dục xã phụ trách. Thời gian công tác là một tháng. Nhiệm vụ chính của các em là dạy bổ túc văn hóa cho hộ gia đình trong xã học dang dở và “biết đọc biết viết” cho người dân chưa bao giờ đến lớp, đến trường. Các em sẽ được phân về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với mỗi hộ gia đình trong ấp, để tùy theo điều kiện sinh hoạt, dạy cho từng người. Đây là lần đầu tôi xuống “tận nơi” thăm và nhận “báo cáo” về công tác dạy của các em sau hơn một tuần. Tôi không quan tâm lắm đến chuyện “dạy”, mà vấn đề ổn định chỗ ăn ở của các em. Vừa rồi gặp nhau ở phòng giáo dục huyện, tôi cũng được nghe nhiều vấn đề khó khăn và phục tạp của các cô, thầy ở các xã khác. Nhất là các xã nằm sâu và xa huyện. Chỗ ăn ở, các quan hệ của các em học sinh và ban giáo dục ấp. Nhất là các em học sinh nữ. Nghe, tôi rất lo, nhưng đến nay cũng chưa có “báo cáo” chuyện gì xảy ra. Hôm giao lớp cho xã, tôi dặn 5 em học sinh nam cố gắng xin chia đều về các ấp và tận tình giúp đỡ các bạn nữ. Trần Ngọc Anh là trưởng lớp, học giỏi, vóc dáng cao lớn, hoạt bát, hứa sẽ chăm sóc và lo cho cả lớp. Có Ngọc Anh tôi cũng an tâm..
Xã Hòa Thuận có 6 ấp, ấp Một đến ấp Sáu. Tham dự công tác “bổ túc văn hóa” của huyện Giồng Riềng, lớp 11D do tôi làm chủ nhiệm có 24 em: 5 nam và 19 nữ. Việc phân phối chỗ ăn ở, điểm dạy của các em do ban giáo dục xã phụ trách. Thời gian công tác là một tháng. Nhiệm vụ chính của các em là dạy bổ túc văn hóa cho hộ gia đình trong xã học dang dở và “biết đọc biết viết” cho người dân chưa bao giờ đến lớp, đến trường. Các em sẽ được phân về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với mỗi hộ gia đình trong ấp, để tùy theo điều kiện sinh hoạt, dạy cho từng người. Đây là lần đầu tôi xuống “tận nơi” thăm và nhận “báo cáo” về công tác dạy của các em sau hơn một tuần. Tôi không quan tâm lắm đến chuyện “dạy”, mà vấn đề ổn định chỗ ăn ở của các em. Vừa rồi gặp nhau ở phòng giáo dục huyện, tôi cũng được nghe nhiều vấn đề khó khăn và phục tạp của các cô, thầy ở các xã khác. Nhất là các xã nằm sâu và xa huyện. Chỗ ăn ở, các quan hệ của các em học sinh và ban giáo dục ấp. Nhất là các em học sinh nữ. Nghe, tôi rất lo, nhưng đến nay cũng chưa có “báo cáo” chuyện gì xảy ra. Hôm giao lớp cho xã, tôi dặn 5 em học sinh nam cố gắng xin chia đều về các ấp và tận tình giúp đỡ các bạn nữ. Trần Ngọc Anh là trưởng lớp, học giỏi, vóc dáng cao lớn, hoạt bát, hứa sẽ chăm sóc và lo cho cả lớp. Có Ngọc Anh tôi cũng an tâm..
Hỏi thăm, lần mò,
cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của cô giáo Nhàn ở ấp Bốn, nơi Sang và Nguyệt
đang ở chung. Căn nhà nằm khuất sau con mương nhỏ và mấy dàn cây trồng. Tôi đã
nghe tiếng cười nói rộn rã vọng ra.
-“Thầy. . Thầy tới
rồi kìa..!”, tiếng của Sang và theo sau là Cúc, Xuyến, Nguyệt, Tiếng và Hiệp.
Bao nhiêu mệt mõi, lo lắng đều tan biến, tôi vui mừng đến không biết nói gì, chỉ
cười.
-“Thầy tới sao tụi
em không nghe tiếng đò dzậy?”. “Thầy vô bằng đường bộ!”.
-“Cái gì, thầy đi bộ
vô đây?”, cả đám cười láo nháo lên. “Sao
tụ họp được đông vậy? Ngọc Anh đâu, có ghé đây hông?”, tôi vừa nói vừa nhìn quanh
căn nhà lá nhỏ xinh xắn, gọn gàng. Hiệp chạy đến dành cái ba-lô vải của tôi:
“Thầy vô ngồi nghỉ, uống nước đi. Ngọc Anh đang tát mương giúp cô Nhàn ở phía
sau”, Hiệp là trưởng ban văn nghệ của lớp, hát hay đàn giỏi mà còn có nghề “coi
bói” nữa. Nhỏ Sang là trưởng ban học tập, học giỏi vui tính, thích giúp đỡ bạn
bè. Nguyệt rụt rè, ít nói được mọi người thương yêu. Tiếng cao nhất bọn, có nét
đẹp sáng sủa, tính tình “chị cả”. Gia đình Tiếng từ Sài-gòn dọn về Rạch Sỏi sau
ngày 30 tháng Tư. Sinh ra trong thời gian ba của em làm cho tờ báo Tiếng
Chuông, nên đặt tên con là Lê Thị Tiếng. Xuyến, cô học trò ban D (sinh hóa) lại
rất giỏi toán. “Anh Hiệp chặt trái dừa, Xuyến đem tới, cho thầy uống đi”.
“Không gấp đâu. Dẫn thầy gặp Ngọc Anh và cô giáo Nhàn”. “Đi thầy, theo tụi em...”, Tiếng vừa nói vừa dẫn đường rẽ phía hông nhà,
dọc theo con mương nhỏ. Phía sau là một chái bếp, với nồi chảo treo lũng lẳng.
Con đường mòn len lỏi giữa mấy bụi xả, mấy cây chanh và hàng bình bát. Gió hanh
hanh mùi đất bùn non, mùi cây cỏ, êm đềm dễ chịu. “Anh Ngọc Anh ơi, thầy tới rồi..
. Cô Nhàn ơi, thầy em tới nè!”.
Trước mặt tôi là cô
giáo Nhàn. Áo màu bông tím nhạt, quần đen, tóc dày quấn cao với khuôn mặt dài
ram rám nắng. Nhàn có nụ cười thật tươi và chiếc răng khểnh duyên dáng: “Thầy
Hoàng, chào thầy...”, rồi Nhàn nhìn tôi có chút gì đó ngạc nhiên, tò mò.
-“Thầy mới tới. Em
bắt cá đãi thầy nè...”, đứng dưới con mương nhỏ tát cạn, Ngọc Anh vừa nói vừa
cười mừng rỡ. Tay chân đầy bùn, Ngọc Anh cầm giõ cá bước lên bờ: “Chắc dư ăn,
dư đãi thầy em rồi cô”. Cao lớn, vạm vỡ Ngọc Anh thật xứng đáng là trưởng lớp của
tôi.
Đã nghe tiếng cá nhảy
đành-đạch trong chiếc giõ tre đan, hứa hẹn một buổi cơm chiều thịnh soạn. Mùi
bùn non, mùi cây cỏ trong từng cơn gió nhẹ tạo bao cảm giác ngây ngây lòng người.
Đã lâu lắm rồi tôi mới nhận được những giây phút êm đềm, thanh thản trong từng
giác quan. Mấy thầy trò và cô giáo Nhàn kéo nhau vào căn chái bếp nhỏ phía sau
nhà.
-“Canh chua cá lóc
nấu khóm bạc hà với cá rô kho tiêu nghen thầy”!
Món tủ của tôi đây
mà, nghe là đã cồn cào ruột đói. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn rõ cô giáo Nhàn.
Dáng người rắn chắc, đôi mắt đen to có chút gì đó muộn phiền, không đẹp lộ sắc
nhưng Nhàn dễ nhìn, gần gũi. Đặc biệt là khi Nhàn cười, chiếc răng khểnh tạo
khuôn mặt dễ thương, khó quên. Như bắt gặp những suy nghĩ vụng trộm của tôi,
Nhàn quay lại:
-“Canh chua khóm bạc
hà chắc thầy Hoàng biết quá rồi. Bữa nay, Nhàn muốn đãi thầy món canh chua đặt
biệt. Nhàn nghĩ thầy Hoàng chưa nếm qua đâu?”.
-“Canh chua gì cô?”, cả đám nhốn nháo. Nhàn cười
thật tươi: “Canh chua bông điên điển quê Nhàn. Thầy Hoàng ăn canh chua bông
điên điển bao giờ chưa?”. Bị hỏi bất ngờ, tôi lúng túng. Quả thật, tôi đã nghe
nhiều về loài bông này, nhưng chưa lần nào tận mắt thấy và nếm qua. Tôi ngượng
ngùng nói với cô Nhàn: “Thật là tôi chưa bao giờ ăn bông điên điển nấu canh
chua. Chỉ nghe nói qua thôi...”
-“Cô hay thiệt
nghen. Dzậy là chiều nay thầy có dịp thưởng thức bông điên điển nấu canh chua
cá. Ngon lắm thầy ơi!”, Sang vừa nói vừa ra vẽ thèm thuồng. Cả đám xúm lại giõ
cá vui mừng và tán thưởng tài nghệ tát mương, bắt cá của Ngọc Anh. Cô Nhàn ra dấu
cho mấy cô học trò nữ của tôi: “Mấy em ở nhà phụ Ngọc Anh làm cá, chuẩn bị cơm
chiều. Chị đi hái mớ bông điên điển, thầy Hoàng muốn đi cho biết hông?”.
Tôi mừng rỡ, gật đầu.
“Em muốn đi hái điên điển với thầy”, Tiếng giơ tay nói nhanh. “Hổng được. Tiếng
đi, ai kho cá. Tiếng kho cá ngon nhất mà”, Ngọc Anh cản và nhắc nhở. Tôi chưa kịp
trả lời, Tiếng đã cúi mặt, chạy ra phía sau hè. “Có thầy, là nhỏ Tiếng nhõng nhẽo”,
Xuyến liếc mắt nói nhỏ.
Chiếc xuồng nhỏ len
lỏi vào con sông nhỏ, lăn tăn vệt sóng ven bờ. Mặt trời nghiêng bóng, chiếu
vàng những vạt nắng chiều lấp lánh trước mũi. Hơi nước bốc lên trong mùi cỏ cây
dọc ven sông thật êm đềm, dễ chịu. Dọc hai ven sông, phía dưới là những hàng dừa
nước, phía trên là những bãi lau sậy chen lẫn bông cỏ may chừng như đã úa màu
vàng nhạt. Vài cơn gió chiều thổi bay
bay những sợi cỏ may, tôi nhảy mũi liên tục. “Mới đi một chút thầy Hoàng đã nhảy
mũi rồi. Chắc thầy phải nhảy mũi kinh niên, cả năm?”. “Không có đâu cô. Chắc
tôi bị dị ứng bụi cỏ may!”. Tiếng Nhàn cười nhẹ, theo nhịp chiếc dầm khua chiều
nước nổi. “Nhàn thật khâm phục thầy Hoàng. Thầy như vầy mà điều khiển được cả
đám học trò nữ..?”, tiếng Nhàn nói vọng từ phía sau. Tôi “như vầy”, là như thế
nào? “Mấy đứa con ông thầy Hoàng coi vậy mà rất sợ ổng. Hổng phải tụi nó sợ ổng
giận, mà sợ ổng.. . buồn!”, tôi lập lại lời đồn “hành lang” trong trường cho
Nhàn nghe. “Nhàn cũng nghe Sang, Xuyến, Tiếng... nói như vậy”.
Dòng nước lững chiều
vẳng lặng, xa xa tiếng chim cu đất gáy mịt mùng. Con nước lớn dần theo từng
khúc sông ngày nắng ngả. “Qua khỏi ngõ ngoặc này là tới đó thầy”, tiếng Nhàn nhắc
khe khẻ. Trước mặt tôi là dãy lụa vàng óng cả nhánh sông. Những vạt nắng chừng
nhạt mờ trước màu vàng thắm của bông điên điển. Mặt nước màu sẩm phù sa chợt ửng
lên hàng hoa vàng soi bóng nước. Chưa bao giờ tôi lại chứng kiến bức tranh chiều
đẹp đến như vậy. “Bông điên điển đẹp quá, cô Nhàn”, tôi thốt lên sững sờ. Như
hàng ngàn chiếc bông tai vàng tươi thiên nhiên ban tặng, những nhánh bông điên điển
kéo nghiêng cả trời chiều ghé sát né nước ven bờ. Thân mong manh, lá xanh nhỏ
màu mọc li ti theo từng nhánh vươn theo chiều nắng vỡ. Chiếc xuồng càng đến gần,
sắc bông càng vàng thắm, nõn nà. Tôi đành quay người, bắt chạm ánh mắt tình cờ.
Chút lung túng, tôi nói vội: “Tôi nói điều này, cô Nhàn đừng cười nghen”. Thầy
Hoàng nói đi, Nhàn không dám cười đâu!”. “Hay là chiều nay mình nấu canh chua
khóm bạc hà thôi”. “Sao vậy? Thầy Hoàng không thích bông điên điển hay sợ lạ ăn
không được?”. “Tôi...”, tôi ngập ngừng nhìn đôi mắt đen tròn chờ đợi của Nhàn,
“bông điên điển đẹp như vầy, hái mà nấu canh thì uổng biết chừng nào cô
Nhàn”.
Ánh mắt Nhàn thoáng
lên chút ngỡ ngàng rồi gật đầu mĩm cười, “Vậy để Nhàn cho thầy Hoàng xem bông
điên điển một vòng, rồi mình về. Không hái bông điên điển nấu canh nữa”. Chiếc
xuồng bơi dọc hàng điên điển vàng có mùi thơm ngầy ngậy, hăng hắc gió đồng. Từng
chùm, từng chùm với cánh hoa mong manh, bông điên điển như cô gái thôn làng chợt
e ấp, chợt thật thà soi gương. Tôi ngây ngất trước cảnh trời nước, hoa vàng
hương tỏa.
-“Anh Hoàng cho
Nhàn hỏi câu này nghen. Nhàn thắc mắc hoài mà không biết hỏi ai?”. “Nhàn cứ hỏi.
Nếu biết, tôi sẽ trả lời ngay. Nhàn đừng ngại”, tôi nhìn vào đôi mắt chợt bâng
quơ của Nhàn. Ánh mắt tôi đã nhiều lần bắt gặp nơi người con gái. Ánh mắt chỉ lần
đầu, mà tưởng đã bao năm. Chút ngại ngần, chút những thân quen.
-“Mãi mãi là bao
lâu, anh Hoàng?”, tiếng Nhàn như thoáng nhanh. Khoảng không gian chợt lặng yên,
chợt bở ngỡ. Mãi mãi là bao lâu, tôi tự hỏi mình? Hay chỉ là khái niệm thời
gian không khái niệm. “Sao Nhàn lại hỏi như vậy”, tôi thoái lui. “Nhàn hổng biết.
Nhưng Nhàn chỉ muốn mùa điên điển năm nay sẽ là mãi mãi..!”, tiếng Nhàn mong
manh như một cơn gió nhẹ. Cơn gió nhẹ tưởng chừng lây lất theo con sóng nhỏ gợn
hai bờ... Dưng không tôi nhớ da diết bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao
nghe tiếng sóng ở trong lòng
Bóng
chiều không thẵm không vàng vọt
Sao
đầy hoàng hôn trong mắt trong?.. .”
*** *** ***
Tôi
đã không trở lại xã Hòa Thuận vài tuần sau, như đã hứa. Phòng giáo dục Giồng Riềng
chuyển mọi giấy đề nghị, góp ý của xã về tận trường. Rồi thì chuyện này nối
chuyện kia, ngày này nối tháng nọ, hết cả năm. Nhớ hôm chia tay, sau một tháng
thầy trò hoàn thành công tác “bổ túc văn hóa”, tôi hứa với Nhàn sẽ trở lại Hòa
Thuận vài tuần sau để nhận báo cáo, khen thưởng của các em học trò từ ấp và xã.
Nhàn cũng không quên nhắc, “Anh Hoàng nhớ là, còn nợ Nhàn một câu trả lời”. Cho
mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa tìm ra được đáp án: “Mãi mãi là bao lâu?”. Và có
lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời cho Nhàn, cho tôi. Hơn một năm sau,
tôi mới có dịp trở lại Giồng Riềng, để về Hòa Thuận ghé thăm Nhàn. Lòng bổng chốc
nôn nao, nên lần này tôi đón đò máy về ấp Bốn. Cảnh sông nước hữu tình, sau một
năm, cũng không có gì thay đổi. Từng đám lục-bình nhấp nhô, xuôi dạt trên sông
như đón chào người trở lại xóm làng xưa. Tôi hình dung được đôi mắt trách hờn
và nụ cười răng khểnh của Nhàn xóa tan bao tháng ngày lỗi hẹn. Với người đi, thời
gian bao giờ cũng qua mau, thoáng chốc. Nhưng với người ở lại, ngày nối ngày
luôn trĩu nặng mong chờ. Tôi hiểu và tự trách mình suốt dọc chuyến đò về thăm
nơi chốn cũ.
Trước mắt là người
đàn bà đứng tuổi, đang tò mò nhìn tôi. Căn nhà của Nhàn cũng không có gì thay đổi,
vẫn vườn cây xanh, vẫn ẩn khuất sau con mương nhỏ hông nhà. “Dạ thưa dì, có phải
đây là nhà cô giáo Nhàn?”, “Phải. Cậu là ai, mà tìm con Nhàn?”. “Dạ con tên
Hoàng, bạn dạy học như cô Nhàn”. “Bạn dạy học với con Nhàn hả. Mời cậu vào nhà,
nắng quá...”, giọng người đàn bà vui vẻ, thân tình. Bên trong đồ đạc có vẻ đơn
giản, lặng lẽ hơn.
-“Tui là dì con
Nhàn. Sáu tháng trước, con Nhàn đã xin nghỉ dạy học. Rồi bẵng như nó theo chị
em bạn nào đó, lên Cần Thơ đi làm ăn buôn bán”, người đàn bà giọng bùi ngùi. Hèn
gì hai người có nét giông giống nhau. Nhàn đã xin nghỉ dạy và bỏ đi lên Cần
Thơ? Tôi nhớ Nhàn từng nói rất yêu thích nghề giáo, đặt biệt là những đứa trẻ của
vùng quê mình. Có điều gì đó nghèn nghẹn trong tôi. Không gian trong căn nhà hẹp
chừng như thiếu vắng mùi hương của con gái, mùi hương riêng tư của Nhàn trong lần
tôi ghé qua. “Thầy dạy ở đâu, mà tui chưa gặp mặt thầy?”. “Dạ con dạy ở Rạch Sỏi.
Nhàn có nói vì sao xin nghỉ dạy hông dì?”. “Tuốt ngoài Rạch Sỏi, hèn gì tui hổng
biết mặt thầy giáo”, dì nhỏ nhẹ nói tiếp: “Chắc cũng có chuyện gì đó mà con
Nhàn hổng nói. Tội con nhỏ, thấy nó vừa buồn, vừa làm mấy chuyện kỳ kỳ trước
khi xin nghỉ dạy”.
Tôi ngồi yên lặng,
hớp từng ngụm trà đăng đắng cổ. Mặt bàn mà tôi, Nhàn và mấy đứa học trò ăn buổi
cơm canh chua khóm bạc hà, cá kho mặn. Vậy đó mà đã một năm qua. Đám học trò đã
tốt nghiệp phổ thông, mỗi đứa một ngả. Ngọc Anh, Sang, Nguyệt đang chập chững
bước vào ngưỡng cửa đại học. Xuyến, Cúc và Hiêp đã theo gia đình ra đi, vượt
gió biển khơi tìm miền đất hứa. Còn Tiếng chợt âm thầm, xa bạn bè trường lớp, lấy
chồng bỏ cuộc chơi. Bây giờ là Nhàn, cũng biền biệt phương trời. Bàn ghế vẫn
còn đây, bóng người đã dĩ vãng. Rút một chân lên ghế, tay chống cằm, dì nói tiếp:
-“Rồi không hiểu
sao, con Nhàn nó đem điên điển về trồng dọc bờ mương. Tới nay hàng điên-điển trổ
bông xum xê, nó thì đi mất biệt. Con nhỏ còn dặn đi dặn lại tui, đừng hái bông
mà cũng đừng cho ai hái. Hổng hái nấu canh, làm dưa tui hổng hiểu nó trồng đám
điên điển để làm gì nữa”?
Theo tiếng thở dài của
dì, ngoài hiên sân nắng chợt lòa nhòa. Tôi không dám chớp mắt, như muốn phơi
khô những sợi nắng phía bên ngoài. Hối tiếc sẽ là từ ngữ xúc phạm đến tấm lòng,
đến ánh mắt, đến sự đợi chờ của người con gái! “Dì cho con ra phía sau, coi
hàng điên-điển của cô Nhàn trồng, nghen dì?”. “Thầy giáo theo tui. “. Theo chân
dì, phía sau vẫn là chái bếp ngày nào, nay vắng lặng.
Trước mắt tôi là
hàng điên điển rực vàng, nghiêng bóng xuống bờ mương. Nơi tôi đã đứng cùng Nhàn
và đám học trò chuyện trò, vui mừng với giõ cá của Ngọc Anh. Chừng như tiếng cười
nói rộn rã vẩn còn văng vẳng đâu đây. Những nhánh điên điển mảnh mai, cong cong
trĩu nặng từng cụm bông vàng tươi thắm một góc vườn.
-“Hổng hiểu sao,
đám điên điển con Nhàn trồng dọc mương, mà lại ra bông nhiều đến dzậy. Ai thấy
thấy cũng ham, cũng khen ngộ!”. Có lẽ tôi hiểu. Hiểu tại sao hàng điên điển
Nhàn trồng lại xanh tươi, bông trĩu vàng như vậy. Bởi nó được vun bón với tất cả
tấm lòng, tình cảm của Nhàn trong tháng ngày đợi mong, hy vọng. Có thể Nhàn sẽ
không biết được tôi đã trở lại, dù muộn màng vẫn giữ lời hẹn ước. Nhưng hàng
điên điển vàng sẽ làm chứng cho tôi, cho bao điều chưa nói cạn. Ôi, sao căn nhà
đơn sơ, bé nhỏ của thôn làng lại đẹp, lại thăm thẳm trong nổi lòng người đến biết
chừng nào.
Vài cơn gió mùa chợt
se sắt về, suốt dọc bờ mương gợn từng con nước nhỏ. Về đâu gió ơi, có còn trở lại
mùa sau với bóng dáng thời gian đã mất? “Mãi mãi là bao lâu”? Tôi vẫn chưa tìm
được câu trả lời. Và có lẽ, sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời cho Nhàn, như
hàng bông điên điển một đời soi bóng nước, chờ ai? Về đâu, về đâu em mùa điên-điển trổ vàng?
(những ngày tháng Năm chợt nhớ - 2018)
NNH
No comments:
Post a Comment