Sunday, April 25, 2021

Người Hùng Lê Anh Tuấn và mặt Trận Tuyên Nhơn

  ĐIỆP MỸ LINH

Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 – dưới sự chỉ huy của Hải Quân Thiếu tá Đoàn Quan Vũ – đóng cạnh Chi Khu Tuyên Nhơn, gồm có hai đơn vị sau đây:

– Giang Đoàn 43 Ngăn Chận, dưới sự chỉ huy của Hải Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn.

– Giang Đoàn 64 Tuần Thám, dưới sự chỉ huy của Hải Quân Thiếu tá T.M.H.

Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm những vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa) và Định Tường.

Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị cộng sản Việt Nam (csVN) lâm le muốn đưa quân vào Long An bằng đường thủy, Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng đẫm máu. Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô do Trung Đoàn E1 của csVN tấn công vào Tuyên Nhơn vào cuối năm 1974.

Đêm 6 tháng 12 năm 1974, csVN tấn công dữ dội/dai dẳng/điên cuồng, chiếm được chợ Tuyên Nhơn và nhiều đồn. Nhưng csVN cũng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải Quân và Chi Khu Tuyên Nhơn; vì Chi Khu đóng cạnh Bộ Chỉ Huy Hải Quân.

Thời điểm này, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1, Hải Quân Thiếu tá Đoàn Quan Vũ và Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 64 Tuần Thám đều về Đồng Tâm hội. Chỉ Huy Phó Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1, Hải Quân Thiếu tá Phạm Văn Tạo, phải túc trực tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 9 Bộ Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn – Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chận – là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.

Hải Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn sinh ngày 12 tháng 12 năm 1943; xuất thân trường trung học Chu Văn An. Ông học hết năm thứ ba Đại Học Luật Khoa thì gia nhập khóa 14 sĩ quan Hải Quân Nha Trang.

Là người em út của một vị Tướng đầy uy quyền – Trung tướng Lê Nguyên Khang – nhưng Thiếu tá Lê Anh Tuấn không xin phục vụ tại những đơn vị ít nguy hiểm mà Ông lại tình nguyện về các đơn vị tác chiến. Đơn vị cuối cùng do Ông chỉ huy là Giang Đoàn 43 Ngăn Chận, đóng tại Tuyên Nhơn.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn điều động và chỉ huy phản công. CsVN rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!

Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, csVN lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải Quân để tiến chiếm Chi Khu Tuyên Nhơn; nhưng vẫn bị Hải Quân chống trả mãnh liệt. CsVN lại rút lui, bỏ lại 11 xác!

Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1, csVN vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải Quân và Chi Khu Tuyên Nhơn.

Không Quân Việt Nam được điều động đến yểm trợ và Sư Đoàn 9 Bộ Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.

Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh Sát thuộc Sư Đoàn 9 bị csVN dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!

Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải Quân và Chi Khu Tuyên Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, csVN lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi Khu Tuyên Nhơn. Hải Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, csVN phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.
Sau chiến thắng tại Tuyên Nhơn, Hải Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn được đề nghị thăng trung tá tại mặt trận.

Ngày 23 tháng 4, Thiếu tá Lê Anh Tuấn về Sài Gòn họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai Lậy vào Mộc Hóa để vào Tuyên Nhơn, Thiếu tá Tuấn sử dụng GMC và bị csVN pháo kích liên tục. Thiếu tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa – Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 40 Ngăn Chận – xin tiếp viện. Nhưng ăng–ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.

Tối 24 tháng 4 Thiếu tá Lê Anh Tuấn về đến Tuyên Nhơn.

Ngày 26 tháng 4, csVN dốc toàn lực tấn công Tuyên Nhơn. Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 đi phép. Lực Lượng Hải Quân tại Tuyên Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 64 Tuần Thám. Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 64 Tuần Thám cho Thiếu tá Tuấn biết rằng Giang Đoàn 64 Tuần Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu tá Tuấn:

– Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi!

Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng. Cùng lúc đó, csVN đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!

Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính VNCH.

Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên Nhơn, Trung Đoàn E1 của csVN phong tỏa Tuyên Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi Khu và Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.

Tối 29 tháng 4, Tư Lệnh Phó Lực Lượng Trung Ương – Hải Quân Đại tá Vũ Xuân An – từ Đồng Tâm, liên lạc được với Thiếu tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên Nhơn.

Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì csVN tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại tá An:

– Có đi được không, Commandant?

Đến lúc đó Đại tá Vũ Xuân An mới cho Thiếu tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ Huy Phó Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 – Hải Quân Thiếu tá Phạm Văn Tạo – để được xác nhận.

Hiểu rõ tình hình, Thiếu tá Lê Anh Tuấn nhân danh Tư Lệnh Hải Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến Lức.

Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị csVN tấn công. Giang Đoàn 43 Ngăn Chận và Giang Đoàn 64 Tuần Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm Cỏ.

Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ Thừa, csVN bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại. Để tránh đổ máu, Thiếu tá Lê Anh Tuấn ra lệnh đoàn chiến đỉnh cứ tiến, không được bắn trả, trừ trường hợp csVN cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.

Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa csVN hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.

Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải Quân, csVN kêu gọi Thiếu tá Lê Anh Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện.

Quá phẫn uất, Thiếu tá Lê Anh Tuấn đưa nòng súng “ru–lô” lên...

Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm Cỏ Tây, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chận – Hải Quân Thiếu tá Lê Anh Tuấn – “đi” vào lịch sử!


ĐIỆP MỸ LINH

No comments: