Sunday, June 20, 2021

Niềm Vui Của Cha

 _____________________________

Niềm Vui Của Cha

Nguồn Việt Báo

 
HINH VIET VE NUOC MY
Gia đình tác giả Minh Thúy Thành Nội.(Hình tác giả cung cấp)


Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”,   Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.

 

***

 

Ông Lang được chích thuốc phòng dịch Coronavirus từ tháng ba năm nay. Sau bao ngày bó chân bó cẳng ở tiểu bang Alabama nơi gia đình con gái, hôm nay ông mới được về Cali thăm con trai. Trời Cali thật lạ, tuy đã tháng sáu nhưng ông vẫn thấy lạnh, ngày lạnh ít mặc áo ấm nhẹ, đêm lạnh nhiều mặc áo dày vẫn thấy run, hay tại tuổi trên 80 của ông cơ thể đã bị yếu đi nhiều?!

Hùng (con trai) và vợ là Vân sang nhà hàng cuối năm 2019, làm ăn chưa được 5 tháng thì bị tình trạng đóng cửa vì dịch bệnh, vợ chồng lo lắng xanh mặt, tình trạng kéo dài phải chịu trả tiền rent chờ đợi. Bao nhiêu tiền dành dụm trước đây đã đắp đổ hàng tháng, may có bà ngoại giúp đỡ và con gái lớn vừa học vừa làm có tiền dành dụm đưa ba mẹ. Hùng xót xa thương con, cha mẹ  nào muốn con mới ra đời đã phải nặng gánh lo toan nhu vậy, nhưng tình thế làm ăn lao đao chung, nên đành phải nhận lòng hiếu thảo của con. Mấy tháng qua quán ăn được mở trở lại phục vụ dưới hình thức “Food togo”, nhưng nơi Hùng Vân bán, đa số là sinh viên thuê nhà chung quanh trường   San Jose State University, nay các em học online tại nhà, vợ chồng cố cầm cự khách vãng lai, bỏ công cầu mong đủ trả tiền rent chờ đợi tương lai hy vọng sáng sủa hơn. Tình hình xăng dầu mắc mỏ, vật giá leo thang kinh khủng, Hùng Vân mua hàng thực phẩm giá cả tăng gấp ba, tháng trước vợ chồng hì hục dán thay đổi lên giá chút xíu khiêm nhường, thì nay mua hàng lại tiếp tục tăng, vợ chồng khổ sở không dám nghĩ đến chuyện tăng thêm sợ mất khách.

Ông Lang nhìn hoàn cảnh con cháu cũng buồn rầu lo lắng thêm, tuổi ông nay cũng gần đất xa trời, nhưng rước vào biết bao nhiêu sự lo lắng trước cuộc sống hiện tại từ kinh tế, dịch bệnh và mới đây là sự kỳ thị dân Á Đông. Hằng ngày xem tin tức hình ảnh dân Á đông bị hành hung, ông chỉ biết âm thầm thở dài, không dám đi dạo bộ ngoài đường như trước nữa, suốt ngày loanh quanh sau khu vườn. Sống với con này lại nhớ con kia, mỗi con làm việc và sinh sống mỗi tiểu bang, ông luôn cầu mong có nhiều sức khỏe để còn đi thăm các con.

Về đây, nhìn vợ chồng Hùng đầu tắt mặt tối, sáng rời nhà sớm, tối về muộn, các cháu đi học, ông cũng chẳng còn ai để chơi. Bạn lính, bạn tù, bạn thời đi học có nhiều, thường liên lạc bằng email. Ngày xưa thỉnh thoảng họp hội đoàn nơi này nơi kia, nay từ từ đã rụng lần hồi, bạn bè còn lại, đa số không còn lái xe được, gọi phone thăm nhau đều nghễnh tai nói chuyện, ông nói vịt, bạn nói gà, mở volume thật lớn, nghe và hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Thế giới người già bị thu hẹp niềm vui và tăng dần sự cô đơn lạc lõng.

Sáng nay cháu gái đầu của Hùng là Sophia Thu Hằng được nghỉ ở nhà, lần đầu tiên ông Lang thấy cháu có thì giờ kể từ khi qua đây. Tuổi trẻ bận rộn theo việc học hành, nhiều sinh hoạt bên ngoài, may mắn gặp bữa có cháu ngồi chung mâm cơm, thăm hỏi đôi điều rồi các cháu trở về phòng sớm lẹ, mà nếu có ngồi chung cũng cúi mặt vào phone. Nhiều lúc ông cũng muốn cười nhìn các cháu ngồi kề nhau nhưng nói chuyện bằng text qua phone, tiết kiệm lời nói tối đa, không ngờ cái phone nó có sức thu hút và điều khiển mạnh mẽ như vậy, chả bù với ông bây giờ muốn nói nhưng không ai nghe, và cũng chẳng nghe được ai nói dù đôi tai đã gắn hearing aid.

Trời nắng ấm, Ông đi dạo quanh vườn, cầm kéo cắt tỉa những bông hoa héo, lá sâu, nhặt rác, nhổ cỏ dại. Những chậu hoa tươi sáng lên dưới ánh nắng vào hạ, hoa Snapdragon hồng, vàng xinh tươi thường bán nhiều nơi của tiệm Trader Joe’s, hoa Hồng mấy cây đủ màu sắc nở nụ thật xinh, hoa chuối màu gạch đậm đà, hoa Cúc vàng tươi rực rỡ, còn nhiều hoa nữa ông không biết tên, ông dừng lại cắt tỉa thật kỹ loài hoa màu tím, hình thù như hoa Phượng, màu tím gợi nhớ nhiều kỷ niệm, ánh  mắt  ông xa xăm về vùng quá khứ...
                                    
***
 
Thủa ấy cuộc tình của ông được trải dàn hình ảnh thơ mộng nơi đất Thần Kinh. Hương (vợ ông) học trường Đồng Khánh, ông học trường Quốc Học. Từng chiều tan trường ông đạp xe về hướng Vỹ Dạ, tình cờ cũng thấy cô gái đạp cùng hướng, thường hay để chùm hoa dại màu tím trên giỏ xe, ông bị cú sét “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng”, với nét mặt đẹp thánh thiện, trong sáng. Từ đó mỗi giờ tan trường ông thường nấn ná đợi chờ trước cổng trường mình, mắt nhìn đoàn nữ sinh đi bộ, đoàn đạp xe rất rõ ràng chứ không như Hàn mặc Tử “ áo em trắng quá nhìn không ra “. Rồi từng ngày xe theo xe  nhặt bóng nắng đường dài,  Ông đạp chậm theo ai hát vừa đủ họ nghe
 
Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
Cô đi về đâu tan buổi học rồi
Cô xuôi Đạp Đá hay về Nam Giao
Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Luông...   (Thu Hồ)
 
May mắn cho Hương chưa tới Vỹ Dạ, cũng chưa qua Đập Đá thì nàng đã rẽ vào đường Nguyễn Công Trứ có chợ Cống lối sâu, nếu không sẽ còn nghe “gả điên” có giọng ca khàn đục bám theo sau. Đều đặn thời gian có lẽ cô thấy anh thanh niên mặc áo trắng, quần xanh với nét mặt thanh tú không đến nỗi tệ, nên có lần cô cũng mở miệng trả lời câu hỏi làm quen của ông, vừa đạp xe vừa giữ chiếc nón quai tím thật duyên dáng làm tim ông đập mạnh rung động. Hai người quen nhau từ đó, chỉ tiếc nàng không đạp xe qua khỏi Đập Đá để thấy con đường thơ mộng trải nhẹ xác hoa Sầu Đông, ông ước chi được thấy loài hoa nhuỵ tím cánh trắng nhỏ tí theo làn gió thoảng bay rụng bám trên áo nàng, tóc nàng chắc sẽ làm ông ngây ngất thêm nữa.
 
“Khi gió mới lên làn tóc tung tăng.
Xõa ngang bờ vai khi tuổi dậy thì
Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên
Mắt tròn như mộng say đời xinh xinh
Cô là tất cả trời đẹp xứ kinh”
 
Mối tình kéo dài bằng những cánh thư trao gởi được hơn một  năm thì ông đi lính vào Thủ Đức sau khi đậu Tú Tài 2, lúc đó Hương đang học lớp đệ nhị. Ông ra trường sợ mất Hương, về phần nàng đang ham yêu nên tốt nghiệp trung học xong lo sợ”một ngày xa nhau xóa bao hình bóng”, nên cũng muốn lấy chồng để giữ tình yêu. Cha mẹ Hương lo lắng đời lính phiêu bạt, còn Hương thì chưa có nghề nghiệp gì, nhưng lúc yêu nhau con người ta thường mạnh mẽ chẳng sợ điều gì, ông luôn trấn an Hương “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.

Cuộc đời binh nghiệp rày đây mai đó, nên Hương bồng con theo ông sống từ tỉnh này đến tỉnh khác cho đến ngày mất nước. Ông đi tù cải tạo. Hương ôm hai đứa con dại vô Sài Gòn ở ké nhà mạ đã vào trước đó. Tuổi đời còn dại chưa từng va chạm, Hương theo người ta buôn gì lỗ đó, vốn liếng chẳng có, đi họp tổ nghe dụ dỗ vợ tù cải tạo nếu đi kinh tế mới chồng sẽ được về sớm. Hương tìm lên hướng Long Thành dựng nhà làm rẫy chờ ngày ông về. Hai năm, ba năm, rồi tới tám, chín năm chưa về, chồng ở tù ‘mút mùa Lệ Thủy.” Hương trở lại Sài Gòn vì muốn con cái học hành, nhờ em chồng giúp đỡ cho ở ké góc nhà sau. Hương kiếm được chỗ ngồi đầu hẻm nấu xôi bán, ngày nào bán ế các con than thở “ăn xôi hoài sợ quá mẹ ơi”. Bòn nhặt chút tiền dư Hương lặn lội ra miền Thanh Hóa đèo heo hút gió thăm ông, tủi tủi mừng mừng chẳng nói được điều gì, ông chỉ biết nhìn Hương nước mắt ràn rụa. Những đêm trong tù thao thức, ông đã từng nghĩ với nhan sắc của Hương ra đời thế nào cũng có nhiều người theo đuổi, Ông chẳng trách hờn nếu Hương bước thêm bước nữa, trái lại còn thương hoàn cảnh người đàn bà yếu đuối mất dần tuổi xuân, chồng lại tù tội không có ngày về. Trước mắt ông là hình ảnh người thiếu phụ đen sạm ốm yếu tàn tạ, khiến ông càng đau lòng thắt ruột, nhưng biết làm gì hơn trong hoàn cảnh này. Sau chuyến  thăm chồng về Hương bị mất chỗ ngồi bán xôi, nàng chỉ biết cắn răng vác thúng đi dạo quanh vùng bán rao. Tình cờ có người bà con thấy hoàn cảnh quá nghèo khổ, nên giới thiệu hàng may gia công, Hương cặm cụi sáng tối ngày mười mấy tiếng, gắng nuôi con ăn học, mòn mõi đón chồng sau gần 14 năm “cải tạo”.

Ông ngừng tỉa cây, ngồi xuống bộ bàn ghế đặt dưới gốc Phượng tím, mắt ông lại càng xa vời như người mộng du tiếp tục quay về vùng ký ức...Bao nhiêu năm trong tù, đau khổ nhục nhã lao động bào mòn thể xác tinh thần, nhưng khi về nhà đối diện cảnh thực tế, ông càng đau đầu lo âu đủ thứ nhìn cuộc sống vợ con vất vả, ông đã sụt mất nhiều cân. Ông làm đủ nghề thợ mộc, thợ hồ, làm thuê làm mướn, chỉ muốn nhắm mắt lại mỗi lần thấy lá cờ đỏ sao vàng, tim đau nhói khôn tả, nuốt nước mắt chảy ngược vào lòng nhức nhối.

Vài năm sau ông đi diện HO qua Mỹ, đau lòng  rời xa Quê Hương Đất Tổ sống đời tỵ nạn mà vết thương trong tâm hồn thầm lỡ loét mỗi ngày mỗi sâu hơn. Vợ chồng ông bắt tay cày cuốc cố gắng lo gầy dựng cuộc sống mới, nhưng cuộc đời đếm trên đầu ngón tay niềm vui chẳng được bao nhiêu, vợ ông ngả bệnh bất ngờ, chỉ nửa tháng sau buông nghiệp trần ra đi. Ông mất thăng bằng tâm lý, có những đêm uống rượu say mèm trốn chạy sự thật đau đớn, thức giấc nửa đêm thấy bão tuyết ngoài trời, ngôi nhà trống vắng lạnh lùng, ông ước chi được đi theo vợ giải thoát. Các con đã lập gia đình ở riêng rất lo lắng, gọi phone đến thăm, ông sợ hãi dọn dẹp sạch những chai rượu, không để lại dấu vết gì vì sợ các con buồn. Thấy tình trạng cha suy sụp như vậy, các con muốn ông về sống chung. Ông không vực dậy nỗi bản thân, bỏ bê công việc nên bị laid-off. Con ông lệ thuộc công việc, nên di chuyển sang tiểu bang khác, từ đó ông ở hai nơi...
          
- Ông đang ngồi nghĩ gì vậy ?

Tiếng bé Hằng đang bước ra vườn hỏi làm ông choàng tĩnh trở về thực tại

- Ờ ông đang ngắm và cắt tỉa hoa cho gọn cháu à

Ông có thể kể con nghe chuyện VN, chuyện ông được không?  Con đọc vài tài liệu nhưng chưa hiểu hết. 
           
Ông gật đầu mừng rỡ, các cháu ngoại còn quá nhỏ, nhưng hôm nay cháu nội đã trưởng thành và muốn tìm hiểu về quê hương Việt Nam. Ông rửa tay và hai ông cháu ngồi đối diện. Nắng xuân pha lẫn giọt hạ hồng tươi sáng ấm áp, mùa hè đang chào đón, bầu  trời trong xanh dịu mát, ông hít thở không khí trong lành, kể giọng chậm rãi....

- Khi giặc miền Bắc xâm lấn miền Nam… ông bị đi tù, bà nội con đã dầm mưa dãi nắng ngồi bán xôi nuôi ba và cô của con, ông từng bị còng tay ngồi xà lim, đi lao động làm đủ việc nặng nhọc, nhiều lúc ông không ngờ được có ngày mình còn sống trở về. May mắn đất nước Hoa Kỳ dang tay cứu vớt, đưa HO sang đây làm lại cuộc đời. Dân VN rất sợ Cộng Sản cai trị bởi chế độ độc tài, nên liều mình tìm cách trốn thoát bằng đường bộ hoặc đường biển, đàn bà bị cướp hãm hiếp bắt cóc, người ta bỏ mạng rất nhiều ngoài biển cả vì tàu chìm.
        
Bé Hằng chớp mắt lia lịa như cố đè nén nỗi xúc động, cháu đứng lên quay vào trong, hồi sau cầm ra ly nước cho ông uống, mặt mày tỉnh táo hơn ngồi xuống chờ đợi ông kể tiếp. Ông phải tìm chữ giải thích cách này cách kia vì nhiều từ ngữ cháu không hiểu.
        
- Cháu biết dân tỵ nạn trên khắp các nước luôn bảo vệ lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, đó là lá cờ tự do mà đời ông đã gìn giữ đất nước trong hai mươi năm, biết bao người đổ xương máu hy sinh mất một phần thân thể, nay đã tàn phế bên quê nhà, cho nên cháu cố gắng học thật giỏi, góp công trả ơn nước Mỹ nói chung và giúp cộng đồng Việt Nam nói riêng nhé, đó là điều ông mong cháu luôn ghi nhớ...
      
Bé Hằng ngồi yên mắt đỏ hoe, bỗng dưng choàng ôm ông
        
- Con thương Ông lắm, giống như con thương ông Ngoại cũng đi tù mấy năm, con chỉ nghe qua lời mẹ kể vì Ngoại mất khi con nhỏ quá, may mắn nay được nghe Nội kể, “I love you so much”.

Câu chuyện ngưng ngang đó vì cháu còn chuẩn bị đi dạy học ở KM (Kumon Learning Center).
        
Tháng sáu bé Hằng tốt nghiệp hai năm trường Chabot College để chuẩn bị vào U.C Berkeley.  Quá đỗi kinh ngạc của ông và cha mẹ, cháu mặc áo, mũ làm lễ kèm theo khăn quàng cổ bằng cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ thân yêu của người tỵ nạn Cộng sản đã trân quý gìn giữ khắp nơi. Có niềm vui nào bằng với ông bây giờ, cháu đã tìm hiểu lý do về chuyện tỵ nạn của người Việt trên xứ người. Riêng đối với Hùng và vợ, niềm hạnh phúc dâng tràn nhìn con ngoan hiền, tiền kiếm được đưa hết cha mẹ lúc vợ chồng Hùng gặp khó khăn về business. Hơn một tháng nay công việc buôn bán có vẻ hồi sinh trở lại, Hùng hy vọng tình hình sẽ khá hơn, vợ chồng anh sẽ cố gắng làm lụng, phụ giúp vào ước mơ của con gái chọn ngành theo ý muốn.

Sắp đến ngày lễ Father's Day, bé Hằng hỏi cha và ông thích quà gì để cháu mua, vì cháu muốn món quà được dùng không bị bỏ xó.

Ông Lang mỉm cười vỗ đầu bé Hằng

- Cháu biết choàng lá cờ vàng, lá cờ chính nghĩa người dân tỵ nạn VN luôn tranh đấu để được xuất hiện trong các buổi lễ một cách trân trọng, cháu đã hiểu phần nào về quê hương đất nước, thì là món quà quý giá tặng cho ông rồi, ông chẳng cần thêm gì nữa hết.
Hùng cũng âu yếm nhìn con

- Con đã là món quà lớn mẹ Vân tặng cho cha rồi, con biết chăm chỉ học hành, hiếu thảo với cha mẹ, ngoan hiền như vậy cha đặt hết kỳ vọng về con, cha vui lắm không cần quà cáp gì đâu con.

Buổi tối gia đình dùng cơm với những món hơi đặc biệt, gọi là ăn mừng bé Hằng ra trường. Không khí đầm ấm, hình ảnh gia đình hạnh phúc giữa ba thế hệ ông, cha, và cháu, bữa cơm thêm ngon miệng.  Ông Lang và Hùng cụng ly bia, nháy mắt ra dấu chia sẻ niềm vui chung của những ông cha.
Bất chợt Hùng sực nhớ ra điều quan trọng đã quên nói

- Con báo ba tin mừng nữa là năm ngoái vì bệnh dịch Covid_19 nên Liên Hội Quân Nhân gác kiếm không tổ chức ngày Lễ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, nhưng năm nay tổ chức đúng ngày 19 tháng 6 tại đường West Hedding St. San Jose, con đã nắm thông báo và địa chỉ đây, hôm đó con sẽ chở ba đi dự lễ, như vậy là quà Father’s Day đó nhé, khỏi cần mua gì tặng phải không ba?
           
- Cha mày...chỉ được cái lém lỉnh.

Lâu lắm rồi nụ cười của ông mới mở rộng hết ga như vậy, ông nghĩ “chuyến về Cali này thật hên, ông sẽ được hồi sinh lại quá khứ trong ngày lễ QLVNCH...”
 
Minh Thúy (Thành Nội)
2021 
 

No comments: