Thursday, June 3, 2021

SaiGòn, hoa phượng , đại dịch

 

Cuối Tháng Tư, phượng đã rực đỏ từng chùm xao xác. (Hình minh họa: Thao Le Hoang/Unsplash)

Cuối Tháng Tư, lạ lùng, chưa phải là mùa Hè mà Sài Gòn nóng như đổ lửa. Những cây phượng đã rực đỏ từng chùm xao xác, và ve sầu cũng bắt đầu kêu vang.

Những tháng ngày Sài Gòn lặng im sắp sửa kết thúc và nhịp sống ồn ào thân thuộc đang chuẩn bị rục rịch trở lại, dẫu chưa hẳn hoàn toàn, nhưng cũng đủ cho nhiều gương mặt khấp khởi vui sau bao ngày tháng sống trong âu lo, sợ hãi.

Mình đã tự hỏi, vì sao năm nay phượng lại nở sớm đến vậy? Phải chăng phượng cũng như người, nôn nao về những ngày tháng bình thường của một thành phố đầy khói và bụi, của tiếng còi inh ỏi mà mọi khi ai nấy đều nhíu mày khó chịu?

Có những điều thiết thân bạn từng ghét bỏ nhưng khi nó rời khỏi đủ lâu, bạn lại nhận ra mình yêu nó đến nhường nào. Cũng giống như có những người bạn không nghĩ họ có vai trò quan trọng gì trong cuộc đời mình, thậm chí phiền phức, nhưng khi họ bước ra khỏi đời bạn, bạn sẽ cảm thấy hẫng hụt và nuối tiếc.

Đại dịch dạy cho ta nhiều bài học lớn; về lòng kiên nhẫn, cũng như phân hóa thêm rõ rệt giữa người giàu và người nghèo; nhưng cũng đồng thời cho thấy một bức tranh nhân ái của giữa người và người kể cả lúc khó khăn nhất: từ “cây ATM” gạo miễn phí, nhà hàng miễn phí hay siêu thị 0 đồng, đủ khiến lòng ấm lại và tin tưởng rằng, nếu mai lỡ như mình trở nên khốn khó thì vẫn không bao giờ cùng đường, không có gạo để ăn…

Mình biết những ngày phục hồi kinh tế với bản thân mình sắp tới sẽ rất vất vả, gian nan, nhưng mình tin là mình sẽ làm được. Còn nếu chẳng may thất bại, hứa là vẫn sẽ mỉm cười vì ít nhất đã nỗ lực tới phút cuối cùng và luôn giữ được tinh thần lạc quan (dù lắm lúc cũng lung lay và muốn gục ngã); như hoa phượng vẫn rực nở giữa muôn vàn khó khăn của một mùa đại dịch COVID-19 thảm họa của loài người.

Ngày mai nhé, chúng ta sẽ gặp lại nhau, Sài Gòn ơi! I miss you so much!

Xác phượng và xác cây…

Mấy hôm nay, Sài Gòn đầy xác phượng. Xác hoa rơi và cả xác thân cây bị chặt đốn để tránh ngã chết người. Có người bảo, chặt thế là đúng, vì biết đâu lỡ có thân cây nào đó nghiêng mình ngã vào ai đó khác nữa, nhất là đã bắt đầu vào mùa mưa. Có người lại bảo chỉ cần gia cố cây là được, và kiểm tra kỹ xem thân cây có bị mối mọt hay rỗng ruột không, chứ “thảm sát” thế, buồn lắm. Còn đâu “hàng ghế đá xanh tàn cây góc sân trường.”

Mặc dù cũng thương cây nhưng mình thường ít khi tham gia vào những cuộc tranh luận này, vì mình hiểu, chẳng có gì là toàn vẹn tuyệt đối, chỉ là nên chọn cách đỡ gây thiệt hại nhất mà thôi. Kiểu như yêu anh hay yêu anh ta, hay chẳng yêu ai, đằng nào thì ít nhất cũng sẽ có một người buồn.

Mình nhớ đợt con đường mình yêu nhất Sài Gòn là Tôn Đức Thắng bị hủy diệt hàng cây, mình đi qua mà cứ ngơ ngẩn vì mới ngày nào còn ra đó ngồi cà phê nghe chim hót, ngắm lũ sóc chuyền cành mà quay đi ngoảnh lại đã sạch bóng cây xanh.

Rồi người Sài Gòn phải tập quen dần với nó, quen với việc cái nắng bể đầu và con đường như người con gái trần trụi phơi mình dưới cái nắng 40 độ, vì những điều vĩ đại hơn, là công trình công cộng cho cư dân thành phố. Rồi sẽ có nhiều cây mới được trồng lại, rồi thời gian và công việc sẽ đủ nhiều để khiến bạn và mình quên chuyện cái cây con con…

Cuộc sống là vậy, mùa Hè của Sài Gòn năm 2021, một người cũ, một chuyện đã lâu… rồi tất cả sẽ chỉ còn là những ký ức vụn vặt, tựa những thước phim chớp nhoáng hiện ra, trong những cái nhắm mắt, để nhớ về.

Mười hai năm trước, cũng vào Tháng Năm, mình lơn tơn đi kiếm mặt bằng, rồi làm quán ở Sài Gòn. (Hình minh họa: Khang Võ)

Lạc quan Tháng Năm đại dịch

Tháng Năm, trời Sài Gòn đã bắt đầu mưa nhiều.

Hôm qua, khi đang ngồi cà phê, bỗng trời như trút nước, ngập cả đoạn đường khiến mình mới nhớ ra là mình làm nghề kinh doanh nhạc sống này mười hai năm rồi. Mười hai năm trước, cũng vào Tháng Năm, Sài Gòn cũng mưa nhiều như thế này, mình lơn tơn đi kiếm mặt bằng, rồi làm quán, mà giờ ngoảnh đi ngoảnh lại thấy đã bắt đầu già mất rồi.

Tháng Năm cũng là sinh nhật người cũ, hồi đó năm nào mình cũng nhớ, mà năm nay thì quên luôn. Đúng là khi người ta có nhiều thứ để nhớ khác thì cũng sẽ có lúc cái cũ bị lãng quên, tự nhiên nó thế thôi!

Mấy ngày nay đầu tắt mặt tối với nhiều công việc không tên, nỗ lực quay trở lại sau mùa dịch; cũng không biết năng lượng đâu mà làm nổi, trộm vía trời thương nên bốn quán tuy không được như trước dịch nhưng cũng không đến mức quá tệ. Nhiều điều không may mắn có đến lúc này cũng chỉ là thêm một chút phụ gia cho cuộc sống thêm phần thú vị. Nghĩ lạc quan thế cho vui.

Thôi thì cứ cố gắng hết sức, mọi thứ trời xanh khắc sẽ có cách an bài, nhỉ!

Thời thanh xuân

Sài Gòn đã vào mùa Hạ. Buổi trưa, đi ngang vài con đường vắng, tiếng ve kêu inh cả tai như một khúc nhạc lộn xộn. Mấy cơn mưa đầu mùa đã kịp ghé qua, phượng chớm nở, còn điệp vàng đã rực khắp đường.

Một thời cấp ba, mỗi khi Hè về, mình hay vào sân trường chơi, như một thói quen; ghét ơi là ghét tiếng ve vì râm ran đau hết cả đầu; cũng không cảm nhận rõ ràng về tình yêu trường lớp gì lắm.

Mãi đến tận nhiều năm sau này, sống ở Sài Gòn, cứ mỗi lần thấy màu hoa phượng, cây điệp vàng, lũ chò nâu (là mấy loại cây trồng ở trường mình) cùng tiếng ve inh inh là lại thấy nao lòng; nhớ thiệt nhớ thương thiệt thương cái thời ngu ngơ như hột cơm nguội, sống hồn nhiên, yêu cũng hồn nhiên chẳng lo nghĩ gì nhiều ngoài chuyện hôm nay bài kiểm tra có được cao điểm không.

Người ta hay bảo sống đừng nên phải nói giá như, ước gì cho thời gian trở lại, nhưng nói thiệt, chắc đời mình, đó là mấy từ mình nói nhiều nhất đó. Chắc do mình yêu cái thời tuổi trẻ ngốc nghếch của mình quá nên có quá nhiều lần, như hôm nay, ước sao vẫn còn mặc áo trắng, quần tây cắp sách tới trường rồi xanh mặt mỗi lần bị gọi lên trả bài.

Ai cũng có một thời thanh xuân!

Một thời cấp ba, mỗi khi Hè về, mình hay vào sân trường chơi. (Hình minh họa: Min An/Pexels)

Phố xa

Mình nghe bài hát “Phố Xa” này năm lớp 1. Lúc đó thiệt sự, thấy bài này dễ nghe dễ thuộc chứ không cảm nhận rõ ràng lắm. Sau này, lớn hơn, đi xa nhiều, mỗi lần nghe lại bài này, lại có nhiều cảm xúc khác nhau.

Có lần, mình nghe bài này khi đang ngồi ở Đà Lạt, mình đã tự nhủ trời ơi, mình nhớ Đà Lạt của mình quá. Mình nhớ một Đà Lạt thời vẫn còn cấm xây nhà cao tầng, bước xuống xe Thành Bưởi sau 6 tiếng đồng hồ là quéo chân vì lạnh. Mình nhớ Đà Lạt của những ngày phóng mắt chỉ thấy thông là thông, quẳng xe không sợ mất. Phố xa là xa vậy đó. Là khi mình ở trong lòng phố mà vẫn nhớ phố.

Lại có lần, mình nghe “Phố Xa” ở một quán quen Sài Gòn. Hôm ấy trời mưa lất phất. Mình mới nhận ra, phố thì vẫn ở đó thôi, vẫn con đường cũ, hàng cây xưa, chiếc quán năm nào, chỉ có người là đi mất rồi. Mình khác, mọi thứ đều khác… phố xa là phố không có người thương bên cạnh.

Có người hay muốn quên đi tình cũ, có người lại chọn cách ôm hết vào lòng mọi thứ, chẳng phải muốn quay lại ngày xưa hay sống trong dĩ vãng mà đơn giản, những gì từng thuộc về mình, dù xấu hay tốt, buồn hay vui cũng nên gìn giữ, trân trọng và đáng để nhớ.

Sài Gòn đã vào Tháng Năm, tháng của cái nóng mùa Hè oi ả và những cơn gió mát rượi mang theo mùi của lá cây, khói bụi, và cả mùi của nỗi nhớ. 

(Hà Thanh Phúc) 

No comments: