Thursday, February 17, 2011

Tấm thiệp Tết bất ngờ -Nhã Quân

________________




      Bà Tư đặt chiếc hộp gỗ lên bàn. Chiếc hộp gỗ mà bà lưu giữ bao nhiêu thứ kỷ niệm thuộc về bà.  Ngót chừng hơn năm năm nay, từ khi ông nhà mất, bà không dám nhìn lại cái hộp gỗ đó nữa.  Hôm nay, lấy ra từ cái góc của một ngăn kéo đựng hình ảnh và một số sách báo cũ, bà thấy lòng bùi ngùi.  Bà chậm rãi mở chiếc hộp, mang ra một xấp những tấm ảnh.  Trong đó có những tấm ảnh còn mới tinh trong trí nhớ của bà.  Mới mấy năm trước đây, trước khi ông ngã bịnh.  Con cái tề tụ về trong dip Tết, hay lễ lạc gì đó.  Mấy tấm hình chụp các con, dâu, rể và lũ cháu quây quanh ông bà.  Bà nhìn thấy ông cười trong tấm hình mà nhớ nụ cười hiền hậu của ông.  Có những tấm ảnh cũ, đen trắng, giờ cũng đã ngả vàng. Nhưng chúng là những tấm ảnh bà quí lắm, vì đó là tài sản của bà cụ bị mang từ Việt nam qua; vì đó là cả quá khứ, cả kỷ niệm từ thời bà còn son trẻ cho đến bây giờ. Mỗi tấm ảnh như vẽ lại cho bà cả một quảng đời đã qua, đầy ấp những kỷ niệm vui buồn.  Tận cùng dưới đáy hộp là một phong vì cở lớn.  Bà cầm phong bì lên, lòng bồi hồi. Bà biết trong phong bì đó có chứa đựng một thứ kỷ niệm gợi nhắc một thời xuân sắc của bà.  Bà chậm rãi rút ra một tấm thiệp; cầm tấm thiệp trên tay run run.  Tấm thiệp mà ông nhà đã đọc cho bà nghe ngót chừng bảy, tám năm về trước.  Bà sữa lại cặp kiếng, từ tốn mở tấm thiệp.  Bà nhìn tên nguời gởi và những hàng chử bắt đầu lung linh và mờ dần…

**
Bà Tư là cô Tư Diệu của 75 năm về trước.  Cô Tư Diệu, một cô gái hiền thục và thông minh, con thứ tư trong gia đình 5 chị em gái, con của ông bà chủ điền làng Hòa An, huyện Long Mỹ.  Gia đình bên vợ của người bác cô, giàu có và rất chuộng Tây học, lại có thế lực trong huyện, cho nên những gia đình của các ông Chủ, Cả của huyện Long Mỹ đều muốn con cái mình theo gương.  Mười ba tuổi, ba cô Tư quyết định cho con lên Sài gòn học, mặc dù mẹ cô ngần ngại để con mình đi xa, nhưng vì muốn cho nở mày nở mặt với thiên hạ, cho nên bà bấm bụng chiều con..  Không như các chị em của cô, cô Tư quyết tâm vâng lời cha, theo đuổi việc học hành. Điều làm cô vững bụng là cô nghe tin con gái Út của ông Cả Quý, bên làng Vĩnh Tường, cũng sẽ cùng lên Sài gòn học chung với cô.  Ngoài cô con gái út, ông Cả Quý còn có hai người con trai lớn học nội trú ở trường Lasan Taberd Sài gòn, cho nên để cho mẹ cô Tư yên bụng, người bác của cô hứa sẽ thu xếp gởi gấm cô Tư cho hai anh em con ông Cả Quý làng bên.

Rồi mọi chuyện được sắp xếp ổn thỏa, nhờ vào sự quen biết của gia đình ông Cả Quý. cô Tư Diệu được vào nội trú ở trường Mary Curie cùng với cô Út Phụng.  Vào thời đó Marie Curie là một ngôi trường dành cho các nữ sinh trung học người Pháp, và một số ít người Việt Nam xuất thân từ các gia đình giàu có và có thế lực ở Sài Gòn.  Trong khuôn viên của trường có một khu nội trú dành cho học sinh ở tỉnh lên học.  Thời gian đầu cả cô Tư Diệu và cô Út Phụng phải rất vất vả mới theo kịp chương trình học, vì tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp.  Nhờ có cô út Phụng làm bầu bạn nên cô Tư vững tâm và hai chị em thi đua học hành, cho nên gần được nữa năm, hai cô đã theo kịp chương trình học.

Vào những ngày cuối tuần, cậu hai Hoàng, con trai lớn của ông Cả Quý, cùng với người em trai đang ở nội trú trường Lasan Taberd, sang trường Marie Curie, nói là để thăm em, nhưng thực lòng cậu cũng muốn gặp mặt cô Tư Diệu.  Cậu Hai Hoàng luôn đề nghị xin phép Sơ giám thị để được đưa hai cô em ra ngoài để mua sắm một số đồ cần dùng.  Một hai lần đầu cô Tư Diệu còn ngần ngại nên từ chối khéo, lấy cớ phải học bài.  Nhưng những lần như vậy, thế nào khi về cô Út Phụng cũng mang về một món quà nhỏ, nói là của anh Hai gởi. Cô Tư Diệu để ý thấy cậu Hai Hoàng cũng ân cần chăm sóc cô như em mình, nên cô yên bụng và lâu dần cô cảm thấy thích thú được dịp rời nội trú, để đi mua sắm, hoặc đi xem xi-nê, hoặc đi chơi sở thú với anh em cậu Hai Hoàng, cho nên hể đến cuối tuần là cô thấy nôn nao, chờ đợi…

Mùa Hè năm đầu tiên xa nhà, cô Tư háo hức được về quê thăm cha mẹ, chị em.  Một ngày, trước hôm về quê, cậu Hai Hoàng và người em trai sang bên nội trú đón người em và cô Tư Diệu ra một khách sạn để chờ xe nhà ở quê lên đón về.  Khách sạn có một giường, cho nên hai cô gái được ưu tiên ngủ trên giường, còn cậu Hai Hoàng và người em trai trải mền nằm trên sàn gỗ.  Chuyến về quê thiệt là vui.  Từ tờ mờ sáng, chú tài xế đã đánh thức mọi người và mang hành lý ra chiếc Traction đen, đậu bên ngoài khách sạn. Em trai cậu Hai Hoàng ngồi bên cạnh tài xế, cậu Hai Hoàng ngồi hàng ghế sau với cô Út Phụng và cô Tư Diệu.  Cô cảm thấy thật thoải mái.  Xe qua những con đường phố lúc tờ mờ sáng; rời khỏi thành phố lúc mặt trời ửng hồng từ chân trời xa.  Cậu Hai Hoàng, cô Út Phụng liên tục trò chuyện với cô Tư, cho nên cô thấy thời gian qua nhanh quá!  Chen lẫn với những giấc ngủ chập chờn, là những mẫu chuyện của cậu Hai Hoàng kể cho cô Tư Diệu và cô Út Phụng.  Cậu Hai Hoàng ăn nói rất có duyên và bặt thiệp, cho nên mọi người cảm thấy thích thú đến quên cả đường xa. Xế chiều, xe về đến huyện Long Mỹ. Cậu Hai Hoàng ân cần cho tài xế đưa cô Tư Diệu về đến tận nhà, bịn rịn chia tay và hẹn sẽ ghé qua thăm trong vài ngày tới.




Mới có ba hôm, từ ngày ở Sài gòn về, cậu Hai Hoàng và cô Út Phụng đã sang thăm cô Tư.  Cậu Hai Hoàng lấy cớ ghé thăm nguời bạn, con ông Cả Nhơn, lại là bà con chú bác của Cô Tư, ở nhà bên cạnh.  Cô Tư ra chào khách xong là đưa cô Út Phụng vào phòng trong. Cậu Hai Hoàng ngồi lại tiếp chuyện với ba cô Tư, thỉnh thoảng ngó vào trong màn cửa.  Mấy người chị em của cô Tư cũng tò mò, kín đáo nhìn qua màn cửa để xem mặt cậu Hai Hoàng.  Sau buổi cơm trưa, ba má cô Tư cầm khách ở lại và dặn cô Tư đưa khách ra sau vườn nhà chơi.  Cô Út Phụng vui vẻ nhận lời ngay, trong khi cậu Hai Hoàng mừng rỡ ra mặt.

Mùa Hè năm đó cậu Hai Hoàng đã lấy cớ sang thăm bạn, con ông Cả Nhơn, rồi tháp tùng cô Út Phụng ghé thăm cô Tư thêm mấy lần nữa.  Nài nĩ mãi cô Tư mới can đảm xin phép ba má sang nhà cô Út Phụng chơi. Vì là bạn học của con gái cưng của ông bà Cả, lại là con nhà xem ra cũng “môn đăng hộ đối”, lại được cậu Hai Hoàng đặc biệt quan tâm cho nên cả nhà ông Cả Quí đón tiếp cô Tư thật niềm nỡ.  Cô Tư nhớ lời mẹ dặn, cho nên cô cứ bám theo cô Út Phụng, lẩn quẩn trong
phòng, trong khi cậu Hai Hoàng sốt ruột chờ đợi ở bên ngoài. Sau bửa ăn trưa, cậu đề nghị ra sau vườn chơi, để cậu khoe cây khế ngọt của gia đình.  Cây khế do một người tá điền tặng cho gia đình, thưỡ cậu khoảng cậu 9 hay 10 tuổi, mà bây giờ vẫn còn tốt tuơi, cành lá sum xuê che rợp một khoảng sân gạch tàu.  Cây khế của nhà cậu có một thời nổi tiếng khắp huyện nhờ vào vị ngọt của nó.  Bây giờ thì ai trong nhà cậu Hai cũng không còn thấy cái vẻ quan trọng của cây khế nữa; nhưng đối với những nguời khách, như cô Tư, ai nhìn cây say hoằn vói những trái khế xanh chen lẫn với những trái chín ửng vàng cũng đều khen.  Cậu Hai Hoàng nhanh nhẹn leo lên cái thang tre, dựng sẵn duới gốc cây, chọn những trái thật ngon hái xuống.  Trong khi chờ cô em vào trong bão nguời làm đem nước uống, cậu Hai lựa một trái to và đẹp nhất, đưa cho cô Tư, căn dặn, “Anh dành cho em trái nầy, hãy cất vào giỏ đi kẻo Út Phụng thấy, nó phân bì.”  Cô Tư nhỏ nhẹ cám ơn trong khi gương mặt cô tỏ lộ một niềm vui bối rối.

Mặc dù cha mẹ hai bên không ai chính thức nói lời nào về sự liên hệ của cậu Hai Hoàng và cô Tư Diệu, nhưng mọi người đều ngầm hiểu và bằng lòng với vẻ đẹp đôi của hai người. Ngoài ra sự thân tình và gần gủi của cô Tư và cô Út Phụng cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cậu Hai Hoàng.  Riêng với cô Tư, cô vẫn còn giữ ý với cậu Hai, và lúc nào cũng tự xem mình như em gái của cậu. Bắt đầu mùa học năm sau đó, cô Tư được phép tháp tùng với anh em cậu Hai lên Sài gòn.  Rồi những lần thăm viếng ở khu nội trú trường Marie Curie, những dịp đi chơi cuối tuần và đặc biệt là những ân cần chăm sóc của cậu Hai Hoàng, khiến cho cô Tư bắt đầu suy nghĩ.  Có lần đi xem phim, cô Út Phụng cố tình sắp xếp cho cậu Hai Hoàng ngồi cạnh cô Tư.  Đến khi phim bắt đầu, cậu Hai giả vờ chạm nhẹ vào tay cô Tư, cô bối rối rút tay lại. Cô nghe tim mình đập lung tung.  Cậu Hai vẫn kiên trì; cho đến gẩn cuối phim, cậu bạo dạn đặt bàn tay mính lên tay cô, lần nầy cậu Hai không thấy cô phản ứng.

Gần cuối năm học thứ hai, cô Út Phụng đột nhiên ngã bịnh.  Ban đầu ngỡ là cô bị cảm nhẹ, các Sơ trong nội trú cho cô uống thuốc cảm cúm, nhưng cô nằm liệt giường cả tuần lễ trong nội trú, và cô ho ngày càng càng nhiều thêm. Cậu Hai Hoàng nghe tin em bịnh, vào thăm. Thấy bịnh bình cô Út không thuyên giảm, cậu nhờ người nhắn tin ba má cậu.  Khi lên đến nơi, ông bà Cả Quý chở con thẳng vào bịnh viện Saint Paul để điều trị. Bác sĩ Tây cho biết là cô bị bịnh lao phổi cấp tính.  Vào thời đó, lao phổi cấp tính là một bịnh rất hiếm hoi và gần như bất trị. Ông bà Cả lo lắng đến mất ăn mất ngủ và quyết lòng chửa trị cho con dù có hao tốn bao nhiêu.  Bà kêu tài xế chở bà đến các ngôi chùa quanh đó, để bà thắp nhang cầu nguyện.  Hằng ngày, sau giờ học cậu Hai Hoàng và người em trai thay phiên vào bịnh viện phụ với ba má, chăm sóc cho em.  Cô Tư đang trong mùa thi cuối năm, cho nên cô chỉ vào bịnh viện thăm bạn vào cuối tuần.  Nhìn cô Út Phụng nằm thiêm thiếp trên giường bịnh, cô Tư thấy xót xa. Cô thầm cầu nguyện cho cô Út sớm lành bịnh. 

Hơn một tuần trong bịnh viện Saint Paul, mặc dù các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bịnh trạng của cô Út càng ngày càng nặng hơn.  Chiều chủ nhật, sau khi cô y tá lau dọn cho cô, cô Út mở mắt nhìn bà Cả, cô mấp máy môi như muốn nói điều gì.  Bà vui mừng gọi ông Cả, cậu Hai Hoàng và cô Tư vào phòng. Cô y tá mở tạm chiếc mặt nạ dưởng khí cho cô.  Bà Cả cố áp tai gần mặt cô, qua giọng thì thào, cô cho biết cô mệt lắm. Cô đảo mắt một vòng nhìn mọi người.  Hai khóe mắt thâm quầng của cô ứa ra những giọt nước mắt.  Ông Cả xót xa, bão cô nằm nghĩ đừng cố gắng nói chuyện mà mệt thêm. Cậu Hai Hoàng yêu cầu cô y tá gắn lại mặt nạ dưởng khí cho cô, nhưng cô Út khoát tay từ chối. Thình lình một cơn ho ập đến.  Giọng ho khàn đục yếu ớt. Cô Út ưởn người lên trong một cố gắng dường như để lấy thêm dưởng khí cho buồng phổi rửa nát của mình.  Cô y tá chụp vội chiếc mặt nạ dưởng khí và chạy đi tìm bác sĩ.  Cậu Hai Hoàng nâng đầu em tựa vào vai mình.  Chiếc mặt nạ dưởng khí mờ dần, mờ dần. Cô Út Phụng nất lên.  Hai hàng nước mắt chạy dày trên đôi má gầy gò.  Bà Cả hốt hoảng, nước mắt ràn rụa gọi, “Con ơi, Phụng ơi!”  Bà trông đợi cơn ho sẽ trở lại như một dấu hiệu là cô Út vẫn còn sống, nhưng tiếng ho im bặt!

Cái chết của cô Út Phụng đã thay đổi tất cả trong cách suy nghĩ và nếp sống của cô Tư Diệu.  Buổi tối khi từ bịnh viện Saint Paul về đến phòng, thấy cái gì thuộc về cô Út cô cũng khóc, cô khóc đến mỏi mòn rồi thiếp đi. Thức giấc sáng hôm sau, nhìn chiếc giường trống của cô Út Phụng, cô Tư không cầm được nước mắt.  Một cảm giác trống vắng và lẻ loi chiếm ngập hồn cô.  Kỷ niệm của những ngày đầu tiên của hai nguời bạn cùng quê lên học ở Sài gòn như sống lại.  Vào nội trú ở trường Marie Curie, hai cô nghĩ mình đang lạc vào một thế giới xa lạ. Phải sống theo một khuôn khổ và kỷ luật của các Sơ giám thị.  Họ đã nâng đở nhau để cùng vượt qua một học trình khó khăn, toàn bằng Pháp ngữ.  Họ cùng chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn bằng hơn cả tình bạn, và hơn cả tình chị em ruột thịt.  Bây giờ cô chỉ còn lại một mình.  Cô gượng thức dậy để vào lớp tiếp tục những ngày thi cuối năm.  Anh em cậu Hai Hoàng đã theo ba má đưa em về quê lo ma chay.  Cô Tư đã nhờ nhắn ba má cô cho người lên đón cô về. Cô chợt nhớ chuyến về quê năm rồi mà ứa nước mắt. 

Má và chị cô Tư Diệu cùng tài xế mang xe lên đón cô về, ngay đúng ngày thi cuối của cô.  Họ ở tạm qua đêm tại môt khách sạn, rồi về quê ngay sáng hôm sau.  Mặc dù có mẹ, có chị an ủi, cô Tư khóc gần suốt đêm.  Kỷ niệm lần ở khách sạn năm trước cừ lảng vảng trong trí nhớ của cô.   Khi cô Tư về đến nhà, thì đám tang của cô Út cũng đã xong ngày hôm trước.  Ngay ngày hôm sau, cô Tư xin phép cha mẹ để sang thăm và chia buồn cùng ông bà Cả Quý. Má cô Tư muốn cùng đi với cô.  Nghe nguời làm báo tin mẹ con của cô Tư đến thăm, ông bà cả Quý và cậu Hai Hoàng ra tận cổng đón tiếp.  Vừa thoáng thấy cô Tư, bà Cả đã rơm rớm nước mắt.  Khi cô Tư đến gần, chào hỏi ông bà, thì bà Cả không còn kềm giử được cảm xúc của mình nữa, bà ôm cô Tư khóc nức nở, “Diệu ơi, con Phụng không còn nữa rồi Diệu ơi!”.  Cô Tư im lặng, bất động trong vòng tay của bà Cả, nhưng hai hàng nước mắt tuông xuôi không cách gì kềm giữ được.  Cái không khí ảm đạm bao trùm trong gia đình ông bà Cả Quý.  Cô Út Phụng chết trẻ không những chỉ là một ám ảnh cho gia đình ông bà Cả mà còn là một nỗi đau sâu xa trong lòng cô Tư Diệu. Trong lần thăm viếng đó cậu Hai Hoàng không nói được gì với cô Tư.  Mỗi khi cậu mở lời là cô rơm rớm nước mắt rồi lảng tránh, sợ phải khóc trước mặt câu Hai. Kỷ niệm gần hai năm học ở nội trú với cô Út Phụng như không thể nào phôi pha trong lòng cô.

Không còn cô Út Phụng, cậu Hai Hoàng nhiều lần cảm thấy lúng túng trong việc tìm lý do để sang thăm cô Tư.  Bây giờ chỉ còn một cái cớ duy nhất là ghé thăm bạn, con ông Cả Nhơn, rồi nhờ người bà con nầy, đưa sang thăm cô Tư. Nhưng may làm sao, trong lần thăm viếng thứ hai, khi chào ra về, má cô Tư mở lời cho cậu, “Khi nào rỗi rảnh, con cứ tự nhiên sang chơi”.  Cậu Hai Hoàng mừng hơn bắt được vàng.  Gần đến mùa học năm sau, cô Tư nói với má cô là cô không muốn đi học nữa.  Má cô ngạc nhiên, đem chuyện đó nói lại với ba cô.  Má cô xem chừng hiễu được tâm trạng của cô.  Bà nghĩ sự khủng hoảng về tinh thần sau cái chết của cô Út Phụng sẽ là một ám ảnh dài lâu cho cô.  Ba cô ban đầu quả quyết là cô phải tiếp tục học cho đến khi lấy bằng Thành Chung thì mới được nghỉ, nhưng mẹ cô nài nĩ mãi, ông cũng đành chiều theo.  Cậu Hai Hoàng hốt hoảng khi nghe tin cô Tư quyết định nghỉ học.  Cậu đích thân sang thuyết phục cô Tư, nhưng không có hiệu quả.  Sau đó cậu nhờ đủ mọi nguời, từ gia đình ông Cả Nhơn, cuối cùng đến ba má cậu, nhưng cô Tư không còn lòng dạ nạo tiếp tục chuyện học hành.

Mùa học năm đó cậu Hai Hoàng lên Sài gòn, buồn thiu.  Không còn cô Út Phụng, không có cô Tư Diệu. Hai anh em cậu Hai Hoàng không còn thấy thích thú trong những ngày nghỉ cuối tuần.  Để giải khuây, cậu Hai ghi tên vào một lớp học đàn vĩ cầm và thời gian còn lại cậu chăm chú vào việc ôn luyện cho kỳ thi cuối năm.  Năm đó cậu Hai Hoàng đậu ưu hạng bằng Thành Chung. Tin cậu Hai thi đậu đồn khắp cả huyện.  Sau một năm trời, cô Tư cũng đã nguôi ngoay được phần nào.  Nghe tin cậu Hai Hoàng thi đậu, cô mừng lắm.  Ông bà Cả Quý làm tiệc thật to để mừng con thi đậu.  Sau bữa tiệc, gia đình ông Cả Nhơn và gia đình cô Tư được mời lưu lại.  Ông bà Cả Nhơn cáo từ ra vể, vì có việc.  Cậu Hai Hoàng mừng rỡ vì gia đình cô Tư nhận lời mời ở lại.  Ba má Cô Tư và ông bà Cả Quý xem chừng ngầm ưng thuận cho sự giao tiếp của cô Tư Diệu và cậu Hai Hoàng, mặc dù không ai nói lời nào, vì sợ ảnh hưởng chuyện học hành của cậu Hai. Trong lúc cha mẹ hai bên trò chuyện, cậu Hai Hoàng đưa cô Tư thăm lại cây khế ngọt sau vườn.  Mặc dù vẫn cảnh cũ, vườn xưa, nhưng bóng dáng cô Út Phụng vẫn còn vướng vất trong nỗi nhớ của cô, cho nên cô Tư không còn thấy thích thú với những hoa khế mang sắc hồng tím, và cả những trái chín ửng vàng nữa.  Cậu Hai Hoàng như hiễu được tâm trạng cô Tư, tìm mọi cách để làm cô vui.  Cậu mang từ trong nhà ra một chiếc hộp to với màu sơn bóng loáng, cậu đặt chiếc hộp trên băng ghế, cạnh cây khế, rồi ân cần mời cô Tư ngồi bên cạnh chiếc hộp.  Trong khi cô Tư tò mò quan sát chiếc hộp, cậu chậm rải mở hộp, mang ra chiếc đàn vĩ cầm xinh xắn.  Cậu Hai Hoàng cho cô Tư biết là trong năm qua, để bù đấp cho nỗi nhớ cô, cậu đã đi học đàn vĩ cầm và bây giờ cậu sẽ đàn cho cô nghe.  Cô Tư mĩm cười với vẽ cảm động.  Cậu Hai nâng đàn lên vai, nghiêng đầu tựa càm vào thân đàn, trong tư thế như một nhạc công chuyên nghiệp, cậu kéo đàn. Từ cây vĩ cầm phát ra một thứ âm thanh dìu dặt.  Cô Tư chợt nhớ đến những tiếng đàn vĩ cầm réo rắt trong những buổi hòa nhạc của dàn nhạc Tây đến trường trình diển, cô nhìn cậu Hai một cách ngưỡng mộ.   Buổi chiều khi tiển khách ra về, cậu Hai Hoàng kín đáo trao cho cô Tư một chiếc hôp nhỏ, dặn khi về bên nhà hãy mở xem.  Cô Tư nhìn cậu Hai cười bẻn lẻn cám ơn.  Trên đường về nhà, cô nôn nóng muốn biết cái gì bên trong chiếc hộp, nhưng ngại mở ra trước mặt mẹ mình, cho nên khi vừa về đến nhà, cô chạy vội vào phòng, cẫn thận mở lớp giấy gói.  Cô mở hộp ra, trong đó là một cái kẹp tóc có đính hình những đóa hoa mai bằng sa cừ, ở giữa là hình một trái tim màu hồng nhạt, làm bằng một loại đá quí. Bằng một phản ứng bất chợt, cô Tư nắm chặt chiếc kẹp trong lòng hai bàn tay, áp lên ngực mình, và nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc!  Hình như cô Tư Diệu đã yêu?

Những năm sau đó cậu Hai Hoàng tiếp tục lên Sài gòn để hoàn tất chương trình học thi Tú Tài.  Những ngày Hè cậu Hai Hoàng nôn nao về quê và luôn có những món quà kỷ niệm cho cô Tư.  Cậu gần như được tự do sang thăm viếng cô Tư và họ có được những niềm vui trọn vẹn.  Cha mẹ hai bên ai cũng mừng thầm và mong cái ngày hai trẻ sẽ thành chồng vợ.  Xong năm thứ hai của bậc trung học, cậu Hai Hoàng đề nghị với cô Tư sẽ nhờ mai mối sang nhà cô, xin làm đám hỏi để cậu Hai yên bụng, lo chuyện học hành.  Cô Tư vui vẻ đồng ý.  Cha mẹ cậu Hai nhờ bà Cả Nhơn đứng ra lo chuyện mối mai. Vì là chỗ bà con, lại nữa chuyện của cô Tư và cậu Hai đã được cha mẹ hai bên chấp thuận, cho nên bà Cả Nhơn thấy ăn chắc là chuyện sẽ suông sẻ, cho nên bà săn sái nhận lời.  Đúng như bà Cả Nhơn dự đoán, cha mẹ cô Tư chấp nhận lời cầu hôn của cậu Hai Hoàng, nhưng cũng hỏi ý kiến con mình.  Cô Tư bẻn lẻn trả lời “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.  Nói là nói vậy chớ cô Tư mừng như mở cờ trong bụng.  Rồi đến cái chuyện quan trọng là coi tuổi tác của hai đứa, chọn ngày tốt để tiến hành đám hỏi.  Bà Cả Nhơn, đem tin vui về thông báo lại với gia đình cậu Hai Hoàng.  Ông bà Cả Quý mừng rỡ hỏi tuổi cô Tư Diệu.  Bà Cả Nhơn cho biết cô Tư tuổi Thân.  Ông Cả Quý kêu, “Trời ơi, vậy là không được rồi!  Con Diệu là tuổi Giáp Thân, còn thằng Hoàng là tuổi Mậu Dần.  Đúng là dần thân tỵ hợi tứ hành xung!”  Bà Cả lo lắng, “Hổng được đâu, hai tuổi nầy kỵ tới chết người lận à nghen!” vừa nói, bà vừa nghĩ đến cái chết của cô Út Phụng.  Trong thâm tâm ông bà rất thương mến cô Tư Diệu, nhất là từ sau khi mất đứa con gái, bà Cả Quý dành cho cô Tư sự thương yêu như con mình.  Nhưng đây là chuyện sống chết, có ảnh hưởng tới thằng con trai trưởng của bà chớ đâu phải chơi!  Bà Cả Nhơn trấn an, “Tuy là tuổi kỵ, nhưng còn ngày sanh, tháng đẻ nữa, để tui rước thầy về coi cho rõ ràng.”  Nghe đồn ông thầy Ba
coi số tử vi nỗi tiếng ở huyện Long Mỹ, bà Cả Nhơn cho người làm đi mời thầy.  Thầy rất tinh thông về Tử Vi Đẩu Sô, rất am tường về Bói Dịch và đoán việc như thần. Sau khi bấm quẻ, và phân tích về sự tương sinh và tương khắc ngũ hành của thiên can, thầy dạy là hai cái tuổi của cậu Hai Hoàng và cô Tư Diệu có xung khắc, nhưng có thể giải trừ nếu hai bên đừng làm đám cưới, đám hỏi rình rang, chỉ cần làm một tiệc nhỏ để ra mắt hai họ. Bà Cả Nhơn thông báo cho hai bên lời dạy của thầy.  Ông bà Cả Quý lúc đầu phân vân.  Là ông bà Cả trong làng mà làm đám cưới, đám hỏi cho con trai trưởng đơn sơ như vậy thì coi làm sao cho được, nhưng cậu Hai Hoàng một mực năn nỉ má, cho nên rốt cuộc, ông bà Cả phải chìu con. Riêng về ba má cô Tư, nhứt là ba cô, ông có vẻ tin lời thầy, nhưng cái việc làm đám hỏi, đám cưới đơn sơ thì không đời nào ông chịu. Ông lý luận là con gái chỉ có một lần cưới, phải làm sao cho nở mày nở mặt cha mẹ.  Má cô, mặc dù tin vào lời dạy của thầy, nhưng bà cũng không thể dễ dàng quên đi cái chuyện “tứ hành xung” có thể gây chết người đó được.  Rốt cuộc, ông bà tìm cách hẹn lần hẹn lửa.  Cô Tư thì cứ rút vào trong phòng khóc thầm. Má cô biết nỗi khổ tâm của con gái, nhưng nghĩ đến cái chết của cô Út Phụng, bà nghe hồi họp trong lòng.  Bà khuyên lơn, “Con còn nhỏ mà, ba má cũng thương thằng Hoàng lắm, nhưng mà ý của ba mầy đã quyết.  Để từ từ má khuyên can ba mầy.”  Thấy thái độ do dự của ba má cô Tư, cậu Hai Hoàng sốt cả ruột, cậu sang thăm ông bà Cả Nhơn thường hơn, nhờ ông bà Cả tiếp lời năn nỉ. Mãi cho đến khi cậu Hai Hoàng trở lại Sài gòn, chuẩn bị cho năm học sau, ba má cô Tư vẫn chưa trả lời dứt khoát.  Trước hôm lên Sài gòn, cậu Hai Hoàng ghé lại thăm gia đình cô Tư và đích thân xin vào thưa chuyện với ba má cô Tư. Ba má cô Tư hứa sẽ bàn lại rồi cho gia đình bên cậu Hai rõ. Cô Tư thập thò bên trong màn cửa, nghe lóm câu chuyện của câu Hai Hoàng và ba má, cô rơm rớm nước mắt.  Lúc tiển cậu Hai ra xe, dưới tàng cây xoài cạnh hàng rào, cậu Hai bạo dạn nắm lấy tay cô an ủi, “Thế nào ba má em cũng sẽ nghĩ lại mà cho tụi mình thành chồng vợ.” Cô Tư rút tay về, lau vội nước mắt rồi chạy vào nhà.  Cậu Hai nói vói theo, “Anh sẽ viết thơ cho em.”

Không ngờ đó là lần sau cùng hai người gặp nhau.  Cậu Hai Hoàng giữ đúng lời hứa, ngay sau hôm lên đến Sài gòn, câu biên thơ ngay về cho cô Tư.  Cuối thơ cậu căn dặn là nhớ trả lời thơ cậu, kẻo cậu trông.  Nhưng nỗi chờ trông của cậu càng dài thêm theo ngày tháng đi qua, mà cậu vẫn không nhận được một hồi đáp nào của cô Tư.  Trong khi cô Tư mỏi mòn trông đợi thơ cậu.  Cô Tư đau khổ chờ mong tin cậu Hai, cô nghĩ hay là chốn phồn hoa đô hội của thị thành đã làm cậu Hai thay đổi.  Cô Tư đâu biết là ba cô đã cho người làm căn dặn người đưa thơ, phải giao thơ tận tay ông và nếu các cô trong nhà có hỏi thì nói là không có thơ. Trong khi đó có mấy nơi nhờ mai mối đến dạm hỏi cô, ba má cô hỏi ý, nhưng cô Tư đều từ chối.  Sau nhiều lần gởi thơ cho cô Tư mà vẫn không có hồi âm, cậu Hai quyết định viết thơ về gia đình cậu, hỏi thăm tin tức về cô Tư.  Ông bà Cả Quý, ban đầu rất có thiện cảm với cô Tư và gia đình, nhưng thái độ dần dà, không dứt khoát của ba má cô Tư làm ông bà Cả tự ái; nhất là bà Cả, bà nghĩ, “Gia đình của mình có thua kém gì họ đâu mà họ làm cao?”  Cho nên khi nhận được thơ cậu Hai Hoàng, bà cả tức tốc sai người viết thư báo cho cậu Hai Hoàng hay là ba má cô Tư không bằng lòng và thôi đừng trông đợi gì nữa, vì cô Tư Diệu sắp lấy chồng.  Được tin sét đánh đó cậu Hai đau khổ đến cùng cực, nhưng cũng muốn làm sáng tỏ, cậu viết một lá thư cuối cho cô Tư, với lời lẽ hờn trách.  Nhưng rồi là thơ đó cũng cùng chung số phận với những lá thơ trước, không bao giờ đến tay cô Tư Diệu.

Những tin tức từ gia đình của cậu Hai Hoàng, nói về cô Tư Diệu, càng làm cho cậu Hai tuyệt vọng.  Mùa Hè năm đó cậu quyết định không về quê và viện lý do là phải ở lại để học luyện thi cho kỳ thi Tú Tài sang năm.  Tin cậu Hai Hoàng không về quê nghỉ Hè làm cô Tư buồn đến mất ăn, mất ngủ.  Cô thường tự nhốt mình trong phòng, và mang những món quà kỷ niệm của cậu Hai tặng, săm soi rồi khóc một mình.  Cô thầm trách cậu Hai sao bạc tình bạc nghĩa.  Má cô Tư thấy con buồn mà xót xa trong lòng.  Bà tự trách mình sao không bằng lòng phức chuyện hỏi cưới của cậu Hai Hoàng, để giờ nầy con bà khỏi phải khổ sở.  Nhưng rồi bà cũng tự bào chữa là bà đã làm một việc rất đúng, ai mà dám đánh liều với số mạng con gái mình chớ.  Để cho cô Tư nguôi ngoay chuyện buồn, bà thường tìm cách đưa cô đi đây đi đó.  Có khi đi xuống chợ huyện mua sắm, có khi đi dự những đám hỏi, đám cưới của bà con họ hàng, có khi đi xem hát bội trong dịp lễ Kỳ yên.  Bà còn cho người nhắn với người con gái lớn, đã lập gia đình với con trai ông Cả bên làng Vị Thũy, về chơi để an ủi em.   Rồi trong cái dịp tham dự đám cưới con gái ông Cả làng Vị Thũy, chị Hai cô nài nĩ ba má cho cô Tư cùng đi theo.  Cô Tư cũng chưa nguôi ngoay được nỗi buồn, nên từ chối.  Chị Hai cô phải năn nỉ hết lời, cô mới bằng lòng.

Khoảng hai tháng sau ngày đám cưới, bà Cả bên Vị Thũy sang thăm ông bà xui, ngõ lời mai mối cô Tư.  Số là cậu Hai Phùng, con ông Cả ở huyện Phụng Hiệp, trong lần theo đàn trai sang rước dâu bên làng Vị Thũy, thấy cô Tư có mặt trong đám cưới lần đó, cậu để ý. Hỏi thăm ra mới biết cô Tư là con gái của xui gia với ông bà Cả làng Vị Thũy, cho nên cậu về thưa chuyện với ba má cậu, nhờ bà Cả làm mai mối.  Thấy con gái mình cứ mãi buồn rầu, ba má cô Tư cũng muốn cho cô yên nơi, yên chỗ cho xong.  Hỏi ý cô, thì cô Tư trả lời, “Ba má muốn sao cũng được!”. Thực tình, gần hai năm trôi qua, vẫn không có tin tức gì về cậu Hai Hoàng, cô Tư cảm thấy không còn thiết tha gì nữa.  Sau nhiều lần từ chối bao nhiêu đám đến dạm hỏi, ba cô Tư càng tỏ ra có nhiều áp lực với mẹ con cô hơn.

Cái hôm đám hỏi cô Tư, nhà cô chuẩn bị rình rang.  Bên đàng trai, hơn mười người, bao nguyên một chiếc xe chở khách.  Họ đến nơi khoảng 7 giờ sáng, nhưng mãi đến 9 giờ, đúng là giờ đại kiết, họ mới được mời vào.  Ông bà Cả làng Vị Thũy cũng có mặt, và tháp tùng với đàn trai.  Ba má cô Tư ân cần tiếp đón khách. Trong khi chị em cô Tư lấp ló đằng sau những tấm màn cửa để nhìn mặt cậu Hai Phùng.  Ai cũng khen cậu Phùng trông bảnh trai.  Cô Tư giã vờ như không để ý, nhưng trong bụng cứ đánh lô tô!  Sau khi ông bà Cả làng Vị Thũy, với tư cách ông bà mai, tuyên bố lý do và gia đình đàng trình lễ vật.  Cô Tư trong chiếc áo dài màu hồng lợt, ra chào bà con. Đến lượt chào cậu Hai Phùng, cô liết mắt thật nhanh, cuối đầu chào, rồi e thẹn bước sang đứng bên mẹ.  Cậu Hai Phùng lấy làm đắc ý, nhìn đôi má ửng hồng của cô Tư.

Sáu tháng sau, đám cưới diển ra. Cũng chiếc xe chở khách lần trước, nhưng lần nầy có kết hình cổng đám cưới bằng cây đủng đỉnh và lá dừa rất đẹp.  Lúc tiển dâu, cô Tư bịn rịn mãi bên mẹ, sụt sùi. Má cô bùi ngùi rơi nước mắt.  Câu Hai Phùng ân cần đến bên cô an ủi.  Lúc lên xe, cô Tư quay nhìn lại mẹ cha, chị em và ngôi nhà mà cô đã lớn lên với biết bao nhiêu kỷ niêm. Cô nhìn gốc cây xoài, cạnh hàng rào, chỗ cô chia tay với cậu Hai Hoàng lần cuối, bất giác cô không cầm được nước mắt, áp mặt vào ngực cậu Hai Phùng, khóc nức nở. 


 
 
 Nhà cậu Hai Phùng nằm trên con rạch nhỏ, từ đó ra vàm sông lớn, có đường xe chạy, phải đi bằng ghe và mất khoàng hai tiếng đồng hồ.  Mấy ngày đầu về nhà chồng, mặc dù cậu Hai Phùng rất đổi cưng chiều, nhưng vì lạ cảnh lạ quê, nhất là phải giữ gìn ý tứ với cha mẹ và mấy cô em chồng, cô Tư buồn thắt thẻo.  Có những buổi chiều cô ra bờ rạch, nhìn con nước ròng trôi lặng lờ, nhìn những rặng trâm bầu rũ ngọn, im lìm in bóng trên dòng nước, cô bất giác nhớ cha mẹ, chị em, nhớ cậu Hai Hoàng đến rơi nước mắt.  Trước đây nghe bà Cả làng Vị Thũy kể chuyện trắc trở của cô Tư và cậu Hai Hoàng, cậu Hai Phùng càng yêu thương cô Tư và cậu hy vọng một ngày nào đó cô Tư sẽ nguôi ngoay.  Thời gian qua, thắm thoát rồi cô Tư cũng có hai mặt con với cậu Hai Phùng.  Cô đã bằng lòng với số phận của mình. Nhưng rồi khi quân Pháp trở lại Đông Dương, cuộc chiến tranh bắt đầu lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Sự đi lại càng khó khăn hơn vì sự phân chia khu vực của lực lượng Việt Minh và các giáo phái ở miền Nam.  Phải trải qua những đợt Tây ruồng bố, truy lùng lực lượng Việt Minh.  Thoát chết trong những đợt máy bay của Tây oanh kích, cậu Hai Phùng cảm thấy không còn an toàn để bám lấy đất đai, và nhất là sau khi ông bà Cả, ba má cậu qua đời, cậu quyết định giao cả gia sản lại cho một người bà con, rồi bồng bế vợ con về Rạch giá sống tạm bên gia đình cô Tư. 

Hiệp định Geneve, 1954 chia cắt đất nước, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn phồn thịnh của miền Nam Việt Nam.  Cô Tư và câu Hai Phùng đã có với nhau năm mặt con, một trai và bốn gái.  Gia đình họ sống an nhàn nhờ vào huê lợi từ vườn tượt, đất đai do ba má cô Tư để lại.  Các con được lớn lên được gởi ra tỉnh học hành.  Nhờ thông thạo cả chữ Pháp và chữ quốc ngữ, cậu Hai Phùng giờ đây đã là ông giáo làng, lấy nghề gỏ đầu trẻ làm niềm vui.   Nhưng trời đã không chìu lòng người, thời gian sống trong an bình không được bao lâu thì lực lượng cộng sản, với chiêu bài giải phóng miền Nam, với sự tiếp tay và chỉ đạo của miền Bắc, đã xâm lăng miền Nam.  Sau tháng Tư năm 1975, ngày đánh đấu một tai ách cho cả dân tộc, cô Tư và cậu Hai Phùng lại đứt ruột để các con vượt biển tìm tự do nơi xứ người… 

***

Hơn mười năm sau đó cậu Hai Phùng và cô Tư Diệu, bây giờ là ông bà Tư, cũng được định cư ở Florida, Hoa Kỳ.  Một điều kỳ diệu như những chuyện cổ tích hoặc chỉ có trong mơ, nhưng thực sự ông bà đã đoàn tụ với các con của ông bà, ngay trên một quốc gia văn minh, mà ngày xưa ông chỉ được nhìn thấy bằng hình ảnh trong các quyển “Thế Giới Tự Do” in màu sặc sở.  Sở dĩ người ta gọi ông bà là “ông bà Tư” vì người ta gọi theo vai vế ở bên bà.  Bà con bên ông chẳng có bao nhiêu người ở Hoa kỳ, mà cũng ở xa lơ, xa lắc.
Sống với vợ chồng người con gái Út, giờ đây ông bà Tư có thể an hưởng tuổi già bên cạnh cháu, con. Ngoài cái thú vui chăm sóc cây kiển, ông còn thích đọc sách báo việt ngữ để tiêu khiển.  Ông bà không ngờ là quê hương xa hơn nữa vòng trái đất, vậy mà thứ gì cũng có, từ củ khoai, hột gạo, thậm chí cả con khô, con mắm cũng có.  Ông thích thú mỗi khi có đứa con nào mang về cho ông một tờ báo bằng tiếng việt.  Ông có thể đọc chăm chỉ, không xót một góc nào của tờ báo.  Ông thích nhất lá cái mục nhắn tin, tìm người thân trên các tờ báo, như thể ông đã từng thất lạc những người thân quen.  Một hôm ông nảy ra ý định, nhờ tòa soạn báo nhắn tin tìm một người, mà ông nghĩ chắc sẽ làm bà vui lắm. 

Ông thảo ngay một lời nhắn tin: Tìm ông Trần Thanh Hoàng, con ông Cả Quý, làng Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ- Rạch Giá.  Trước 1975 cư ngụ ở Sài gòn.  Nghe tin vượt biên, nay sống, hay chết, ở đâu? Nếu nhận được tin nầy, xin liên lạc về Huỳnh Văn Phùng, địa chỉ xxxx 10th N Ave, Lake Worth, Florida.  Tôi và Tư Diệu đang định cư tại Mỹ, có bạn bè biết tin xin vui lòng giúp đỡ giùm, rất cám ơn. Ông cẩn thận cho vào bao thơ và theo chỉ dẩn trong tờ báo, ông gởi về tòa soạn báo Người Việt ở California.  Gởi thì gởi, nhưng ông cũng không hy vọng gì nhiều.  Biết bao nhiêu người Việt của mình tị nạn khắp mọi nơi trên thế giới, cho nên việc tìm cậu Hai Hoàng chẳng khác gì mò kim đáy biển.  Mấy tháng đầu ông cũng có chút trông chờ, nhưng dần dà ông quên phứt cái chuyện nhắn tin.

Mùa Giáng Sinh năm đó dâu rể, con cháu về tề tựu về đông đủ.  Chúng đã làm ông ngạc nhiên với lễ mừng sinh nhật 80 cho ông.  Bà Tư rất vui thấy con cháu đề huề. Nhất là mấy đứa cháu của bà, đứa nào cũng học hành tới nơi tới chốn.  Các con bà thì một mực hiếu thảo, chăm lo cho ông bà tận tình.  Sống tới từng tuổi nầy rồi, ông bà có theo ông theo bà cũng không có gì tiếc nuối.  Mười mấy năm sống ở Hoa Kỳ, ông bà quen với cái chu kỳ của những lần con cháu họp mặt, hơn là cái chu kỳ của mùa màng, thời tiết.  Sau kỳ họp Giáng Sinh nầy là bọn chúng sẽ tụ về mừng tuổi ông bà vào dịp Tết Ta.  Ông bà rất tự hào về đám con của mình, sống ở xứ người chớ không quên cái truyền thống Việt.  Do đó, hể xong Giáng Sinh là bà lại nôn nao chờ đợi cho đến Tết ta.  Thường năm nào Tết Ta cũng đến sau Tết Tây khoảng hơn một tháng.  Ông nhớ rất rõ ràng vì năm nào, gần cuối năm, ông cũng dặn con gái ông, thế nào cũng tìm cho ông một tập lịch Việt nam.  Rồi ông đích thân lựa đúng tờ lịch ngày đầu năm Tết Ta, xếp đôi lại để làm dấu.  Tự ông gở từng tờ lịch mỗi ngày, để ông nhắc nhỡ với bà còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Tết.

Không khí của những ngày cuối tháng giêng Tây hơi khô và có một chút ẩm thắp như cái ẩm thắp ở Việt nam.  Ông nhớ cái không khí hanh khô của những ngày cuối năm ở quê nhà. Thường vào khoảng nầy mọi năm ông có thể trồng lại đám rau thơm, mấy cây ớt và chăm chút mấy chậu hoa lan.  Ông xăm soi hai chậu hoa vạn thọ mà mấy hôm trước ông dặn đứa con gái mua cho ông.  Tự dưng ông muốn ngắm lại những đóa hoa vạn thọ, để nhớ lại những ngày Tết khi còn ở Việt nam.  Chiều ngày 23 tháng chạp, ông vừa vào nhà, sau khi tưới đám rau ngoài vườn, cũng vừa lúc đứa con gái ông từ ngoài cửa mang vào một xấp thơ, “Ba có thơ hay thiệp gì của ai gởi.”  Ông cầm lá thơ, đúng ra là một tấm thiệp, sữa lại cập kiếng, rồi nhẫm đọc tên người gởi.  Một cảm giác sửng sốt, đến độ ông không tin vào cặp mắt của mình, ông nâng cao tấm thiệp, gần ngang tầm mắt, chăm chú đọc lại một lần nữa tên người gởi.  Đúng là tên Trần Thanh Hoàng. Ông nhìn con dấu bưu điện.  Tấm thiệp được gởi từ Pháp.  Ông chậm rải bước vào phòng khách. Bà Tư đang xem một chương trình Việt nam trên TV.  Ông ngồi xuống cạnh bà, “Bà ơi, có thơ của người quen!”   Bà điều chỉnh nhỏ âm thanh của cái TV, dửng dưng hỏi, “Của ai vậy ông?”  “Của anh Hai Hoàng!”  Cái remote control trên tay bà rớt xuống sàn nhà. Bà Tư nghe như có một luồn điện chạy khắp cơ thể bà. Sau mấy giây bà mới lấy lại bình tỉnh, bà hối ông, “Ông..ông mở ra đọc coi, ông!”  Ông Tư chậm rãi mở tấm thiệp ra và đọc,
“Anh Phùng và Tư Diệu thân mến,
Tôi vừa được Tấn, em tôi hiện sống ở California, Hoa Kỳ, cho biết tin tức của hai ông bà.  Tôi thật vui mừng biết được anh và Tư Diệu cũng đã định cư ở Hoa kỳ.  Quả là trái đất tròn, qua hơn nữa thế kỳ mình xa cách nhau, giờ lưu lạc xứ người, mình còn liên lạc được nhau thì có niềm vui nào bằng.  Tôi và gia đình hiện đang sống ở Lyon, nước Pháp.  Tôi hy vọng sẽ có được số phone của ông bà, để mình có thể hàn uyên nhiều hơn.  Số phone của tôi là xxxxxxxx.
Nhân dịp năm mới sắp đến, tôi cầu chúc ông bà được dồi dào sức khỏe và mọi điều như ý.
(ký tên)
Trần Thanh Hoàng.

Hình ảnh và những kỷ niệm về cậu Hai Hoàng tưởng chừng như đã quên, đã mất đi, theo tháng ngày qua, nhưng thực sự tất cả vẫn còn, ở đâu đó trong trái tim bà. Nhưng tất cả chỉ là cái bóng của quá khứ.  Từ lâu bà đã chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời bà như một định số.  Bà không biết những suy nghĩ của bà có đúng hay sai, nhưng chắc chắn, sự suy nghĩ đó đã mang đến cho bà sự bình yên.  Cho nên bà không có gì tiếc nuối cho những việc đã xảy ra cho bà. Bên ông Tư, bà luôn luôn được sự thương chiều và bà đã có một gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề…  Trong khi ông Tư chậm rãi xếp tấm thiệp lại, bà nắm lấy tay ông.  Cái ấm áp từ bàn tay ông chuyền sang cho bà một cảm giác yêu thương và chở che như từ bao lâu nay bà đón nhận từ ông.  Bà nhìn ông, rơm rớm nước mắt. Bà thầm cám ơn ông đã cho bà có cơ hội sống lại với những kỷ niệm một thời xuân sắc của mình. Ông Tư rút bàn tay lại, giã vờ lau lại cặp kiếng.  Ông nghe mắt mình như cay cay với một niềm vui. ..


No comments: