__________________
Mấy ngày giáp năm, lòng bỗng nhong nhóng chờ một cái gì dù biết mình đã thật không có gì để đợi. Ở cheo leo ngay trên vĩ độ 45 bắc, núi rừng ao hồ thành phố vẫn bằn bặt trong cơn đồng thiếp trắng. Và gió và tuyết cứ tha hồ đục đẽo mặt người. Và người xa xứ cứ vật vã với mớ kinh nghiệm càng lúc càng còm cõi về một nhiệt đới vàng.
Rồi tết đến. Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá. Thơ Nguyễn Đình Toàn đẹp như một kỷ niệm. Và tết, rồi cũng chỉ là một kỷ niệm trong mớ kỷ niệm tội nghiệp đang lún dần vào phía bên kia của trí nhớ.
Ở giữa cái thờ ơ của đất trời xứ lạ và lòng người lạ xứ, âm vang tết nghe mơ hồ như chính cái quê hương chẳng những đã xa mút ngoài dặm trường mà còn xa mù trong lý tưởng. Người về người qua kể chuyện này chuyện nọ đã có lúc làm nhớ đến Túy Hồng có lần mô tả Huế như một thành phố «đi xa để mà nhớ chớ không phải ở để mà thương». Câu viết trong một tâm cảnh đặc biệt nào đó chẳng lẻ trở thành một lời tiên tri thấu thị, cho từng lượt người qua lại đi về,
Hàng năm tết đến lại thấy lũ lượt người về… Rồi lũ lượt kéo qua, và những lời phiền trách!
Thì đã đành là lá rụng về cội, chỉ có điều cái cội này sao có quá nhiều gai góc nhất là cho những chiếc lá còn quá xanh non.
Vâng những chiếc lá còn quá xanh non, những tuổi-trẻ-việt-nam không quá khứ, chẳng hận thù đang phơi phới lớn lên khắp cùng mặt đất này, ngoại trừ cái phần đất có hình cong cong chữ S… và đang náo nức muốn tìm lại về nguồn. Cái ước muốn đúng đắn và cảm động biết bao. Cha chú đã bồng ẳm họ trên tay, giấu diếm họ trong nách, những bà mẹ đã mang họ trong bụng, những dì cô đã cỏng họ trên lưng lội bùn lầy, chui rừng rậm trốn tránh đồn bót và băng qua những cơn bão dữ của thiên nhiên và lòng người, cốt tìm cho họ một-chỗ-đứng-dưới-ánh-sáng-mặt-trời, những người đó chắc cũng vừa lòng lắm. Hổng vừa lòng sao trong mấy ngày tết vừa qua, lòng ai nấy bỗng thấy rưng rưng khi tình cờ nghe được một giọng vành khuyên non xèo, hát lên lời hoài vọng quê hương nghe thương đến đứt ruột.
Giọng hát đó là của cô gái Việt Nam mười tám tuổi tên Phạm Quỳnh Anh, sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Và bài hát có tên gọi Bonjour Vietnam, lời và nhạc của một ca nhạc sĩ đang được ưa chuộng ở Pháp, Marc Lavoine. Nhạc êm dịu, trữ tình. Và lời thì tuyệt tác.
Raconte-moi ce mot étrange et difficile à prononcer que je porte depuis que je suis né
Raconte-moi le viel empire et le trait de mes yeux bridés qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire
Je ne sais de toi que des images de la guerre
Un film de Coppola, (et) des hélicoptères en colère
Un jour, j’irai là bas, un jour, dire bonjour à ton âme
Un jour, j’irai là bas (pour) te dire bonjour Vietnam.
Raconte-moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds qui me porte depuis que je suis né…
….. Hãy kể cho ta biết cái tên khó gọi mà ta đã mang từ thuở sơ sinh
Hãy kể cho ta về đất nước xa xưa và về đôi mắt xếch của ta đôi mắt biểu lộ lòng ta hơn những lời không dám thốt lên
Ta chỉ biết quê nhà qua hình ảnh chiến tranh
Qua phim của Coppola với những chiếc trực thăng hung dữ …
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào hồn thiêng dân tộc
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào Việt Nam
Hãy kể ta nghe về màu da, mái tóc và bàn chân nhỏ bé của ta đã theo ta từ lúc mới chào đời… (1)
Phải nói là người nhạc sĩ Pháp trẻ tuổi và thời danh đó đã có một tấm lòng liên mẫn tuyệt diệu lắm mới viết thay được cho lớp trẻ Việt Nam đang sống như một loài cây không rễ – dù không phải là đã không hòa nhập được với nếp sống xứ người. Nỗi ưu tư đó có thật, trong tròng mắt đen nhánh như hai hột nhãn, trên mái tóc cứng sợi đen tuyền, trên làn da sẫm vàng nhiệt đới, dù cặp môi xinh xắn đó có xổ tiếng Tây tiếng Anh như gió cuốn mây bay. Chắc chắn, ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó, trong cái đầu nhỏ xíu và thông minh của họ, đã có lúc bật ra câu hỏi… tôi-là-ai giữa cái đám đông nhung nhúc mắt xanh tóc vàng đang vây quanh họ. Và từ đó, câu hỏi về một quê nhà nghe ra cứ mù mịt trong những câu chuyện giữa mẹ cha cô dì chú bác… Cái thế hệ thứ hai lớn lên giữa một-chỗ-không-phải-quê-hương, làm gì không có lúc muốn nhìn cho biết tận mặt quê hương, cái ước muốn không kém phần luận lý như chính cái luận lý bỏ đi của cha mẹ họ gần ba mươi năm trước.
Người nhạc sĩ, trong khuôn khổ giới hạn của bài hát, đã chọn lọc thật khéo những hình ảnh đơn giản nhưng đủ gây ấn tượng về lịch sử trầm luân của một dân tộc. (Thì thôi nhìn bằng cách nào, ngay cả khi chỉ thấy có một phía… những hélicoptères en colère, những chiếc trực thăng hung dữ, cuộc chiến rồi ra cũng đã là một tai họa chung cho cả dân tộc đó! Cũng có thể đó là tâm trạng chung của cái thế hệ tới sau chỉ biết chiến tranh qua những lời kể lại. Từ đó cái nhìn trở thành bao dung, khoan hòa, rộng lượng… như chính cái hồn tuổi trẻ vẫn thường không biện biệt…)
Hãy quên đi cái anh nhạc sĩ người Pháp và nghe lời ca từ trên đôi môi xinh xắn của một cô-bé-việt-nam, cái giấc mơ về quê nghe hiền lành, vô tội và dễ thương như tiếng kêu chiêm chiếp của một con chim con đang tập hót.
Hãy kể ta nghe về căn nhà, con đường và vùng đất ta chưa biết có chợ nhóm trên sông và thuyền tam bản
Và nỗi náo nức tìm về cũng thiệt thà, hồn hậu như chính những hình ảnh nó gói ghém trong đó.
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào hồn thiêng dân tộc
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào Việt Nam
Sẽ đi thăm những ngôi chùa, tượng Phật, thay cho cha
Chào hỏi những người phụ nữ cấy lúa trên ruộng đồng, thay cho mẹ
Và nhất là vòng tay mở ra, tấm lòng mở ra để ôm cho hết … Việt Nam.
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères
Toucher mon âme, mes racines, ma terre…
Un jour, j’irais là bas. Un jour, dire bonjour à mon âme
Un jour, j’irais là-bas (pour) te dire bonjour, Vietnam.
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng chan hòa, ta sẽ gặp lại các anh em
Trở về sống với tiếng lòng, cội nguồn, với đất mẹ quê cha
Một ngày nào đó, ta sẽ về gặp lại linh hồn của ta
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào Việt Nam (1)
Tình tự đó được hát lên bằng một giọng hát rất non, non như màu xanh của lúa mạ. Nghe hát, liên tưởng đến người hát thấy ra cái mâu thuẫn ngộ nghĩnh vừa gây thích thú vừa bỗng thấy một chút nghẹn ngào. Chính cái dáng dấp xinh xắn của một cô gái rặt-việt-nam hát lời vọng tưởng Việt Nam bằng thứ tiếng Pháp phát âm hết sức đúng điệu, đúng cách, đúng giọng không thua bất cứ một cô đầm chính hiệu nào đã làm người nghe thấy bàng hoàng.
Và… vấn đề đặt ra ở đây.
Giọng non, thanh mà ấm, hát hồn nhiên và say sưa cái nỗi thiết tha của mình về một quê hương chưa từng biết bỗng làm người nghe giựt mình. Nhất là mỗi lần cô xuống giọng để kết một tiểu đoạn bằng mấy tiếng bonjour Việtnam, (trong tiếng Pháp không có “dấu nặng”, cô phải láy giọng để phát ra cho đúng cái âm “dấu nặng” đó ) nghe mà thương hết sức. Cô nhỏ hát thành khẩn như một người đã sinh ra ở đó và sẽ chết ở đó, đã chơi đùa một tuổi thanh xuân ở đó và ngậm ngùi một tuổi vàng ở đó. Cô nhỏ hát như một người đã biết đau cái đau của viên đạn xé thịt, đã khóc tiếng khóc của một người đào huyệt chôn bạn, đã rạng rỡ những vinh quang tự chủ và tối ám những nhục nhằn nô lệ. Cô hát như một người đã lồng lộng gió chiều Cửu Long, đã rám mặt núi đèo Trường Sơn, đã lún mỏi sình lầy Đồng Tháp, đã biết oan khiên Thúy Kiều, não nùng Cung Oán… Rõ ràng cô hát bằng cả một hồn hoài hương dù giữa cô và cái quê hương đó chưa biết nhau được một lần. Có phải chính cái mà Carl Jung đã gọi là vô thức tập thể đã tàng ẩn trong những sợi nhiễm thể của cô khiến tiếng hát cô mang đầy vẻ trìu mến về một đối tượng mà cô chỉ mơ hồ nghe kể lại. Như vậy có phải đã có một giấc-mơ-việt-nam đâu sẵn trong tim trong óc của những người tuổi trẻ dù chưa một lần thực sự biết mặt quê hương tròn méo dài ngắn ra sao. Có điều… hình như giữa giấc mơ êm đềm đó và cái thực-tại-việt-nam bây giờ dường như vẫn còn một khoảng cách không lấy gì hẹp lắm.
Em nhỏ, em thấy gì trong giấc mơ em?
Phải cái hình ảnh biểu tượng từ bao lâu nay, từ một thuở yên bình… phải Hà Nội mơ màng với tháp Rùa hồ Gươm, phải Huế trầm lặng với thành mộ lăng tẩm, phải Sài Gòn sinh động với đèn đuốc lấp lánh như viên ngọc của Viễn đông…. Phải là những ruộng đồng bát ngát lúa vàng, những sông rạch chằng chịt thừa mứa tôm cá, những hội hè đình đám rộn rịp, những con người cần cù chất phác… Hay một thời cuồng nộ với hình ảnh kinh hoàng của đứa bé trần truồng chạy ra từ một vòm lửa đỏ, những vành khăn tang quấn trắng cả phố Huế-mậu-thân… Hay sự hồi sinh của một vùng đất chết. Hay sức sống thầm lặng của một dân tộc oan ương… Có điều biểu tượng nào cũng đúng và cũng không đúng. Dù biểu tượng nào cũng có thể làm em ngây ngất một ý hướng tìm về. Em sẽ về. Tôi biết em sẽ về. Một lúc nào đó.
Thử nghĩ đến một ngày em và tâm hồn trong vắt của em sẽ về lại đó. Em sẽ về, tôi biết.
Thử đọc lại một đoạn trong bài “Quê hương ngày gặp lại” của Kim Thanh đăng trên báo Khởi Hành số 108, tháng 10 năm 2005
“… chiếc Boeing 777 của Asiana Airlines lượn vòng Sài Gòn để chuẩn bị đáp. Lúc ấy gần hai giờ sáng. Thủ đô một thời, Hòn Ngọc Viễn Đông đã mất tên, hiện qua ô cửa máy bay, tối om…. Từ trên cao, chưa thấy một thành phố, phi trường về đêm nào ảm đạm như Sài Gòn… Huệ Trân, con gái tôi, hỏi, cắt đứt dòng suy tư:
-Thành phố gì mà tối thui vậy ba? Sao họ không thắp đèn lên, nhiều thiệt nhiều như ở Mỹ ?
-Việt Nam bây giờ đó con
…………………………………
Từng lượt hành khách từ các chuyến bay lục tục tiến vào một tòa nhà khá khang trang. Các nhân viên tiếp đón mặt lạnh như tiền…
Tôi trình giấy tờ cho một nữ công an, sồn sồn, da tai tái, mặt lấm tấm mụn. Ả mở hé hộ chiếu, rồi nhìn xéo tôi, ra lệnh bằng giọng Bắc nhà quê, the thé:
- Ông kẹp các giấy này vào hộ chiếu, của ai phải đúng tên người đó, rồi đứng đấy chờ tôi !
Và lạnh lùng vẫy gọi những người kế tiếp. Nửa tiếng sau ả mới quay sang tôi:
- Ngoài tên thật, ông có biệt hiệu, bí danh nao không ? Sinh quán ở đâu, làm gì ở Mỹ, ở Mỹ lâu chưa, đến Mỹ diện gì, về Việt Nam mấy lần rồi ?
Muốn kiếm chuyện gì nữa đây. Tôi nhìn thẳng mặt ả, cao giọng:
- Tôi đã trả lời rồi trong đơn xin visa
Ả nổi nóng, rít lên:
- Bây giờ tôi hỏi lại có được không ?
Đến nước này, tôi phải đốp chát, bất cần hậu quả
- Không được. Bà không có cái quyền đó. Giấy tờ của tôi rất hợp lệ, được ký bởi hai chính phủ.
…………………………..
Sau này, kể lại cho gia đình nghe, tôi vẫn hậm hực nói với Loan:
- Mà tại sao nó chỉ chiếu tướng một mình anh ?
Nàng cười bảo:
- Tại vì nó thấy mặt anh hãm tài quá ! Hoặc biết đâu chừng nó mê anh, muốn cho anh nếm một chút thú đau thương… Em đã dặn kẹp tiền vào passport thí cô hồn mà anh không chịu… (2)
Rồi thử nghĩ tiếp , giả sử em qua trót lọt cửa quan Tân Sơn Nhất, em vào tới phố phường Sài Gòn, mắt em mở lớn để làm quen với những lạ lẫm… Giả sử em về tới nhà một người thân nào đó, lệ trùng phùng mừng mừng tủi tủi…
Như vầy …
… Buổi sáng, Quốc, chồng Huyền Trân, đi trình giấy tờ, hộ chiếu cho đồn công an, nhưng quên không đem theo tiền “bồi dưỡng”. Lập tức, hai tên còn trẻ, lạ hoắc, một nam một nữ, xuống nhà để “trước thăm bà cụ, sau chào anh hai mới về”. Tôi không hiểu chuyện gì, phải ngồi tiếp nửa tiếng cho đến khi Huyền Trân đi đâu về rút tiền ấn vào tay, họ mới rút êm. (2)
Rồi em có thể cũng sẽ được đưa đi thăm những thắng cảnh đền đài di tích lịch sử như bất cứ người Việt nào trở về chỉ cốt để thăm-gia-đình nhưng đều cũng sẵn-dịp-đi-cho-biết.
Hãy đọc thêm một đoạn của học giả Nguyễn Huệ Chi, người rất có thẩm quyền về những thắng tích Việt Nam, đã được đăng trên diễn đàn Talawas ngày 21/9/2005
… trèo lên Ngọa Vân Am ở phía tây hòn Yên Tử, ở độ cao khoảng 1000 mét, nơi người anh hùng hai lần lãnh đạo cả nước chống giặc Nguyên và cũng là vị tổ của nền Phật giáo thống nhất đời Trần: dòng thiền Trúc Lâm-Trần Nhân Tông, an tịch, người ta thấy choáng váng đến sững sờ: ngôi tháp Phật hoàng tức tháp Trần Nhân Tông cao sừng sững, bị đào rỗng ruột đứng vật vờ trước gió, bài vị bằng đá đen và một tấm đá bán nguyệt rất lớn khắc mấy chữ “Phật hoàng tháp” thật đẹp trong niên hiệu Minh Mạng (1839) bị đập thành nhiều mảnh… (2)
Em nhỏ, em có biết tại sao vậy không, những chùa chiền, đền đài, tượng đồng, những con hạc gỗ, những đồ sứ đồ sành… những cổ vật vốn vô tri nhưng hữu tình vì thường chứa đựng trong nó cả lịch sử của một dân tộc mà bất cứ một người văn minh nào cũng trân trọng gìn giữ lại bị đập thành nhiều mảnh… Vì ở quê hương của em, từ hơn hai thập kỷ qua, những kỷ vật đó đã trở thành một món hàng thời thượng.
Khi nghe em hứa sẽ đi thăm những chùa chiền, tượng Phật thay cha, tôi muốn rưng rưng…
Thử đọc tiếp một bài viết khác từ năm 2000 của giáo sư Phạm Cao Dương, cũng là một người rất có thẩm quyền về lịch sử. Ông trích lại một bản tin từ trong nước
… trong khi đó các đền chùa cổ tại Việt Nam, đặc biệt là tại miền bắc, đang bị trộm phá tan hoang. Chỉ tại địa bàn tỉnh Hà Tây gần đây đã liên tục xảy ra hơn 70 vụ trộm cắp cổ vật. Tại bốn huyện Chuơng Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, trong lúc công an đang tiến hành điều tra truy tìm thì vào một đêm tháng 9/1999, tại chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất, kẻ gian lại đột nhập lấy đi một tượng Phật Bà nghìn mắt và một số đỉnh đồng… Ta cần để ý là những pho tượng ở các chùa không phải nhỏ và nhẹ… (3)
Em có hiểu cái lưu ý của tác giả không… Ta cần để ý là những pho tượng ở các chùa không phải nhỏ và nhẹ… Điều đó có nghĩa là không phải ai cũng có khả năng cạy, gỡ, khuân vác và chuyên chở những pho tượng không phải nhỏ và nhẹ và mua bán và “xuất khẩu” sang tận Trung Hoa !
Tôi áy náy khi nghe em dự trù đi viếng thăm những dấu xưa tích cũ của một nền văn hiến khi dường như qua bài viết của ông Phạm Cao Dương, thì đó không chỉ là những vụ trôm vặt. Dường như còn có gì trong đó nữa…
… có điều ở cả hai việc, chính quyền Hà Nội đã tỏ ra hoàn toàn bất lực hay không để ý tới, đôi khi có vẻ như đồng lõa trong cảnh hỗn loạn của chợ chiều… Cái đau và cũng là điều mỉa mai đối với người Việt là rất nhiều những cổ vật này là thuộc nhiều trăm năm trước. Trải bao thời loạn lạc, tất cả vẫn còn đó và được chính người dân đời này sang đời khác nối tiếp nhau gìn giữ. Các chính quyền bị gọi là phong kiến tồi tệ xấu xa không hề đụng tới. Người phương bắc và người phương tây cũng không đụng tới được. Bây giờ dưới một chính quyền gọi là của nhân dân, chúng đã bị cướp mất… (3)
Tôi sợ khi em về, em sẽ thấy ngỡ ngàng trước những bệ bỏ không, những tháp nghiêng ngã vì gỗ đá gạch ngói bị cạy gỡ nhiều phen… hay là những tu sửa chắp vá ngờ nghệch, cẩu thả, sơn phết lòe loẹt lòa mắt chỉ cốt để thu tiền du khách mà chẳng có một chút ý tứ văn hóa nào. Em muốn tìm lại hồn-thu-thảo, tôi sợ em về rồi chỉ còn thấy nước cau-mặt-với-tang-thương.
Tấm lòng em, tôi biết phẳng phiu chưa từng gấp nếp. Em mơ nhân ái, em mơ hòa bình, em mơ tự do, em mơ công bằng (là những điều em đã học hỏi thấm nhuần trong những nhà trường phương tây và cũng chính là mục đích tối hậu mà mẹ cha em đã bỏ mẹ cha của họ, bỏ làng xóm của họ, bất chấp hiểm nguy chết chóc tù đày để bế bồng dắt díu em bỏ trốn đi tìm). Hồn em phơi phới như gió sớm, em muốn thương yêu hết nhân loại… tôi còn biết em muốn đem sự lành lặn của mình đắp vá che phủ cho những mảng rách rưới của hết thảy nhân loại, nói gì tới lòng em với những người anh em đồng chủng. Tôi tin lắm đoạn kết của bài hát em sáng rỡ một niềm tin
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng chan hòa, ta sẽ gặp lại các anh em
Trở về sống với tiếng lòng, cội nguồn, với đất mẹ quê cha
Một ngày nào đó, ta sẽ về gặp lại linh hồn của ta
Một ngày nào đó, ta sẽ về chào Việt Nam
Em ở xa, và lòng em mở ra, tưởng chừng mở lớn ra hết cỡ, em xa quê, muốn nối dài cánh tay để vòng tay em ngày về ôm trọn hết anh em, những người anh em từ mấy chục năm nay ở lại cội nguồn, chớ không như em, đã lạc lõng ngoài cõi lạ. Có điều tôi sợ dù tay em có nối dài qua sông qua biển cũng không níu hết được những anh chị em mà em tha thiết muốn gặp lại như… gặp lại linh hồn của ta, vì hiện có khoảng hơn 90 ngàn người (theo con số thống kê đăng trong bản tin của đài BBC ngày 30/6/2005) đang vẫn được quen gọi là “cô dâu Việt Nam” ở Đài Loan. Cũng xa xứ như em vậy, nhưng tình cảnh hoàn toàn khác em. Họ là những người con gái nhà nghèo, theo kiểu quen gọi là nghèo rớt mồng tơi, đã rời xứ sở đi lấy chồng người-nước-ngoài sau khi trải qua một thứ “chợ” kiểu như chợ buôn nô lệ thời thế kỷ 19. Cái kiểu nhà nghèo đợ vợ đợ con lúc nào chắc cũng có. Tuy nhiên tấm thân con gái biến thành một sản phẩm mua bán cò kè bớt một thêm hai, trong một thứ chợ có tổ chức hẳn hoi và rầm rộ như một phong trào thì chắc chỉ có dưới thời hậu-giải-phóng. Đó là chưa kể đến còn ngàn ngàn thanh niên thiếu nữ Việt Nam khác cũng đã được “xuất cảng lao động” qua Đông Âu từ thời còn các nước-anh-em để trừ nợ súng đạn, hay gần đây qua các nước kỹ nghệ để vừa giải quyết vấn đề thất nghiệp vừa có ngoại tệ thu về. Cho đến nay, vấn đề xuất cảng lao động vẫn là một phương cách kinh tế của các nước nghèo hầu giảm bớt miệng ăn trong nước và giải quyết tạm thời nạn thất nghiệp. Tuy nhiên, cái lối đem con bỏ chợ chắc chỉ có độc-quyền-việt-nam mà thôi. Trong kỳ Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên lần thứ tư ở Sydney (Úc đại lợi), linh mục Nguyễn Văn Hùng đã lên tiếng báo động về số phận thảm thương của gần 100 ngàn công nhân Việt đã đến Đài Loan trong cái chương trình được gọi hoa mỹ là Hợp Tác Lao Động, và gần trăm ngàn cô gái Việt Nam khác được bán đi Đài Loan làm vợ cho những người đàn ông có khi chưa từng biết mặt, có khi thành vợ chán chê rồi lại được sang nhượng lại cho một người đàn ông khác. Chuyện nghe ra như từ một thời nào xa xăm lắm, phải không em.
Một người nghèo có khi là trách nhiệm của chính họ. Một gia đình nghèo cũng có thể tại chính họ. Nhưng mà hàng trăm ngàn gia đình nghèo khó và dốt nát tới đỗi tuyệt vọng phải bỏ xứ, bỏ thân, bỏ nhân phẩm và “tự nguyện” biến thành nô lệ tình dục, tôi tớ, bị hành hạ đánh đập không một phương tiện tự vệ thì chắc không phải là chỉ tại chính họ. Người ta có thể ẩn nhẫn chịu nghèo khi còn một niềm tin. Chỉ khi không còn một niềm tin nào nữa, người ta mới thí mạng… mình. Thông thường thì niềm tin của người dân phát sinh từ những việc làm của chính quyền một nước. Đã có hay không những việc làm phát sinh những niềm tin ở đó.
Nghe em hát, xa xôi tôi vẫn biết lòng em tha thiết ngần nào với quê cha đất tổ. Tiếng hát em là tiếng lòng chung của cả một thế hệ em út tôi, con cháu tôi. Những đứa trẻ chưa từng thấy lá tre lả lả làm sao, nhịp cầu tre lắt lẻo thế nào, chưa được nghe tiếng mẹ ru ví-dầu-cầu-ván, chưa bao giờ nghe tiếng con dế gáy te te sau hè, chưa từng tắm truồng dưới cơn mưa nhiệt đới, chưa lần nào chạy chân trần thả phăng con diều giấy trên cánh đồng đầy rạ… Nhưng em vẫn mang một giấc-mơ-việt-nam
Tội nghiệp em, giấc mơ thì tuyệt vời !
Tội nghiệp em, nếu giấc mơ đó tan tác khi va chạm với thực tế. Em sẽ ngỡ ngàng biết bao nhiêu. Không chừng em còn tủi thân nữa. Nơi em đang ở, những người di dân Ý vẫn hảnh diện về một nước Ý của họ. Những người gốc Đức, gốc Hy Lạp… ngay cả gốc Ba Lan, gốc Tiệp Khắc vẫn còn rất nhiều khó khăn nơi cố quốc, họ vẫn tìm được một niềm tin vào ngày mai của đất nước họ. Còn em, em sẽ trở lại nơi đất nước đã cưu mang em, có gì không trong túi xách hành trang nhẹ hửng. Em sẽ tiếp tục vỗ về mình bằng huyền thoại một mẹ trăm con? Hay em phải an ủi mình bằng những ảo tưởng được thống kê như người ta vẫn quen làm ở đó. Em sẽ kể lại gì với bạn bè em về một chuyến về quê ? Không lẽ bằng cách giải thích một cách giáo điều đến ngô nghê rằng đó chỉ là hiện tượng? Và không lẽ bằng cách kể lại một câu chuyện khôi hài (xám) mà em đã nghe được rằng … thì… là Việt Nam chỉ mới đi được một phần ba đường, mà là cái phần ba thứ nhất trong cái câu tuyên ngôn xanh dờn có ba vế “Không có gì… quý hơn… độc lập tự do”. Ôi cái phần ba đường không-có-gì thăm thẳm !
Tôi không muốn gieo vào đầu óc trong trắng của em sự hoài nghi hay thiên kiến. Hàng ngày trên báo trên web còn nhan nhản ngàn điều tệ hại khác nữa. Ở đây tôi chỉ muốn trình bày một vài sự thực mà những chuyến đi đi về về của những người lớn quanh em có thể tạo ra cho em những huyễn hoặc như mưa sớm ở Lô Sơn cứ làm người ta tưởng đỉnh núi là thiên thai, mà chừng mưa tạnh rồi thì núi đá vẫn là núi đá.
Mà cũng tại tôi nghe tiếng Bonjour Việtnam của em làm tôi quá đỗi xúc động. Tôi cũng như em vậy, tôi cũng muốn được một lần về chào lại Việt Nam. Tôi đã sống gần nửa đời tôi ở đó. Và thịt da tôi còn nám nắng Việt Nam. Và miệng lưỡi tôi còn thèm thuồng miếng cá mài-vinh nấu tô canh mẳn. Và hồn tôi còn đầy ứ những câu hát đưa em ngọt ngào, những bài vọng cổ mùi tận mạng. Tôi sẽ buồn như em vậy thôi nếu khi về mà những hoài vọng của mình trái hẵn với thực tế. Mà không chừng tôi còn buồn hơn em nữa. Em chỉ mới ở đoạn đầu một đời lưu lạc. Tôi đã ở đoạn cuối cái kiếp lưu vong của tôi. Tôi không có áo gấm để về làng. Tôi chỉ muốn hết người làng tôi mặc lại được áo ấm. Sao chưa được em hả? Khi chiến tranh đã chấm dứt từ hơn ba mươi năm nay?
Ở cuối cái slide show được trình chiếu trên internet mấy tháng nay, ai đó đã thêm vào một câu viết bằng tiếng Pháp.
Oui! J’irai là bas pour chercher pourquoi je t’ai quitté.
Vâng, ta sẽ về để tìm biết tại sao ta đã bỏ đi.
Câu viết là một lối chơi chữ đau lòng. Nhưng sự thực cũng đau lòng không kém. Nhất là cái viễn tượng chối bỏ khi người ta không tìm được niềm tin và hãnh diện về gốc gác của họ.
Sao không vun bón lại quê hương để đám trẻ xa xôi… còn có chỗ mà bám rễ vào lòng đất mẹ!
Bonjour Vietnam !
hay
Adieu Vietnam !
CAO VỊ KHANH
(1) bản tiếng Pháp và bản dịch trích từ Phần Việt ngữ của đài BBC
(2) bài trích từ số Khởi Hành đã dẫn
(3) Thế Kỷ 21 số Xuân Canh thìn, tháng 2 &3 2000
No comments:
Post a Comment