Friday, March 11, 2011

Bến cũ - Anh Việt

___________





Nhạc sĩ Anh Việt ( 1927-2008)
Cựu Ðại Tá Trần Văn Trọng, nguyên cục trưởng Cục Quân Cụ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), tức nhạc sĩ Anh Việt đã từ trần vào ngày 15 Tháng Ba 2008 tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ, thọ 81 tuổi (sinh năm 1927).

Nhạc sĩ Anh Việt đã bắt đầu viết nhạc từ các năm của thập niên 1940 và có thể nói được rằng vào thời kỳ đó chưa có truyền hình và hệ thống phát thanh trên toàn Việt Nam còn thô sơ và hạn chế từng vùng, nhưng nhạc của ông đã được phổ biến rộng rãi trên các đĩa nhựa 33 tours, máy hát còn phải quay bằng tay, thay kim sau vài lần hát, chứ chưa có bao nhiêu máy chạy bằng điện, song đã giúp ông nổi tiếng ngay với các bài, như “Chiều Trong Rừng Thẳm” (1945), “Bến Cũ” (1946), “Một chuyến đi”, “Thơ Ngây” (1951)... khiến đi đến đâu từ thành thị đến các vùng nông thôn, người ta cũng đều nghe thấy vang lên các lời ca như sau:


“Trong rừng xa vắng... âm u nhuộm ánh dương mờ/Tiếng gió rít lên... ngàn cây xác xơ...” (Chiều trong rừng thẳm), hay “Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly, gió cuốn muôn phương về đây, thấy bóng người về hay chăng?...” (Bến Cũ), hoặc “Khi ấy em còn thơ ngây/Ðôi mắt chưa vương lệ sầu...” (Thơ ngây)...

Ngoài ra nhạc sĩ Anh Việt còn sáng tác các bản nhạc khác như “Rồi Ngàn Sau”, “Lúa Vàng”, “Một Chuyến Ði”, “Ai Xuôi Biên Thùy”, “Lỡ Chuyến Ðò”, “Ngày Xưa Yêu Nhau”...

Theo các người thân quen nhạc sĩ Anh Việt, thì cho đến năm 1993, ông còn phổ nhạc cho bài thơ của Tố Oanh, mang tựa đề “Bâng Quơ”.

Nhạc sĩ Anh Việt hồi năm 1967, từng là chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội của QLVNCH. (L.T)

Sau đây là bài viết của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn về nhạc sĩ quá cố Anh Việt, mà chúng tôi trân trọng giới thiệu.

Nếu hai thập niên 1940-1950 được coi là phồn thịnh của tân nhạc Việt Nam, thì phần đóng góp của Anh Việt không phải là nhỏ.

Vào thời ấy, buổi sáng người ta có thể nghe thấy Ngọc Bảo và Tâm Vấn hát “Bến Cũ” của Anh Việt trên đài phát thanh Hà Nội, buổi chiều hay đêm khuya người ta lại có thể nghe tiếng Anh Ngọc/Minh Trang, Mạnh Phát/Minh Diệu, Trọng Nghĩa/Ngọc Hà hát “Lỡ Chuyến Ðò”, “Một Chuyến Ði”, “Chiều Trong Rừng Thẳm” của ông trên sóng của các đài phát thanh Huế, Pháp Á hay Sài Gòn. Ấy là chưa kể có đài còn dùng nhạc của ông để làm nhạc hiệu nữa

Hầu hết các ca khúc của Anh Việt đều là tình ca.

Và, tình của chúng ta nói chung, trong thập niên 50, thường nói về những cuộc chia ly, nỗi nhớ nhung xa cách, ước mong một ngày yên bình được trở về chốn cũ, nối lại tình xưa...

Nhạc của Anh Việt cũng vậy.

Nhưng với cái ngọt ngào của âm điệu, thơ mộng của lời ca, ông đã biến các ca khúc của mình trở thành những bài hát điển hình của một thời đại.

Chiều vàng lại đem nhớ tiếc thương

Ðây người sang với con đò xưa

Và chiều chiều thôn nữ vấn vương

Duyên tình xưa êm thấm còn đâu

Người của bốn phương

Người đã ra đi có nhớ bao giờ

Dù duyên thề ước đắm với giấc mơ

Ðường tơ vấn vương

Ðem gieo thắm tươi vào đau thương

Và cố quên tình người bơ vơ

(Lỡ Chuyến Ðò)

Anh Việt cho biết về tiểu sử của mình như sau:

“Sinh trưởng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa lúc cao trào kháng Pháp dành độc lập đang bùng lên. Buổi niên thiếu sống trong khung cảnh ruộng lúa phì nhiêu với sóng triều biển cả của những chiều gió lộng với dòng Kiên Giang in bóng trăng vàng và cũng là nơi còn ghi chiến tích oanh liệt của anh hùng Nguyễn Trung Trực chống giặc Pháp, nêu gương tiết liệt với ngàn thu”.

Chính ở đây Anh Việt đã viết các ca khúc “Bến Kiên Giang”, “Chiều Trong Rừng Thẳm”, “Một Chuyến Ði”, “Lỡ Chuyến Ðò”...

Có điều hơi lạ Anh Việt là người Nam, tình yêu của ông đối với sông nước, ruộng đồng nơi mình sinh trưởng thật đằm thắm, nhưng nhạc của ông không có vẻ gì là sản phẩm của một người gốc gác miền Nam cả.

Nhà văn Nguyễn Trọng Trạc bày tỏ cảm tưởng khi nghe lại các ca khúc của Anh Việt như sau:

“Những bài hát cũ gợi lại cả trời xưa cũ, thời xưa cũ, những rung động xa xưa, cũng nhắc đến cả một chiều dài phức tạp của lịch sử đất nước Việt Nam cận đại. Anh đã khởi đi trong những ngày quật cường của quần chúng, đã sống cuộc sống giang hồ của một nghệ sĩ, đã góp tiếng lòng với quê hương, và cũng đã có tâm trạng của một kẻ bị lưu đầy”.

Còn nhà văn Thanh Nam đã mượn thơ Quang Dũng để viết về Anh Việt:

Chưa chắc cây cao hồ dễ im

Sông sâu hồ dễ đã êm đềm

Cây cao chừng đợi giờ giông tố

Sông đợi mùa dâng sóng nước lên

Có vẻ như Anh Việt muốn viết anh hùng ca, nhưng chất lãng mạn đã lấn át mọi cái khác, nên cuối cùng ông chỉ còn lại những bài tình ca.

Ngoài ngàn dặm đoàn người ra đi

Trong sương lạnh lòng trai bền chí

Ra biên quan xa xăm ngàn phương

Và còn vọng tiếng hát trong sương

Người theo ngàn gió

Biệt ly buồn nhớ

Chờ đợi bao năm

Sống với âm thầm

Chốn ấy xa xăm người đi

Chiếc bóng bên song chờ chi

Tha phương ngoài ngàn quan san

Từ bao lần lá thu tàn...

(Một Chuyến Ði)

Bài hát hùng tráng nhất của Anh Việt là bài “Chiều Trong Rừng Thẳm”. Bài hát này có thể coi như tiếng vang của tâm hồn ông đối với các nhân vật lịch sử và quê hương riêng, ông ấp ủ trong hồn. Chính nỗi bi tráng của bài hát trở thành hùng tráng:

Trong rừng xa vắng âm u nhuộm ánh dương mờ

Tiếng gió rít lên ngàn cây xác xơ

Chuông chùa vang nhắc ngân lên như những oan hồn

Rừng còn mang hận mãi trong hoàng hôn

Mây nặng u hoài

Thây ngập bên rừng

Tiếng gió hòa bi ai

Ðây là nấm mồ

Bao nhiêu quân Nam hy sinh vì quốc dân

(Chiều Trong Rừng Thẳm)

Bài tình ca ngọt ngào và trọn nghĩa nhất của Anh Việt có lẽ là bài “Thơ Ngây”. Ðây cũng là bài hát được nhiều ca sĩ chọn để trình bày nhiều hơn cả trong số các nhạc phẩm của ông.

Từ âm điệu đến lời ca có một vẻ gì đó nũng nịu, làm dáng, nhưng vẫn giữ được vẻ nghiêm trang, trong sáng, không quá trớn để trở thành bỡn cợt hay giả dối:

Khi ấy em còn thơ ngây

Ðôi mắt chưa vương lệ sầu

Cười đùa trong muôn ánh trăng

Ðắm xinh đôi môi hồng thắm

Em ngắm mây hồng hay dòng nước trong

Thấy lòng ngẩn ngơ như tìm một bóng ai

..............

Rồi một hôm

Có chàng trai trẻ đến nơi này

Ðời em có một lần

Là lần tim em thấy yêu chàng...

(Thơ Ngây)

Anh Việt có vẻ là một người sống kín đáo. Ông ít xuất hiện ở nhưng nơi công cộng, dù cho đó có là nơi người ta mang nhạc của ông ra trình diễn. Hoặc giả ông cũng có tới dự nhưng tự lẫn vào đám đông, như những khán giả vô danh khác.

Ông từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cũ của chúng ta ở Sài Gòn xưa, nhưng cũng ít người biết ông.

Từ sau biến cố 75, sống ở hải ngoại, người ta cũng không thấy ông tuyên bố điều này điều khác, ở chỗ nọ chỗ kia.

Chắc ông chọn sự im lặng.

Những người yêu nhạc ông hoàn toàn kính trọng sư im lặng của ông, và xin gửi tới ông một bông hồng tạ ơn về nhưng gì ông đã cống hiến cho âm nhạc Việt Nam.

Bến Cũ

Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly

Gió cuốn mây trôi về đây

Thấy bóng người về hay chăng?

Xa nhau bến xưa ngày ấy

Anh đi thế thôi từ đây

Sầu chết bên lòng

Hồn nặng nhớ mong

Biết đi sầu em mong

Nhưng ngàn dân đang ngóng

Dưới trời gió mưa

Làn gió chiều đưa

Xa nhau bến xưa ngày ấy

Anh như bóng mây hồng trôi

Về chốn xa vời

Lòng nặng nhớ mong

Cố quên sầu thương đi

Anh nguyền đi theo gió

Chớ buồn khóc chi

Càng khổ người đi

Bến ấy chiều sương chờ mong

Vấn vương lòng ta

Gió cuốn mây trôi về đâu

Cố nén sầu lòng bao năm

Nguyễn Ðình Toàn

No comments: