Friday, March 11, 2011

Các cụ có biết yêu không

_________________

Chân Diện Mục





Đọc sử không thấy nói tới tình yêu ! Trong thi văn từ thế kỷ 16 trở về trước cũng không thấy nói tới tình yêu . Ta chỉ thấy thấp thoáng những bài nói tới thân phận đàn bà . Hoặc cảm thương trước thân phận éo le của ai đó , hoặc đồng bệnh tương lân của một Nho sĩ bị lưu đầy trước một giai nhân luân lạc .
Chuyện Ả Hàn Than với một Thiền Sư đời Trần là văn hư cấu của một văn sĩ đời sau . Chuyện Nguyễn Trãi và Thị Lộ là chuyện bịa đặt của các Văn Sĩ đời Nguyễn ( mà đều là những văn sĩ kém trình độ . cứ xem những lá thư qua lại giữa thị Lộ và Nguyễn Trãi khi cụ bị giam cầm thì ta đủ thấy sự mạo tác ngớ ngẩn của họ ) . Tôi thấy ta chỉ có tình yêu vào cuối Lê Trịnh . Cái thứ tình yêu gần giống ngày nay với đủ thứ thương , nhớ , chờ mong , hờn giận , tưởng tượng , mơ mộng , với Đoàn thị Điểm , Ôn như Hầu , Nguyễn Du thì thơ tình đã lên ngôi , với những diễn đạt làm ta đáng ngạc nhiên :

Khi mơ những tiếc khi tàn
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không

Ngày nay nhiều ông già vÀ thanh niên chắc sẽ thắc mắc là làm sao hồi đó mà trái tim các cụ đã có những rung độnG tế nhị như thế
Hai câu trên là Đặng Trần Côn- Đoàn thị Điểm diễn tả dùm tình yêu của người Chinh Phụ . Sau đây tôi xin giới thiệu tình yêu của ba nhân vật bằng xương bằng thịt
Bài thơ khóc Thị Bằng :

Ớ Thị Bằng ơi đã mất rồi
Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ơi
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình nhớ mãi càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài vẫn chẳng thôi


Bài này có thuyết cho là của vua Tự Đức với tựa đề là khóc Bằng Phi , có thuyết cho là của Ôn NHư Hầu . Tôi nghĩ không phải của nhà Vua được vì hai câu thực ( 3 , 4 ) quá dân dã , quá xóm làng . Trong cung vua chỉ có hành lang chứ không có hè , có chái . Chỉ có làng xóm mới có ngõ , trong cung vua không có ngõ . Thêm nữa , cái phong thái :

Xếp tàn y lại để dành hơi

cũng khiến ta gạt nhà vua ra bên lề , bởi nó không có cái cao sang Vương Giả Chi Tình của một Hoàng Đế . Một điều nữa tôi xin bổ túc cho phái chủ trương bài trên của Ôn NHư Hầu . Mặc dù bài trên có những từ cổ kính , tàn y , nhưng toàn bài là một giọng Nôm rất trong sáng , không như vua Tự Đức toàn làm thơ Hán , đôi khi kiểu cách , đỏm dáng , chơi chữ :
Tiêu hà tá hán khởi ư phong

Trái lại giọng của cụ Ôn Như Hầu rất " mềm " như bài sai thằng Cam :

Cam tốc ra xem gốc hải đường
Hái hoa về để kết làm tràng
Những cành với nhánh đừng vin nặng
Mấy đóa còn xanh chớ bứt quàng
Xong lại tây hiên tìm liễn xạ
Rồi sang thư viện lấy bình hương
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng

Bài thơ cụ ra thăm vườn sau cơn mưa thì càng cho ta thấy tính dân dã trong thơ cụ

Lởm chởm gừng vài khóm
Lơ thơ tỏi mấy hàng
Vẻ chi là cảnh mọn
Mà cũng đến tang thương

Cái dân dã đó rất hợp với cái " mưa hè nắng chái " , "sớm ngõ trưa sân" của Thị Bằng . Có lẽ chỉ có cái Đa Tình của cung oán ngâm khúc mới diễn tả được tấm lòng "đa tình " một cách tài tình của một trí thức thời nông nghiệp
Người ta cũng lưu truyền mấy câu thơ của một thi sĩ vô danh đang đau khổ trước một tình yêu đích thực :

Khạc chẳng ra cho , nuốt chẳng vào
Khối tình nặng lắm biết làm sao
Muốn kêu một tiếng cho to lắm
Rằng ới ai ơi nó thế nào

Cái tình yêu đích thực thì làm sao mô tả được , cho nên Nguyễn công Trứ đành chịu thua

Tương tư không biết cái làm
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mắt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chao
Một nước một non người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao

Các bạn thấy thế nào ? Sao thấy nó giống giọng hiện đại quá ! Nhất là các bạn trẻ , ngạc nhiên quá phải không ?
Tôi cũng xin các bạn đừng lẫn lộn tình yêu đích thực này với những mối tình nơi quán rựu phòng trà .
Những bài của Chiêu Hổ với Hồ Xuân Hương (có người cho Hồ Xuân Hương là huyền thoại, không có thực trên đời, cũng có người cho Hồ Xuân Hương là đực rựa , nhiều ông đực rựa hiếu sự, láo chơi !). Hoặc bài sau đây mà người ta cho là Nguyễn công Trứ bỡn cợt với một cô Ả đào :

Ta ở nhà ta , ta nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói rằng không đến
Đến thì mi nói đến làm chi
Làm chi ta đã làm chi được
Làm được ta làm cũng có khi

Những bài thơ đó đều thuộc loại trà dư tửu hậu , không phải là những bài thơ đích thực . Thơ đích thực phải là thơ " Tải Đạo " . Không tải đạo với đời ( vua , cha, anh ) thì cũng tải đạo với mình ( tự răn mình ) và tải đạo với người con gái mình yêu! Vâng ! Tôi nói rất nghiêm chỉnh đấy ! Tình yêu trai gái là để tiến tới hôn nhân ( nếu không thành thì phải có cái lý do nghiêm chỉnh ) mà các cụ cho là nguồn gốc của văn hóa ( phu thê phong hóa chi nguyên : bởi có vợ chồng ... rồi mới đẻ con... rồi mới có cha con )
Ngày nay các bạn trẻ nên lấy làm gương , tình cảm trong khi sống thử không phải là tình yêu
Hai cặp Thực và Luận trong bài Tương Tư của Nguyễn công Trứ cho ta tình yêu đích thực của một nhà nho đích thực . Tác giả là người lý thuyết Khổng Mạnh đầy mình , lý thuyết phong kiến đầy mình... Nhưng các bạn có thể đánh giá lời thơ , ý thơ là tha thiết ,nồng nàn , đắm say , thăng hoa....hay bất cứ từ ngữ nào ngày nay cũng được . Các bạn còn dám nói Xuân Diệu là vua thơ tình nữa không ? Hay Nguyễn công Trứ mới là vua thơ tình , còn Xuân Diệu là Thái Giám thơ tình !
Bây giờ tôi xin trích dẫn thơ của một Nho Sĩ phong kiến cuối mùa . Nhưng hoa cúc cuối mùa lại được người Nhật coi là hoa quân tử trung trinh . Thưa quý vị Phan thanh Giản là một nho sĩ cuối mùa, một quân tử trung trinh ! Một thái sơn bắc đẩu của nho sĩ miền nam , một sao khuê trên bầu trời văn học miền nam , một anh hùng dân tộc .
Cụ Phan theo lệnh của triều đình Huế phải hòa hoãn với Pháp , tôi nhấn mạnh phải HÒA HOÃN chứ không phải hòa lâu dài , vì Pháp đã chiếm XONG ba tỉnh , đang củng cố , tính kế ở lâu dài , ta đành phải hòa hoãn với chúng, coi chừng chúng đánh tới ...kinh đô . Cụ Phan đành phải theo ý triều đình xuống tàu hòa nghị với chúng ! Cụ Phan ĐANG HÒA NGHỊ DƯỚI TÀU thì Pháp xua quân đánh thành . Thành tan thì Pháp giữ cụ cả tháng ! các đồng chí của cụ đã chạy vắt giò lên cổ... đi xa ... không một người ngó lại ! nên cũng chẳng ai biết sau đó cụ chết cách nào (!) Ôi ! Chỉ có những người ít học , không hiểu gì về Lịch Sử , về tình hình lúc đó ... như Trần Huy Liệu , Phạm văn Đồng mới chê bai , kết án cụ !!!
Bài thơ giã vợ ra làm quan như sau :

Từ thuở vương se mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham rong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời nhắn nhủ cơn lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng

Nếu chỉ hờ hững đọc lướt qua thì sẽ chỉ thấy là những lời phân trần vì nghĩa vụ làm quan , những lời căn dặn việc nhà ! Nếu chỉ nhìn bằng con mắt duy vật , bằng con mắt biện chứng phong kiến dẫy chết thì sẽ thấy đó là lệnh của kẻ củ nhân dặn lại kẻ nội nhân trước khi lên đường . Nhưng đọc kỹ , ngâm nga, nhấm nháp từng lời thì mới thấy nỗi cảm thán, rưng rưng của cụ Phan đối với người bạn keo sơn trăm năm , người tri kỷ một đời người , một tấm lòng " ghi tạc có non sông "
Câu 3 , 4 đầy mặn mà , đằm thắm . Câu 6 không phải là một lệnh mà là một yêu cầu cần sự chia sẻ, sự giúp đỡ của người bạn đời ( các bạn trẻ không hiểu ba chữ " cậy nhau cùng " trong ngôn ngữ cổ đâu : nó gần như một lời xin , một lời năn nỉ )
Hai câu cuối tràn đầy ý nghĩ yêu thương da diết . Những tiếng " rằng " tiếng " lòng " được láy đi láy lại cho thấy tình lưu luyến bồi hồi của kẻ đi người ở . Nó cũng giống như câu của Đoàn thị Điểm : 

Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng

Các bạn trẻ thường khó thưởng thức câu thất ngôn hơn là câu lục bát , điều này tôi có kinh nghiệm mấy chục năm bên các bạn nên tôi biết . Khi tôi kêu đọc một bài thất ngôn thì các bạn thường đọc như một bài văn xuôi (!) . Thế nên , nếu bạn nào yêu văn chương , yêu thơ cổ , ngâm nga lên thì sẽ khiến cảm thán đến nao lòng !
Các cụ không coi đàn bà là cái máy đẻ , là kẻ nấu cơm , giặt giũ . Các cụ đã có tình yêu trân trọng mà mặn nồng , trang nghiêm nhưng thắm thiết , e rằng ... đời nay không bằng !

Chân Diện Mục
09/2010

No comments: