Friday, March 11, 2011

Nhà thơ, nhà văn, giáo sư, cư sĩ Phạm Công Thiện (1941 - 2011)

____________________







Mười năm qua, mười năm qua, gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy, theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay, bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông,
gó thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông



Giáo sư Phạm Công Thiện qua đời

Nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Houston, Texas, thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch ngày 9 tháng 3, 2011 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.

Theo lời một thành viên gia đình nói với một thân hữu, ông Phạm Công Thiện dường như biết trước thời điểm “sẽ đi,” và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, ông dặn gia đình “không làm tang lễ rườm rà, chỉ hỏa thiêu.”

Chiều cùng ngày, vẫn theo lời gia đình, ông thấy “mệt dần, bắt đầu nhập định, và ra đi nhẹ nhàng.”

Ông tên thật là Phạm Công Thiện, thời trẻ còn có bút hiệu Hoàng Thu Uyên cho các tác phẩm dịch, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Từ tuổi thiếu niên ông đã nổi tiếng thần đồng về ngôn ngữ, năm 15 tuổi đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Sancrit và tiếng La Tinh.

Năm 1957, 16 tuổi, ông xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm, nhưng từ vài năm trước đó cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1970, ông đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ. Từ những năm cuối thập niên 1950 ông đi dạy Anh ngữ tại một số trường tại Sài Gòn.

Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần.” Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

Từ năm 1966-1968, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Ðại Học Vạn Hạnh. Từ năm 1968-1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông trút áo cà sa để lấy vợ và sau đó làm giáo sư Triết học Tây phương của viện Ðại Học Toulouse.

Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư viện Phật Giáo College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến ngày ông qua đời.

Giữa thập niên 1960, Giáo Sư Phạm Công Thiện bắt đầu nổi tiếng với các tác phẩm xuất bản tại Sài Gòn, mà cuốn đầu tiên gây chú ý nhiều cho giới văn nghệ và thanh niên sinh viên là Ý Thức Mới Trong Văn nghệ và Triết Học (1965), rồi đến Yên Lặng Hố Thẳm (1967), Hố Thẳm Của Tư Tưởng (1967), Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967). Về tôn giáo có “Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền Tông” (1964), thơ thì có “Ngày sinh của rắn” (1967), các tác phẩm văn học thiên về tư tưởng: “Trời tháng Tư” (1966), “Bay đi những cơn mưa phùn” (1970). Tất cả các tác phẩm này đều do hai nhà An Tiêm và Lá Bối tại Sài Gòn ấn hành.

Tại hải ngoại ông đã xuất bản khoảng mười tác phẩm, hầu hết trong thập niên 1990, như Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988), Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo (1994), Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995), Tinh Túy Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998), v.v…Ông cũng đóng góp nhiều cho báo chí, chẳng hạn viết cho tạp chí Thế Kỷ 21, nhật báo Người Việt. Có thể nói, tác phẩm cuối cùng của ông là bài viết cho Giai Phẩm Xuân Người Việt 2011.

Từ khi còn rất trẻ cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Việt Nam về các phương diện ngôn ngữ, thơ, văn và đặc biệt về tư tưởng triết học. Ðối với Phật Giáo ông cũng là người có công lớn với các công trình nghiên cứu Phật học, và đặc biệt, đã góp nhiều công sức xây dựng viện Ðại Học Phật Giáo Việt Nam đầu tiên Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1966, trong đó có tập san Tư Tưởng là cơ quan phát huy tư tưởng Phật Giáo quan trọng nhất của Việt Nam trong thời cận đại.

(nguồn:http://www.daophatngaynay.com)

___________________________________________________________

Phạm Công Thiện: ‘Ðã đi mất hẳn đi rồi’

Sinh hoạt văn hóa miền Nam, thu nhỏ vào lãnh vực Văn Học và Triết Học, và giới hạn từ 1963 trở đi, đã tưng bừng phát triển, như hải triều, như thác đổ, phá vỡ những oi nồng của một thời kỳ ung độc, đưa thế hệ hai mươi thuở đó và những thế hệ hai mươi khác của đất nước trở về với suối nguồn tư tưởng Ðông Phương, là công lao chung của một nhóm thanh niên trí thức đã xuất gia: Nhóm Vạn Hạnh.

Chưa bao giờ sinh viên học sinh miền Nam, vốn khắc khoải trước các vận động mở cửa nhìn ra thế giới, ù tai và nhức óc với những kinh điển siêu hình phương Tây, lại thấy được chân trời lồng lộng sáng lòa, hiển thế, thân ái, ai ngờ lại ở ngay ngưỡng cửa của ngôi nhà dân tộc mình. Hãy trở về Phương Ðông, hãy vực dậy Hồn Việt.

Hồi ấy, mạnh mẽ lên đường từ 65-66, Nhóm Trẻ Tuổi năm bảy người ấy xông xáo trong các tờ tạp chí văn hóa, nơi những nhà xuất bản tôn giáo, dưới mái các giảng đường cao đẳng, vui sống là làm việc, học và hành, tung ra bốn phương những hoa thơm cỏ lạ, những tác phẩm chan chứa tình yêu thương, yêu thương con người nhân loại, tràn đầy hy vọng và tin tưởng. Họ không phải một người. Họ là một toán, một đoàn, một đội. Thời ấy miền Nam đâu đâu cũng nói chuyện võ hiệp, như xa xưa nơi phương Bắc thời các tay tứ chiếng giang hồ tìm về Lương Sơn Bạc mưu chuyện đổi thay; họ tìm về Cao Ðẳng Phật Học và Vạn Hạnh dựng nền đắp móng. Không kể các bậc thầy đã xa như Ðức Nhuận, Thanh Kiểm, Thanh Từ,… hay kế tiếp như Minh Châu, Nguyễn Ðăng Thục, Tôn Thất Thiện, Trần Ngọc Ninh, Vũ Văn Mẫu,… Nhóm Trẻ là “Tây Ðộc” Phạm Công Thiện, “Ðông Tà” Tuệ Sỹ, Chơn Hạnh “Trung Thần Thông,” Chơn Pháp “Bắc Cái,” Nghi Lâm sư muội Trí Hải, và “Chu Bá Thông” Bùi Giáng, võ công tuyệt đỉnh nhưng không chịu hẳn một môn phái nào. Hôm qua, 8 tháng 3, 2011, Phạm Công Thiện đã ra đi.

Nói đến Phạm Công Thiện là nói đến tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học,” cuốn sách các sinh viên thường có trong tay, xuất bản năm 1965. Cũng phải nói đến cuốn luận văn quan trọng của Thiện, phê bình sách của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung về Phật Giáo, và những cuốn khác như:

“Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, Tổ sư Thiền tông” 1964, “Im lặng hố thẳm, Phương pháp suy tư về Việt và Tính, con đường của Triết lý Việt Nam” 1967, “Hố thẳm của tư tưởng, Ðặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay” 1967; không kể truyện ngắn, hay những cuốn sách viết về Rilke, 1969, Miller, 1969,… Với những cuốn sách ấy, Thích Nguyên Tánh Phạm Công Thiện đã đóng góp công lao lớn trong sự xây dựng Phật Giáo Việt Nam.

Ðể đưa tiễn nhà thơ triết gia, không gì bằng nhắc đến một câu thơ của Goethe mà tác giả “Hố Thẳm” hay nhắc: “Trên Tất Cả Các Ðỉnh Cao, Là Bình Yên.” Mới năm kia, Phạm Công Thiện đã sửa lại hai chữ sau cùng, dùng để đặt nhan đề cho tập thơ cuối cùng của ông, do Hương Tích xuất bản: Trên Tất Cả Các Ðỉnh Cao Là Lặng Im.”

Ðã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Ðã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Ðại huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.

(Phạm Công Thiện, Ði, tr. 22, Trên tất cả…)
6 giờ 22, 9 tháng 3, 2011

© Viên Linh

13 comments:

Anonymous said...

quá khứ bay lên trời
hóa thành cánh chim non
tôi quỳ hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
**
trùng dương nằm đợi vô thường
đồi cao bạt gió hai đường âm u
**
phố chiều tôi bước lang thang
như con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng như cành thu đông
đời em như một dòng sông
đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên
mưa chiều nước chảy triền miên
một con chim dại lạc miền hoang lương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa"
**
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồn nở cửa đông

thơ Phạm Công Thiện

Anonymous said...

xin vui lòng đọc lại hai câu thơ của Phạm Công Thiện.
"tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông"
đa tạ
nh

Ngọc Vân said...

n H
Cũng lạ là anh em mình vữa nhắc chuyện PCT tháng trước, trước đó Cv chưa hề dám bàn về thơ ông với bất cứ ai bởi vì biết rõ bản thân mình không đủ kiến thức lẫn khả năng bàn ..loạn.
Ta nhìn thấy gì trên ấy, những khuôn mặt mây bay, những khuôn mặt ký ức, quê hương..để một lần ly xứ lớn lên đọc lại bài thơ cũ của ông mà rùng mình, rùng mình với những.. mưa hoaly hương nước ngược dòng, với..tôi đau trong tiếng gà xơ xác..
rồi hôm nay vừa được đọc thêm đoạn này

bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay ..

PCT

em cũng vậy
em bây giờ xa hương tới mấy đại dương xanh...


không biết Hương trong bài thơ này có là một với Hương của Trầm Tử Thiêng không...

Anonymous said...

Vân và nh Có nhớ những vần thơ nầy không . Cũng của PCT

Tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
Nước chảy lên vùng phố tịch liêu
Tôi nhớ một lần cây quế mọc
Tồi đứng gọi hương trọn buổi chiều

Ôi tiếng gọi sao mà tha thiết quá . Vẫn nghe tiếng gọi thiết tha ấy trong từng khoảnh khắc quanh tôi trong suốt cuộc đời ly hương nầy nh ơi, nv ơi

TL

Anonymous said...

Chị TL, NV
Nhà văn Mai Thảo có đặt tựa cho một cuốn tiểu thuyết cuả ông Để Tưởng Nhớ Mùi Hương, PCT Bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh, TTT với Dù em ca nỗi buồn quê hương. Bây giờ cả ba mùi hương, hoá thành mùi trầm tan lãng vào thinh không, lặng im.

Không biết Hương cuả PCT, Hương của TTT là một hay không, nhưng mỗi người chắc có một nỗi đau dịu dàng.
nh

Anonymous said...

Đọc " Đã Đi Mất Hẳn Đi Rôì " khoái nhất là Viên Linh gọi P.C Thiện , Tuệ Sỹ, Chân Hạnh , Trí Hải và Buì Giáng là Võ Lâm Ngũ Bá . Tôi thấy Phạm C Thiện viết bài " Trên Tất Cả ... " sao nghe hao hao như hơi thơ của Lão Ngoa Đồng Bùi Giáng .Tôi thích Tuệ Sỹ với

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẽo về

Anh đem giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em

Đêm khuya , nhà sư tức cảnh sinh tình làm thơ cổ

Thâm dạ phong phiêu lạc ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Rồi tịt ý , hôm sau gặp B Giáng , nhà sư nhờ tiếp hai câu cho thành tứ tuyệt . Lão quái liết qua , hạ bút

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly .

Quái nhơn làm thơ dể như hít thở không khí nhưng lại có vô số cái chướng đời ; Lão mê Kim Cương như chết , lão cứ lẽo đẽo theo cáp đôi Tuệ Sỹ với bà Trí Hải , năn nỉ gì cũng hỏng chịu tha .

H

Ngọc Vân said...

CV không có đọc văn Mai Thảo, chỉ có đọc thơ ông mà thôi..
CV nghĩ ngài Tuệ Sỹ cũng hơi tà tà hihi
Còn không biết ni sư Nghi Lâm Trí Hải có thương ai ở trong lòng hay không mà ông Bùi Giáng ổng bắt mạch được há ...

n H..
Hình như mấy người theo mật tông Tây Tạng có thể truyền âm nhập mật và có thể tự ngưng hơi thở mà ra đi ..

rachgia said...

Ngày các chị đọc Mai Thảo, V còn bé xíu . Ngày ấy V chỉ mê tuổi ngọc ,Từ kế Tường và Đinh Tiến Luyện mà thôi . Sau 75 toàn bộ tủ sách gia đình một mớ Má đem và ruộng chôn dấu ( vì thương, vì tiếc ) còn một mớ má vừa đốt vừa khóc . Xót xa lắm !
nh biết không tôi dấu lại quyển Sống chỉ một lần của MT và đem theo luôn trong chuyến đi năm ấy . Quyển sách đã lưu lạc cùng tôi trong chặng đường nổi trôi bao nhiêu năm nay. Có lần con gái tôi soạn lại tủ sách cho Mẹ nó, cháu thấy cuốn sách quá cũ đòi bỏ đị .Quyển sách như một kỷ vật trong những đêm dài biệt xứ làm sao Mẹ bỏ được hở con ? Con bé thấy Mẹ vừa nói vừa rươm rướm nước mắt cháu lặng lẽ xếp lại quyển sách vào chỗ cũ . Tôi đọc gần như hết các tác phẩm của MT nh ạ . Văn phong ông rất đẹp và mượt mà quý phái vô cùng . nh có đọc MT quyển "Ôm đàn tới giữa đời" không ?
TL

Anonymous said...

"Mưa vẫn là những đường tơ trắng xoá bay nghiêng......

Đừng bận tâm cho những cái bỏ lại. Những cái bỏ lại không còn ý nghĩa gì hết với người lên đường. Hãy sống ngay, từ lúc bây giờ, với cái sắp gặp..."*
Chị TL
Thỉnh thoảng đọc lại truyện của Mai Thảo vẫn thấy hay như ngày nào, nh cũng bị mất hết thơ, nhạc, sách, thật tiếc. NH cũng đọc gần hết những tác phẩm cuả MT văn ông thì....tuyệt vời.

*"Một chàng phiêu lãng
Ôm đàn tới giữa đời
Mộng chưa tàn khúc...."
nhạc PDN

Ngọc Vân said...

V lại nghĩ lan man, ước gì có thêm thời gian để có thể đọc qua những cái mà người khác ca ngợi, ngó lại đời sống mình thì thôi đành thua vậy..
Thôi để V ngồi đọc thơ cho....nhanh hihihi

Anh H

Phải có cốt cách của một đại trượng phu mới không bận tâm tới những điều bỏ lại.
"Những cái bỏ lại không còn ý nghĩa gì hết đối với người lên đường - ?"

....


Cửa tùng đôi cánh khép
Một mũi tên sáng loáng lìa dây cung
Lao vút tới
Mặt trời nổ tung
Đầy sân hoa cam rụng
Phảng phất
Bóng vô cùng

Nhất Hạnh

Anonymous said...

NV ơi!
Mấy dòng chữ viết trong ngoặc kép là của ông Mai Thảo viết, phần cuối trong quyển "Ôm đàn tới giữa đời", vì dài quá nên "tóm gọn", mấy câu cuối là bài "Tà áo văn quân" Phạm Duy Nhượng, cũng nằm trong truyện, gì mà cốt cách cuả một "đại trượng phu" nghe ghê dị và cũng xin đính chánh, nh khác với H (anh hay chị không biết)trong phần trả lời:"Đọc Đã Đi Mất Hẳn Đi Rồi"........
Như vậy có bốn người trong trang này.
Thân
nh

Tố Lang said...

nh nói phải đó V ơi . Câu " đùng bận tâm cho cái bỏ lại .... " là của Mai Thảo trong "Ôm đàn tới giữa đời" . Câu đó ở trang gần cuối của đoạn kết lúc Ngọc - nhân vật nữ chính, cô chủ quán cà phê ở Pleiku mang tên " Quán nhớ " từ giã và ra đi. .. Không phải là nh nói đâu.
TL

Ngọc Vân said...

Chào các anh chị
Thì ra V hông biết ai là ai rồi nói chuyện loạn xà ngầu như vậy
NH
Tại có người nhắc tới thơ sư cho nên V cũng nhớ thơ sư hihihi, ý tưởng của bài thơ Nhất hạnh làm V suy nghĩ nhiều từ khi đọc được bài thơ, rồi bắt gặp cái câu trên của MT thấy hơi gần gần nên phang ra luôn...
Thì ra là nó lấy râu ông nọ cắm càm bà kia
Xin lỗi các anh chị.. :))