Võ kỳ Điền
Cả bọn chúng tôi cơm nước xong xuôi thì trời vừa sụp tối. Cái mặt trời chói lọi tỏa ra hơi nóng hừng hực ban chiều đã lặn đi đâu mất tiêu nhường chỗ cho bóng tối tràn lan bao phủ khắp cái biệt thự này. Tôi đứng dậy ngó quanh ngó quất cố tìm một vật gì để thế cây tăm xỉa răng nhưng vô ích, cả gian phòng trống rỗng. Không có gì hết ngay cả một cọng chưn nhang. Hồi nãy khi ăn cơm, mấy người đàn ông, đàn bà và hơn sáu bảy đứa con nít đều phải ngồi bệt xuống sàn gạch bông sau một buổi trời hì hục quét tước, lau chùi cho sạch sẽ. Người ta đã khiêng đi đâu mất hết bàn ghế, tủ giường, nồi niêu soong chảo... luôn cả mấy cánh của sổ, cửa ngăn bằng cây. Căn nhà trống hốc. Còn rác rến, giấy vụn, vải rách, bụi bặm thì vương vãi đầy nhà. Trên trần và vách, dây điện đứt treo lủng lẳng. Nhưng mấy thứ còn lại đó, đám người vượt biên theo kiểu bán chánh thức tụi tôi đâu có lấy làm chi. Căn nhà bị khai thác tận tình như một cô gái ăn sương rẻ tiền về sáng chỉ còn trơ bộ mặt hốc hác, loang lổ phấn son. Vậy mà khi mới được công an chở tới đây, thằng Dân ngó trực thấy cái vẻ đồ sộ bên ngoài, có vẻ khái chí khều tôi nói nhỏ:
- Nè, anh Ba, tụi nó lựa cho mình cái "quy-la" nầy sang quá hả. Đã thiệt! Cái thằng thiệt tình, lúc nào miệng cũng lách chách không để lành da non. Tôi với nó không quen biết gì ráo trọi, tình cờ gặp nhau trong chuyến vượt biên do một người Việt gốc Hoa bán hủ tiếu đứng lo tổ chức. Tôi thứ bẩy, vậy mà nó gọi tôi bằng anh Ba gọn bân, ngon lành. Ối, ai hơi đâu mà cải chánh làm chi. Lúc đó tôi đứng vịn cái cổng sắt kiên cố, nhìn thấy cái sân rộng trải sỏi trắng, những cây hoa móng bò, hoa sứ, hoa tường vi trồng dọc theo lối đi, có hai cây tùng Nhật Bổn xanh um ở trước cửa đi vào nhà, trong bụng chịu quá mà còn làm giọng sang:
- Ừa ừa cũng tạm được nhưng nghe nói thiếu giường, thiếu chiếu làm sao mà ngủ... Nó quay qua nhìn soi mói, nói giọng nhão nhẹt:
- Chời ơi, nghèo mà ham, cái thân vượt biên được công an kiếm nhà cho ở mà còn khen chê! Chiều nay ăn cơm trễ nên trời đã tối thui. Trong kẽ răng vẫn còn nghe vương vướng, tôi bèn bước ra sân đi đến một chậu trúc kiểng, đưa tay bẻ một cọng để tước nhỏ làm tăm. Chân bước lang thang trên con đường lát sỏi. Cái sân rộng mênh mông. Bóng tối đã lan tràn. Mặt trăng tròn đang lên từ từ bị vướng trong đọt tre chiếu cái ánh sáng lành lạnh xuống mặt đất xám đen mờ mờ. Bụi hoa dạ lý hương ở đâu đó vào khuya thơm sực nức. Trong nhà thiếu ánh điện, ai đó đã thắp lên một ngọn đèn cầy nhỏ, ánh sáng lù mù. Đàn muỗi bay tới tấp. Đã có gió mát lai rai nên nghe tiếng lá xào xạc lẫn với tiếng dế và côn trùng nỉ non, cái âm thanh rì rào nhè nhẹ. Bất ngờ trong cái không gian tĩnh lặng đó, thoảng trong gió một giọng ngâm thơ văng vẳng từ xa. Ở đâu không biết nhưng không phải là đám vượt biên trong nhà. Giọng ngâm tuy xa nhưng nghe đủ rõ. Giọng của một ông già, khàn khàn, đùng đục, làn hơi đã yếu ớt. Ông ta nói thơ đúng hơn là ngâm, mới nghe hơi lạ tai nhưng quen dần thì dễ chịu. Ông đã bắt đầu như vầy:
Nàng Thúy Kiều là con ông Vương viên ngoại
Lúc sanh thành ở tại Bắc Kinh
Thuở nàng còn niên thiểu ấu sanh
Ba chị em xúm xít ngồi chơi trước cửa...
À, ông ta ngâm Kiều, giọng ngâm được quá chớ. Chắc hồi xưa ông trôi nổi trên các bến nước, sống đời thương hồ quen hò hát trong đêm trăng hay là thợ cày, thợ cấy? Mà bài Kiều này không phải bản của Nguyễn Du:
Tên đâu lạ bất tường hương sở
Xưng rằng thầy tướng sĩ du phang
Vừa ngẫu nhiên bước tới gặp nàng
Dừng bước lại xem qua tài tướng...
Tôi mỉm cười một mình. Cái màn coi tay, coi tướng nầy hấp dẫn đây. Chị em Kiều sống đời nhà Minh sao cũng giống y các cô đời bây giờ. Ai cũng lo lắng thắc mắc đường tương lai nên tìm mọi cách để biết trước, để rồi lại lo hơn! Giọng ngâm bỗng cất lên cao vút:
Nàng này đáng thiên kim vạn lượng
Uổng cho nàng tuyết nguyệt phong hoa
Trời ơi, hai câu thơ khéo quá. Thiên kim vạn lượng nói lên cái giá cao quí tuyệt vời đặt sóng đôi với tuyết nguyệt phong hoa chỉ cái đẹp đẽ nhưng mỏng manh chóng tàn, cái kiếp ngắn ngủi của kẻ tài hoa. Hơi thơ đi một mạch thần sầu. Thơ của ông già nầy làm ra hay của ai, tôi không biết. Bài nầy tôi cũng chưa từng nghe qua lần nào. Giọng ngâm khi thì lên cao khi thì xuống thấp gây cho tôi cái cảm giác xao xuyến chơi vơi. Cái dư âm của bốn chữ "tuyết nguyệt phong hoa" vương vấn trong đầu khiến tôi ngây ngất. Mặt trăng bây giờ đã lên cao nhưng bị mây đen che khuất. Trong hơi gió đã nghe lành lạnh. Tự dưng tôi muốn được gặp ông già ngâm thơ để hỏi cho rõ ngọn nguồn. Nỗi thương, nỗi nhớ, nỗi đau nào đã khiến ông thở than trong đêm trường tịch mịch. Cái tâm sự não nề của ông có giống cái nỗi đứt ruột của cô Kiều ngày xưa? Tôi, một kẻ lỡ lính lỡ dân, lạc bước ghé tạm qua đây, tình cờ được nghe lời thơ thê thiết, lòng xúc động bồi hồi. Nàng Kiều ngày xưa và tôi bây giờ có khác gì đâu. Cùng là một kiếp hoa rụng thì chọn gì đất sạch. Mai mốt đây khi đặt chân xuống ghe thì đời tôi cũng là một thứ "lạc hoa lưu thủy". Trong cái trí óc hỗn độn, hình ảnh chập chờn của những cánh hoa đơn độc lẻ loi xanh tím vàng hồng đẹp đẽ yêu kiều bị bùi dập trên sóng nước tả tơi, tơi tả. Chúng sẽ bị dòng nước phũ phàng cuốn trôi đi tới góc biển chân trời nào, rồi chúng sẽ ra sao, tôi không biết và cũng không muốn biết...
Trí tưởng tượng nửa chừng bị đứt quãng vì có tiếng xôn xao trong nhà, rồi ánh đèn pin loang loáng, tôi xẹt vào núp bên trong một bụi cây um tùm để nghe động tĩnh. Hồi lâu hình như không có gì quan trọng, tôi đi lần vô trong, gặp ngay thằng Dân ở cạnh hòn non bộ:
- Chuyện gì trong nhà đó Dân?
- Anh Ba vô nhà mà coi, ông Trưởng ty Công an đem gởi cho Hủ Tiếu một cô nàng đẹp hết sẩy. Nó vừa nói vừa ra dấu, mắt liếc vô trong rồi tiếp:
- Thằng chả mới quết được thêm một con bò lạc nữa. Con cái nhà ai mà ngộ hết sức. Nội cái bộ ngực của nó, cam đoan anh Ba thấy là khát sữa liền. Hồi chiều hai người chở nhau đi hú hí ở đâu đó không biết bị người quen gặp mét với bà lớn. Bả bèn dắt đám lâu la đi lùng. Bị động ổ thằng chả bèn lén chở lại đây giao cho Hủ Tiếu giữ, nhét chung vô đám vượt biên tụi mình. Tôi nghe chịu quá, bèn nói giỡn cho vui:
- Phải chi giao cho tao. Người đẹp như vậy mà giao cho Hủ Tiếu, rủi "giả" bỏ vô thùng nước lèo thì còn gì đời hoa. Uổng thiệt! Thằng Dân cười híp mắt:
- Hủ Tiếu già ngắc khú đế đâu còn làm ăn gì được. Giao cho anh Ba, tui cao đoan vài ngày hoa héo queo...
Một ngọn gió lướt ngang qua cây lá xào xạc, đưa theo tiếng nói thơ của ông già văng vẳng:
Nàng Đạm Tiên là gái nhà trò
Sống bấy lâu sông hẹn núi hò
Nay chín suối mồ vô nhơn chủ
Thằng Dân cũng vừa nghe kịp câu hát:
- Ai mà ngâm thơ nghe buồn đứt ruột vậy? Ba cái điệu nầy nghe hoài bủn rủn tay chưn làm ăn hết nổi. Ối, đời bây giờ thiếu gì Kiều với Đạm Tiên. Nè, trong nhà cũng có một Thúy Kiều đang ngồi khóc hu hu... Tôi đập nhẹ vào vai nó:
- Ê nghen, nói chơi cho vui một chút thôi. Vô trỏng ăn nói lộn xộn là cả cái ghe BL 1648 neo luôn ở cái đất Bạc Liêu nầy, tao với mầy chỉ có nước đi câu cá chốt! Tôi đưa tay lên miệng biểu nó nói cho nhỏ, chơn bước qua ngưỡng cửa. Trên mặt sàn gạch bông rộng, hàng chục cái mùng nhỏ giăng dọc giăng ngang. Mấy người nằm trong mùng không biết còn thức hay đã ngủ. Muỗi con nào con nấy lớn bằng con ruồi, bay như vãi trấu, thôi chun vô mùng sớm cho được yên thân. Tận tuốt bên trong cùng cạnh cái xắc hành lý của tôi, Hủ Tiếu đương loay hoay giăng một cái mùng mới. Một cô gái còn trẻ đứng xấn bấn kế bên, mặt quay vô trong tìm kiếm cái gì. Thấy tôi lò dò bước vào, chưn rón rén đi tránh các vạt mùng, Hủ Tiếu chộp ngay nói liền:
- Cô Hai nầy là bà con bên vợ, đi lỡ đường tạm ngủ với anh em mình đêm nay. Sáng mai sớm quá giang xe lên Sài Gòn liền. Rồi ông ta làm bộ thở than:
- Thiệt đời bây giờ khó quá, cái gì cũng bày đặt trình báo lôi thôi. Hay là như vầy, nếu có ai hỏi tới hỏi lui, thì anh cứ khai dùm cô nầy là vợ, đỡ cho tôi phải xin thêm giấy tờ phiền phức. Tôi há hốc miệng:
- Trời đất! Khai cô nầy là vợ tui? Bộ hết chuyện giỡn sao cha nội? Vừa nói tới đó thì cô gái quay lại. Trong bóng tối chập choạng nhá nhem tôi thấy mắt nàng chớp chớp. Cặp mắt thiệt to. Tức quá, phải chi ngọn đèn sáng sáng thêm một chút, tôi lại không đem cặp kiếng theo. Cái gì thấy cũng mờ mờ. Tôi nhớ hình như đã gặp người nầy ở đâu. Cặp nắt nầy tôi đã gặp... Cái trí nhớ mơ hồ lãng đãng. Khi quay lại, cô gái bị đánh ghen kia vừa nhìn thấy tôi bèn trố mắt nhìn sững. Phải một hồi thiệt lâu nàng mới cất tiếng, giọng thiệt nhỏ run run:
- Phải anh Quốc? Nghe hỏi tôi chưa kịp nói gì hết thì nàng đã ôm chầm lấy tôi nghẹn ngào. Tôi không biết nên cười hay nên khóc. Trong cảnh trái ngang nầy, đầu óc trơ ra như đất, tôi đứng ôm nàng chết trân. Trời đêm nay không gió nên sóng chỉ gợn lăn tăn. Chiếc ghe êm ái lướt nhẹ nhàng trong đêm. Tiếng máy chạy xình xịch đều đều như ru mọi người vào giấc ngủ mê man. Họ chen nhau nằm la liệt, ngổn ngang. Cái chân người nầy xỉa vô hông người kia, cái mặt người kia quay vô lưng người nọ, mạnh ai nấy tìm chỗ ngả lưng qua đêm. Bầu trời tuy thiếu trăng nhưng đầy sao lấp lánh. Trên đầu tôi là ngọn đèn pha chiếu sáng yếu ớt vàng vọt cố soi cho thủng cái mặt biển đen ngòm. Tôi tìm hoài không còn một chỗ trống đặt lưng, thôi đành ngủ ngồi thêm một đêm nữa. Trước mắt, thằng Dân nằm thẳng cẳng ngáy khò khò. Nó nằm ở đây hồi nào không ai để ý. Tôi quay qua quay lại cố tìm một chỗ duỗi chân cho đỡ mỏi, thấy kế bên còn trống, tôi đưa chưn xen vào, nhè đâu xỉa vô hông nó. Thằng nhỏ tỉnh giấc lừ nhừ, miệng càu nhàu tính gây, ngờ đâu ngó trực thấy tôi bèn dịu giọng:
- Chưa ngủ hả anh Ba? - Nhớ nhà buồn quá, ngủ không được. Ngó trời trăng mây nước cho vui. Nó dụi mắt vài cái rồi tỉnh ngủ hẳn, lồm cồm dậy, chen vô ngồi sát bên tôi, chưa nóng đít đã mở máy:
- Thôi mà anh Ba, dấu em làm chi. Mình mới rời khỏi Việt Nam có một ngày một đêm. Nhớ gì mà nhớ lẹ vậy? Theo em tính chắc là anh nhớ Bạc Liêu với anh Tám Trưởng ty...
- Mầy đoán ẩu tả. Tao với thằng cha đó tình nghĩa gì mà nhớ.
- Vậy chớ sáng hôm nào, anh Tám lại nhà chở cô vợ bé về, tại sao có người đứng nhìn theo muốn rớt con mắt. Thôi có gì thì khai ra đi anh Ba. Ở đây đâu có ai, chỉ có anh em mình là còn thức, thiên hạ ngủ hết trơn rồi. Chuyện gì cũng được, nói cho vui. Mai mốt qua tới bển nói tiếng Tây với ăn bánh mì... rồi quên tuốt luốt chuyện Việt Nam, lúc đó có muốn nhớ cũng không được. Tôi nhìn thằng Dân. Nó mới chừng mười bảy, mười tám, tốt nghiệp ở cái chợ nào không biết mà sao láu cá quá trời. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng không dấu được cặp mắt xét nét của nó. Tự nhiên cái tỉnh Bạc Liêu trở thành vùng đất kỷ niệm cuộc tình éo le của tôi với Yến, có sự chứng kiến của thằng quỷ dịch. Tôi đảo mắt nhìn lại quanh ghe một vòng. Mọi người ngủ say như chết, không một tiếng thì thầm. Biển tối đen như mực. Chiếc ghe là một khối xam xám mờ mờ. Trên cái cột cao hình chữ thập, một miếng vải trắng viết nguệch ngoạc ba chữ SOS bằng sơn đen phất phơ nhè nhẹ. Chỉ có phòng lái còn ngọn đèn vàng nhỏ èo uột. Anh tài công ngồi bất động ôm bánh lái như pho tượng sau tấm kiếng chắn. Không biết anh ta còn thức hay đã ngủ. Tôi và thằng Dân không phải bạn tâm giao hay quen lớn từ trước. Nó con cái nhà ai, học hành tới đâu, tánh tình ra sao, tôi hoàn toàn mù tịt. Làm sao có thể tâm tình với nó được. Mối tình của tôi và Yến thật đẹp, thật thiêng liêng. Tôi yêu Yến đến độ có thể chết được. Hình ảnh nàng trong tôi là tất cả những gì trang trọng, tinh khiết tuyệt vời. Vậy mà... đổ vỡ hết! Chẳng thà không biết gì, có lẽ hơn. Ôi mối tình đầu thiệt đáng thương. Nỗi đau như một vết dầu loang ngày càng lớn rộng khiến tôi băn khoăn, ray rứt rã rời. Từ cái đêm gặp lại Yến, tôi như người bịnh mơ mơ màng màng, nửa say nửa tỉnh. Yến dễ thương của tôi giờ đây nằm gọn trong vòng tay ai? Có lẽ thằng Dân có lý, tôi cần tìm người để tâm sự cho bớt khổ đau dằn vặt. Còn gì phải dấu kín, hơn nữa, đất nước mất rồi, tất cả đều đổi thay. Thôi kể đại cho nó nghe hoặc bất cứ ai cũng được, một lần rồi thôi, để khi qua tới một xứ lạ nào đó tôi phải rán tập mà sống, rán tập yêu thương một lần nữa theo kiểu cách mới.
- Dân nè, muốn tao kể đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối cái câu chuyện Bạc Liêu? Nó cười hề hề: - Đêm còn dài lắm, anh Ba. Đoạn nào hấp dẫn thì được. Anh liệu làm sao khi ghe cập bến Mã Lai thì chuyện chấm dứt là vừa. - Bộ mầy tính trọn đêm không ngủ hả? Ừ, thôi, mầy muốn thì tao nói. Tao với Yến yêu nhau từ lâu lắm. Quen nhau lúc còn nhỏ xíu. Má nàng vì công cuộc buôn bán làm ăn nên thường làm chủ hụi. Má tao làm tay con. Cứ đến ngày đầu tháng là Yến chạy lại nhà tao kêu đi khui hụi. Thông thường má tao viết một hàng số vào một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, xếp gọn lại rồi dặn kỹ:
- Con cầm cái khăn này lại đưa cho cô Bảy Liên Phát, nhớ đừng cho ai coi nghe không? Tao với tay lấy cái áo, tay cầm cái thăm chạy ù với Yến về nhà nàng. Giữa đường, kiếm một gốc cây lén đứng mở thăm ra coi má tao viết số mấy. Yến với tao coi chung rồi hai đứa nhìn nhau khoái chí cười khúc khích. Đến khi má Yến mở thăm của các tay con, tao hồi hộp nắm chặt tay Yến để chờ kết quả. Cặp mắt Yến cũng ngó lom lom. Hai đứa đều mong cho má tao được hốt. Lúc đó tụi tao còn nhỏ quá, không biết người lớn chơi hụi để làm chi. Có điều tao khoái đi khui hụi nhà Yến, lần nào cô Bảy cũng cho bánh ăn và kêu tao bằng "con" ngọt xớt. Đó, tao với Yến quen nhau nhờ có ba cái vụ hụi hè. Đến khi lớn lên rời tỉnh nhà để đi học ở Sài Gòn thì tao cũng quên mất cô bạn gái nhỏ xíu. Phải mười mấy năm sau, nhơn dịp Tết, tao về nghỉ ở nhà. Lúc đó lớn rồi nghe, biết ăn diện theo kiểu Sài Gòn, chưn mang giày đế da cồm cộp, tóc chải mái hiên láng bóng. Tối hai mươi chín năm đó, tao thả lang thang quanh chợ để coi thiên hạ mua sắm. Người ta sao đông quá, chen lấn nhau mà đi. Các dãy lều được dựng lên để bán bánh mứt, hoa quả, nhang đèn, báo Xuân... Đèn đuốc sáng giăng giăng. Màu sắc xanh xanh, đỏ đỏ, tiếng rao hàng, tiếng trả giá, tiếng cười đùa và đủ thứ âm thanh tạo thành một khung cảnh của chợ Tết ban đêm, hỗn độn mà ấm áp vui tươi. Mắt tao hết ngó chỗ nầy tới chỗ kia rồi bỗng nhiên tao thấy một cửa hàng đèn đuốc sáng rực rỡ có một cô nàng thiệt đẹp nhìn tao cười để chào. Trời ơi! Hàm răng xinh đều như bắp, trắng sáng như ngà như ngọc. Nụ cười tươi như đóa hồng vừa chớm nở. Tao nghe như tim ngừng đập sững sờ đứng ngó nàng trân trân. Phải cả phút sau tao mới tỉnh và gật đầu chào lại. Mầy có biết cô chủ tiệm đó là ai không?
- Còn ai vô đây nữa. Người đẹp Bạc Liêu vừa mới lớn chớ ai!
- Ừa, Yến đó. Nàng lớn hồi nào tao không hay. Tối đó tao ngủ không được, xôn xao bứt rứt. Cứ mơ mơ màng màng thấy cái miệng đẹp với hàm răng trắng muốt của nàng mỉm cười chào tao. Ừ, chỉ nụ cười đơn sơ như vậy mà trái tim tao đập lộn xộn trật nhịp hết trọi. Cả ngày hôm sau tao đâu còn đầu óc nào mà lo sửa soạn Tết nhứt. Tao cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh cách thức làm sao để gặp nàng. Đêm ba mươi tao ngồi ở trước nhà đợi đúng Giao thừa, nàng với mẹ đi lễ ở chùa Bà, tao bèn lò dò đi theo nhập bọn đi chung. Tại chánh điện khói nhang mù mịt, đôi mắt cay xè muốn khóc, tao quỳ cạnh nàng van vái Bà phù hộ cho nàng yêu tao. Không biết Bà có nghe lời cầu nguyện hay không, nhưng chắc là cô Bảy Liên Phát nghe vì tao khấn hơi lớn tiếng. Khi ra về cô Bảy dặn lại với tao là chiều mùng một nhớ chở má đến đánh Tứ sắc với cô. Cứ như vậy mà tao ăn Tết ở nhà nàng năm đó rồi năm sau nữa. Thằng Dân nghe tới đó, vỗ đùi:
- Kể như xong rồi, đã thiệt. Tôi thở dài:
- Cái gì mà đã. Chuyện kể như xong... cuối cùng rồi cũng không xong. Mầy đừng có thấy tao bậm trợn ngon con như vầy mà tưởng lầm. Tao được cái miệng ào ào nhưng trong bụng nhát hít như thỏ đế. Tao thương Yến thiệt lòng, phải nói là si mê mới đúng. Nàng phải là vợ tao. Không biết bao nhiêu lần quyết định rồi lại do dự, rụt rè. Tao tìm kiếm những câu nói văn hoa trau chuốt để ngỏ tình ý với nàng, sắp xếp cho đâu ra đó rồi học thuộc lòng. Khi nói nàng phải cảm động mà thương tao. Vậy mà phải đợi đến cái Tết thứ hai tao mới liều gan nói đại. Trời ơi, trong cái giây phút trọng đại đó tự nhiên tao cà lăm, cái lưỡi cứng đơ ra, nói không đầu, không đuôi. Mấy câu học thuộc lòng quên hết ráo. Nàng cũng đứng ngẩn ra, mặt nàng xám ngắt vì bất ngờ. Tao run quá, quýnh quáng thấy ở trên, cái trần nhà quay mòng mòng, dưới chân thì mặt đất rung rinh, mồ hôi rịn ra đầy mặt, không biết phải làm gì nữa, tao đành chụp đại tay nàng... Ừ, ừ tao nắm lấy tay nàng... Thằng Dân khoái quá hỏi tới:
- Rồi sao nữa anh Ba, hai người có hun nhau không?
- Hun cái khỉ khô, vừa đúng vào cái lúc đó, má nàng ở đâu đi sợt sợt về, tao lật đật rút tay lại. Về nhà tao tức hết sức, chuyện có bao nhiêu đó mà làm không nên thân. Không nhớ rõ là lúc tao đưa tay ra nắm lấy cái bàn tay mát rượi như nhung của nàng, nàng có nắm lại tay tao để đáp ứng hay không. Tao thắc mắc hoài. Mấy ngày sau gặp lại, nàng vẫn cười nói tự nhiên. Tao yên tâm nên lần sau dạn thêm được một chút.
- Một chút là bao nhiêu, anh Ba?
- Thì tao nắm trọn được tay nàng. Và tao mừng hết sức, mầy biết tại sao không? Nàng để yên không giựt lại. Lúc đó tao thấy trái đất ngừng quay, tim tao ngừng đập. Tao là người sung sướng nhứt, hạnh phúc nhứt trên cái vũ trụ nầy.
- Rồi chừng nào tới cái vụ hun, anh Ba?
- Phải lâu lắm hai đứa mới dám len lén ôm nhau hun. Yến thật dễ thương, hiền ngoan như con mèo. Tao ôm nàng nâng niu dịu dàng như ôm đứa em nhỏ. Mầy biết không, mấy ông thi sĩ khi làm thơ ca tụng người yêu, ông nào cũng nói người mình thương là đẹp tuyệt trần. Nhưng thiệt ra mấy cô đó cũng thường thường, đôi khi hơi xấu nữa. Trong thơ văn thì phải vậy cho đậm đà, chớ làm thơ mà tả người yêu mình xấu, ai mà đọc. Tao không phải là thi sĩ nên tao nói người yêu tao đẹp thì mầy phải hiểu là Yến đẹp thiệt tình. Như đóa hoa lan phơi trọn sắc hương, nàng kiều diễm xinh tươi hết sức thành ra mỗi lần gặp nàng, tao bối rối rụng rời... Hai đứa tụi tao thương nhau có thể chết được. Thằng Dân ngồi thừ người, suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Vậy thì theo em, cái vụ Bạc Liêu buồn thì có buồn chứ không tức. Dầu gì thì anh Ba cũng đã ẵm người đẹp trong tay trước anh Tám công an. Tại cái số của hai người không thành chồng vợ. Nghe thằng nhỏ nói tới đó tôi nín thinh. Ẵm người đẹp trong tay? Nó hiểu lầm tôi rồi. Tôi nói nghĩa đen, nó hiểu nghĩa bóng. Quả tình tôi đã ôm Yến gọn trong vòng tay. Chúng tôi hôn nhau đắm đuối trong những lần gặp gỡ. Chỉ có bấy nhiêu đó, rồi thôi. Mối tình của hai đứa cố giữ thật trong sạch, thật tinh khiết. Trong bất cứ mối tình nào, muốn bền vững lâu dài, ngoài lòng thương nhau còn phải có sự kính trọng giữa hai người. Ngày nào sự kính trọng mất đi, ngày đó mối tình tan vợ. Tình vua tôi, cha con, bè bạn còn phải vậy, nói chi đến tình vợ chồng. Tôi thương Yến thiệt tình, trước sau gì nàng cũng là vợ tôi.
- Dân, mầy rán mà hiểu nghe, chỗ này khó nói. Tao như thằng hà tiện có được cây mía. Thay vì ăn liền khúc gốc cho ngọt, tao lại để dành, ăn khúc ngọn lạt nhách trước. Đến chừng cầm đến khúc gốc thì đất nước đổi chủ, tao vô rừng chặt tre với đào đất chơi... Ở nhà, cây mía thành rượu. Nghe tới đó, nó cung tay đập xuống sàn ghe nghe cái bốp, đôi mắt trợn tròn:
- Trời đất, sao cha nội ngu quá vậy. Nghe không thôi, cũng đủ tức chết. Cả cái xứ Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một mình cha thôi, không có người thứ hai. Ngu ơi là ngu!
- Dân, mầy chửi tao cho đã miệng đi. Tao cũng biết là tao ngu nhưng không thể làm khác hơn được. Yến nhẹ nhàng quá, trong suốt quá như cái bình pha lê làm sao tao dám cầm mạnh tay. Tao đâu thể nhẫn tâm phá vỡ mối tình ngây thơ đẹp đẽ của hai đứa. Trong đời tao thà để người phụ tao hơn là tao phụ người. Thiệt thòi một chút nhưng lòng thanh thản...
- Cái gì mà phụ với không phụ. Anh thương cô Yến rồi anh sẽ cưới làm vợ mà. Cải lương vừa vừa chớ. Anh không làm gì hết mà miệng cứ nói thương. Thiệt hết sức! Rồi nó tiếp, giọng còn hằn học:
- Rồi cái đêm ở Bạc Liêu, có gặm được cái xác mía nào không đó cha nội. Nghe cha kể, thiệt tình tức muốn bể cái ngực luôn.
- Lúc đó tao dìu nàng trở ra sân. Từng cơn gió thổi qua mát rượi. Hai cái bóng tao và nàng sóng đôi nhau mờ mờ trên lối đi trải sỏi. Căn biệt thự chìm ngập trong đám cỏ cây tối đen. Cái không gian tĩnh mịch nầy chỉ còn hai người một thời gắn bó, giờ đây tâm sự ngổn ngang. Tao, một thằng đàn ông ba năm đi lính, bốn năm ở tù, trải bao cay đắng khổ nhục. Ngay cả nay mai sắp làm cuộc vượt biên đem sinh mạng thử hên xui. Vậy mà đến giờ phút cuối lại gặp thêm cảnh ngộ trớ trêu bi đát. Những cảm giác ghen tức, buồn giận, xót thương cứ từng chập dâng lên trong lòng hành hạ tao không dứt. Tao phải làm sao đây? Gần đến cái băng cây, tụi tao ngồi xuống. Yến xích lại bên tao như tìm một tha thứ hay che chở, hay yêu thương? Cái bờ vai tròn nhỏ rung rung. Mái tóc thoảng mùi thơm dìu dịu. Tao vẫn lặng im trong xúc động bàng hoàng. Mãi đến khi nàng ngước mắt lên nhìn, cặp mắt tròn to đen lánh như nhung ướt đẫm nước mắt, tao mới đưa tay qua ôm choàng bờ vai tròn mịn, dịu dàng như ôm đứa em gái ngoan.
- Yến, Yến, không ngờ gặp lại em. Vừa nói tới đó, nàng ôm chầm lấy tao nức nở nghẹn ngào. Tao nghe từng dòng nước mắt ấm ấm thấm ướt cả ngực áo. Yến đẹp đẽ xinh xắn của tao ngày xưa, bây giờ của ai? Nàng vẫn thổn thức, đằm thắm nép gọn trong lòng tao. Một xúc động dâng lên ứ nghẹt trong tim, tao nói:
- Cái gì mà phụ với không phụ. Anh thương cô Yến rồi anh sẽ cưới làm vợ mà. Cải lương vừa vừa chớ. Anh không làm gì hết mà miệng cứ nói thương. Thiệt hết sức! Rồi nó tiếp, giọng còn hằn học:
- Yến nè, coi như không có gì xảy ra hết... Không có gì thay đổi hết. Gặp lại em tối nay, anh mừng quá. Giọng tao nghèn nghẹn. Nàng cũng xúc động không kém, bấu chặt lấy vai tao. Cái tình thương của hai đứa mênh mông quá, làm sao nói cho hết được. Đâu có ngôn ngữ nào đủ để diễn tả lòng cảm thương chơn thành đắm đuối. Hồi lâu nàng lên tiếng:
- Anh Quốc, tha thứ cho em, có những việc làm không biết tại sao. Cả gia đình em tan nát đổ vỡ hết. Ba thì ở mãi tận Hoàng Liên Sơn, mẹ tá túc ở nhà dì Út, em thì trôi nổi như dề lục bình, thân lững lờ trong dòng nước đục, rễ muốn bám chặt lấy một vũng sình nào đó mà cũng không xong... Lúc đó bỗng dưng nàng ngẩng đầu lên, lắng nghe:
- Hình như có ai ngâm thơ, anh nghe không? Tao nghe vẫn là giọng nói thơ của ông già hồi đầu hôm, tiếp tục văng vẳng trong gió: Bước lỡ bước nên chàng dùn thẳng Chờ Kiều ra tới kiếm trả cho Gặp mặt nhau đôi lứa hẹn hò Một lời nguyện trăm năm kết tóc Yên lặng hồi lâu, nàng nói ngập ngừng:
- Phải chi ngày xưa Kiều và Kim thương nhau hơn một chút nữa. Em muốn nói là họ sống trọn vẹn cho nhau thì về sau khỏi phải ân hận, xót xa, tiếc nuối... Đêm đã thật khuya. Trăng chun vô một đám mây đen dày mượt, cả bầu trời tối thăm thẳm. Những vì sao còn lại không đủ sáng. Tao nghe sương ướt trên đầu nhưng không thấy lạnh vì người Yến ấm áp, nồng nàn. Nàng ôm lấy tao kêu nho nhỏ: "Anh Quốc! Anh Quốc!..." Bộ ngực căng đầy áp chặt vào ngực tao khiến tao cảm thấy nghẹt thở, các mạch máu chảy ngược lên đầu, lỗ tai lùng bùng. Tao ngửi được mùi thơm hăng hăng của da thịt nàng. Thần kinh tao nửa mê nửa tỉnh. Mặt trăng giờ đã ló ra khỏi đám mây như nhìn tao mà cười. Yến vẫn cựa quậy trong vòng tay, hơi thở thơm tho, thân thể tươi mát. Yến vẫn đẹp như xưa vì quyến rũ bội phần, tình tứ bội phần. Tao cúi xuống nhìn thấy ánh trăng sáng rỡ trên chiếc ngực vun đầy của nàng. Tới đúng cái phút đó tao chợt tỉnh táo. Nay mai đây, khi lên ghe làm một chuyến đi xa, đời tao với nàng chỉ có tan mà không có hợp. Cái gì còn lại sau khi tan vỡ hết? Cái đó là tình yêu của tao thương Yến thật lòng. Tao muốn nàng cũng thương tao như vậy. Một trăm năm, một ngàn năm, một triệu năm... Làm sao để nàng nhớ tao, nhớ hoài hủy. Tao cũng vậy, dầu ở chưn trời góc biển nào, đầu râu tóc bạc phơ, chống gậy đi hết nổi, tao vẫn muốn nhớ thương nàng hoài hoài... như cái thời mới lớn... Trong vòng tay rắn chắc của tao, Yến mở to mắt nhìn, ngạc nhiên và chờ đợi...
Võ Kỳ Điền
17-03-2008
No comments:
Post a Comment