Sunday, March 27, 2011

NHỮNG NGƯỜI BÊN NẦY CON SÔNG BẾN HẢI

_________________

Mach. van. Niên



Khi hai chiếc xe đò ngừng trước Ga Hàng Cỏ ở Hà Nội vào một ngày cuối năm 1981 thì phố đã lên đèn. Ga Hàng Cỏ nhếch nhác và hỗn độn những kẻ nằm ngồi. Họ là những người đang chờ chuyến tàu hỏa xuôi Nam vào giữa khuya. Hai chuyến xe đò đó chính là những chuyến xe chở 50 người tù cải tạo từ Trại Tù Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú vừa được tha từ tuần trước và được đưa về một Trại Tù khác ở Hà Nam Ninh để vổ béo những hình hài gầy guộc sau những năm tháng quần quật mà lại thiếu ăn. Mà tài thiệt ! Sau một tuần nuôi thúc như những đàn gà trong chuồng, chúng tôi trông phởn phơ ra phết ! Tuy vậy cũng khó mà qua được mắt những người hành khách đang chờ tàu, họ vẫn biết chúng tôi là những người tù vừa được thả dù phần lớn đã thay quần áo civil. Những bộ đồ nầy trước đây tù nhân được quyền cất giữ mỗi khi chuyển trại. Riêng tôi, quần áo civil lúc lao động ở ngoài, nhờ ở trong Ban Văn Nghệ trại, tôi có dịp tiếp xúc với người dân và đã đổi hết để lấy thức ăn nên bấy giờ vẫn còn mặc bộ đồ tù, chỉ giữ được chiếc nhẫn cưới bằng vàng y khoảng 2 chỉ. Chiếc nhẫn nầy nhờ trại giữ và chỉ trả lại khi được tha. Nếu không, chắc là tôi cũng gửi nó cho mây ngàn bay !

Người cán bộ công an phát cho chúng tôi mỗi người một cái one way ticket xong xuôi bèn nói vài lời nhắn nhủ đại khái phải trở về làm công dân tốt để phục vụ và xây dựng đất nước v.v...rồi bỏ đi ! Đến lúc nẩy chúng tôi mới thực sự được tự do với .. 2 chiếc bánh bột mì luộc ăn hai ngày đường !
Những thằng còn giữ được tiền chẳng nói làm gì, những thằng khác thì sao đây ?! Tôi biết anh Kế, người mà tôi xem như người anh văn nghệ đang sạch túi và tôi cũng vậy ! Nhưng may quá tôi còn chiếc nhẫn, thèm ăn thì ít mà thèm rượu thì nhiều !!! Chiếc nhẫn ! Than ôi ! Kỷ vật tình yêu ! Giây phút nầy thì đành chọn lựa sự thèm khát trên hết, tôi tìm ngưòi rao bán nhẫn ! Tôi tàn nhẫn thật , nhưng biết làm sao hơn ?!

Phần lớn những người nằm ngồi la liệt là những người buôn bán từ Nam ra Bắc hay ngược lại, để kiếm chút tiền nuôi sống gia đình trong thời buổi ngăn sông cấm chợ. Khi tôi nói bán nhẫn, có một chị không cần hỏi han, cầm chiếc nhẫn trong tay lắc lắc đoạn nói chiếc nhẫn nầy đáng giá 250 đồng. Rồi chị hỏi tôi có đồng ý bán không ? Một thằng tù ở trong tù sáu năm như tôi thì có biết gì về giá cả. Giá nào tui cũng nhận ! Chị đưa tôi số tiền ấy rồi quày quả bỏ đi ! Khi ấy có một chị sồn sồn nói vừa đi thăm nuôi chồng về, hỏi tôi bán chiếc nhẫn giá bao nhiêu. Tôi thành thật khai thiệt. Chị nói chiếc nhẩn vàng y 2 chỉ thì chỉ đáng giá 200 đồng mà thôi ! Lòng tự ái bị tổn thương. Tôi không muốn bị thương hại định tìm lại chị để trả laị 50 đồng, nhưng chị đã tế nhị bỏ đi biệt dạng. Tự nhiên tôi thấy thương mến chị và cho chính mình.

Sau khi có tiền tôi liền tìm đến rượu để thoả cơn ghiền sau 6 nâm tù tội. Gạo thời ấy không có ăn, ai hơi đâu mà làm rượu gạo rượu nếp. Chỉ có rượu làm bắng sắn ( khoai mì ) tuy chua chua nhưng cũng có chút chất men làm tôi và anh Kế cũng cảm thấy giải tỏa được cơn thèm và bừng bừng trong lòng. Tôi yên tâm từ đây về đến nhà không còn đói, khát . Tôi tặng hai cái bánh bột mì cho một anh bạn tù khác.

Cuối cùng thì cũng đến giữa đêm. Tàu khởi hành. Chúng tôi được dành một toa riêng biệt chẳng ai thèm ngó ngàng xét hỏi. Một vài chị buôn chuyến nhân cơ hội gửi hàng hóa buôn bán trong toa chúng tôi để khỏi bị khám xét. Chúng tôi không dám chối từ mà cũng không dám nhận lãnh. May thay ! Các anh kiểm soát đi ngang qua toa chúng tôi chẳng bao giờ hỏi han hành lý hay gây phiền nhiễu điều gì !

Chiếc tàu xình xịch như mệt mỏi rời sân ga Hàng Cỏ bỏ lại những ánh điện vàng hiu hắt và một thành phố tiêu điều dù chiến tranh đã chấm dứt hơn sáu năm qua. Có lẽ ảnh hưởng cuộc chiến biên giới với Trung Quốc 1979 còn đó và cuộc chiến ở Campuchia chưa ngã ngũ nên chuyến tàu cũng buồn bã như những con người.

Ra khỏi ngoại ô, từ đây mới thấy những hố bom loang lỗ còn dẫy đầy và những sân ga mà con tàu tạm dừng cũng vắng vẻ buồn tênh. Cảnh vật như vậy thì lòng người dù có vui xum họp hai ngày nữa như tôi cũng cảm thấy nao lòng.

Nhưng không ! Khi con tàu qua khỏi cầu Hiền Lương thì trời đã sáng. Mọi vật đã đổi khác. Cuộc sống hình như bừng bừng trỗi dậy ! Vâng ! Chiếc ga mà tàu dừng đầu tiên sau khi qua sông Bến Hải là ga Đông Hà ồn ào những người là người. Tiếng rao hàng huyên náo của những người buôn bán dạo hình như không bao giờ dứt. Tôi định bước xuống ga tìm một vài món để mua lót dạ thì một cậu bé khoảng 9, 10 tuổi đang cầm 2 xâu bánh ú cũng vừa bước lên. Tôi hỏi mua 2 cái, một cho tôi và một cho anh Kế. Cậu bé không trả lời mà hỏi các chú các bác có phải là tù cải tạo vừa được thả chăng ? Chiếc áo tù tôi đang mặc là bằng chứng không thể chối cãi ! Cậu vội vàng đặt hai xâu bánh ú xuống ngay chỗ ngồi ngay cửa và nói rằng ba cháu cũng còn đang ở tù ngoài Bắc, các chú các bác cứ lấy ăn. Nói xong cậu vụt nhảy xuống đất và chạy thật nhanh lẫn mất trong đám người buôn bán như sợ chúng tôi trả tiền. Tôi cầm 2 xâu bánh chuyền đến từng người mà lòng xúc động không nguôi. Miệng nhai chiếc bánh mà tôi thấy môi mình mằn mặn. Không biết khi về nhà cậu sẽ nói sao với mẹ về 2 xâu bánh ú ?! Tôi nghĩ người mẹ sẽ ôm con vào lòng với một chút tự hào mặc dù ngày đó mẹ con cậu đang thiếu tiền mua khoai sắn ?! Khi viết dòng nầy tôi cầu mong cha cậu được trở về bình yên và gia đình cậu hiện giờ đang sống ở một xứ tự do nào đó ! Riêng cậu với tấm lòng nhân hậu sẽ là một thanh niên đang thành công trên xứ người. Mong thay !!!

Dù tàu chạy với hơi sức mõi mòn thì sau cùng cũng tới ga Bình Triệu Sài Gòn vào hơn giữa khuya. Giờ nầy đang giới nghiêm. Chúng tôi phải đợi đến 5 giờ sáng mới được về nhà. Tuy mệt mỏi nhưng tôi không buồn ngủ vì chỉ vài tiếng nữa thôi là gặp lại vợ con, thân thuộc...Vài anh xe ôm có lẽ đang lỡ chuyến chót đưa ai đó đến Ga Bình Triệu và kẹt lại trong giờ giới nghiêm cũng ngã lưng trên yên xe tạm làm một giấc.

Có một anh đến bên tôi làm quen cười cười nói rằng Đại Bàng có biết Văn Vĩ hiện giờ đang lái xe ôm không ? Tôi nhìn anh vừa cười vừa nói lại Đại Bàng đã gãy cánh với chút nghi ngờ nhưng anh quả quyết sẽ đưa tôi gặp Văn Vĩ và chính Văn Vĩ sẽ chở tôi về nhà ! Thằng cha nầy xạo thiệt ! Văn Vĩ tuy tôi chưa bao giờ gặp mặt nhưng tôi biết ông ta mù và trước năm 1975 có mở lớp dạy đờn ở trong một cái hẽm trên đường Phan Thanh Giản đối diện xéo xéo rạp ciné Đại Đồng mà tôi có vào hẽm đó để đờn địch ăn nhậu với mấy thằng bạn trời đánh ( Trần Ngoc Quới, Dương Thuận Tài...) đang mướn phòng trọ để học thi ở trường Văn Học gần đó.

Mặc dù mới có gần 4 giờ sáng chưa xả giới nghiêm, nhưng mấy quán cà phê quanh Ga Bình Triệu đã lục đục mở cửa. Anh xe ôm rủ tôi uống cà phê và nói rằng đưa tôi gặp Văn Vĩ để ông ta chở tôi về nhà. Khi ngồi uống cà phê anh mới mở bóp trình thẻ căn cước quân nhân ( cũ ). Thì ra tên anh là Trung Sĩ Huỳnh Văn Vĩ ! Tôi đòi trả tiền cà phê, nhưng anh vội nói chút nữa thì Đại Bàng cũng trả tiền xe ôm rồi . Phần nầy để anh bao. Tôi đành chịu và lên xe anh ngồi.

Từ Ga Bình Triệu về đến nhà ông bố vợ ở Khánh Hội mà vợ con tôi đang tạm tá túc phải mất nửa tiếng lái xe. Khi tới nơi tôi hỏi anh bao nhiêu thì anh vội quay đầu xe và nói với theo : "  Có bao nhiêu đâu Đại Bàng, giúp nhau trong lúc túng cùng cho đúng tình huynh đệ chi binh mà " ! Rồi anh dọt mất. Tôi quay lại nhìn căn nhà mới đó mà đã rêu phong . Mắt tôi thấy cay cay không biết vì anh Văn Vĩ hay vì mái nhà xưa !


Mạch Vạn Niên



No comments: