Wednesday, April 6, 2011

Liên Hệ- Huỳnh Ngọc Ẩn

_____________



Câu chuyện xảy ra tại một thành phố ở Mỹ. Cách nay trên hai mươi năm, một hôm sau khi đổ xăng, tôi vào tiệm để trả tiền. Chưa kịp nói bơm số mấy thì người nhân viên đã cho biết tôi phải trả bao nhiêu. Ngạc nhiên, tôi nói, “Sao cô biết tôi đổ xăng tại bơm số mấy?” “Tôi biết xe của ông,” chị thâu ngân trả lời. Tôi nói tiếp, “Như vậy là tôi không thể đổ xăng rồi bỏ chạy được?” Nếu nhân viên của trạm xăng nhận ra tôi thì công an còn biết nhiều về tôi hơn. Tôi muốn kể chuyện này để nói đến sự liên hệ giữa khách hàng và nhân viên hay chủ nhân của trạm xăng dầu. Ngày nay thì ít có sự trao đổi như vậy giữa người lái xe và chủ trạm xăng. Trong thời đại điện tử này, người lái xe dùng thẻ tín dụng để trả tiền mà không cần phải vào tiệm để gặp người chủ. Ở Việt Nam vẫn còn sự liên hệ vì khách hàng không tự bơm xăng mà nhân viên phục vụ đảm nhiệm công tác này. 

Tôi đến quê hương của Cụ anh hùng họ Nguyễn đầu niên học 1962-63 để bắt đầu cuộc sống của một người trưởng thành. Thật ra cho đến bây giờ, ở tuổi 73, tôi vẫn chưa trưởng thành; tôi vẫn còn phải đọc sách Khôn ngoan mỗi ngày để được thêm tri thức.
Khi học Sư Phạm, thầy Thủy và tôi cùng học một lớp với thầy Lễ, nên khi đến nhận việc ở RG, chúng tôi không phải đi tìm nhà trọ. Sự liên hệ đầu tiên của chúng tôi là với gia đình thầy Lễ. Riêng tôi, sự thiếu xót của tôi là chưa có dịp cám ơn thầy Lễ về điều này. Ngày nay, đây là dịp tôi có lời cám ơn thầy Lễ và song thân của thầy đã cho tôi tá túc một thời gian khi chân ướt chân ráo mới bước đến RG.
Sự liên hệ thứ hai là với Thầy Trần thanh Vân, người Hiệu Trưởng khả kính, có những đặc điểm của một thầy giáo theo truyền thống Á đông. Thứ ba là sự liên hệ với Ban Giám Đốc nhà trường. Tôi có nghe vài tai tiếng về ban Giám đốc, nhưng tôi không muốn biết nhiều về điều này.Thứ tư là sự liên hệ với các học sinh. Trong khi các thầy cô khác rất “popular” với các học sinh, tôi không có cái may mắn đó. Tôi không than phiền các học sinh không thích tôi nhiều bằng các thầy cô khác. Nhưng đối với tôi các em giữ thái độ “kính nhi viễn chi,” tại vì tôi không vui tính như các thầy cô khác. Sự thật là, nếu chúng ta muốn được người khác yêu mến thì trước hết mình phải “reach out” tới tha nhân trước. Nếu tôi không tỏ ra thân thiện với người thì ai muốn thân với tôi. Kinh thánh có chép, “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.”
Có thể tôi nghĩ sai vì năm 1999 lần đầu tiên đến California, một số các em vừa là học trò của tôi và vừa là học trò của nhà tôi, tổ chức một cuộc họp mặt để chào mừng vợ chồng tôi. Như vậy, ít ra thì cũng có một số học trò cũ còn nhớ đến thầy cô, sự liên hệ thầy trò không biến mất vì ngàn trùng xa cách.
Năm 2004 chúng tôi có dịp về thăm Rạch Giá. Một buổi sáng, đi bộ trên đường Tự Đức (?), khi đi ngang qua nhà Cô Liên, có một chị bán bánh mì ổ lên tiếng, “Ai trông giống như thầy Ẩn và cô Tuyết.” Tôi không nghe câu ấy, nhưng một Thầy Truyền Đạo đi theo chúng tôi nghe và nói lại cho chúng tôi. Chúng tôi quay trở lại để chào hỏi chị. Cũng là một câu nói, nhưng lời của chị cựu học sinh này gây thật nhiều ấn tượng đối với tôi.
Tôi nhớ lúc học lớp Nhứt—lớp năm bây giờ--ông thầy của tôi có khuyên, “Khi lớn lên tụi bây đừng làm nghề thầy giáo. Nghề này bạc bẽo lắm!” Tôi giữ trong lòng lời dạy của Thầy Vân. Khi mới học xong lớp 11 thì tôi xin thi vào trường Kỹ thuật Phú thọ để theo học ngành “đường xá cầu cống.” Người xưa có câu, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Cuối cùng thì tôi phải học Sư Phạm. Vì có thành kiến với nghề dạy học, nên tôi không là một thầy giáo thành công. Nhưng, ngày nay, nếu đuợc chọn lại một nghề để sinh sống, tôi sẽ chọn nghề dạy học vì ít nhất cũng có người còn nhận ra được tôi. Tuy nhiên, tôi còn được diễm phúc là có dịp dạy những môn thuộc về tinh thần. Và có lẽ môn học hợp với chí hướng mình hơn nên tôi thích dạy hơn, dù cho đào tạo con người quan trọng hơn môn học.    
Ở xứ ngoài khi học sinh lên lớp hay ra trường thì sự liên hệ thầy trò cũng không còn. Đối với xã hội Á đông nói chung và Việt nam nói riêng, tình nghĩa thầy trò không thay đổi, tuy rằng nhiều trò thích thầy này hay cô nọ nhiều hơn thầy nọ hay cô kia.
Nhờ sự liên hệ giữa thầy trò nên trong năm qua tôi tìm ra đuợc ba người bạn. Một người học cùng lớp Sư phạm với tôi. Tôi tìm ra ông nhờ một chị cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Qua ông này tôi tìm được một ông bạn khác vì hai ông ở gần nhau, tại Perth, Tây Úc. Tôi tìm được một người khác trên mạng của Hội Cựu Học Sinh trường Gia-Long.
Bắt đầu năm 2000 “Hội Ngộ Liên Trường Kiên-Giang” được tổ chức hai năm một lần để tạo cơ hội cho các Thầy Cô và các cựu học sinh Kiên-Giang gặp gở. Gặp mặt, bắt tay, chào thăm tuy ngắn ngủi, nhưng giữ liên hệ tốt với nhau. Con người cần liên hệ vì được tạo dựng để sống với cộng đồng.
Cách đây có lẽ trên hai mươi năm, sở làm của tôi có cho xem một băng video. Tôi được thấy một người đi dọc bờ biển, nhặt những con sao biển, rồi ném xuống nước. Có người hỏi anh đang làm gì. Anh giải thích: “Những sao biển bị sóng đánh trôi lên bờ. Khi nước ròng và nắng lên, các con sao biển sẽ chết.” Người kia lại hỏi: “Có nhiều sao biển, làm sao anh có thể cứu hết chúng nó?” Anh lượm một con sao biển, ném xuống nước và trả lời, “Ít nhất tôi cũng cứu được con này.”
Trong sự liên hệ với người khác, chúng ta có tạo được một ảnh hưởng gì cho họ không? Nếu có thì ành hưởng ấy tiêu cực hay tích cực? Mong rằng trong mười hai năm dạy học tôi có tạo một ảnh hưởng gì tích cực đối với các học sinh của tôi. Có lẽ là tôi không thành công trong việc này. Cho nên, trong khi còn hơi thở, còn sinh lực thì vợ chồng tôi cố gắng tạo mối liên hệ với người khác, làm những việc nhỏ nhặt, nhưng có thể làm cho người khác vui và chúng tôi cũng vui.
Tôi tin vào tu thân, tích đức. Nhưng đức tin cần phải hành động thiết thực bằng công, bằng của, bằng thì giờ của mình. Nhiều người biết chúng tôi tôn thờ một Thiên Chúa chân thật. Nhưng đó là mối liên hệ riêng tư giữa tôi và Ngài. Từ mối liên hệ đó tôi cần tạo một mối giao hảo tốt với người lân cận của tôi. Người lân cận của tôi là những ai có cần mà tôi gặp trên đường đi. Bạc vàng thì chúng tôi không có, nhưng điều gì chúng tôi có, chúng tôi chia sẻ với người lân cận.
Sau 1975 tôi đã nghỉ dạy. Những dòng chữ viết trên đây không phải là lời dạy. Nhưng đó chỉ là cảm nghĩ của tôi về mối liên hệ giữa chúng ta và giữa chúng ta với người lân cận. Mong rằng những lần “Hội Ngộ Kiên-Giang” sẽ thắt chặt mối liên hệ giữa các thầy cô với nhau, và với các cựu học sinh, và giữa các cựu học sinh với nhau.

Huỳnh Ngọc Ẩn
Olympia, Washington, USA
6-4-2011
       


2 comments:

Nguyen said...

Thua thay,
Da lau lam roi, em nghe tin thay dang song o My. nhung chua mot lan duoc biet thay dang o tieu bang nao.Nay tinh co "google: KienGiang",
Em lai doc duoc nhung dong chu than thuong cua thay tren Tha Huong
Em rat vui.
Co le thay khong nho ra em la ai,nhung em thi khong the quen duoc thay, du la thay chi day em chi vai thang voi mon Phap van Sinh Ngu phu, duong nhu la thay duoc dieu ve So Hoc Chanh Sai Gon Thi phai?!!
Chuc Thay luon duoc doi giau song khoe va luon tiep tuc viet cho cac em doc.
Mot hoc sinh ten Nguyen cua NTT ngay xua.
Truong Thanh Nguyen
Canada.

Anonymous said...

Anh Ẩn mến,
Dòng đời của anh trùng hợp với tôi lắm.Tôi có người thầy cũng khuyên học trò không nên theo nghề"gỏ đầu trẻ",vì nghề nầy rất bạc bẽo.Rồi định mệnh đưa tôi vào nghề dạy học.Nói đúng hơn là Chúa nắm giử tương lai mình rồi.
Tôi cầu nguyện Chúa cho tôi được khỏe mạnh đến năm 2017 để được dự Hội ngộ liên trường
Kiêngiang
Xin anh và Tuyết cầu nguyện giúp tôi thêm.Hẹn gặp lại.
CÀRIDÊ