Thân gửi quí bạn một bài viết về thầy nhạc Phạm Công Nhiều
Mạch vạn Niên
Chuyện kể rằng khoảng vài trăm năm trước có một nho sinh tên gọi là Văn Bình thông lào kinh sử sau mấy năm dùi mài đèn sách với một cụ đồ nho trong làng. Nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, Văn Bình bèn làm một cuộc chu du ra khỏi xóm làng để khoe tài văn hay chữ tốt. Đến một làng nọ nghe đồn có một ông Cử nhân tài ba, Văn Bình vội vã đến nhà để mong đàm đạo. Đến nơi, ông Cử mời chàng ngồi vào tràng kỷ rồi bảo gia nhân mang trà rượu đãi khách. Hỏi lý do gia chủ mới biết khách muốn được đối đáp văn chương. Gia chủ khà một chung rượu rồi gật đầu bảo Văn Bình là mình sẽ ra chữ đối và mong Văn Bình đáp trả. Nghĩ bụng tưởng gì chứ đối đáp là nghề của chàng, Văn Bình cung kính cho phải phép rồi gật đầu ưng thuận. Ông Cử liền ra chữ VÕ, Văn Bình bèn đáp lại VĂN, ra chữ TRẮC chàng đáp lại BÌNH...Rồi cứ thế tiếp tục ...VÃNG LAI, NAM BẮC, CÔ CỤ. Xong xuôi ông Cử khen Văn Bình tài giỏi đối đáp nhanh nhẹn. Nào bây giờ chúng ta thử ráp các chữ vừa đối đáp lại thành câu xem sao ? Người xướng câu VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ thì chẳng có ý nghĩa gì hết , nhưng kẻ đáp VĂN BÌNH LAI BẮC CỤ thì thật là đầy ý nghĩa đến đổi Văn Bình phải đỏ mặt mà vội vã cáo từ. Quả thật ông Cử nầy quá thâm nho ! Từ đó người ta không còn thấy Văn Bình xuất hiện trong chốn GIANG HỒ CHỮ NGHĨA !!!
Chuyện cũng kể vài trăm năm sau dưới mái trường Trung Học Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang có một chàng nhạc sinh thọ giáo âm nhạc với nhạc sư Phạm Công Nhiều mới có hai năm thôi ( Đệ Thất, Đệ Lục ) mà mỗi tuần chỉ học có một giờ vừa ca hát vừa nhạc lý và trong hai năm đó nhạc sư chỉ chú tâm vào những bản nhạc cung DO trưởng hoặc RE trưởng để dạy cho học trò dễ hiểu và cũng dễ ca hát. Nhạc sư chưa xuất chiêu dạy học trò sáng tác bao giờ ! Vậy mà cậu nhạc sinh nọ chỉ vì muốn tán cô bạn gái bèn viết một bản nhạc điệu slow cung DO Trưởng để trổ " thiên tài " cho nàng lé mắt. Cũng may chàng chưa ghi lời và trước khi mang tặng nàng để cho nàng khoe chơi cùng thiên hạ, anh chàng đã mang đến nhờ nhạc sư xem qua và cũng là để trổ tài với nhạc sư chút chơi ! Là học trò cưng của thầy vì chàng thường lên bảng giúp thầy ghi nốt nhạc mỗi lần thầy lên lớp nên thầy cũng chìu lòng trò mà xem qua. Xem xong ! Thầy cười ngất ! Nhưng thay vì chê trò chưa biết đi đã đòi chạy thì thầy dịu dàng bảo nếu em muốn sáng tác thì bất cứ giờ nào rảnh cứ đến gặp thầy, thầy sẽ chỉ thêm. Còn bản nhạc nầy quá nhiều sai xót ! Em viết Do Trưởng nhưng điệp khúc Do Thứ thì phải có ba dấu giảm ở trường canh thứ nhất của điệp khúc chứ không phải đụng chỗ nào là giảm chỗ ấy ! Tuy vậy thầy cũng ngồi xuống piano đàn bản nhạc của chàng rồi gật đầu khen chàng là người có triển vọng làm chàng thêm tự tin.
Từ đó chàng thỉnh thoảng đến thỉnh ý thầy mỗi lần cao hứng về âm nhạc. Bất cứ lúc nào đến thầy và cô đều vui vẻ tiếp như thượng khách có trà nước đầy đủ chứ không xem thường cậu học trò bao giờ. Có lần không hiểu sao chàng bị trúng gió quây mòng mòng. Cô đè xuống cạo gió rồi cười nói với thầy chắc chàng hay tin nàng đi lấy chồng nên xỉu. Mà đúng vậy nhà nàng ở ngang nhà thầy và nàng sắp đi lấy chồng thiệt ! Chuyện tại sao lúc ấy bị xỉu thì chỉ có trời biết !
Sau nầy vào năm 1963, bắt đầu năm Đệ Tam (cái năm mà tụi học trò gọi là năm xả hơi, chẳng đứa nào thèm học) chàng và Dương Thuận Tài, Võ Hoài Sơn, Đặng Văn Thành, Trương Minh Bình bày đặt lập ra ban nhạc Thanh Giang hát hò khắp tỉnh. Mỗi lần có Đại Nhạc Hội là có ban nhạc Thanh Giang đóng góp. Dương Thuận Tài thường viết bè cho ban nhạc nhưng bao giờ cũng hỏi ý của thầy. Thầy luôn luôn khoan dung, nụ cười của thầy hiền như nụ cười của ông Phật Di Lạc mỗi lần chúng tôi bè sai. Chàng nhớ có lần ban nhạc bắt chước ban Hợp Ca Thăng Long hát bản Ngựa Phi Đường Xa trong một bửa nhạc hội tại rạp Châu Văn bị sai bè tùm lum mà chỉ có người rành nhạc mới biết. Hôm đó nhạc sư lại có mặt trong đám khán giả. Bửa sau thầy kêu mấy trò lại chỉ cho mấy chỗ sai khiến thằng Tài Sừng quê với tụi nầy một cục ! Tuy đối với thầy, chúng tôi là bọn tép riêu nhưng Ty Thông Tin Rạch Giá cũng thán phục mà cho ban nhạc chúng tôi phát thanh vào mỗi tối thứ bảy khoảng một tiếng đồng hồ, có khi hơn !
Âm nhạc là một phần trong đời sống của chàng tuy chàng không sống chết với âm nhạc như Võ Hoài Sơn hiện giờ vẫn còn đang tung hoành khắp xứ Houston, nhưng nhờ âm nhạc mà chàng đủ sức chịu đựng những khắc nghiệt trong 6 năm tù tội nơi núi rừng Việt Bắc. Mỗi lần cầm đàn lên hay cao hứng ngồi viết một bản nhạc là chợt nhớ đến gương mặt hiền hậu và lòng tận tâm của thầy.
Câu chuyện Văn Bình nói trên nếu gặp một ông Cử có lòng đại lượng và biết quý trọng nhân tài như nhạc sư Phạm Công Nhiều thì biết đâu sau nầy Văn Bình trở thành cậu học trò giỏi của ông Cử và cũng biết đâu Văn Bình đã thi đỗ Trạng Nguyên nở mặt nở mày cho ông Cử cũng nên. Xét cho cùng, nếu Văn Bình háo thắng một thì ông Cử là kẻ háo thắng mười ! Cả hai đều là những người tự cao tự đại. Đáng tiếc thay !
Cảm ơn CÔNG ơn thật NHIỀU như cái tên của thầy PHẠM CÔNG NHIỀU !!!
Mạch Vạn Niên
1 comment:
Hi anh Niên
Cái tựa bài thật ngộ nghỉnh và dễ thương làm sao . Thầy đang ở đâu đó đang cười với anh kìa . Lẽ ra bài viết nầy anh lấy bút hiệu Thằng Tiểu Qủy có lý hơn ( dám viết Ông Phật thích đờn ca . Một trong những giới cấm của người xuất gia là không hát ca . Anh phạm giới rùi . Mà quên ông anh tui đã theo đạo vợ lâu rồi mà ...
TL
Post a Comment