Saturday, May 26, 2012

Ngôi trường có Bác tới Thăm

_____________
Được chuyển đến từ Ngọc Hân
Thanks


Tuấn Linh (Nguồn: vantuyen.net)

Trường phổ thông cấp ba Châu Thành tỉnh Rạch Giá, nằm ngay trên đường nối liền huyện Châu Thành với xã Minh Lương, cách ngã ba Rạch Sỏi khoảng 500m. Trường trực thuộc quản lý của ty giao dục tỉnh. Tất cả mọi chuyện của trường đều do ty quyết định. Cũng chính vì vậy đám giáo viên chúng tôi dễ thở một chút.
Trường có bốn thứ giáo viên: Giáo viên lưu dụng, giáo viên tân tuyển, giáo viên chính quy và giáo viên chi viện. Giáo viên chi viện do bộ cử vào từ ngoài Bắc. Đây là cấp giáo viên lãnh đạo. Trong cấp giáo viên này có hai loại: loại hành chính có năng lực giáo dục như tốt nghiệp sư phạm, nghiệp vụ khá, tương đối có trình độ, loại Đảng viên nắm chi bộ Đảng. Loại này học lực thường xuất thân từ bổ túc vắn hóa có trình độ thấp, nhưng lại nắm quyền sinh sát trong tay. Hệ thống chính quyền trong chế độ CS là hệ thống “Hai thủ trưởng” một bên là hành chính : Hiệu trưởng, một bên là Đảng : chi bộ Đảng. Hệ thống này chồng chéo và kiểm soát nhau. Bên hành chánh khinh thường bên Đảng ( vì bên đảng dốt). Bên đảng uy quyền cao nên thường luôn góp ý hay xen vào bên hành chánh như kiểm thảo, báo cáo. Loại giáo viên này chuyên phụ trách về bộ môn chính trị, hay tổ chức xây dựng đoàn, đảng.
Giáo viên lưu dụng là giáo viên cũ được dùng lại. Giáo viên tân tuyển là giáo viên có trình độ tương đương được tuyển thẳng vào không qua sư phạm. Giáo viên chính quy là giáo viên được đào tạo từ trường Sư phạm sau 1975.
Ngoại trừ giáo viên chi viện, tất cả giáo viên khác thường thân thiện với nhau, vì trong họ ít nhất có nhiều cái giống nhau, cái giống nhau nhất là có cùng trình độ, cái giống nhau thứ nhì là cùng người miền Nam, và quan trọng nhất là có cùng “ý thức hệ”. Tất cả mọi giáo viên dạy ở cái vùng ven biển này đều có cùng một mục đích tối hậu “tìm đường cứu nước”.
Hôm nay tôi ngồi viết bài này để tưởng nhớ tới những người bạn, những người đã cùng nhau chia sẽ những vui buồn trong suốt 3 năm tại trường Trung Học Châu Thành Này. Hy vọng nơi nào đó nếu có đọc được những lời chân thành hẳn nhớ lại cái thời “có một lần vui, có vạn lần sầu”.
Huân giáo viên toán dạy giỏi nhất tỉnh. Huân con của nữ sĩ Hồ Diệp, ngày đầu nhận nhiệm sở, Huân cùng mẹ mang túi xách tới trình diện tên Hiệu trưởng. Sau khi làm xong thủ tục ban đầu tên hiệu trưởng dẫn Huân và mẹ xuống nhà giáo viên để giới thiệu với chúng tôi. Lúc biết được bà đi cùng Huân là mẹ, tụi tôi giựt mình lúc đầu cứ tưởng hai chị em, vì bà rất trẻ lại đẹp nữa. Khi biết mẹ Huân chính là nữ sĩ Hồ Điệp, tụi tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Chúng tôi biết tiếng bà trên radio lâu rồi, không ngờ hôm nay mới biết mặt. Bà nói chuyện thật từ tốn, hấp dẫn người nghe. Đúng là nữ sĩ, bà bàn giao Huân cho chúng tôi trước khi từ giã với một câu hết sức khiêm nhường:
“Các cháu cho bác gửi Huân, có gì dậy bảo giùm”. Thật sự sau đó không biết ai dậy ai. Có chuyện từ sau cái ngày bà bàn giao ấy, chúng tôi không thấy bà xuống thăm Huân, và cũng không thấy Huân về thăm bà hay nhắc tới bà nữa.

Huân không lớn con, gương mặt thông minh, và hơi có vẻ ngỗ nghịch, Huân đại diện cho lớp trẻ hăng say, nhiệt huyết. Huân phụ trách môn toán. Ngay cuối năm đó Huân được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh. Số học sinh Huân đào tạo để thi đua tại tỉnh hầu như chiếm toàn hạng nhất, nhì. Một vài em còn được lựa gửi lên thành phố thi. Chỉ có chuyện trớ trêu, tất cả các em học sinh giỏi đó đều là con em gia đình “Ngụy quân, ngụy Quyền”. Dầu cho các em có giỏi mấy, tôi không thấy có em nào đậu vào đại học, chỉ vì lý lịch của các em.
Huân rất giản dị, quần áo ăn mặc rất bụi đời. Nhìn bên ngoài người ta không thể biết được đó là giáo viên dạy toán giỏi nhất tỉnh. Huân nói chuyện rất có duyên. Về phía học trò thì khỏi nói, Huân thật là thần tượng. Không riêng gì Huân mà mọi giáo viên đều giản dị, lý do không giản dị không được, vì mỗi năm nhà nước bán cho mỗi người một mét vải quần tây, kỳ nào phòng thương nghiệp đo thiếu thì khốn khổ coi như tiêu chuẩn quần dài biến thành quần đùi.
Nhân cơ hội đảng phát động kế hoạch “Ba Lợi Ích: lợi nước, lợi nhà, lợi cá nhân” ban giám hiệu trường gồm hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư chi bộ đảng – cả ba tên đều là chi viện – âm thầm họp bàn kế hoạch thực thi chính sách của Đảng giao phó. Ban giám hiệu không giám phát động trong giáo viên vì sợ phải chia phần khi có lợi tức.
Nhà trường có ba dãy lớp, mỗi dẫy có 4 phòng học, cả ba dãy đều quay mặt ra sân trường. Từ ngoài đường nhựa chính, hai bên con đường trải đá xanh nối tiếp cổng trường là ao sen, Sau cổng trường bên phải là văn phòng, phòng giáo viên. Bên trái là khu để xe của học sinh.
Vào một ngày thứ Bảy đẹp trời, ba đỉnh cao trí tuệ của Đảng ra chợ mua cây tràm, tre, lá đem về thiếp lập hai cầu cá Dồ ngay ao sen trước trường. Sau đó ba người hùng xuất tiền mua 5000 cá Dồ giống thả xuống. Thế là đỉnh cao trí tuệ biến hai ao sen thành hai hầm nuôi cá Dồ. vừa lợi nước, lợi nhà, lợi cá nhân.
Sáng thứ Hai, tất cả đều ngạc nhiên với kế hoạch: “ao cá bác Hồ” của ban giám hiệu. Bọn giáo viên chúng tôi rất lấy làm khâm phục. Vì suốt quá trình hình thành của trường chưa một ai nghĩ ra kế hoạch loại “đỉnh cao trí tuệ” này. Huân, Dũng, Liệu và tôi ngồi uống càphê buổi sáng tại quán đối diện nhà trường, tức khí sinh tình mỗi thằng ứng khẩu một câu thơ. Gom lại thanh bài thơ tứ tuyệt:
“Sừng sững trước trường cái cầu tiêu, Thằng làm cầu ấy thật cũng liều. Ông qua, bà lại xin một tý. Lợi nước, lợi nhà, lợi tiền tiêu.”.
Không biết làm sao bài thơ đó lọt ra ngoài, học trò đứa nào cũng thuộc. Bài thơ bay bổng tới sở giáo dục. Ban giám hiệu nhà ta bị gọi ra tỉnh. Kết quả không như mọi người mong muốn, sở khuyên cáo nên sửa chữa nhà cầu cho kín đáo hơn. Lý do kế hoạch của ban giám hiệu đúng với kế hoạch nhà nước… Hết ý kiến… Riêng bộ ba tướng sỉ tượng về sửa chữa lại cho kín đáo hơn. Nhưng không một em học trò nào giám bước chân vào. Ngoại trừ thỉnh thoảng mấy đứa chăn trâu ăn tầm bậy, đau bụng chạy vào thăm ao bác.
Toàn huyện mở chiến dịch “văn hóa”. Công an ra đường chận thanh niên tóc dài, quần loe. Huân vừa ra khỏi quán cà phê thì bị chận lại hỏi giấy tờ. Một tên hỏi: “anh làm gì ở đây, bộ xuống đây tìm đường vượt biên hả?” Huân trả lời “tôi là giáo viên” tên công an nhìn lại Huân từ đầu tới chân “giáo viên gì mà tóc dài quần áo bê bối.” Tên công an đứng gần quay lại rồi nói lớn “thằng đó là thày giáo trường cấp ba đó”. Nghe thấy thế tên công an thứ nhất rút ngay tông đơ, một tay nắm đầu Huấn đưa một lèo từ trước ra sau. Sau đó hắn thả Huân ra còn phang thêm câu: “cho bỏ thói để tóc dài.
Huân mặc cái quần jean bạc màu, phía 2 đầu gối rách lòi cả thịt. Phía sau cũng bị rách, nhưng Huân đả vá lại bằng 2 miếng vải trắng, mỗi lần nhìn thấy học trò cười ầm cả lớp, nhưng rồi quên dần, học trò đặt cho Huân cái tên rất trìu mến “giám đốc TV”. Không phải Huân muốn như vậy, mà thực sự Huân không có quần áo nào tốt hơn. Hơn 2 năm phòng thương nghiệp không bán quần áo tiêu chuẩn. Cái quần Huân mặc theo Huân có đến 5 năm. Tiền lương không đủ cho Huân hút thuốc thử hỏi làm sao mua quần khác. Chỉ có nước chờ đảng và nhà nước ban ơn.
9 giờ sáng, học trò đang học, giáo viên đang dạy, bỗng thấy 3 xe công an phóng vào trường, xe dừng lại bọn công an nhảy ra khỏi xe tủa bao vây xung quanh trường, mọi người xôn xao, không biết có chuyện gì xẩy ra. Sau vài phút loa phóng thanh từ văn phòng thông báo “Các đồng chí giáo viên, các em học sinh, bình tĩnh học tập. 15 phút nữa đồng chí Lê Duẫn tới thăm trường, đây là một hãnh diện cho trường ta, sở Giáo dục đã đề cử trưởng ta là trường kiểu mẫu, tiên tiến trong tỉnh, nhân cơ hội đồng chí tham quan tỉnh nhà, muốn ghe trường ta. Yêu cầu các đồng chí giữ nguyên tình trạng, giữ kỷ luật học sinh. Đợi khi có lệnh tập trung đón tiếp..”
Xe của Bác tới, phái đoàn thật hùng hậu. Ngoài phái đoàn trung ương, phóng viên báo chí còn có phái đoàn tỉnh và sở giáo dục. Phái đoàn không thăm toàn trường, mà chỉ thăm lớp chuyên toán của Huân. Lớp 12 chuyên toán của trường đã được Sở Giáo Dục tỉnh chọn làm điểm tham quan của Bác Lê Duẫn. Khi bác tới, cả lớp đứng lên chào, phái đoàn người nhiều hơn lớp học, đến nỗi phải đứng bên ngoài. Bác và phái đoàn trung ương bắt tay các em rất thân mật. Sau vài câu nói giới thiệu, người phóng viên trong phái đoàn hỏi một em học sinh gái ngồi đầu bàn: “em cho biết cảm tưởng khi bác đến thăm lớp em” “dạ em rất lấy làm sung sướng khi được bác tới thăm ạ”. Phóng viên hỏi tiếp “thế em biết ai là bác Lê Duẫn” “dạ em không biết ạ”. Phóng viên hỏi tiếp :” thế em không xem truyền hình sao?” “dạ nhà em nghèo, không có truyền hình ạ.” mọi người nín thở, bác Lê mặt chuyển mầu đỏ sang xanh. Bác nhìn xuống cuối lớp thấy có một người đang khoanh tay, đầu đội nón. Bác giơ tay chỉ và nói: “anh kia là ai sao lại đội nón?” Người đó trả lời rất bình tĩnh “Thưa bác cháu tên Huân là giáo viên chuyên toán”
Có người nhắc “bỏ nón xuống” Huân giơ tay lấy nón xuống. Mọi người đứng chết trân nhìn cái đầu trọc lóc của Huân. Học sinh thì bịt miệng cười, ban giám hiệu mặt cắt không còn một giọt máu. Bác Lê hỏi tiếp “giáo viên sao lại cạo trọc đầu?” “Thưa Bác hôm qua cháu ra phố bị công an chặn dùng tông đơ xủi từ trước ra sau, nên bắt buộc cháu phải cạo trọc, lên lớp sợ học sinh cười nên đội nón”. Bác Lê “anh lên đây”. Ai cũng hồi hộp nhìn Huân lững thững tiến lên. Bác Lê nhìn Huấn từ đầu tới chân, nhìn một thực trạng giáo viên XHCN, bác Lê nhìn cái quần rách đầu gối, nhìn hai miếng vá màu trắng sau mông của giáo viên dạy toán giỏi nhất tỉnh. “Anh là giáo viên dậy toán giỏi nhất tỉnh?” .. “Thưa bác vâng…” ” Thày giáo sao ăn mặc như vậy?” Huân bình tĩnh trả lời “Thưa bác vậy là may mắn lắm rồi, thời chiến tranh chống Mỹ anh em không đủ ăn, không đủ mặc, đâu có ai phàn nàn già.” Bác ngắt lời “thôi được rồi, phòng thương nghiệp không bán quần áo cho anh sao?” Huân thưa “hai năm nay không có bán…” Nghe tới đấy bác Lê quay người 180 độ ra thẳng xe, ra lệnh trở về tỉnh…
Huân thật sự lo sợ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, Ban giám hiệu họp khẩn với Huân, trách Huân Bôi xấu chế độ…và chắc chắn không tránh khỏi bị kỷ luật. Có chuyện lạ ngay sang hôm sau đích thân xe hàng sở thương nghiệp tỉnh mang vải tới tận trường bán vải cho giáo viên đầy đủ tiêu chuẩn hai năm. Còn phòng thương nghiệp huyện cơ quan trực tiếp chăm lo đời sống công nhân viên nhà nước bị kỷ luật, nghe nói bị thuyên chuyển đi nơi khác.
Ban giám hiệu được mời về Sở họp suốt một tuần. Huân đóng cửa kín không tiếp xúc ai, cho đến 2 hôm sau học sinh khám phá “Huân không có trong phòng”. Huân vượt biên, hay bị thủ tiêu không ai biết. Ban giám hiệu họp chưa về. Có người cho rằng Huân đi vượt biên cùng với gia đình học trò. nhưng tin tức không chính xác. Từ đó tin tức về Huân không ai có nữa. Ban giám hiệu, nhà trường học sinh, quên Huân như quên một câu chuyện khôi hài. Nhưng là câu chuyện khôi hài có thật dưới triều Lê Duẫn.
Tôi trở về quê hương, sau 12 năm, có tới thăm trường, không có gì thay đổi tất cả vẫn như cũ. Hai cái ao sen trước trường nở hoa thật đẹp. Cây cầu cá dồ không còn. Tôi gặp lại anh hiệu trưởng mới. Vừa thấy tôi hắn toét miệng cười “Thày về thăm quê hương hả?” Tôi nhìn hắn đôi chút ngỡ ngàng “Trung hả?” “Dạ em Trung đây”.
Tôi ôm lấy Trung: “Lâu quá tưởng không bao giờ thày trò mình gặp nhau”. Học trò đang giờ chơi thấy tôi ôm Trung ngơ ngác nhìn, tôi buông Trung cả hai tôi nước mắt chảy từ bao giờ.
Kỷ niệm ngày về.
Tuấn Linh



No comments: