Saturday, May 26, 2012

ĐẤT QUÊ HƯƠNG

___________

Bảo Tâm là bút hiệu của Bác Lê Tấn Hích- Một nhà văn hiện đang cư ngụ tại thành phố Winnipeg . . Bác Bảo Tâm đã từng cộng tác với Thời Báo Toronto , Hương Xưa và Người Việt Tha Hương tại Winnpeg . Mặc dù ở cái tuổi 79 song Bác viết rất khỏe và sáng tác đều đặn không ngừng .  Xin thành thật cám ơn Bác đã gửi bài cho Tha Hương và chúng tôi ân cần giới thiệu cũng bạn hữu Tha Hương Đất Quê Hương của nhà văn Bảo Tâm


HTTL


Bảo Tâm

 Hình như năm nào cũng vậy. Cứ đến sau giờ đón giao thừa, chờ cho cả nhà đều mệt mỏi và đi ngủ hết, ông Lành lặng lẽ đến vói tay lên bàn thờ Gia Tiên lấy xuống một chiếc hộp nhỏ từ lâu được gói kín trong hai lớp vải mầu vàng sậm. Ông cẩn thận đặt chiếc hộp ngay ngắn trên bàn kính đối diện với chiếc Sofa của ông thường ngồi đọc báo hằng ngày. Cái không gian hạn hẹp trong căn phòng nhỏ im phăng phắc lúc bấy giờ đang chìm dưới ánh đèn mờ, chỉ còn một con người và một món vật có lẽ đang cùng nhau tâm sự cho tới sáng.

             Còn nhớ rất rõ, tôi có dịp làm quen với ông Lành nhân  ngày đại hội cuối năm của Hội Cao Niên. Vóc người ông hơi lớn con, khuôn mặt tròn phúc hậu, mũi cao, mắt sáng. Tuy tuổi tác hồi đó của ông đã ngoài sáu mươi nhưng da dẻ rất hồng hào, nói năng hoạt bát, nhất là lúc nào cũng luôn có sẵn nụ cười trên môi. Hồi mới đối diện với ông Lành lần đầu tiên, bỗng tôi có cảm tình ngay. Điều nầy không phải riêng tôi, mà gần một trăm hội viên Hội Cao Niên Việt Nam trong cái thành phố Bắc Mỹ xa lạ nầy, tôi biết tất cả cũng đều có chung một nhận xét ngầm như vậy.

             Từ dạo ấy đến nay đã hơn mười năm rồi. Ngoài những lần họp mặt hằng tháng và đi du ngoạn đây đó do Hội tổ chức, có thể nói tôi với ông Lành đều có rất nhiều cơ hội thuận lợi để gặp gỡ gần gũi nhau hằng ngày. Bởi trong sáu năm gần đây, gia đình ông đã dọn đến ở cùng chung cư với tôi, một chung cư nhỏ yên tỉnh, ít người tại một vùng ngoại ô phía đông thành phố.


             Tôi biết ông Lành có bốn người con, hai trai và hai gái. Có hai đứa hiện đang ở Mỹ. Sống chung với vợ chồng ông tại đây là cậu trai cả và cô gái út tuổi tác chênh lệch gần một con giáp. Hai đứa đều thông minh, học hành đỗ đạt, có nghề nghiệp vững chắc, nhưng cả hai đều chưa muốn lập gia đình dù tuổi tác đều đã quá xa giai đoạn trưởng thành.

             Vợ chồng ông Lành và cô gái út xuất cảnh sang Canada theo diện đoàn tụ gia đình do cậu trai đầu lòng trong nhà vượt biển hồi năm 1982 bảo lãnh. Cũng như biết bao hoàn cảnh tương tự, bản thân ông cũng đã "gồng mình chịu nướng" cái tuổi quá trung niên của mình ngót nghét mười hai năm trời qua nhiều "chốn địa ngục trần gian" từ Bắc chí Nam, kể từ khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản sau tháng tư lịch sử đen tối 1975.

             Ngày ra đi, hành trang riêng của ông Lành chỉ vỏn vẹn có một túi xách nhỏ đeo vai đựng vài món đồ dùng cá nhân gọn nhẹ,
đặc biệt trong đó có thêm một chiếc hộp nhỏ. Theo lời ông kể lại chỉ riêng cho tôi nghe, bên trong chiếc hộp đó là "Một Nắm Đất Quê Hương" có xuất xứ từ miền đất phì nhiêu của Huyện Điện Bàn, một huyện trung châu miền Trung, được chính tay ông lấy ngay  giữa sân Nhà Tự Đường thuộc dòng họ ông từ bao đời do Tổ Tiên để lại - một món vật chứa đầy ắp những kỷ niệm thân yêu, đang được ông trân quý như là quả tim, là khúc ruột của mình.

                                                      ****

             Trận tuyết đổ đầu mùa năm nay đến sớm quá, chưa hết tháng mười đã thấy tuyết rơi đầy trời. Mới có năm giờ chiều mà trời đất đều tối tăm mờ mịt. Nhìn những bông tuyết trắng bay nghiêng nghiêng tả tơi theo chiều gió ngoài khung cửa kính, bỗng ông Lành rùng mình nhớ lại mùa đông năm ngoái, một năm mà báo chí địa phương mô tả là lạnh khủng khiếp nhất trong vòng ba mươi năm qua. Sáng hôm sau thức dậy sớm, nhìn hai con đang vui vẻ tất bật chuẩn bị cơm nước để đi làm mà trong lòng vợ chồng ông rộn lên niềm thương xót.
        
             Bà Lành âu yếm dặn dò:
           - Cẩn thận nghe các con, ti-vi nói tuyết còn rơi suốt ngày và gió bấc thổi mạnh đến bốn mươi cây số giờ đấy!

             Tâm nhún vai lắc đầu: 
           - Tụi con còn trẻ, vả lại cũng đã quen rồi. Tụi con chỉ lo Ba Má ở nhà vắng vẻ buồn lắm. Có báo tiếng Việt con mới mua để ở đầu giường. Hôm nay Ba Má nhớ đừng ra ngoài, thời tiết nguy 
hiểm không lường được. 

             Hai đứa con ra đi khỏi nhà thật xa, đến khi bóng chiếc xe chỉ còn mờ mờ trong tuyết mà hai ông bà vẫn còn nhìn theo. Ông Lành nghĩ thầm trong bụng, ước gì mình được trẻ lại vài chục tuổi để đi làm, để gánh vác một phần bổn phận đối với con. Ông thầm trách bâng quơ, cái xứ gì mà thời tiết quá ư là khắc nghiệt, chả bù bớt cho Việt Nam mình. Không biết năm nay có còn bị lạnh thê thảm như năm ngoái nữa không? Chỉ nhìn qua hai lớp kính dày thôi, mà bên trong là sự sống và bên ngoài là cõi chết nếu con người không có đầy đủ phương tiện tốt để chống lạnh. May mà Ông Trời chỉ cho phép cái lạnh nó đến từ từ, và chỉ kéo dài khoảng từ tháng mười cho đến tháng tư, chứ nếu quanh năm mà cứ ngồi triền miên trong "cái tủ lạnh thiên nhiên nầy" thì làm sao mà chịu cho thấu.

             Chiều nay vợ chồng ông Lành cùng ngồi chung xe với tôi đi dự Lễ Mừng Sinh Nhật các Hội Viên có ngày sinh trong tháng mười hai do Hội Cao Niên Việt Nam tổ chức, danh sách có tên của vợ chồng ông. Riêng đối với ông Lành, đây là lần sinh nhật thứ 72 rồi mà thực ra ông đâu có thèm nhớ đến. Hơn nữa, gần đây tâm trí ông có biểu hiện vài chuyện lẩm cẩm, có lẽ cũng sắp bước sang giai đoạn lú lẫn của tuổi già.

             Còn nhớ có một lần ông Lành kể cho tôi nghe:
             Năm nọ vào một ngày trước lễ Giáng Sinh, thời tiết bên ngoài lạnh dư?i 25 độ âm, các con đều đi làm và tối lại còn tiếp tục đi học nên về trể. Chiều hôm đó không hiểu đi đứng vô ý làm sao, ông hay bà chạm phải cái máy hộp điều chỉnh khí hậu trong nhà mà không hề biết. Đến khi nhiệt độ từ từ xuống thấp, xuống thấp đến không độ, tiếng kêu  rù rù của hệ thống sưởi ấm ngưng  b?t không còn hoạt động nữa. Cơm tối đã dọn lên bàn rồi nhưng lạnh quá ăn không được. Vợ chồng ông quýnh quá, lôi quần áo trong tủ ra mặc thật nhiều vào. Rồi nào là khăn quàng, nào mũ, nào bao tay, bít tất đều tra đầy vào người nhưng vẫn cứ thấy lạnh. Hai ông bà vội lên giường kéo chăn mền trùm kín mít, nhưng bao nhiêu chăn mền lúc đó cũng đều lạnh quá, đâu có ấm như bình thường được. Muốn nhấc điện thoại gọi con về nhưng quên mất số phone, lại cũng không biết giờ nầy chúng nó đang ở đâu. Cuối cùng hai ông bà đành cắn răng chịu trận. May mắn làm sao các con về kịp lúc chín giờ tối, sớm hơn thường lệ ba mươi phút. Chúng nó vào nhà như đi vào trong nhà kho chứa hàng đông lạnh, gọi Ba Má ơi ới không thấy trả lời. Hoảng quá hai đứa xô cửa chạy vào phòng, thấy cảnh Ba Má mình đang run cầm cập, áo quần, chăn mền, thôi thì đủ thứ vương vãi đầy phòng. Biết ngay những gì đang xảy ra, thằng Tâm vội vàng chạy ra phòng khách nhanh tay điều chỉnh lại cái Thermostat (hộp máy điều nhiệt), thế là chỉ mấy phút sau độ ấm trong nhà từ từ trở lại bình thường. Chuyện xảy ra không khác gì một vở hài kịch. Đã lâu lắm rồi, thế mà sau nầy mỗi khi nhắc lại, cả nhà được một phen cười nghiêng ngửa, cười thật đã đời.

                                                   ****

             Bên trong chiếc xe Toyota đời mới có hệ thống sưởi ấm hiện đại, trên đường đưa Ba Má từ trụ sở Hội Cao Niên về nhà, Tâm hớn hở bật mí:

            - Con cho Ba Má một tin mừng, con vừa mới được lên lương. Đêm nay con và em Thảo sẽ tổ chức cho Ba Má một lần sinh nhật thật lớn - lớn hơn mọi năm, bởi vì hôm nay cũng vừa đúng mười năm ngày Ba Má và em Thảo đặt chân lên nước Canada. Ở nhà em Thảo đã chuẩn bị xong hết cả rồi. Về tới nhà Ba Má đừng ngạc nhiên, cứ để mặc anh em con lo. Có cả đám bạn con đến chung vui nữa. Hai em Thành và Thu ở Mỹ cũng vừa mới gởi thiệp về mừng thọ Ba Má, chúng nó hẹn đến mười giờ sẽ có phone về.

              Ngồi trong xe không ai bảo ai, trong lòng vợ chồng ông Lành dấy lên một nỗi vui mừng khôn xiết, một niềm hạnh phúc dâng tràn từ con mình mang đến. Bà Lành khẻ bảo:

             - Các con làm vừa vừa thôi, để sức khỏe ngày mai còn đi làm, chứ Ba Má thì sao cũng được. Chỉ sợ các con...

                Tâm ngắt lời mẹ:
              - Ba Má quên rồi sao! Ngày mai là "Lễ Tạ Ơn", tụi con được nghỉ trọn ngày kia mà, tụi con còn có ý định kính mời Ba Má cùng đi shopping để có dịp mua sắm những gì Ba Má thích.

                 Xe dừng lại trước cổng, tiếng nhạc quê hương với giọng hát của ca sĩ Hoàng Oanh quen thuộc từ cuốn băng video vặn lớn vừa đủ nghe, vừa êm đềm, vừa dịu dàng lọt ra ngoài nghe sao mà thân thương quá. Bước vào nhà, ông bà Lành liền thấy trên bàn bày ra la liệt nào hoa, trà, nào rượu, bánh, lẫn thức ăn mới nấu chín bốc khói thơm phức, trên bàn thờ khói hương quyện tròn nghi ngút. Chính giữa bức tường bên trong phòng khách là bức chân dung bán thân mới nhất của vợ chồng ông được phóng to lồng trong tấm kính, nổi bật những nét nhụ vàng trên khung gỗ, viền quanh bởi những hoa hồng màu đỏ. Từ dưới nhà bếp, rộn ràng tiếng nói cười của đám thanh niên, thanh nữ, nghe tiếng vội vàng tranh giành với Tâm và Thảo chen chúc nhau lên nhà trên tuần tự đến gần vòng tay chúc thọ ông bà Lành, đứa nào cũng tranh nhau chuốc rượu và bưng thức ăn đến mời. Phải thành thật mà nói, cái quang cảnh vô cùng đầm ấm của một gia đình Việt Nam với truyền thống lễ giáo, đạo đức, mẫu mực là đây - không biết từ lâu đã có bao nhiêu hình ảnh tương tự trên miền đất gần cực bắc trái đất nầy. Năm nay không thấy sự có mặt của hai đứa con gái thật lễ phép và dễ thương như các năm trước, hỏi ra thì chúng nó đã có chồng và đi xa rồi.

                                                    ****

              Đêm nay rằm tháng chạp, bên ngoài trời lạnh lắm. Suốt cả tuần qua, cái lạnh luôn dưới hai mươi độ âm, tuyết vẫn còn tiếp tục rơi, cảnh vật nhuộm một màu trắng xóa.

               Đã hơn hai giờ khuya mà ông Lành vẫn còn ngồi nhìn trân trối vào chiếc hộp nhỏ, uống gần cạn bình trà nóng ướp bông sói nhưng ông vẫn cảm nhận có độ chan chát hơn bình thường. Cái thông lệ muốn được tâm sự cùng chiếc hộp nhỏ sau giờ giao thừa năm nay được ông thực hiện sớm hơn mười lăm ngày. Tự biết sức khỏe của mình không còn được như những năm về trước. Tuy đôi  tay có hơi run, nhưng tâm trí ông có cái suy nghĩ thật là sâu sắc. Ông tự bảo khi đối diện với con cháu mình - nhất là ở xứ sở nầy, những lời nói hay nói rõ hơn là những lời khuyên sẽ chẳng khác gì một cơn gió thoảng, một áng mây bay. Nhưng một khi mình cố 
gắng đưa được lời lẽ đó lên giấy mực, tất nhiên nó sẽ tồn tại lâu dài. Nghĩ tới đây, ông Lành chầm chậm sửa lại chiếc kính, chống mạnh tay vào thành ghế đứng lên - và như có một sức mạnh vô hình nào thôi thúc, ông vội đi lấy giấy bút, nén nót viết vội mấy dòng để lại cho bốn đứa con:

                Đêm rằm tháng chạp năm ........
                Các con thương yêu của Ba,
                Không hiểu vì sao đêm nay Ba không ngủ được. Không muốn làm uổng phí cái thời gian thanh tịnh quý hiếm đang có, cho nên Ba ráng viết mấy dòng nầy để lại, nhằm mục đích không 
những từ bây giờ mà còn mãi mãi về sau các con sẽ có dịp cùng đọc - cùng đọc để cùng thông cảm những nỗi niềm u uẩn đã từ lâu Ba cất dấu kỹ tận đáy lòng. Đây là một hoài bão vô cùng tha thiết, Ba muốn chia xẻ cùng các con. Gia tài, sự nghiệp của nhà mình khi xưa bây giờ có còn gì đâu, Ba xem lá thư nầy như là "Của Hồi Môn" để lại cho các con vậy. 

                Đã qua hơn một phần tư thế kỷ mà cứ ngỡ như mới ngày nào. Các con còn nhớ biến cố đau thương ngày 30.4.1975 bất ngờ đùng đùng đổ ập xuống, đè nặng lên đầu lên cổ trên ba mươi triệu con người miền Nam Việt Nam chúng ta? Trong cái biển sóng đau khổ tột cùng đó, mạng sống con người bị vùi dập không khác gì múi rơm cọng rác nổi trôi bềnh bồng trong cơn sóng dữ. Căm oán ngậm hờn ngút tận trời xanh. Hồi đó Ba đã có nhiều suy nghĩ, miền Nam chúng ta mất không phải vì cái "chủ nghĩa Cộng Sản ưu việt", cũng không phải do những người "Cộng Sản anh hùng", mà chính là tại phần đông nhân dân miền Nam chúng ta quá hờ hửng trong chiến đấu, thiếu hẳn ý chí và lòng cương quyết, phó mặc vận mệnh đất nước cho quân đội và cho một nhóm thiểu số cầm quyền. Họ chiến đấu, họ lãnh đạo làm sao nổi khi không có sức mạnh hậu thuẫn vững chắc của toàn dân. Chúng ta thua là phải rồi, còn oán than đổ thừa cho ai nữa. Từ đó đến nay, cả khối mấy chục triệu con người đang bị tước đoạt hết mọi quyền tự do, nhân quyền bị chà đạp, sống quằn quại trong đói rách lầm than dưới bộ mặt một đất nước đầy phồn vinh giả tạo. Trên hai triệu con người bây giờ đang bơ vơ lạc loài nơi đất khách, trong đó có gia đình nhà mình. Một lần đọc báo, Ba biết có ông thi sĩ họ Bùi nào đó, hơn hai phần ba cuộc đời vẫn còn tiếp tục sống khốn khổ tột cùng ở đất Bắc, đến khi nghe tin miền Nam mất, ông đã phải tức tửi kêu lên:

                 "Vì ấu trỉ, vì thờ ơ ngu tối,
                   Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương.
                    Để cả nước quy về một mối:
                    Một mối hận thù, tiếp nối đau thương".

               Các con bỏ nước ra đi, Ba Má cũng bỏ nước ra đi theo các con, cũng như trùng trùng lớp lớp người người bỏ nước ra đi, bởi vì chúng ta bất đồng chính kiến với kẻ cường quyền, tự biết mình ra đi vì lý do chính trị. Hầu hết chúng ta đều không thích sống dưới chế độ Cộng Sản, không muốn cuộc đời mình phải bị giam cầm trong cảnh kèm kẹp, áp bức, bóc lột, độc tài... Chúng ta muốn sống cuộc đời tự do, đơn giản chỉ có thế thôi.                               

                Bây giờ gởi thân nơi xứ người xa lạ, nhìn cái cảnh "ăn nhờ ở đậu", dầu cho đời sống vật chất hiện tại có quá đầy đủ, từ sung túc đến dư thừa,  nhưng lúc nào Ba cũng cảm thấy xót xa. Cái yên vui mà mình đang có nó tạm bợ ra làm sao ấy! Mỗi lần được đi du ngoạn đây đó, thấy phong cảnh ở đây hùng vĩ, mỹ lệ, hữu tình, trong lòng Ba cảm thấy sung sướng lắm. Nhưng đến khi về nhà, đêm nằm nghĩ lại, rằng tất cả những gì mình đã thưởng ngoạn đều là của người chứ đâu phải của mình. Ba rất thèm khát, ao ước được nhìn lại bầu trời mà Ba đã sống từ thời thơ ấu, từ thuở dệt gấm thêu hoa chững chạc bước vào đời, nơi đó có biết bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Một làn khói lam chiều còn vương vấn trên mái tranh, một dòng sông êm ả uốn quanh bên lũy tre làng. Từng đàn cò trắng bay qua cánh đồng lúa xanh mượt mà gợn sóng, văng vẳng xa xa nhiều câu hò điệu hát đưa tình từ đầu thôn cuối xóm vọng về. Những sớm tinh mơ sương mù giăng tỏa, cứ ôm mền mà nằm lắng nghe gà gáy ran khắp xóm, lại mong bóng tà dương sớm tắt để được vẫy tay đón từng chuyến tàu đêm xình xịch dừng trước sân ga một thuở thanh bình... Còn nữa, còn nhiều lắm. Tất cả những hình ảnh, những âm thanh đậm đặc tình quê hương ấy làm sao quên được. Trong cái tiềm thức bất biến của con người, nhất là người cao tuổi, đêm đêm nó thường sống lại trong những giấc mơ, có những giấc mơ đẹp tuyệt vời, để rồi trong khoảnh khắc bàng hoàng tỉnh giấc, ngồi như tượng đá, thở ra mà nuối tiếc, ấp ủ, mà khắc khoải, ngậm ngùi.

               Tuổi tác của Ba bây giờ đã xa ngoài bảy mươi, dù muốn dù không cũng phải chấp nhận cái quy luật đào thải thường tình của Tạo Hóa, ăn của đất phải trả về cho đất. Các con là thế hệ hậu sinh, may mắn được sinh ra trong thời đại văn minh, lớn lên trên một đất nước hoàn toàn tự do, rất giàu có về khoa học và kỹ thuật hiện đại. Đã bước qua thế kỷ 21, Ba muốn các con phải là những chiếc chìa khóa, mở hết tất cả các kho tàng kinh nghiệm trong đời sống. Biết cùng nhau suy nghĩ thật chín chắn, nhất là phải biết cố gắng không ngừng để vượt thoát ra khỏi vũng sình, lầy lội của 
những nhóm thiểu số còn mang nặng tính ích kỷ hẹp hòi, phần đông chỉ biết mưu cầu hưởng thụ cá nhân, bị ru ngủ trong hạnh phúc vật chất, không còn một chút lý tưởng gì đối với quê hương dân tộc. Họ vô tình quên mất đi mình là người Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước, biết thương yêu, cưu mang và đùm bọc. Họ không biết cái "thiên đường" mà người ta tạo dựng trên quê hương mình qua gần một phần tư thế kỷ, bắt buộc con người có mắt mà không được nhìn, có tai mà không được nghe, có miệng mà không được nói. Cả nước phải è cổ gánh cái ách bạo lực, xảo quyệt và dối trá. Nhớ lại bốn câu thơ trong cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, cố đại Văn Hào Nguyễn Du đã khóc cho cái thân phận bèo bọt của dân mình trước cảnh nhà tan cửa nát, bồng bế nhau lưu lạc khắp chân trời góc biển vào một thời đại xa xôi, xét cho cùng cũng chẳng khác gì chúng ta bây giờ:

                  "Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
                    Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
                    Khi xưa nhung gấm rũ là,
                    Bây giờ tan tác như hoa giữa đường".

                Ba muốn các con phải là những "Viên Ngọc Quý", và phải được các con giũa mài hằng ngày để cho ngọc luôn được trong sáng. Không được làm như những kẻ đi trong rừng chỉ thấy chung quanh toàn là gốc cây, mà phải là những người đang đứng trên đỉnh núi cao, thấy hết tất cả ruộng đồng, làng mạc, núi sông bao la hùng vĩ của quê hương mình.

                Tình yêu quê hương trong đêm nay Ba muốn trao về hết cho các con, mà cụ thể được gói trọn trong chiếc hộp nhỏ nầy đây. Bên trong nó là một "Nắm Đất Quê Hương" được Ba âm thầm mang theo từ ngày ra đi. Còn nhớ có rất nhiều lần các con cùng một thắc mắc - nhất là Tâm - muốn tìm hiểu xuất xứ của chiếc hộp, thì nay đã được Ba giải tỏa hết rồi đó.

                Ba của các con chỉ là một con người tầm thường như bao con người tầm thường khác, nhưng một khi cái chí huớng trên được các con trung thành tiếp nhận, thì quả thật Ba không còn cái sung sướng hạnh phúc nào bằng. Ba mong ước các con, tất cả đều có khả năng đem cái cảm xúc thật phong phú vừa tiếp nhận nầy để truyền lại cho cộng đồng chúng ta chung quanh, giúp cho mọi người cùng nhau biết yêu cái tốt, ghét cái xấu. Yêu cái tốt thì phải làm sao cố gắng vun bồi, xây dựng, đấu tranh, phát huy cho ngày càng trong sáng, tươi đẹp. Còn ghét cái xấu thì phải lánh xa, rồi tìm cách tiêu diệt tận gốc, đừng để nó lan tràn. Những tình cảm cá nhân vụn vặt, thực ra đâu có nghĩa lý gì đối với tình yêu dân tộc, tình yêu quê hương đất nước Việt Nam mình. Hãy vực dậy niềm tin trong lòng mọi người, để tự mỗi người thắp đuốc lên, tự soi đường mà đi.

               Nầy các con! Viết được trôi chảy mấy dòng trên, Ba cảm thấy như vừa làm được một việc phi thường. Đang vui, Ba muốn nhắc thêm một câu chuyện cũ:

               Các con có còn nhớ cuộc sống tận cùng lam lũ của gia đình nhà mình tại "vùng kinh tế mới Đầm Ruồi". Một lần Má cùng các con ngồi trên chiếc xe đò ì ạch chạy bằng than củi, mang theo chút quà chắt chiu dành dụm cả năm trời để đi thăm Ba tận ngoài Hoàng Liên Sơn miền Bắc. Gần hai năm Ba bị nhốt dưới hầm tối tăm không hề thấy ánh sáng mặt trời vì bị tình nghi quyết tâm tìm cách trốn trại. Lạy lục khóc lóc năn nỉ mãi, họ mới cho Má bồng bé Thảo lúc đó vừa tròn hai tuổi vào trại để biết mặt Ba nó lần đầu. 
Đến khi Má các con may mắn tìm cách đút lót cho tên cai ngục (gốc Hà Nội) một số tiền, nó mới chịu bồng bé Thảo và cho phép Má nhìn theo nó đi thoáng qua hai lần ngoài cái khung sắt ô vuông lớn chỉ bằng hai bàn tay. Trỏ tay vào trong nó quát: "Bố của mầy đang được chúng ông cho nghỉ mát trong chiếc quan tài đen sì nầy đây". Ba cố nheo mắt nhòm ra, chỉ thấy mặt con mờ mờ, tai nghe lùng bùng tiếng gọi Ba ơi, Ba ơi rồi im bặt. Nó bảo với Má các con: "Đây là ân huệ, là lòng nhân đạo của Đảng và Nhà Nước" dành cho Ba đó. Hai năm nằm trong ngục tối, mười năm lao động khổ sai cũng chỉ vì cái tội Ba làm một người lính chữa bệnh cho thương binh ngoài mặt trận.
                                                    ****

               Cây bút trên tay rơi xuống đất lúc nào không hay. Bỗng ông Lành ngã người ra thành ghế, da mặt xám ngắt, hơi thở dồn dập. Hình như lúc đó tâm hồn ông bị xúc động quá mạnh khi nhớ lại những hình ảnh đầy ngang trái và oan nghiệt chất chồng trong quá khứ. Hai bàn tay ông ôm cứng lồng ngực, sau vài cơn sục sục ho, bỗng miệng ông ói ra đầy máu. Có lẽ do vết chấn thương trầm trọng nơi lá phổi bên trái tái phát, vì bị cây rừng ngã đè suýt chết trong lúc bị cưỡng bách đi phá rừng trong năm cuối cùng ở "trại cải tạo Suối Máu" sau ngày được chuyển vào Nam.

               Bà Lành nửa đêm nghe tiếng động lạ, hoảng hốt chạy ra phòng khách vực ông Lành dậy. Thằng Tâm và con Thảo nghe 
tiếng mẹ gọi thất thanh cũng hấp tấp vội vàng chạy đến. Cuối cùng không còn cách nào khác hơn là gọi xe cứu thương đưa ông Lành vào bệnh viện.

                Trên đường đến nhà thương, ông Lành nắm chặt tay 
thằng Tâm phều phào căn dặn: "Con hãy cùng các em gìn giữ Nắm Đất Quê Hương do Ba để lại, thương Ba các con hãy nghe lời và phải làm thật tốt những gì Ba nói trong lá thư viết nửa chừng". 
Thằng Tâm rưng rưng: "Ba cứ yên tâm, chúng con nguyện hứa".

                 Cố ngước mặt lên nhìn vợ đầy vẻ tuyệt vọng:
               - Nếu tôi có mệnh hệ nào, mình và các con đừng đem xác tôi về quê hương làm gì dù trước đây nhiều lần tôi đã ao ước, tốn kém lắm. Hãy hoan hỉ đưa xác vào lò thiêu và gởi hồn tôi vào Cửa Phật. Phần tro cốt còn lại, nhớ sau nầy mẹ con cùng mang về làng cũ khi chủ nghĩa Cộng Sản không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam mình. Ba tháng tiền già đầu tiên, mình dặn tôi cất riêng để xài hiện còn nguyên vẹn, tôi để dưới đệm đầu giường, mình và các con chỉ trích ra một phần nhỏ lo cho tôi, phần lớn còn lại nhớ gởi hết về giúp đỡ bà con nghèo khó ở quê nhà đang bị khốn khổ trong trận thiên tai bão lụt vừa rồi.

                  Bà Lành cùng hai con Tâm và Thảo nước mắt ràn rụa, những ai chứng kiến được cảnh tượng não nùng ấy làm sao tránh khỏi mủi lòng. Như có linh tính báo trước điềm chẳng lành, quả nhiên xe cứu thương vừa vào tới cổng bệnh viện, ông Lành nấc lên hai tiếng, từ biệt vợ con và "ra đi vĩnh viễn".

                  Thằng Tâm năm đó đã ngoài bốn mươi tuổi, là một chuyên viên ưu tú cấp cao ngành Điện Toán, sự nghiệp rất vững vàng nhưng nó vẫn quyết một lòng "tôn thờ chủ nghĩa độc thân", không biết nó chờ tới bao giờ. "Nắm Đất Quê Hương" do cha để lại được anh em nó xem như là một gia bảo hiếm quý, được nó luôn luôn để trên bàn thờ Gia Tiên như thuở Ba nó còn sanh tiền. Lời lẽ ông Lành trong lá thư viết nửa chừng không đoạn kết vẫn còn văng vẳng bên tai nó, nhất là trong những đêm đông tuyết rơi nhiều và gió mạnh.

                                       

                                                                    

No comments: