Monday, March 24, 2014

Tình Người Ca Sĩ

____________

Mặc Nhân


Đêm đêm trên bờ sông Bảo Định, thành phố Mỹ Tho, nơi một dãy hàng quán ăn uống, dưới những ngọn đèn mờ tỏ, khách thường nghe một giọng ca của một cô gái bán phồng tôm vô cùng truyền cảm. Khách ngẩn ngơ bỏ đủa đưa mắt tìm người ca sĩ. Khách gọi lại, mua một gói phòng tôm, nhìn cô “ca sĩ” chỉ là một cô gái, một cô gái như những cô gái bán hàng cho khách ăn uống về đêm.
Vẫn một chiếc áo bà ba trắng, nhưng khéo may nên ôm sát thân hình em, đường tà áo xẻ khá cao nên để lộ một mảnh...trần nõn nà. Cổ áo trái tim trễ xuống khá sâu cho thấy nhấp nhấp nhô hai gò bồng đảo đang độ xuân thì... khiến khách không rời tầm mắt. Đôi mắt em xênh xếch, một ít liến thoắng, một it thách thức cho những người đàn ông khi nhìn vào. Dường như trời sinh ra em để ban bố nụ cười cho mọi người, những nụ cười làm ấm lòng và rạo rực cả những trái tim...vô cảm.
Khách mua một gói phồng tôm, vẫn cầm trong tay, không ăn, chỉ lo nhìn cô bán hàng mà quên trả tiền. Cuối cùng khách rụt rè đề nghị em hát lại bài em vừa hát. Không do dự, em vui vẻ đặt sàn bánh phòng tôm lên bàn, nhí nhảnh nheo mắt nhìn khách, nhoẻn một nụ cười rạng rỡ, cất giọng ngâm:
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
            Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
            Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
            Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Trên trời có ánh trăng khuya, dưới sông có dòng nước lững lờ, giữa đông đảo khách ăn uống, tiếp theo là tiếng ca em vang lên có lúc dồn dập như oán thương nức nở, có lúc như trầm lắng chơi vơi lặng chìm, khiến cho cảnh vật như lắng đọng lại và mọi người như thả hồn để nghe em hát.
Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.

Khách lắng nghe em hát mà không nhìn em. Khách chống tay lên cằm đưa tầm mắt lên nền trời đã phủ sương khuya. Dường như khách đang thả hồn mình phiêu lãng theo tiếng hát của em. Em vẫn ung dung hát và khi nhìn khách đang để hết tâm ý nghe tiếng hát của mình, em đến bên khách, đưa tay xoa vào vai khách như an ủi như vỗ về và giọng em tiếp tục lênh đênh...

Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.

Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia.

Hầu hết khách ăn uống đã ra về, quán hàng gần như vắng lặng, Sương khuya đã thấm ướt vai khách. Chỉ còn khách ngồi ủ rũ, bất động, vẫn không nhìn em nhưng em biết khách vẫn còn muốn nghe em hát, nên em đã chấm dứt bản nhạc buồn....
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu!!!!
Tiếng ngân của em kéo dài, nhỏ dân rồi tắt lịm trong làn gió lạnh của đêm khuya. Khách vẫn ngồi im. Em đến bên khách, đưa tay lay khách dậy. Khách ngước mắt nhìn em đề em chợt nhận ra là khách đã khóc. Những giọt nước mắt của một người đàn ông trung niên đã rơi khi nghe một cô em bán phồng tôm hát...nói lên nhiều điều trong cuộc đời khổ luỵ nầy.
Những đêm sau, cũng vào giờ về khuya khách ăn uống không còn bao nhiêu, người ta vẫn còn thấy người khách cũ vẫn nơi chiếc bàn cũ, vẫn với cô gái bán phòng tôm, vẫn với gói phòng tôm trong tay không bao giờ ăn, vẫn với giọng hát u buồn của cô gái, cùng với bản nhạc cũ, lênh đênh trôi theo làn gió nhẹ trong những đêm thu đất Mỹ Tho.
Có lần khách hỏi: Em tên gì? Em thưa: Người ta gọi em là bé Lan. Cũng có người gọi là bé Lan phồng tôm. Khách lại hỏi: Ba má em đâu? Em lại thưa: Ba má em cũng ở gần đây. Rồi lại hỏi: Sao em lại bán phồng tôm? Em có đi hoc không? Em nhìn xuống giòng sông nước chảy lờ đờ, nhìn vào cặp mắt em xa xôi diệu vợi...lâu lắm em thưa: Nhà em nghèo. Em học đến lớp 8, mẹ bảo đủ rồi ở nhà phụ mẹ buôn bán nuôi ba em bịnh hoạn và đàn em nhỏ xíu....
Khách nghe đến đây châu mày, thở ra, không muốn hỏi gì thêm nhưng dường như khách nhớ điều gì nên lật đật hỏi em: Em biết hát hồi nào? Ai dạy em hát? Cô gái vui vẻ hẳn lên: Đâu có ai dạy em đâu. Em nghe đài Phát thanh, đài Truyền hình, coi khính Đai nhạc hội...rồi em hát. Vậy thôi.
Về sau... khách hàng ăn uống hằng đêm nơi đây đã có thói quen.... trông chờ con bé phòng tôm và thằng cha nhạc sĩ....làm vài bản nghe chơi rồi hãy về. Thắng cha nhạc sĩ nầy chính là người khách đêm đêm mua phồng tôm của cô gái bán phồng tôm, mà không hề ăn, mà chỉ xin được nghe một bản nhạc duy nhất mà không chán. Đó là bản nhạc Hàn Mặc Tử.
Nhưng bỗng nhiên, một đêm như mọi đêm, khách hàng ăn uống trông chờ cặp tài tử nầy phục vụ nhạc....miễn phí mà sau không thấy. Đêm sau, đêm sau rồi lại những đêm sau cũng không có. Rồi từ đó hai nghệ sĩ tự ngyện nầy bỗng dưng cùng nhau biến mất nơi các quán hàng ăn uống bên bờ sông Bảo Định.
Quán hàng từ ngày vắng bóng hai người nầy nhất là im bẳng giọng ca buồn của cô gái phông tôm, khách hàng cảm thấy như mất mát, thiếu thiếu một cái gì thương thương, nhớ nhớ...
Rồi cái gì cũng quen, chuyện đời là như vậy, khách ăn uống nơi đây đã quên mất cô gái bán phòng tôm, quên bản nhạc Hàn Mặc Tử mà cô gái nầy hát theo yêu cầu của anh chàng nhạc sĩ gàn nào đó cũng như chuyện gió thổi mây bay.... Thế nhưng một hôm khách hàng đang theo dõi một chương trình ca nhạc trên Truyền hình Sài Gòn có một ca sĩ đang trình bày ...bản nhạc Hàn Mặc Tử...Mọi người bỗng reo lên: Trời ơi! Con Lan. Con Lan phồng tôm.  Có tiếng phê bình: Nó đẹp quá cở! Cũng có tiếng xen vô: Nó hát hay... vàng mây. Rồi cũng có người không tin vào chính mình nên thắc mắc: Ủa, con nhỏ nầy là ca sĩ thiệt sao ta? Và mọi người một tiếng: Hoan hô bé Lan phồng tôm, con nhỏ nầy làm nở mặt nở mày...tụi mình luôn.
Cố bé Lan bán phồng tôm tỉnh lẻ, nhờ giọng ca thiên phú và duyên may gặp một nghệ sĩ vĩ cầm lỡ vận về quê ẩn dật nâng đỡ, uốn nắn, chỉ bảo, dạy dỗ....để giờ đây trở thành một ca sĩ nổi tiếng từ các tụ điểm ca nhạc nổi tiếng, những phòng trà sang trọng đến đài truyền thanh, truyền hình ở đô thành Sài Gòn, nhất là với nhạc phẩm nổi trội nhất, nhạc phẩm Hàn Mặc Tử.
Phương, một nghệ sĩ vĩ cầm có hạng trong các ban nhạc Sài Gòn trốn cuộc tình duyên trái ngang về quê...ăn vạ. Gặp cô bé Lan bán phồng tôm và được cô nầy hát cho nghe một bản nhạc, và quái quăm thay bản nhạc nầy có quá nhiều liên hệ vời cuộc đời đau khổ cùa anh. Cho nên, chỉ ngần ấy thôi là chàng nghệ sĩ trở về với máu nghệ sĩ “mang” bé Lan về nhà tập tành, uốn nắn từ lời ca tiếng hát, đến luyện giọng, phong cách biểu diễn như một người....em gái, hơn một chút một người học trò, hơn một chút....một người tình. Trời thương, bé Lan đã thủ ba vai đó một cách hoàn mỹ.
Giờ đây trong giới nghệ sĩ Sài Gòn có thêm một ngôi sao mang tên Phương Lan (Xin nói rõ Phương Lan chỉ là một tên nhân vật trong truyện không dính líu gì đến bất cứ một nghệ sĩ nào mang tên Phương Lan của Sài Gòn xưa) là tên ghép của Lan, cô gái bán phồng tôm và tên người thầy là Phương, nhạc sĩ Phương. Ngược lại Lan Phương giờ cũng là tên gọi mới của nhạc sĩ Phương.
Giọng ca Phương Lan với bản nhạc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh và phải có tay đàn vĩ cầm Lan Phương đệm nhạc, đã một thời chinh phục khán thính giả của các tụ điểm nhạc, các phòng trà, trên đài truyền thanh lẫn truyền hình. Phương Lan và Lan Phương sống chung hạnh phúc trong một căn phố trên con dường Duy Tân sang trọng. Ban ngày người đệm đàn cho người kia tập hát. Đêm đến nơi nầy hay nơi kia, nơi Phương Lan biểu diễn là Lan Phương đệm  nhạc. Và dường như chỉ có tiếng nhạc đệm vĩ cầm của chàng thì tiếng ca của nàng mới lên đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Tài lên cao thì thì tiền cũng nhiều thêm. Hạnh phúc con người cũng do đó mà thôi. Có lần, Lan bảo người yêu: Em thấy cây đàn của anh cũ quá, em muốn mua cây khác cho anh. Phương nhìn người tình bé bỏng của minh, không giấu được nỗi cảm động: Đàn càng cũ tiếng càng hay em à. Nhưng nói thật là anh thích một cây vĩ cầm mà phải của hãng Giovani Paolo Maggini bên Ý đóng anh mới chịu. Phương nói đến đây, nghĩ là mình nói đùa cho vui nên phá lên cười hả hả....rồi thôi. Trong khi đó Phương Lan nói nhỏ chỉ cho mình nghe : Nhất định em sẽ mua cho anh cây đàn đó.
Mỗi lần xong buổi trình diễn, vừa ra khỏi cửa là Lan biết Phương đang đón mình ở đâu, nên chạy lại mừng rở vui mừng như một đứa bé đi học về được cha đón. Hai người đèo nhau trên chiếc xe Vespa, không quên ghé vào Givral hay Brodart...mua một hộp bánh, để về nhà khi đêm lại, hai người vừa kể chuyện vừa ăn bánh uống trà.... Thường là câu chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa bên bờ sông Bảo Định có một cô bé nhà quê bán phồng tôm và một chàng nhạc sĩ lỡ vận.....gặp nhau,  rồi trở thành thầy trò, rồi trở thành đôi nghệ sĩ nổi tiếng, rồi trở thành đôi bạn tình có một thiên tình sử đẹp khiến không ít người đồng điệu ganh tị....rồi hết chuyện, họ ôm nhau đi vào giấc mộng vu sơn.
Thời gian có cái định luật của nó cũng như cuộc đời cũng vậy. Chính cái định luật khắt khe nầy đã dẫn dắc cuộc đời của chúng ta chớ không phải chúng ta. Cặp nghệ sĩ nầy cũng vậy. Một hôm Phương đang đệm đàn cho Lan hát trong một phòng trà, Phương cảm thấy đầu mấy ngón tay tê dại. Khó khăn lắm Phương mới đi hết bản nhạc. Tối lại về nhà Phương vào phòng mở đèn để thấy là ở kẻ tay kẻ chân mình có nhũng dấu mận đo đỏ, tim tím...Phương không dám nhìn, thẫn thờ tắt đèn...lên giường nằm, tay gát lên trán, suy nghĩ mông lung.
Phương lại nhớ những cuộc ái ân giữa hai người mà luôn luôn chính Phương chủ động càng ngày càng thưa thớt. Thậm chí mỗi khi lên giường ai cũng viện cớ mệt mỏi và mỗi người nằm ngiêng về một hướng của riêng mình để tìm giấc ngủ.... không biết giấc ngủ của họ có yên ổn không? Có những lần trước khi đi hát, Lan bảo Phương không phải đón vì sau đó có cuộc họp mặt với các bạn bè, Lan có thể về nhà bằng Taxi. Những lần như vậy, Lan lại về nhà rất trễ. Và đã có nhiều lần như vậy lắm rồi. Sáng hôm ấy sau một đêm không ngủ, Phương trổi dậy đến trước gương nhìn vào gương thấy mình, Phương bỗng buông tiếng thở dài.....
Thế rồi, Phương viện cớ muốn nghỉ ngơi một thời gian, nên nhờ một người bạn đệm vĩ cầm thay mình cho Lan hát, nhưng vẫn giữ thói quen đưa rước Lan khi đi trình diễn đâu đó. Một đêm kia, sau khi hát xong ở phòng thu âm của đài truyền hình ra cửa, Lan nhìn quanh không thấy người yêu đón. Đang ngơ ngác, có một anh tài xế Taxi bảo là có một người thuê anh chờ và đưa Lan về nhà. Lan đành lên Taxi mà trong lòng bất an. Về đến nhà Lan chạy tìm Phương khắp nơi không có. Vào phòng, Lan thấy một phong bì xanh bên cạnh một đoá hoa hồng tươi thắm, đặt giữa giường trên tấm nệm màu thiên thanh còn phẳng tắp, thoang thoáng mùi nước hoa thường lệ.
Lan run tay mở phong bì, chưa chi Lan đã cảm thấy một điều gì bất an nên nước mắt đã ràn rụa. Thơ rằng:
Em yêu quí,
Người xưa có câu: Đời nghệ sĩ - chỗ nầy anh sửa lại cho hợp với hoàn cảnh chúng ta - bất hứa nhân gian kiến bạc đầu. Ha!ha! ha!!!! Và thầy trò mình, anh em mình, vợ chồng mình đã có một thời gian dài quá hạnh phúc phải không em. Đối với anh như vậy là quá đủ. Anh cảm ơn em đã đem lại điều nầy cho đời anh tưởng như không còn gì trước khi anh gặp cô gái bán phồng tôm.
Nay tuổi đời của anh như vậy là quá đủ. Còn em, anh nói với em điều nầy là lời của một người cha nói với con, một người thầy nói với một đứa học trò, một người anh nói với một người em gái....Là em còn trẻ, tuổi đời em còn dài, sự nghiệp em còn tương lai...em cứ sống như mọi người có quyền đó. Anh tạm biệt em, anh sẽ về ẩn dật đâu đó nơi quê nhà vẫn tin tưởng và vui mừng là đứa con tinh thần của mình, đứa học trò của mình, người yêu của mình sẽ sống đầy đủ trọn vẹn hạnh phúc.
Trong khi anh vắng mặt, em chỉ nghĩ đến anh thôi – không nghĩ sao được phải không em – nhưng đừng bao giờ tìm anh và cứ tin tưởng là anh vẫn yêu em. Tiền em làm ra gởi trong ngân hàng do tên anh đứng, anh đã xin đổi lại tên em rồi. Sổ tín dụng vẫn để trong ngăn tủ thường lệ.
Em đừng quên hát bản nhạc Hàn Mặc Tử khi nhớ anh. Đó là bản nhạc của đời anh.
Chiếc hôn cuồi cùng cho em! Vĩnh biệt em. Anh.
Thế là một cuộc rút lui có trật tự. Chàng về vị trí của mình. Nàng được trả tư do. Cuộc sống cùa hai người vẫn tiếp tục theo cái trật tự của nó. Nhưng trong thâm tâm làm sao người nầy có thể quên người kia hay ngược lại. Cho đến một ngày sau hai năm xa cách, nhân ngày Tết, Lan không thể dằn lòng được nhất định khăn gói về tìm người tình cũ. Về Mỹ Tho tìm đến ngôi nhà cũ, không có. Hỏi thăm nhiều người mới biết Phương đau yếu và theo người em về quê miệt Cái Bè. Lan lại lên Cái Bè, khó khăn lắm mới tìm được nhà người em. Vào nhà, Lan chợt thấy cây đàn vĩ cầm cũ năm xưa đang được dựng đứng trên một bàn thờ tang sau cái lư hương, trong lư hương ba cây nhang đang cháy. Lan rụng rời làm rơi túi xách xuống nền đất lạnh, và Lan cũng ngã quị xuống đó, nước mắt đoanh tròng chỉ còn buông ra hai tiếng: Anh ơi!
Cô em của Phương bước ra dìu Lan ngồi lên ghế, thút thít kể chuyện: Anh em biết mình bịnh gì nên trốn chị về ở với em. Anh lại không muốn ở Mỹ Tho sợ chị về tìm nên anh em bồng bế nhau về quê ngoại. Bịnh anh trở nặng nhiều khi em  tỏ ý muốn báo tin cho chị nhưng nhất định anh không cho. Anh cắn răng không nhắc đến tên chị, nhưng em biết trong thâm tâm anh lúc nào cũng có chị. Anh ra đi cách nay chưa đầy tháng. Trước khi mất anh dặn em đừng bao giờ để hình anh lên bàn thờ mà chỉ để cây đàn nầy thôi. Mà thật vậy, nhìn cây đàn em như thấy anh.
Lan vừa nghe vừa khóc. Đến đoạn cô em nhắc đến cây đàn, Lan không kềm chế được nữa đứng vậy ôm cây đàn vào lòng cùng với tiếng khóc thảm thiết. Cô em dọn lễ vật cho Lan lạy cúng Phương xong kéo ra vườn thăm mộ. Lan trở ra đường mở cửa xe, lấy ra một cái hộp khá lớn mang theo. Mộ Phương chỉ là một nắm đất còn ướt, trên mộ mọc mấy mầm đậu xanh và trước mộ có một cây mía, trên thân cây mía có một dãy khăn trắng quấn ngang.
Lan bình tình đến lấy dãy khăn trắng choàng vào người và quì trước mộ Phương, lầm thầm nói với Phương như khi Phương còn sống mà nước mắt tuông tràn. Đến khi người nhà đốt giấy tiền vàng bạc, Lan mở hộp lấy ra một...cây đàn vĩ cầm mới tinh khôi.
Lan quì trước mộ hai tay nâng cây vĩ cầm nức nở nói với Phương: Anh! Anh ao ước có được một cây đàn vĩ cầm mà phải hiệu Giovani Paolo Maggini bên Ý. Anh nói chơi thôi, nhưng em thì không. Em nguyện trong đời em phải có một món quà xứng đáng với ơn anh với tình anh. Đó là cây đàn vĩ cầm hiệu Giovani Paolo Maggini. Cho nên gần đây em được mời qua Pháp trình diễn, em nhất định đến Ý và mua cho bằng được cầy đàn mà anh mong ước.
Có cây đàn trong tay, em nghĩ là cuộc xum họp chúng ta sẽ vô cùng hạnh phúc. Nhưng trời không chiều người em về đây, cây đàn đó mà anh lại bỏ đi rồi. Thôi thì em gởi nó cho anh đây.
Nói xong, Lan nhờ cô em gom lá dừa khô lại đốt cây đàn vĩ cầm mới tinh khôi hiệu Giovani Paolo Maggini mua tận bên trời Tây. Tiếng cháy nổ của cây đàn vĩ cầm như gỏ nhịp, trong khi Lan hát cho người nằm xuống đoạn cuối của bản nhạc đã từng kết chặt hai người:
...Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia.
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?!

                                                                            Mặc Nhân

2 comments:

Anonymous said...

Truyện tình nghệ sĩ với cây đàn quá cảm động,quá lâm ly thống thiết.
Mối tình của Lan và Phương như tình của nghệ sĩ với cây đàn,bất di bất dịch.
BLG

Katie co5rg said...

Thật là cảm động và sâu đậm tình người .
Cô 5