Saturday, March 1, 2014

Thầy Tôi

______________

                                                                                                                      
Viết cho những người tôi quí trọng
                                                                                                Mặc Nhân TVC

          Nếu tính theo dòng chảy cuộc đời đến thời điểm 60 năm của tôi thì tôi có 6 năm ở nhà ôm vú mẹ, níu chân cha, lại có 5 năm học i, i...đi học, a, a ...quả na, o, o...tàu mo ....và những bài tập đọc trong Quốc văn Giáo khoa thư buồn chán, như...Ối! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy.... rồi cộng thêm 4 năm trung học, học chữ Tây nhiều hơn chữ Việt, chót hết 1 năm ở Sư phạm học nghề dạy học cho trẻ Việt mà dạy theo kiểu sư phạm Tây. Thời gian còn lại là làm nghề “gỏ đầu trẻ”. Tóm lại “sáu mươi năm cuộc đời” của tôi chia ra, chỉ có 6 năm gà con ăn quẩn cối xay, còn thì hết 54 năm trói buộc trong bốn bức tường của lớp học để khi đi học bị thầy đánh và khi đi làm thầy giáo thì ...đánh lại học trò...Đời mà, ăn miếng trả miếng chớ! Tội gì!

          Vậy mà khi tính sổ lại cuộc đời làm học trò và làm thầy giáo, lời lỗ đâu không thấy mà thấy toàn những kỷ niệm buồn thương xé lòng, mỗi khi nhắc lại thầy mình, bạn cũ, trường xưa....là nước mắt dâng trào, mặc dù tôi đã ở tuổi 90-1 mà buồn thay ...hồ lệ sao vẫn chưa vơi.
          Thầy tôi, một thầy giáo làng như bao nhiêu thầy khác, dạy các lớp chót ở bậc sơ cấp, trong thời điểm tôi học, xa lắc xa lơ bảy tám mươi năm của thế kỷ trước. Vậy mà hình ảnh ông thầy ốm nhom, ốm nhách, mặc một cái sơ mi trắng sờn bâu, nút áo, cái còn cái mất, bỏ lửng vào trong cái quần ka-ki rộng thùng thình gọi là quần tây nhưng có thể mấy ông Tây không nhận ra cái quần truyền thống của họ.... vẫn còn lãng vãng bên tôi.
          Một cái nón nỉ cũ mèm mà màu nguyên thuỷ của nó không biết là màu gì nên khi Thầy lấy ra làm mẫu cho học trò làm bài tập vẽ thì ôi thôi nó ra không biết bao nhiêu màu lạ lùng. Đôi giày hiệu Bata của Thầy cũng vậy, luôn luôn cho lũ học trò nhìn chòng chọc vào hai ngón chân cái của thầy có chỗ trống để chui ra ngoài, ngo ngoe. Còn nói về chân dung Thầy tôi thì thôi khó đoán, khó lường, thay đổi bất thường. Khi Thầy vui, vui lắm, khi Thầy buồn, buồn hiu. Cặp mắt Thầy cũng vậy, mỗi ngày tụi học trò chúng tôi chỉ nhìn vào đôi mắt thầy là đoán ra hôm nay lớp học sẽ biển lặng sóng êm, trái lại là lớp học sẽ ba đào dậy sóng. Sao lại có tình trạng “thay đổi thời tiết” bất thường như vậy? Nói theo chuyện Tàu hồi đời xưa: Hạ hồi phân giải.
          Đó là Thầy tôi, Thầy Nguyễn Văn Ngưu, Thầy dạy lớp Dự bị của tôi vào niên học 1932-1933 tại một ngôi trường làng nghèo nàn, mùa mưa gió tạt mùa hè nắng soi. Nhưng thầy tôi và tôi dường như có cái duyên tiền định, nên sau cái niên học ở cái lớp Dự bị đó rồi, những tưởng đường thầy thầy đi, đường trò trò đi...Trò có vọng tưởng thầy lắm thì hoạ hoằng chỉ nhớ những cái phạt quì gối hàng giờ mà thầy quên bảo ngồi xuống, hay những cái khẻ tay để lại dấu hằn kỷ niệm mấy ngày không phai. Nhưng riêng đối với Thầy tôi đây, Thầy Ngưu của tôi, gần như suốt cuộc đời Thầy tôi và đời tôi đã nợ nhau ....từ muôn kiếp trước nên không thể rời xa nhau trong quãng đời còn lại..
          Từ khi vào chuyện tôi đã nói khá tường tận về chân dung của Thầy tôi, một ông thầy như bao ông thầy khác đã khai trí cho tôi khi còn thơ ấu ở bậc sơ cấp trường làng. Vậy mà tôi, một đứa trẻ nhà quê, một đứa học trò nhỏ dại, chất phác, ngu ngơ...đến khi lớn lên vẫn tôn thờ Thầy tôi trong tâm trí, mặc dù sau nầy tôi biết được Thầy là một người ....đam mê cờ bạc. Cờ bạc là lý do cho cuộc sống, là lẽ sống của đời Thầy. Nghề mô phạm cao quí của Thầy chỉ là phương tiện để có tiền và có tiền chỉ để ....vầy cuộc đỏ đen.
          Thầy ơi, em nói điều nầy về Thầy vẫn với một lòng kính yêu Thầy như thuở nào, vì lớn lên em biết là con người có những cái đam mê nhiều khi vô lối như vậy. Và Thầy cũng vậy. Vì thực sự trên phương diện đạo đức xã hội, họ không có tội gì cả. Tại sao người ta cứ ra rả hát câu nầy: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, mà sao họ không chịu sửa lại giùm Thầy tôi: Làm sao cắt nghĩa được...đầm rô.
          Cũng như Thầy, nào phải Thầy cờ gian bạc lận gì để mong móc túi người ta, mà chính cái “máu đổ bác” đó nó ở trong Thầy như một con ma ám ảnh Thầy. Thầy như bị thúc đẩy phải đánh bài, bài nào cũng được... tứ sắc, chập ỏ, bài cào, cách tê, xập xám, hốt me, dzà dzách, tài xỉu...mặc dù thầy biết, hơn ai hết, không bao giờ thầy “ăn”, chỉ có thua và thua.
          Tuy nhiên, Thầy vẫn xem đó là một đam mê đặt trên cả sự sống. Thầy đã nghiện cờ bạc từ lúc nào chắc Thầy cũng không biết. Hôm nào vào lớp mà thấy có hẹn trưa lại có một sòng tứ sắc, hay một ván cách-tê là Thầy vui thấy rõ. Tụi học trò mặc sức quậy phá, la hét....Hôm nào không có.....tay bài cào ba lá nào rủ ren, hay không có ai hẹn hốt me, đổ hột... là thầy...quạo và cái quạo nầy có thể trút lên đầu mấy thằng học trò....xấu số.
          Thầy chơi bài như một nhà hiền triết, lúc bấy giờ chưa có giải pháp trị liệu để giải toả ức chế là “ngồi thiền”, nên có thể Thầy xem cờ bạc là một điều kiện giải toả căng thẳng, Mỗi lần thầy sạch túi, Thầy rủ “áo phong sương” đứng dậy ngâm nga câu “Buồn ơi! Chào mi.” Rồi Thầy hết buồn...trông đợi sòng bài ....sặp xám chiều nay tại nhà thằng Tám Cỏn, hay sòng tứ sắc nơi con mẹ Tư Ốm, vợ thằng cha hương quản Nhứt. Cứ như vậy, tiền lương của Thầy đem nướng vào các cuộc đỏ đen không đủ, Thầy phải vay chỗ nầy mượn chỗ kia. Nhà thầy khá xa với trường, vậy mà Thầy vẫn phải cuốc bộ đi dạy, một lý do rất  dễ hiểu là tất cả xe đạp mà cô mua cho thầy đều chạy theo Thầy vào các sòng đỗ bác.
          Vì vậy Thầy bị đổi đi dạy hết trường nầy đến trường khác cũng vì cái tội cờ bạc. Lúc nào trong đầu thầy cũng có ý nghĩ đánh bài. Chỉ có chơi bạc, Thầy mới vui, mới thoải mái. Những lá bài tướng sĩ tượng xe pháo ngựa cùng với “hoằng” “khạp”...những tiếng lắt “hột me” dòn tan trong cái tô sứ....luôn luôn nằm trong mơ tưởng của thầy. Ngay khi dạy tại một quận xép nhỏ, giờ ra chơi chỉ có 15 phút, thầy vẫn tranh thủ chạy xuống chợ gần đó...đánh mấy ván bài cào với mấy chú lính Bảo an. Khi trống vào học, thầy chạy về trường ....dạy tiếp...
          Năm 1957, một buổi chiều từ Sài Gòn tôi ra ga xe lửa mua vé về Mỹ Tho gặp thầy. Thầy bảo: Có tiền mua vé cho thầy về, thầy hết tiền rồi. Tôi: Dạ. Và mua vé xong đưa cho thầy kèm theo 1 đồng bạc và thưa: Thầy dùng uống nước. Thầy thấy vậy nói tiếp: Nè có tiền cho thầy mượn 5 đồng. Tôi hỏi: Chi vậy Thầy? Thầy nói: Để thầy trở lại sòng “tài xỉu” gỡ...!!! Khổ nổi! Không bao giờ từ “gỡ” nầy có trong đời cờ bạc của Thầy tôi. 5 đồng đó không bao giờ thầy trả cho tôi được, nhưng mỗi lần thầy gặp tôi thầy đều nhắc: Thầy còn thiếu em 5 đồng...
          Có một người học trò cũ kể: Ngay ngày đầu tiên được đổi về một trường mà Thầy đã dạy truóc đó. Tan học sáng, thầy chạy đến nhà học trò cũ không phải để thăm học trò mà ....mượn tiền đánh bài với người trong xóm.
          Trời xui khiến khi thầy đã già, trò đã lớn tuổi...thầy trò lại có nhà ở gần nhau. Có những đêm, thầy kêu cửa trò và bảo: Cho thầy ngủ nhờ. Trò hỏi: Sao thầy không về nhà. Thầy nói: Đi đánh bài về khuya,  cô hổng cho vô nhà! Thế là Thầy trò chung một giường nhưng ....đồng sàng dị mộng!
           Sau ngày 30.4.1975, ngày lịch sử, Thầy trò không gặp nhau. Cuộc đời thay đổi, bài bạc không còn. Hỏi thăm Thầy, tôi được biết thầy theo cô về quê ở xã Tân Hòa Thành. Ít lâu sau đó, một hôm tôi gặp thầy quá già yếu, đi bộ giữa trời trưa nắng trên đường Ngô Quyền. Tôi nhìn thầy già nua vì thời gian và tiều tuỵ vì thiếu thốn, nhưng thầy vẫn mặc một chiếc áo sơ mi sờn vai, bỏ vào quần đúng theo tác phong một thầy giáo, mang đôi xang-đan dẹp lép bước những bước chân nặng nề, hướng về bến xe cách hai cây số: Tôi hỏi: Thầy đi đâu? Thầy bảo: Thầy về quê lâu rồi, bửa nay nhớ Mỹ Tho quá, xuống chơi bây giờ Thầy đi lên bến xe đặng về nhà.
          Tôi chưa kịp hỏi thăm thì Thầy quay lưng đi. Tôi đứng đó nhìn theo Thầy mà lòng dạ rã rời ...bỗng thầy quay lại, đến bên tôi, kề tai tôi nói: Thầy còn thiếu em 5 đồng, không biết chừng nào thầy trả...!!! Rồi Thầy lại cúi mặt xuống đường, bước chân nặng nề...lủi thủi đi ...đi về hướng bến xe xa lắc xa lơ.         
          Tôi nhìn cái nắng tháng tư, tôi nhìn cái nón vải rách tua, tôi nhìn đôi xăng-đan đứt quai, tôi nhìn cái giõ xách đệm trống trơn không có đến một ổ bánh mì chỉ có một ....ốp nhang nhỏ xíu. Tôi cũng biết rằng lúc bấy giờ, trong túi tôi cũng trống trơn như cái giõ xách của thầy, không có cả chiếc xe đạp để đèo Thầy lên bến xe, nên tôi chỉ còn biết nhìn theo Thầy mà mắt rưng rưng nước mắt. Bóng Thầy tôi mờ dần trong ánh nắng hè, đúng ngọ, chói chang, nóng bỏng...
          Và cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại Thầy tôi. Sau nầy mỗi lần nhớ Thầy tôi, tôi thì thầm với Thầy : “Thầy ơi! 5 đồng đó không phải Thầy mượn của em, xin Thầy coi như là Thầy trò mình hùn đánh tài xỉu.... rồi thua nghe Thầy.”./-

                                                     Mặc Nhân. TVC





1 comment:

Unknown said...

Thano6i ! Cũng một kiếp người ! Không biết là vui hay buồn hay ... buồn nhiều ! Tôi thích những bài ... buồn như thế này ...
Ngoài ra bài này cũng cho thấy ... không khí xưa giống như : Tuấn , chàng trai đất Việt của Nguyễn Vỹ