Wednesday, August 20, 2014

GIAN NAN TÌNH VẪN VẬY

_____________

Mặc Nhân                                                                            
Tháng 4 năm 1976
Chúng tôi “ra trại” trở về gia đình với hai bàn tay trắng: không được dạy học trở lại. Riêng tôi, không sao, được gặp lại người vợ còn làm việc trong bịnh viện, được gặp lại nàng công chúa Liên Hoa của tôi đã sáu tuổi đang hoc lớp một. Thế chẳng đủ lắm sao. Ăn cơm chực của vợ chiều lại xách xe đạp rước con đi học về, ở một nước mà “ai cũng hạnh phúc”, thì tôi như vậy là đủ “tiêu chí” để có thể là hạnh phúc rồi.

Tuy vậy, lắm khi cũng nghĩ thân trai bảy thước không lẽ cứ tàng tàng như vậy thì làm sao làm gương cho con cái nên nghĩ ra một cách: lao động vì “lao động là vinh quang”. Tôi xin tiền vợ sắm một cái ống bôm xe đạp, một cái lò ép vá ruột xe, mua vài hộp keo và may quá một phụ huynh của một em học trò vốn là chủ tiệm xe đạp cũ, cho tôi một số khóa, kềm, kéo…nghĩa là đủ thứ dụng cụ cần thiết cho một người thợ vá sửa xe đạp chuyên nghiệp.
Ngày khai trương, tôi xách những thứ lủng củng đó đến một địa điểm nơi một ngã tư trong thành phố quê hương mà bỗng dưng tôi thấy xa lạ, lạc loài. Nơi đây mà cả tuần lễ trước tôi đã đi... “điều nghiên” cái địa bàn nầy rồi. Đàng trước là đại lộ thống thoáng, khí dương, đàng sau dựa lưng vào một hồ nước tịnh thuỷ, khí âm. Vậy là sơn thuỷ hài hoà, âm dương tương tác đúng phóc vào “vạn lợi” trong học thuật phong thuỷ mà tôi thọ giáo của thằng bạn thầy giáo của tôi “trong trại cải tạo”. Lúc nầy, lực lượng trật tự an ninh đường phố đang bận tâm với những điều gì đó quan trọng hơn, nên tôi thoải mái chiếm lĩnh một góc trời cho tôi hành nghề.
Sáng nay, giờ H đã điểm tôi hăm hở bye bye vợ con ra đi hẹn mã đáo thành công. Đến nơi tôi bày biện dụng cụ nhà nghề với ít nhiều mánh lới để dụ khách có tính cách phô trương quảng cáo một chút. Thầy giáo mà, khoa sư phạm có dạy cái gì cũng phải có chương trình, kế hoạch... Chẳng hạn tôi đặt cái thùng đồ nghề giông giống cái thùng bán cà rem cục của mấy anh bán cà rem, bên cạnh một gốc trụ đèn, cái thau nước trong veo mà tôi chôm của bà xã để gần lề đường, bên cạnh đó tôi dựng cái ống bôm mới toanh cho ông đi qua bà đi lại dễ thấy cơ sở làm ăn nầy, hẳn có nhiều uy tín.
Xong, tôi xoa tay hài lòng và ngồi lên cái ghế nhỏ dành cho khách ngồi chờ. Tôi nhìn ra dòng chảy trên đường lộ, hết nhìn bên mặt lại nhìn bên trái, trông ngóng một chiếc xe hư, nổ vỏ, xì ruột, đứt thắng, sút sên…mà không thấy. Đến khá trưa, tôi cầu xin có một chiếc xe vô phúc nào đó có thể đem lại hạnh phúc cho tôi, vẫn không có. Nắng lên, gió mạnh, từ sáng đến giờ chưa ăn gì nên tôi thấy cồn cào ruột gan.
Bỗng một chiếc xe đạp tắp vào lề, rề rề sắp đậu lại ngay tại “cơ sở của tôi”. Tôi mừng quá, buột miệng nói “Dữ hôn sáng giờ mới có người khai trương.” Một người phụ nữ chạy xe, đàng sau đèo thêm một em bé, tôi chưa kịp hỏi: “Cô sửa chi…”. Thì có tiếng:
- Ba…
Trời đất, thì ra mãi lo chuẩn bị dụng cụ sửa xe cho mối mở hàng, không nhìn kỹ thì ra chính vợ tôi hôm nay thay tôi đi rước con tôi đi học về, tiện đường ghé thăm cơ sở làm ăn của tôi. Tôi lỡ khóc lỡ cười nhìn vợ con…cười trừ. Vợ tôi chỉ nhìn qua, là biết từ sáng đến giờ không có dấu vết gì chứng tỏ là tôi có khách, buồn hiu bảo tôi về ăn cơm. Con gái tôi trái lại, tỏ vẽ thích thú khi thấy ba mình có một địa điểm ngoài ngôi nhà ọp ẹp, để có nơi nó đến chơi.
Trời thương, buổi chiều tôi vá được hai xe, một cái sửa dây sên. Tối về nhà, vợ tôi thấy tay tôi dính dầu nhớt đen lòm, biết là tôi có việc làm tức là có tiền nên tôi nói cười luôn miệng, trong khi đó vợ tôi nhìn vào chỗ khác có lẽ để giấu những giọt nước mắt.
Những ngày sau, cơ sở làm ăn của tôi phát đạt rõ rệt. Một là do lúc bấy giờ mọi người lôi ra sử dụng những chiếc xe đạp cũ mèm mà trước đó họ đã bỏ đi, nên bệ rạt không hư chỗ nầy cũng hư chỗ khác. Hai là số học trò cũ của tôi nếu có xe hư ở đâu đi nữa cũng cố đẩy lại chỗ tôi sửa.
Cơ sở của tôi, ngoài cái thùng nhỏ đựng dụng cụ mà mỗi ngày tôi phải xách ra xách về, tôi còn một cái thùng như một cái tủ nhỏ để đựng vỏ ruột cũ..., được khóa vào cột đèn nơi tôi hành nghề. Ngoài cửa tủ, tôi dùng sơn đỏ quệt quẹt mấy chữ Điểm sửa, vá xe đạp.
Một buổi sáng, ra mở tủ tôi thấy ai đó đã dùng sơn đỏ viết thêm... của thầy giáo. Tôi cũng bằng lòng vì người ta biết tôi là thầy giáo... cũng được. Nhưng vài hôm sau, tôi lại thấy cũng ai đó, không biết có phải ngưới trước hay không, hay lại một người khác, cũng dùng sơn đỏ bôi chữ giáo lại thêm chữ...tôi. Vậy nếu đọc nguyên bảng hiệu của tôi sau khi có những bàn tay vô danh sửa chữa điều chỉnh thì ra câu thế nầy Điểm sửa, vá xe đạp của thầy tôi.
Đành chịu, nhưng thấy cái bảng hiệu...không giống ai ! Nhưng tôi vẫn thích nó và để vậy cho đến....
Cái nghề sửa và vá xe đạp của tôi giúp cho tôi sống khá thoải mái, không phải vì tôi giỏi tay nghề, nhưng có lẽ nhờ tổ đãi, hay do tôi chọn đúng vào điểm đại lợi trong phong thuỷ mà ông bạn của tôi đã dạy cho tôi. Chẳng hạn, có một cô học trò gái, con nhà có lẽ khá giả, nên chiếc xe của cô trông còn mới lắm, nhưng không hiểu tại sao cứ xì ruột hoài. Cứ hai ngày là cô bé dẫn xe đến tôi nhờ vá xe, hai ngày là vá xe. Tôi vá xong lẽ ra tôi không nhận tiền công và tôi bảo :
- Thôi, đáng lẽ thầy vá giùm em nhưng nếu em trả tiền công cho thầy, em trả thầy phân nữa thôi.
Cô bé không nói không rằng, thủ sẵn một sồ tiền gấp bốn năm lần tiền vá xe, nhanh nhẹn để trên thùng đồ nghề của tôi rồi nhanh chân lên xe chạy đi. Tôi gọi theo...cô bé nhìn lại :
- Em trễ giờ rồi thầy ơi.
Hai ngày sau, cô bé lại dẫn chiếc xe lại vá ruột nữa. Tôi tháo võ ra, lấy ruột xe bôm lên để vào thau
nước thử, thật sự có một chỗ bị thủng. Tôi vá xong, cô bé nhăn răng cười cám ơn tôi lấy xe đi, lần nầy em không trả tiền cho tôi. Tôi vui vì nghĩ nếu cô bé trả tiền như lần trước mà mình không từ chối được thì...kỳ quá. Nhưng khi tôi cúi xuống thu xếp dụng cụ thì tôi thấy cô bé đã dằn dưới cái cán búa một số tiền còn nhiều hơn số tiền lần đầu.
Lại hai ngày sau, cô bé dẫn chiếc xe mà bánh trước xẹp lép đến vá nữa. Lần nầy tôi không mắc mưu cô học trò nầy nữa :
- Em gạt thầy hoài phải không, thầy không vá nữa đâu, em đem chỗ khác đi.
Cô bé không hờn về câu nói khá nặng lời của tôi, trái lại nhăn răng cười :
- Thầy không vá thì em vá.
Nói xong, cô bé thản nhiên dẫn xe lên lề đường, đặt cho nó nằm ngang xuống, như tôi đã từng làm, kéo thùng dụng cụ ra làm như tìm cái gì đó để mở vỏ xe...Tôi theo dõi việc làm của cô bé, không dằn được cảm xúc trong lòng, đành bảo :
- Thôi đi cô học trò ơi, tránh ra cho tôi làm cho, mà lần nầy là lần chót nghe hôn ?
Tôi vừa vá xe cho cô bé vừa để ý xem cô có lén tôi giấu một sồ tiền đâu đó không ? Tôi thấy cô bé đến ngồi trên cái thùng đựng dụng cụ, vừa nhìn tôi vá xe, vừa vỗ nhịp lên cái thùng, vừa buồn buồn cất giọng. Bản nhạc “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn đã làm đổ lệ biết bao học sinh mỗi lần chia tay trong các kỳ nghỉ hè, được cô bé sửa lại một đôi ca từ, cố tình nhìn vu vơ lên các ngọn me, khẽ khàng hát, dường như em chỉ hát cho em nghe.
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Mấy năm hè qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách thì đã hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết... Thầy ơi
Giã biệt Thầy ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm nầy em xin nhớ mãi...
Tôi thoáng nghe đoạn đầu với những lời em thay thế, lòng tôi đau nhói, nước mắt tôi muốn trào ra. Tôi cố cầm lòng, tiếp tục việc làm. Đến khi tôi vá xong, dựng xe em lên, cũng không nói gì với em. Tôi đến ôm vào cột đèn nhìn ra lộ lắng nghe em tiếp tục lời ca lênh đênh trong nắng gió tháng tư.
 Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa Thầy thương
Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm
Thầy ơi ...biết biết đâu mà tm...
Bài ca chấm dứt, em đưa mắt tìm tôi, thấy tôi buồn hiu, em chạy lại sửa nét mặt cố làm ra vẻ vui vẻ, kéo tôi về chỗ cũ rồi nói.
- Xin lỗi thầy, tụi học trò ưa quen miệng hát bài nầy mà thầy. Cô bé lại liến thoắng bảo:      
- Hôm nay chính em vá xe của em, tại thầy giành vá nên kể như huề thầy hén. Thầy thông cảm cho em nhé.
Nói xong cô bé thót lên xe đạp trước khi chạy, em còn nheo mắt nhìn tôi cất tiếng:
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm
Thầy ơi ...biết biết đâu mà tìm...
Rồi còn lượn qua lượn lại như trêu tôi, tôi nhìn theo cô bé mà nước mắt tôi rưng rưng.

Trưa lại dọn đồ đạc ra về, tôi mở thùng để bỏ dụng cụ vào thì thấy có một phong bì dán kín, ngoài có ghi mấy chữ Kính gởi Thầy. Thì té ra trong lúc tôi đang lui cui vá xe thì cô bé lấy cái thùng cây ngồi lên trên chờ đợi - việc nầy khách tôi đều làm như vậy - nên tôi không nghĩ tới và cô bé đã lợi dụng cơ hội để bỏ phong bì nầy vào.
Xé phong bì ra có 10 tờ giấy bạc giá trị cao nhất thời bấy giờ, mới toanh cùng với một mảnh giấy. Trên trang giấy học trò đó, tôi đọc :
Kính thưa thầy,
Em sắp đi xa, không còn dịp đến nhờ thầy vá xe nữa.
Xin Chúa phù hộ cho thầy cô và em bé. Nhất định em sẽ gặp lại thầy.
Một đứa học trò.
Không có chữ ký.
Từ đó về sau cô bé học trò tôi không còn đến tôi vá xe nữa. Tôi biết vậy, nhưng không hiểu sao, sau một thời gian dài, cứ đúng vào giờ cô bé đem xe đến là tôi vẫn lại đưa mắt hướng về con đường của em. Để rồi cuộc sống không mấy dễ dàng lần lần xoá đi hình bóng của em trong tôi cho đến ngày hôm nay.
 Sau mấy năm vui sống với nghề vá xe đạp, nay là thời kỳ đổi thay, xe đạp mới sản xuất ra nhiều quá, thêm vào hàng loạt xe gắn máy ra đời...những chiếc xe đạp cà tàng thời nào nay cho vào xó, thay bằng những chiếc xe mới toanh, vỏ ruột tốt, sên thắng tốt nên không chịu....hư, không chịu bể ruột, sút sên nữa. Thêm vào đó những cô cậu học trò có lòng tôn sự trọng đạo tìm cách nầy cách khác giúp đỡ tôi, nay cũng đã lớn, đã đi lên học ở trường trên hoặc đã ra đời cũng đang lo cho sự sống của mình, còn đâu thời gian để nghĩ đến việc ra tay tế độ nữa.
Cho đến, một buổi chiều như những buổi chiều, lần nầy về nhà, tôi gọi một chiếc xích lô chỡ “tài sản cơ nghiệp” của tôi về, không quên cái tủ mà ngoài cửa có ghi bảng hiệu : Điểm sửa vá xe đạp của thầy tôi về làm kỷ niệm.
Anh xích lô hỏi :
- Bộ nghỉ luôn hả
- Ừa !
- Ế hả ?
- Hổng phải ?
- Vậy sao nghỉ ?
Thằng cha xích lô hỏi dai nhách, tôi nổi dóa :
- Thôi cha nội, hỏi hoài !
Anh xích lô không giận trái lại trong một tiếng thở dài :
- Tôi cũng ế thấy mồ nè !
Thôi, mình giận oan cho anh bạn nầy rồi. Ảnh cũng như mình.
Gia đình tôi may mắn có được một thửa vườn nhỏ do ông bà để lại không xa thành phố chúng tôi ở bao nhiêu. Chính nhờ ngôi vườn nầy mà ba mẹ tôi về đây trồng trọt chút đỉnh hoa mầu trước là để có thêm chút ít thu nhập hai là cho ba mẹ tôi có nơi yên tịnh để di dưỡng tinh thần.
Ba mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, sức khỏe thường không ổn định, nên vợ chồng tôi mỗi ngày phải về chăm sóc. Giữa năm nay, sau một thời gian bịnh nặng ba tôi đã ra đi. Trước khi người ra đi, tôi có hỏi ba có còn dạy con điều chi nữa không ? Ba bảo : Không, đủ rồi !
Rồi sau đó chỉ có mấy tháng mẹ tôi cũng theo ba tôi, bỏ lại chúng tôi bơ vơ. Gia đình tôi vốn không đông, nay lại càng thêm trống vắng, lạnh lẽo. Tôi đành phải bỏ cái nghề vá xe đạp hạ lưu nầy, một cái nghề thấp kém nhưng cái nghề thấp kém nầy chẳng những đem lại cho gia đình tôi một sự sống mà còn cho tôi thấy được tình người bao la. Tôi về vườn để tiếp tục công việc của cha, trồng trọt trong ngôi vườn nhỏ xíu chó nằm ló đuôi.

Dường như khi về vườn tôi đã quên tất cả và bỏ tất cả. Nhưng có một điều tôi không quên là bản nhạc sửa lời “Nỗi Buồn Hoa Phượng” mà một em học trò đã dùng thay lời vĩnh biệt với tôi. Và một vật tôi cũng không bỏ, đó là cái thùng đựng dụng cụ sửa xe đạp có bảng hiệu “Điểm sửa, vá xe đạp của thầy tôi”./- 

2 comments:

Anonymous said...



Ngày ngày vá vỏ xe cũng như vá vết thương lòng, vá tất cả những gì sức mẻ, vá những chỗ trầy trụa, vá những lổ thủng do mình tạo ra hay do những người khác làm, tất cả chỉ có một mục đích: trả lại nguyên trạng.
MN chọn nghề vá vỏ xe Nên Gian nan tình vẫn vậy là phải!
BLG

Anonymous said...

Ông MN sau khi "ra trại" làm nghề và vỏ xe đạp nên Gian Nan Tình Vẫn Vậy. Còn tui cùng ông già vợ và thằng em vợ trước khi "vào trại" thì làm nghề ráp xe đạp mỗi ngày hai chiếc đứng bán tại Ngả Bảy Sài Gòn nên Gian Nan Tiền khấm Khá. Một chiếc vốn có 15 ngàn tiền VNCH nhưng bán tới 45 ngàn. Mỗi ngày kiếm 60 ngàn như chơi.
Tưởng "đi học" 10 ngày rồi về kiếm chác thêm. Ai dè ....Gian nan Đời Cải Tạo ! Mút chỉ cà tha...
MVN