Monday, September 14, 2015

Chuyện New York, một ngày

__________
Nhân kỷ niệm 9/11 còn nóng hỗi, gởi tặng Tha Hương & Đọc Già Vô Duyên 1 truyện về 9/11
Chúc vui
tbt

trần bang thạch



Gần nửa đêm rồi mà chị Suzanne vẫn còn ngồi trước ông bạn mặt vuông là cái computer. Xung quanh chị ngổn ngang giấy tờ, hồ sơ trên bàn, trên kệ, trên thảm...Đã nhiều lần chị Suzanne muốn đặt lưng xuống cái khoảng thảm còn trống nơi góc phòng, hay cứ gục đầu xuống bàn mà ngủ một giấc, rồi mọi sự ra sao thì ra. Nhưng nghĩ tới công việc chưa xong chị cố nhướng mắt tiếp tục sục sạo, tìm tòi, rồi ghi chép, rồi lướt 10 ngón tay trên dàn chữ. Sáng mai là một ngày thật quan trọng cho chị. Đúng ra là ngày quan trọng của công ty nơi chị làm việc. Công ty sẽ ký một hợp đồng thương mại với một khách hàng khổng lồ hoàn toàn mới và khó nuốt, đó là bộ công thương nghiệp Trung Quốc.
Thất bại lần này công ty chắc phải chuẩn bị khai phá sản. Từ vài tháng nay, do kinh tế suy trầm, công ty bị ảnh hưởng nặng. Nhân viên lần lượt ra đi. Còn hơn một tháng rưỡi nữa mới tới ngày lễ Halloween mà bóng ma thất nghiệp cứ lảng vảng trong các phòng làm việc của cái cao ốc 110 từng phía nam này. Còn cái cao ốc anh em sanh đôi ở mặt bắc kia chắc cũng không khá gì hơn, người đi làm càng ngày càng thưa thớt. Nhiều khung cửa sổ đã không thấy ánh đèn. Hôm qua còn hẹn nhau đi ăn trưa, hôm nay phải dành giờ ăn phụ tiếp bạn dọn dẹp nơi làm việc để move out ! Bạn bè hôm trước còn nói cười rôm rã, còn chat nhau trên net, hôm sau ứa nước mắt chia tay. Phút bịn rịn họ chỉ có thể nói với nhau lời chúc may mắn. Người đi, kẻ ở không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình trong những ngày sắp tới.

    Cho nên chuyện thành bại của công ty ngày mai chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người còn lại, trong đó có chị Suzanne. Đúng ra tuần này chị Suzanne vẫn còn nghỉ bịnh. Chứng dị ứng thời tiết cứ làm chị khốn đốn mỗi năm mấy tuần. Nhưng người chủ trực tiếp của chị là bà phó giám đốc Helen sau mười ngày đi Bắc Kinh, khi trở về tức tốc yêu cầu chị Suzanne đi làm từ sáng hôm nay. Bà nói  kết quả chuyến đi của bà đến sớm không ngờ: Xế chiều ngày mai, thứ Ba, một phái đoàn từ Bắc Kinh sẽ đại diện chánh phủ đến Công ty duyệt xét toàn bộ vấn đề để chánh thức ký hợp đồng hay không. Hơn một tháng nay công sức của bà phó giám đốc Helen đã đổ quá nhiều trong cái dịch vụ này, nó không thể thất bại được. Công ty không thể chết được. Bà nói bà cần tới cái tài cung ứng tài liệu của chị Suzanne để trình với phái đoàn ngày mai. Đến gần sáng thì chị Suzanne đã có những printouts cần thiết với chi chít những con số và những biểu đồ đủ màu sắc để cung cấp cho bà Helen. Chị Suzanne đứng dậy, rời bàn giấy. Chị đi đến cửa sổ, vén màn rồi mở tung hai cánh cửa kính. Chị vươn vai hít thở không khí trong mát buổi sáng tinh mơ của New York. New York như người thiếu phụ nửa chừng xuân, lịch lãm, sang cả và rực rỡ như kim cương. Chị Suzanne tự thưởng cho mình một ly sữa lạnh rồi sang phòng ngủ của hai con, đắp lại tấm chăn, hôn mỗi đứa trước khi lên giường rón rén nằm cạnh chồng, anh Frank. Thật sự thì anh Frank chưa ngủ. Anh không thể nào mà ngủ được khi người vợ đang đau ốm của mình sau một ngày vất vả tại sở làm còn đem về nhà hàng đống hồ sơ để làm tiếp cho xong. Anh Frank thì không thể tiếp gì được cho vợ. Anh vốn là người thợ hàn nên chuyện hồ sơ giấy má anh chỉ biết đứng đó mà nhìn. Nhiều lúc nghe vợ mình cố đè nén những cơn hắt hơi sợ làm thức giấc chồng con, anh Frank thấy thương và tội nghiệp vợ vô cùng. Cái lồng ngực mỏng manh lép kẹp đó không biết ngày nào sẽ nổ tung vì chứa chấp nhiều thứ quá: những tràng hắt hơi như cơn địa chấn nhỏ trong nội tạng và bao nỗi lo toan của một người đang gánh nặng cái gánh gia đình với hai đứa con nhỏ và người chồng thất nghiệp. Phải, từ hơn bảy tháng nay, từ ngày anh Frank mặt mũi méo xệch nhận tờ giấy màu hồng của sở thông báo anh tạm nghỉ việc tại hãng hàn xì này thì  người vợ ốm yếu của anh phải mang thêm trên vai vài hòn đá tảng. Một cái xe đã bị chủ nợ kéo đi. Tiền lương khiêm nhường của một nữ thư ký và chút ít tiền trợ cấp thất nghiệp, anh chị vén khéo lắm mới tạm đủ chi tiêu cho việc ăn uống sinh sống hàng ngày và hàng tháng trả tiền thuê căn chung cư cũ kỹ trong vùng Manhattan mắc mỏ này. Tuy vợ không nói ra nhưng anh Frank biết vợ anh đang lo lắng cho những ngày sắp tới, những ngày mà cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. 

 Chị Suzanne thức dậy lúc gần tám giờ. Anh Frank đang mớm sữa cho con bé Michelle đang nằm trong nôi. Thằng Bobbie nơi bàn ăn với chén cereal trộn với sữa tuơi. Gần đây Frank lo hết mọi chuyện trong nhà, kiêm luôn người giữ trẻ. Người father mom này mỗi khi đi chợ búa hay đi xin việc đều có con bé chưa đầy tuổi trên tay và thằng bé mới hơn ba tuổi xoắn xít dưới chân. Thấy mà tội nghiệp. Chị Suzanne sửa soạn qua loa, hôn tạm biệt chồng và hai con rồi ra trạm xe buýt. Cái samsonite trong tay chị Suzanne như phồng lên cao hơn so với bình thường, một phần vì giấy tờ quá nhiều, một phần vì nó có chứa thêm niềm hy vọng của cả nhà chị Suzanne trong đó. Nghĩ đến đây chị Suzanne chợt mỉm cười: Phải rồi, biết đâu con bé Michelle 8 tháng tuổi cũng cố nhét cái hy vọng nhỏ tí xíu của nó vào cái samsonite của chị? Chiếc xe buýt số 32 B tấp vào lề, vẫn đúng giờ như thường lệ. Vẫn những tiếng hi, hi quen thuộc, thân mật, rộn rã. Một ngày như mọi ngày. Gió vẫn mát lạnh từ dòng Hudson. Đường phố vẫn đông nghẹt người. Xe cộ vừa thở vừa bò. Người bạn đồng hành người Á đông với mấy lớp áo mũ nặng chình chịch luôn luôn trên người mỗi ngày vẫn đón chuyến búyt ở đường 14 rồi xuống xe ở đường Canal để vào làm việc tại khu China Town trên đường Broadway. Vẫn tiếng chẫu sành quen thuộc từ người Tàu già khi gặp chị Suzanne hay bất cứ nguời nào ông gặp trên xe. Vẫn cái mùi từ ly cà phê ngửi mà phát thèm sáng nào cũng trên tay của ông Do Thái ngồi ở băng cuối. Và cũng như thường ngày, khi chị Suzanne đọc hết tin tức trang đầu của tờ Wall Street Journal thì xe buýt dừng lại nơi chị phải bước xuống, đó là toà cao ốc phía nam của Trung tâm thương mại thế giới. Từ dòng Hudson ở hướng Tây gió vẫn mát lạnh. Và lá vẫn chớm vàng khi  New York đang bước vào thu. Tượng Nữ thần Tự do vẫn mịt mờ trong sương ở vùng vịnh Upper Bay. New York vẫn là New York vừa cao ngạo, vĩ đại, vừa thân thương, gần gũi.

   Một buổi sáng như mọi buổi sáng New York. Như mọi buổi sáng của người New York.
    Tuy giờ làm việc bắt đầu từ chín giờ nhưng khoảng  tám giờ rưỡi thì hầu hết nhân viên và ban giám đốc đã có mặt. Bà Helen và vài nhân viên khác đã đến đây từ sáng sớm. Bà nói mọi chuyện phải sẵn sàng cho một ngày quan trọng. Mọi người đều biết đó là ngày gì. Mọi người có vẻ ăn mặc trang phục đẹp nhất của mình. Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Bà Helen mừng ra mặt khi chị Suzanne bày trước mặt bà những đồ biểu và tài liệu, kể cả những negative phóng ảnh. Giọng bà Helen chắc nịch: “Như vầy là ăn chắc. Cái khế ước thương mại này không chạy đi đâu được”. Rồi mọi người hỉ hả nâng cao cốc cà phê buổi sáng như thầm nói với nhau: Mình còn làm việc nơi tầng cao thứ 101 này thêm ít nhất là 3 năm nữa. Chị Suzanne gọi cho Frank để chia sẻ niềm vui đầu ngày này. Chị còn cho  Frank hay ngày mai chị được nghỉ phép cho đến hết tuần để đánh vật với thằng dị ứng đã theo chị từ hơn tháng nay. Chị nói chị sẽ ném xác nó xuống Đại Tây Dương nên đề nghị với Frank là ngày cuối tuần sẽ đi xuống cực nam của Brooklyn cho hai con chơi ở Astroland, rồi ghé Kings Plaza shopping center mua sắm ít đồ mùa đông đang đại hạ giá. Bao giờ họ cũng chấm dứt điện đàm bằng câu: I love you. See you soon, Honey.

    Vậy mà sau câu nói thương yêu đó họ không còn gặp nhau nữa. Không bao giờ gặp nhau nữa. Vĩnh viễn họ đã mất nhau. Thật sự thì lúc 8 giờ 45 phút ngay sau khi một trái lửa vĩ đại phụt ra từ tòa cao ốc phía bắc cùng với tiếng nổ kinh hồn, trong nỗi thảng thốt cùng tột, chị Suzanne có gọi chồng, gọi nhiều lần. Không có tiếng trả lời. Từ tòa cao ốc phía nam này nhiều người chạy ra cửa sổ nhìn tòa nhà phía bên kia. Khói. Lửa. Tiếng nổ. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Hay đầu óc mọi người cũng đang nổ tung để không ai còn biết trời trăng mây nước gì nữa hết.

    Rồi ầm ầm như sấm nổ, như sét rền, như đất chuyển trời rung. Như trời sập. Mọi người mạnh ai nấy chạy. Tiếng kêu gào thất thanh. Tiếng la. Tiếng khóc. Có người chạy loanh quanh, không còn biết đâu là lối ra cầu thang hay thang máy. Trời đất tối sầm. Người ta dồn cục khắp hành lang.
    Ở một khắc giây nào đó chị Suzanne thấy mình bay bỗng lên không trung rồi như một mảng bông tuyết tan ra trắng xóa trên bầu trời New York.


Trong căn phòng khách ở tầng thứ 41 của tòa chung cư trên đường số 23, anh Frank thấy mặt thằng Bobbie bỗng nhiên ngơ ngơ, đôi bàn tay nhỏ nhắn xòe ra xoay xoay trong không khí, mồm nói với anh mấy lời mà anh không nghe rõ; anh nhìn màn ảnh truyền hình trước mặt thì những chú thỏ con nhiều màu đã biến mất, thay vào đó là một trái lửa vĩ đại từ tòa cao ốc. Anh Frank mở cửa chạy ra hành lang chung cư, tai còn nghe giọng nói hoảng hốt của người xướng ngôn viên. Anh Frank tận mắt thấy trái lửa. Anh chạy vào nhà, trái lửa choán hết màn ảnh truyền hình. Anh Frank đã dùng hết điện thoại nầy đến điện thoại khác mà anh có trong nhà để gọi vợ. Không có tiếng trả lời. Anh chạy ra hành lang. Cục lửa bây giờ là một đụn khói khổng lồ bao trùm gần hết vòm trời Manhattan. Rồi anh Frank có hoa mắt không khi thấy một chiếc phi cơ ghim ngay giữa tòa nhà phía nam, nơi vợ anh đang làm việc? Không, không thể nào có chuyện như thế được. Lửa. Lửa. Tất cả là khói, là lửa. Là sấm động, phong ba. Cả dòng Hudson cũng là lửa khói. Ở tít phía nam kia, tượng Nữ thần Tự do thoát hiện, thoát biến trong màn khói đen.


   Không còn nghi ngờ gì nữa: hai tòa cao ốc đang bốc cháy. Cũng không cần biết gì thêm từ cái truyền hình, anh Frank bỏ hai con vào một xe đẩy, hộc tốc đi thang máy xuống chỗ để xe, lái về hướng đám lửa to như quả núi . Xe anh chỉ chạy được một đoạn đường thật ngắn thì phải dừng lại, không thể nhích thêm một thước nào nữa. Mọi người đang đổ ra đường. Tiếng la hét, tiếng còi hụ inh ỏi một góc trời. Anh Frank bỏ xe bên vệ đường rồi hai tay bồng hai đứa nhỏ cố đi ngược dòng người để đến gần hai tòa cao ốc. Đến ngả tư đường Houston và Park Avenue thì anh hoàn toàn bị cảnh sát chận lại. Trước mặt anh trái lửa như con ác quỉ vĩ đại đen ngòm với hàng ngàn cái lưỡi đỏ lòm như máu tươi. Con bé Michelle đã ngủ trên vai anh, còn thằng Bobbie thì ngơ ngác trước cảnh tượng trên đường và cụm khói trước mặt. Không thể đi thêm được nữa, anh Frank rẽ vào trường đại học New York, bế hai con lên từng cao, hy vọng thấy vợ mình trong đám người đang hơ hải chạy phía duới. Từ đây anh Frank thấy hết mũi Manhattan trong khói lửa và trong hỗn loạn. Hàng ngàn người chen lấn trên cầu Brooklyn và cầu Manhattan. Vô số người đổ dồn về phía bến cảng số 11 để lên phà sang New Jersey. Khắp nơi là đầu người nhấp nhô. Ở một giây bất ngờ, anh Frank thấy một thân người phóng ra từ  cửa sổ của một từng lầu gần chót vót trên cao, thân người chơi vơi như tờ giấy trắng bay phất phơ trong gió. Rồi như cảnh tượng trong phim ảnh, hai toà nhà lần lượt sụp đổ theo sau những tiếng nổ kinh hoàng, như hai người khổng lồ bị trúng tên độc ngã chúi trên hào thành. Hàng trăm xe cứu hỏa, xe cảnh sát từ khắp nơi và hàng đoàn xe cứu thương từ khu Bịnh viện Cựu chiến binh cách mấy block đường hụ còi inh ỏi hướng về phía hai trái núi sắt đang bốc lửa. Nhìn xuống con đường West Broadway anh thấy khói xám bốc lên từng đợt như sóng lượn. Tro than bao trùm các con phố. Anh Frank cố giương mắt thật to tìm cái áo len màu hồng phấn mà vợ anh mặc sáng nay. Tất cả là những áo quần xám ngoẹt đầy tro than. Không biết bây giờ là lần thứ mấy trăm anh Frank bấm số gọi vợ. Cái điện thoại ác ôn vẫn im tiếng. Đường giây đã bị cắt đứt từ lâu rồi. Đôi mắt vô hồn, nhìn ngó bâng quơ, anh Frank bây giờ chỉ biết đứng bên đường, ôm chặt hai con mà khóc.
                                                                   xXx

    Không biết hôm nay là ngày thứ mấy anh Frank dẫn hai con đứng nơi góc đường West và Chambers nầy. Trước mặt anh và xung quanh khu đổ nát là những bảng cấm vượt qua. Cảnh vật ở đây sao lạ lẫm vô cùng với sự vắng mặt của hai tòa cao ốc. Có phải nơi đây vẫn là New York? Anh Frank đang đứng giữa lòng New York hay đang bơi giữa hành tinh xa lạ nào? Khắp nơi là gạch đá vương vãi, là sắt thép trần trụi, cong queo, ám khói. Có những cột sắt đen thui đứng thẳng như trời trồng, như còn ngạc nhiên cho cái tai họa từ một chốn u minh nào chợt tới. Khắp nơi là nỗi kinh hoàng còn bám dính trên từng mảnh gạch vụn, là hàng ngàn oan hồn uổng tử với cái chết tức tưởi đang chấp chới bay trong không gian đầy tro bụi. Hàng trăm xe cần trục, xe xúc, xe ủi, xe vòi rồng ... cùng với hàng ngàn con người làm việc ngày đêm từ mấy hôm nay vẫn chưa đem về cho Frank người vợ thương yêu. Hình như mỗi người lái xe cần trục, mỗi người lính cứu hỏa đang làm phận sự tại hiện trường đều có nghe người cha đầu bù tóc rối với hai đứa con còn nhỏ hỏi han về một cái áo len màu hồng phấn. Người đàn ông với đôi mắt thất thần nhiều khi nói mà như mê. Con bé Michelle hình như cũng biết trông ngóng mẹ nên mỗi ngày nơi góc phố này nó nằm yên trong xe đẩy, mở mắt thao láo nhìn phía trước mặt. Còn thằng Bobbie thì cứ khóc đòi mẹ. Tới ngày hôm nay thì tiếng nó đã khan rồi. Anh Frank như đứt từ đoạn ruột. Đường dây điện thoại đã nối. Anh Frank  gọi vợ hàng trăm lần mỗi ngày, anh mong được nghe tiếng vợ mình đang đi lạc ở một khu phố nào đó, hay đang điều trị tại một bịnh viện; hay trong tình huống xấu nhất là được nghe tiếng rên thoi thóp của nàng từ dưới đống gạch vụn. Anh Frank viết tên vợ trên những tấm giấy cứng rồi đeo trước ngực và sau lưng mình. Thằng Bobbie cũng mang một tấm trước ngực chạy lăng xăng vừa khóc vừa gọi mẹ.

    Có nhiều lúc ba cha con ngồi ôm nhau mà khóc giữa tiếng ầm ầm của các loại xe cơ giới và trong hơi gió âm u như tiếng nấc của các oan hồn.
    Nữ Thần Tự Do từ đằng xa kia chắc cũng đang rơi nước mắt.

Tháng 9 – 2001
Trần Bang Thạch


1 comment:

Anonymous said...

Bài anh viết hay và có nhịp như chuyện “action”. Đọc giã vô duyên xin cám ơn anh TBT