Thursday, January 7, 2016

Nguyễn Cát Đông, vẫn ngàn năm con quốc gọi hè


______________


Ngô Nguyên Nghiễm




Nhà thơ Nguyễn Cát Đông



“Nhớ thật nhiều những bước đi xa/ Mẹ đứng dang tay trên hai bờ Bassac/ Nối những dòng kinh với Cửu Long Giang bát ngát/ Nghe ngọt ngào từng vóc phù sa”. Văn nghệ sĩ nhất là kẻ làm thơ, hình như trong tâm khảm bao giờ cũng tha thiết mãnh liệt, với những tình cảm rung động trước mọi cảnh tượng vây quanh. Chiêm ngưỡng qua nhiều hồn thơ của bằng hữu, ngoài sự phiêu lãng trước thế sự, bao giờ người thơ cũng thấm đậm trong nguồn cội và nghĩa tình. Thơ bộc phát như một tinh thể kim cương bất hoại, khiến ngôn ngữ kết tinh vượt thoát khỏi sự băng hoại theo thời gian không gian. Thế nhân làm sao không u hoài nỗi nhớ, khi lặng lẽ ngồi bên ngôn ngữ thơ được hóa thân trong cõi tâm thanh khiết bất biến như thế.

Chân dung hồn quê, hình ảnh mẹ già bao giờ cũng thống thiết trong nỗi nhớ, với Lâm Hảo Dũng u hoài bên kỷ vãng:” Mẹ có mắt sầu riêng cao chất ngất/ Nên hồn con lạnh lẽo đến bao giờ/ Nhà chắc dột bởi từ khi vắng mặt/ Những thằng con đủ cánh để bay xa//.Và dòng sông thương những hàng rơm mục/Những hàng cau buồn chết được lòng con/ Thuở mẹ già biết cau còn kết trái/ Biết con còn thấy mẹ lúc hoàng hôn/”.Tôi cũng từng nghẹn ngào khi đọc bài thơ Còn Không Ngày Về của Lâm Hảo Dũng, Cũng như, hình ảnh chân phương của Mẹ già được Nghiêu Minh khắc khoải trong Mùa Xuân Nào Con sẽ về Thăm Má :” Thương má gian nan may vá tảo tần/ Ba mất, má chưa tròn ba mươi bảy/ Giờ nhớ lại càng thương má vô ngần/Đường có dài, đại dương có rộng/ Trong âm dương con tjhấy ba về/ Hình ảnh má là chùm mây sống/ Bay quanh con vẽ một trời quê/”. Nguyễn Cát Đông cũng vậy, như bóng dáng ngựa hồ hí gió bắc, những nghĩa khí của con người luôn thấm đậm trong nguồn cội và dòng máu. Chính vậy, có lúc tôi cảm xúc những tình huống quan hoài như thế, đã đánh động cả tâm cang. Và hiểu rằng, chính sự rung động chân phương của con tim, quả thật đã hóa thân vào hình từ bóng chữ, bằng sự chân thật bật dậy tận đáy lòng, nên đã chất ngất tâm huyết sâu lắng:” Mẹ ngày đêm phạt những đường dao/ Chân đất, đầu trần, quần gai, áo bố/” để rồi “Thương đàn con đứa còn đứa mất/ Mẹ nghẹn ngào giấu giọt châu sa/”.

Tôi đi vào thơ Nguyễn Cát Đông từ những thi tập Áo Mây Bay những năm 1971, đến những bài thơ khuynh khoái đậm hồn người, trong những tuyển tập 17 tác giả miền Nam, tuyển thơ 7 nhà thơ trong và ngoài nước. Quà tình, thơ Nguyễn Cát Đông tuyệt diệu khiến chất ngất lòng nhân thế, và thơ Ông dàn trải một bản ngã tâm thông, hóa hiện từ chân tâm giúp ngôn ngữ vượt thoát chữ nghĩa. Vì vậy, thơ Ông có một cõi sống riêng mình.

Những bài thơ khác của nhà thơ nhà văn Nguyễn Cát Đông, mà sau nầy Ông ký tên trên tác phẩm với bút danh mới là Trần Bang Thạch, càng tiệm tiến theo thời gian, càng bộc bạch nhiều về kỷ vãng, quê nhà và bằng hữu. Những sáng tác mới, dù thơ hay văn cũng chất ngất sự phiêu bạt của vầng trăng ly hương, và thấm đẫm nỗi niềm chân chất ban xưa….

Ông ẩn diện trong một tư thái đôn hậu, khiêm cung vì thi ca và giáo nghiệp trôi nổi suốt chiều dài cuộc sống. Vì vậy, thơ đến với Nguyễn Cát Đông như kinh thư của bậc hiền triết và văn chương vẫn là bóng dáng của nho gia đứng giữa chân cầu mà trầm mặc, ghi lại sự trôi nổi của thế sự quanh mình.

Quả thật vậy, những bước đi diệu vợi của Ông trên văn chương, ngày càng sâu lắng và u trầm, vì bao giờ bóng thời gian cũng chập chờn quanh đời sống hiện tại. Tháng giêng, năm 2002 Thư quán bản thảo tập ba, giới thiệu truyện Cũng Vẫn Là Chuyện Buồn của Ông, cũng trải đầy quá khứ chất ngất cõi lòng, làm sao quên lãng cho được :” Làng Thường Đông của chúng tôi là một làng nhỏ nằm trên nhánh sông Cái Răng bắt nguồn từ con sông cái Bassac ngoài Cần Thơ và cách thị trấn Cái Răng chừng một giờ đi bộ. Con đường nằm dài bên dòng sông, nhà cửa vườn tược sầm uất. Có những cái mương ranh cắt ngang lộ với những cây cầu dừa hay cau, trời mưa cầu dính đất, người đi rất dễ bị té xuống mương. Nói rõ như vậy để cụ thể hóa con đường tình bằng đất dài gần ba cây số của tôi thời đó. Chúng tôi lớn lên ở đây, nhởn nhơ như lục bình rau mác trên sông đầy, tươi non như chuối dừa cỏ cây hoa lá, nồng nàn như nước ngọt phù sa….

Đêm trăng. Những đêm trăng tuyệt vời ở quê tôi đã góp phần lớn vào tâm hồn lãng mạn của cậu bé con là tôi thời đó. Những năm năm mươi rất ít người sắm được cái máy hát quay tay, xài kim con gà le coq, nên đêm trăng các thanh niên thiếu nữ hàng xóm hay tụ tập ngồi trên cây cầu xi măng cốt sắt rộng chừng hai xãy tay bắt ngang con rạch Bà Vèn, nghe tiếng hát cải lương từ các đĩa Pathé hay Asia 33 vòng quay, phát ra từ cái loa mắc trên ngọn dừa cao thuộc khu doanh trại của một đại đội Hòa Hảo đồn trú bên kia sông; nghe tiếng được tiếng mất tùy theo chiều gió, nhưng có hề gì, những gái trai nầy họ cần gặp nhau, nhìn nhau là đủ….

Những tập cải lương 50 xu nhỏ bằng bàn tay, những chuyện cổ bằng thơ của tác giả Đoàn Trung Còn , những bộ truyện Tàu của nhà Tín Đức thư xã… chất đầy trên giường tre trong khu nhà canh. Buổi trưa êm ả trong khu vườn tịch mịch mà nghe chị Hạnh nói thơ Vân Tiên thì nhịn đói cả ngày cũng được. Đầu óc tôi và chị Hạnh tấm đẫm những vệt nắng trưa xuyên qua kẻ lá với tiếng ve râm ran bất tận khắp vườn và các điệu ca Vọng cổ, Đão ngũ cung, Thủ phong nguyệt, Xàng xê, Hướng mã hồi thành…xen lẫn với Trần Minh khố chuối, Phạnm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, rồi Càn Long du Giang Nam, Vạn Huê Lầu, Tiết Nhơn Quí, Na Tra, Dương Tiễn, Tôn Ngộ Không, Đường Huyền Trang, Tôn Tẩn…Như vệt nắng loang trong khu vườn khi mặt trời dần dần xuống thấp, chúng tôi lớn lên và vẫn thấy mình gắn bó với nhau như hình với bóng , như tiên nữ với gã tiểu đồng….

….Người ta gọi là chợ Nhà Bàng có lẽ từ khởi thủy nơi đây lá rừng bàng, người địa phương đã đốn những cây bàng để lập chợ.Chợ là vài mươi căn nhà nhỏ mái lợp bằng lá thốt lốt, vách ván tạm bợ. Bây giờ đã xế chiều. Nắng đã dịu bớt. Có tiếng bò rống từ phía đồng cỏ trước chợ. Chợ vắng người. Chỉ có quán bán cà phê là có vài người vừa hút thuốc vừa nói chuyện trên trời dưới đất. Khách bước vào quán kiếm chút gì ăn đỡ dạ. Bên trái quán, người đàn bà Khờ-me ngồi ngủ gục bên gánh hàng bán nước thốt lốt, ruồi bu như đậu đen. Kế đó, ông tàu già ngồi ho sù sụ sau tủ thuốc lá lẻ. Một căn nhà nhỏ ở cuối chợ, mái hiên có treo cờ đỏ sao vàng. Chắc đó là đồn công an. Tại vùng Năm Non Bảy Núi nầy, cái chợ nhỏ vậy mà ở vị trí tốt, gần nhị biên, Khách từ thị xã Châu Đốc, sau khi vượt núi Sam với đền thờ Bà Chúa Xứ chừng năm sáu cây số thì thấy một ngả rẽ. Nếu khách rẽ mặt thì đi về hướng Tịnh Biên, sát ngay biên giới Việt Nam- Campuchia, với những rừng cây thốt lốt làm tiền trường cho dãy núi Dài xanh lam bên kia biên giới. Còn đi thẳng khách sẽ về hướng Nhà Bàng, Chi Lăng, Tri Tôn, Ba Chúc với các núi con Két, núi Trà Sư, núi Tượng, núi Cấm, núi Giài, cũng nằm dọc theo biên giới.Ăn xong tô bún nước lèo, vấn xong điếu thuốc rê, bập bập mồi lửa, rồi khách lên xe lôi đi về phía núi Trà Sư, đối diện với núi con Két. Giữa hai quả núi nầy là con đường đá dẫn tới Chi Lăng, trước 75 là một trung tâm huấn luyện; sau 75 là nhà tù rồi trại lính. Núi con Két là quả núi trọc nằm cách khu chợ Nhà Bàng chừng 2 cây số. Từ lộ xe nhìn chếch lên cao, khách thấy một chõ núi y như hình dạng cái đầu con két với cái mõ thật rõ rang, càng nhìn càng thấy giống. Phía sau cái đầu con két có những phiến đá trông giống như những tiên ông đang ngồi đánh cờ. Lưng chừng quả núi nầy, hướng xe chạy có một cái tháp cao 18 tầng giữ tro cốt những vị sư liễu đạo tại ngọn núi nầy. Xuống xe, khách tìm lối mòn đi lên núi Trà Sư. Quả núi nầy có cây cảnh xanh um, nhiều loại cây trái. Những mái nhà nhỏ rộng chừng bằng chiếc đệm ẩn khuất trong những chòm cây hay vách đá. Có những người cư ngụ hoàn toàn trong hang đá, không có cửa nẻo gì hết, người ta chỉ thấy những cái lu sànhhứng nước mưa để ở bên ngoài hang. Đa phần những người nầy là những nhà tu khổ hạnh. Chung thân diện bích. Người ta đồn rằng họ chỉ uống nước mưa mà sống. Cọp beo chồn khỉ rắn rít tình cờ bước tới cửa hang đều cúi đầu một cái rồi quày quà bỏ đi. Người ta cũng nói hai thời kỳ chiến tranh không có một hòn đạn nào rớt ở đây. Chiến tranh không thể có trên đất Phật. “

Dạo quanh khu vườn đầy hoa trái thơ của văn Nguyễn Cát Đông-Trần Bang Thạch, những dẫn chuyện như trên là những bộc phát tận chân tâm của Ông, bởi không gì quảng đại và thống thiết hơn tự đáy lòng hiền giả, vẫn ngàn năm con quốc gọi hè….

Ngô Nguyên Nghiễm
Thư trang Quang Hạnh
Ngày hướng về Thất Sơn tìm bạn cũ, Quý Tỵ.

Thơ NGUYỄN CÁT ĐÔNG

Ta Nghe Chừng Thiếu Một Hơi Quen

Nên mỗi ngày qua
thêm một nỗi buồn riêng
thêm một chút ngậm ngùi cố thổ
ở ở, đi đi ta làm khách trọ
sớm nắng chiều mưa bóng nhỏ bên đường

Để mỗi đêm dài điếm cỏ cầu sương
ta mơ làm người Lý Bạch
đê đầu tư cố hương
thấy hồn mình lượn lờ nơi viễn phố

Thấy mẹ lưng còng
trên sân rêu phủ
mắt lệ nhòa từ buổi con đi
ngày ngóng đêm trông từng cánh chim về
nghe sao nặng tháng ngày đứt ruột

Thấy cha một mình
trên dòng kinh nước đục
đêm ba mươi một chiếc xuồng câu
tiếng độc huyền cầm chảy suốt đêm thâu
(cha muốn gởi gì trong hơi đồng sũng nước?)

Thấy mái chùa cong
thấy ngôi trường buổi trước
ta nhìn ta một thuở rong chơi
ta nhìn em tóc bím, môi cười
trao ánh mắt cho ta
mà con tim giữ lại

Và cứ giữ nghe em
những ngày xưa ấy

Giữ giùm ta một góc trời quê
để hồn ta còn có chỗ trở về
khi đất lạ ta mồ xanh cỏ.

Nguyễn Cát Đông

(Trần Bang Thạch)




-Tên họ thật: Nguyễn Công Danh, 1942 sanh quán tại Cần Thơ.
-Làm thơ, văn, phóng viên…đăng trên các báo và tạp chí văn học trước 1975, bút hiệu Nguyễn Cát Đông. Từ 1980, tại Hoa Kỳ dùng bút hiệu Trần Bang Thạch.
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Tiếng Động (Cần Thơ/ Sài Gòn) 1963-1965
-Tổng Thư Ký tạp chí Chỗ Đứng do Ban đại diện SV ĐHSP/SG chủ trương 1967-1969
-Trong BBT tạp chí VHVN, Houston Texas, từ 1998 đến nay
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Thư Quán Bản Thảo từ ngày đầu, tháng 10-2001

-Tác phẩm:

Đường sang đất trích, 1966, kịch thơ, do Nhóm Nhân Văn ĐH Văn Khoa SG in ronéo (Tuyệt bản)
Tuyển Truyện Nguyễn Cát Đông, 1967, tập truyện, do Ban Đại Diện SV/ĐHSP/SG ấn hành, in ronéo. (Tuyệt bản)
Áo Mây Bay, thơ, chung với Huỳnh Phan, 1971, do nhà sách Nam Việt (Châu Đốc) xuất bản (Tuyệt bản)
Tuyển Tập Truyện 18 tác giả Miền Nam Trong & Ngoài Nước, 2003, Thư Ấn Quán xuầt bản.
Bên Trời (Tuyển tập Thơ 14 tác giả miền Nam, 2004, Thư Ấn Quán.
Tuyển Tập Thơ 7 tác giả Trong và Ngoài Nước, 2004, Thư Ấn Quán.
Quẩn Quanh Chuyện Đời, trập truyện, 2006, Thư Ấn Quán.
Truyện trước 1975 in trong Văn Miền Nam, Tập 4, Thư Ấn Quán, 2009.

Từ lúc bắt đầu viết, thường hay viết chuyện của những người yêu nhau; thơ cũng vậy. Những năm gần đây hay viết chuyện về xã hội chung quanh.

Quan niệm sáng tác của mình không nhất thiết phải tùy thuộc vào đọc giả; cần nhứt là dàn trải được ý tưởng của mình. Nếu truyện nào có đọc giả thích thì đó là điều may và thật là hạnh phúc.

Muốn có nhiều thì giờ để viết cho đã. Chắc cũng không còn bao lâu.



No comments: