Sunday, September 24, 2017

Rác

______________

 Lanh Nguyễn






Rác. Theo tôi là những thứ bỏ đi không còn dùng được nữa nhưng mà vất chúng ở đâu đây? Nếu mà mỗi người trong chúng ta cứ vất bừa ra đường, ra sông, ra biển thì thử tượng tượng xem thế giới nầy sẻ trở thành như thế nào???



Theo bà  Elizabeth Segara của Speakout thì trung bình mỗi ngày một người Mỹ đã thải ra 4,4 pounds rác hay 6.351 pounds một năm. Tính chẵn thì là 3 tấn rác. Không những vậy mà trong 100 năm gần đây dân số mỗi ngày mỗi tăng, số lượng rác thải ra mỗi ngày mỗi nhiều vậy thì còn bao lâu nữa trái đất nầy sẽ biến thành một bãi rác khổng lồ???

Trước đây người ta có 2 cách hủy rác một là đào hố chôn hai là thả cho chúng trôi ra biển. Nhưng ít có người suy ngẫm có bao nhiêu rác trôi trên biển hoặc chìm dưới lòng đại dương. Nếu chỉ tính riêng cho những vật nổi trên biển như là chai nhựa, bọc ni-lon ...hay  nói chung là họ hàng nhà plastic thôi thì mỗi năm cũng hơn 28 tỷ pounds rồi. Mà plastic muốn phân hủy hoàn toàn phải cần đến 450 năm cho tới 1000 năm tùy theo loại. Còn chai thủy tinh thì phải mất cả triệu năm.


Một bãi rác ven biển

Nếu chúng ta không làm gì hết thì theo cái đà tiến triển của nhân loại hiện nay kéo dài đến thiên niên kỷ kế tiếp chắc chắn thế giới nầy đi đâu cũng đụng chai thủy tinh và chai nhựa mà thôi. Trước cái diễn ảnh đen tối đó người Mỹ đã quyết định recycle tất cả các loại rác nếu có thể được. Họ lập ra rất nhiều nhà máy tái chế biến rác để sử dụng lại từ sắt thép, lon nhựa, lon nhôm chai thủy tinh cho đến giấy vụn cũng như thực phẩm dư thừa...



Đầu năm 1960 quốc hội Mỹ bắt đầu thảo luận để tìm cách giải quyết vấn đề rác, nhưng mãi đến tháng 12 năm 1970 cơ quan United States Environmental Protection Agency (EPA) mới thật sự ra đời. Gần 1/2 thế kỷ nay nó đã cho ra cũng như thay đổi rất nhiều luật lệ về tái chế các phế liệu. Lập những nhà máy để xử lý các phế liệu đối với những nước giàu không có gì là khó khăn đáng nói. Chính phủ chỉ cần miễn thuế lợi tức thì tư bản ào ào nhảy vô nhưng làm thế nào để gom được phế liệu biến nó thành nguyên liệu để các nhà máy tái chế kia hoạt động được mới là vấn nạn cần giải quyết. 

Để hổ trợ cho chương trình tái sử dụng rác chánh quyền thành phố, tiểu bang, liên bang đã đặt ra nhiều hình thức thuế ví vụ như mua nước chai để uống thì 1 kết nước 35 chai phải trả 2 đô cho tiền tái sử dụng hay 1 block 6 lon bia, nước ngọt cũng phải trả hơn một đô cho tiền recycle mấy cái lon nhôm. Nhiều thành phố còn tính tiền của khách hàng một cái bọc nylon để đựng đồ là 25 xu nhưng nếu mình đem bọc ở nhà theo để chứa đồ thì lại được thưởng 25 xu. Chương trình nầy đã giúp ích rất nhiều cho việc hạn chế xử dụng bao nilon trong việc mua sắm hằng ngày. 
Thùng vuông chứa chai, lọ, lon, hộp thiếc...


Các bạn thử làm một con tính.  Mỗi ngày ở nước Mỹ không thôi nếu một người tiết kiệm không sử dụng 1 cái bọc nilon thì sẽ có 237 triệu bọc còn mới tinh chưa biến thành rác hay nói một cách khác 1 năm sẽ có 62 tỷ bọc không nằm dưới lòng đất hay trôi nổi trên đại dương.

Ở Mỹ giá những sản phẩm như bia, nước chai, nước ngọt, dĩa giấy v..v.. tương đối còn khá rẻ vì thế mà chai bia, chai nước lọc...khi đã uống cạn hay thùng giấy đã qua sử dụng rồi thiệt tình không có một chút giá trị gì, hơn nữa tiền lương tối thiểu của người dân lao động bây giờ cũng khá cao cho nên rất ít người đi nhặt phế liệu để gom lại mà đem đi bán. Để giải quyết tình trạng đó các công ty đổ rác đã cho ra đời chương trình recycling. Mấy năm đầu ngoài cái thùng rác mà mình order để chứa rác hằng tuần thì công ty rác thải còn phân phối thêm cho mỗi khách hàng một  cái thùng vuông để chứa các loại chai không hay hộp thiếc không. 
Đen: chứa rác hỗn hợp đem thiêu hủy
Xanh dương: Recycle chai nhựa, thủy tinh, hộp kim loại,
giấy carton...
Xanh lá cây: chứa thực phẩm dư thừa, lá, cây, giấy vụn...

Dần dần thấy chương trình nầy có nhiều người hưởng ứng với kết quả khả quan bây giờ họ cung cấp cho mỗi gia đình  3 cái thùng lớn cùng một cở.




Cái thùng màu đen là dùng để chứa rác hổn hợp không xài được phải đem đi thiêu hủy. 

Cái thùng màu xanh dương chứa những thứ có thể recycle để tái xử dụng như là:Chai nhựa, chai thủy tinh các loại hộp bằng kim loại, giấy carton..v..v...



Cái thùng màu xanh lá cây thì dùng để chứa thực phẩm dư thừa, lá cây, giấy vụn v..v.. nói chung những thứ có thể tái chế thành phân bón...để bón cây.

Nếu như tất cả mọi người dân ở Hoa Kỳ đều làm đúng theo hướng dẫn của các công ty rác thì có thể số lượng rác thải sẽ giảm đi khoản 75 % và thời gian rác thải được phân hủy cũng rút ngắn tới mức tối thiểu.

Nhưng tính là một chuyện, kế hoạch nào trên bàn giấy cũng rất hoàn hảo chỉ khi thực hiện mới thấy cái trở ngại của nó. Hai cái thùng recycle mỗi cái đều có trở ngại riêng. Cái thùng màu xanh lá cây dùng để chứa các phế liệu có thể tái chế thành phân bón đó, nó thu nhận tất cả những thứ gì khi mục ra có thể thành phân hữu cơ ví dụ như là giấy vụn, lá cây trong vườn, cây ván mục và nhất là thức ăn dư thừa.

Trở ngại lớn nhất là thức ăn dư. Nếu là các bà nội trợ đảm đang thì các nàng chắc cho chúng khô nước rồi để tất cả vào một bọc giấy khô  tránh bốc mùi hôi trong khi chờ đến ngày đổ rác. Còn các ông chồng hay các bà tiểu thư không mấy siêng năng cứ đổ bừa vào thùng, một hai lần thì cả nhà sẽ được ngửi mùi hôi thúi. Vậy là trong nhà bắt đầu có chuyện lục đục cải vả. Bà vợ cằn nhằn:

- Em đả bảo anh làm cho nó khô nước rồi túm gọn cho vào bọc giấy khô vậy mà anh lại đổ đại vô thùng. Bây giờ anh nhìn đi nó ướt chèm nhẹp. Ruồi bu kiến đậu lại thúi không chịu nổi. Anh phải đi xịt nước tẩy rửa sạch cái thùng cho em...

Thế là lần sau nếu bà vợ nhờ đổ ba cái đồ ăn dư là anh chồng cho chúng vào bọc nilon cột chặt lại rồi vất vào cái thùng đen để khỏi nghe cô vợ cằn nhằn. Khỏe re...

Cái thùng màu xanh dương tuy không gặp trở ngại vì mùi hôi thúi nhưng mà kích thước cái thùng rất hạn chế trong khi những món đồ có thể recycle có nhiều cái khá lớn nên người ta không bỏ hết vào được. Trước đây mỗi năm công ty rác có 2 ngày "Neighborhood cleanups ". Hai ngày nầy ai có bất cứ thứ rác nào tồn kho như là bàn ghế giường ngủ tủ lạnh ti-vi máy móc  hư ..v..v..cứ đem ra để trước cửa nhà xe rác sẽ đến dọn dẹp sạch sẽ.

Mấy năm gần đây để có tiền cho chương trình recycle công ty rác đã hạn chế cái chuyện cleanups neighborhood nhưng vẫn cho khách hàng đổ free mỗi năm 2 lần. Muốn công ty rác đến đổ rác free cho mình khách hàng phải gọi điện thoại hoặc lên online hẹn ngày cho họ đến. Ngoài ra những loại rác có chứa hóa chất người dân cũng được cho đổ ở nơi mà công ty rác chỉ định chứ không được vất bừa bãi trên lề đường.





Một bãi rác ven đường



Luật lệ rất rõ ràng nhưng nước Mỹ là một hiệp chủng có vô số sắc dân nhất là ở thành phố San Francisco vì thế cho nên người tuân theo pháp luật thì cứ tuân hành kẻ vô ý thức cứ lén lén vất rác bừa bãi ở trên đường vắng hay những khu đất trống. 



Ở các thành phố người ta thường thiết lập các thùng rác công cộng. Thùng rác có 2 phần. Phía trên dùng để chứa các thứ có thể recycle phía dưới chứa rác.

Những  năm gần đây giá phế liệu như lon nhôm, chai nhựa tăng cao, cho nên ở các thành phố có khá đông người đi lượm chúng đem bán. Nhưng mà lượm ở đâu??? Nếu không phải họ lấy từ những thùng chứa đồ recycle do các công ty rác thiết lập hay là lấy trong các thùng xanh dương của mỗi gia đình. Tất cả đều là tài sản của các công ty rác. 

Tôi không muốn nói rõ thành phần nào có nhiều người đi moi móc các thùng recycle để lấy lon nhôm hay chai nhựa đem bán hầu tránh tiếng là kỳ thị. Nhưng hành động đó không thể chấp nhận được. Lấy tài sản của người khác mà không có sự đồng ý cho phép thì gọi là gì nhỉ??? Ngoài ra những người nầy khi moi móc trong cái "blue bin" còn vất bừa những thứ như lon thiết hay hộp giấy đầy cả mặt đường chứ không chịu bỏ trở vào thùng cho gọn gàng sạch sẽ như lúc ban đầu...Thế cho nên nhiều chủ nhà đã không để lon nhôm và chai nhựa trong cái thùng màu xanh dương nữa mà người ta cất lại để dành trong garage hay sau vườn nhà lâu lâu đem đến các chỗ thu mua phế liệu rồi xếp hàng mà bán, tuy tốn khá nhiều công mà số tiền thu được rất khiêm nhường đôi khi họ bán xong thì mang tiền đó tặng cho các cơ quan từ thiện hay những kẻ ngủ đường...Vậy mà không ít người Mỹ đã cảm thấy vui vẻ hạnh phúc khi làm công việc đó.

Rác vẫn luôn luôn là vấn đề làm điên đầu con người dù cho nó là những vật thể vô tri, vô dụng cần phải vất bỏ đi, hay là những loại người mà bị đồng loại xem là đồ rác rưởi trong xã hội...


Lanh Nguyễn

1 comment:

Ledinh chontam said...

Đồ ăn thừa h̀ôi hám người ta có thể biến thành methanol dầu xăng.
Bây giờ nhiều người làm giàu vì rác.
Đừng quên ngày xưa chú Hoả đi lượm và bán mãnh chai vỡ. Chú xây một nhà thương ở Sài-gòn cho bà con, nhà thương vẫn còn chỉ đổi tên thôi.
LDCT