Tuesday, July 10, 2018

Buông

Nguyên Nhung


Thật sự cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết văn chương đến với tôi là Nghiệp hay Nợ. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ trong một lần ngồi tâm tình với cô bạn văn, Thầy vẫn xem chúng tôi, những người viết văn hay làm thơ là những người bạn nhỏ của Thầy, đã nói một câu mà cho tới giờ này tôi không quên:

" Viết chỉ là Nghiệp khổ, cứ vui vẻ mà trả cái Nợ văn chương của mình. Không viết không được, cũng khổ vì luẩn quẩn hoài những câu chuyện và nhân vật trong đời sống của mình không chịu buông. Thôi thì cứ viết, cứ in sách mặc dù biết tác phẩm không nuôi sống được mình, nhưng dù sao mình cũng trả xong cái Nợ viết" 

NN_withDQSi.jpg
Tôi vẫn gọi ông là Thầy, mặc dù chẳng được học với Thầy một giờ, nhưng từng trải với cuộc đời để viết  thì thầy có vô số kinh nghiệm. Nhân ngày lễ Quan Âm tổ chức ở chùa Việt Nam, tôi lại gặp Thầy khi cả hai được mời đến gian hàng thả thơ để nói chuyện văn chương sách vở, dĩ nhiên với đám đông Thầy luôn là một vì sao sáng. Trong khi chờ đợi hai thầy trò ngồi dưới bóng mát của một cây cao, tấp nập người qua kẻ lại, câu chuyện không hiểu vì sao lại đưa qua chữ BUÔNG khi thấy Thầy băn khoăn chờ buổi nói chuyện do ban tổ chức mời, trên tay cầm một tập giấy.
Băn khoăn mãi thầy hỏi tôi:
" Không hiểu tôi sẽ nói chuyện ở đâu và giờ nào?"
Nhìn nỗi băn khoăn trong đôi mắt Thầy, tôi nói đùa:
" Thầy ạ! Đừng nghĩ mình sẽ nói gì và ở đâu, chỉ biết giờ này hai thầy trò ngồi đây ngắm ông đi qua bà đi lại cũng vui rồi. Trong đám đông ấy chẳng mấy ai biết mình là ai, hội chợ phù hoa cả thôi thầy ạ."
Bất ngờ thầy hỏi lại tôi:
" Như vậy có nghĩa là Buông phải không?"
Tôi gật đầu hóm hỉnh:
" Vâng, đạo Phật thường dạy người ta tập buông bỏ thì bây giờ mình tập buông không biết mình là ai, quan trọng như thế nào, cái tôi gò bó sẽ không cho mình thoải mái khi đến một nơi nào, làm một việc gì mà không hiểu có được như lòng mong đợi."
Câu chuyện tới đó là hết khi thầy được mời nói chuyện thơ văn giữa ban trưa, ở một nơi đông người qua lại mà hình như chẳng có mấy người tha thiết đến chuyện văn chương thơ phú. Bây giờ nghe nói thầy đang dưỡng già bên Cali cùng con cháu, trí nhớ mù mờ đã quên nhiều và quên cả tên những người thầy quen biết. Phải chăng thầy đã buông đời trong một nghĩa nào đó, hay chính cuộc đời chỉ là một sự đào thải không ngừng theo giòng thời gian.
Nhớ lại lúc ban đầu tôi tới với nghiệp cầm bút ở hải ngoại, chỉ vì muốn được tặng 1 năm báo của tạp chí Hương Quê do nhà nhiếp ảnh Văn Vũ làm chủ nhiệm, nhà văn Anh Vân làm chủ bút ( nay anh cũng đã tiêu diêu miền cực lạc). Cái thuở ban đầu mà đi đâu tôi cũng có thể mang về nhà một tuần báo, hay tạp chí biếu không, chứ mua thì chắc là tôi chưa nghĩ tới chuyện mua ủng hộ các tờ báo đâu (vì chưa làm gì ra tiền). Chủ đề của tạp chí Hương Quê là dành cho những gia đình HO (diện tù CS) sau năm 1975, viết về những năm tháng lao tù và cả những nỗi nhọc nhằn sau năm 1975 mà chúng tôi trải qua.
Chủ đề như đánh trúng sự đau khổ của lớp người đã từng sống dưới chế độ CS sau năm 1975. Không có máy đánh chữ và cũng chưa có computer để sử dụng như bây giờ, tôi vừa giữ trẻ vừa hì hục viết rồi cũng xong truyện "Bên Bờ Vực Thẳm", kể toàn những sự thật cay đắng trong thời gian đó, gửi bản thảo viết tay cho ông chủ nhiệm báo Hương Quê. Ai ngờ,  tháng sau khi báo phát hành, bài của tôi được chọn đăng và còn nhận được tờ báo biếu với lá thư cảm ơn viết rất trân trọng, sau đó là một cú điện thoại do chình chủ nhiệm gọi tới tận nhà mời tôi cộng tác thường xuyên với tờ báo. Thực ra viết không khó, hình như người Việt Nam nào cũng là một nhà thơ, nhà văn nếu chịu khó quan sát cuộc sống xung quanh mình, từ con người cho tới cây cỏ, nếm trải thêm nhiều cay đắng chát chua của đời rồi cứ thế viết lại một cách trung thực, hình như dễ đi vào lòng người.
Viết khổ thật như lời thầy Doãn quốc Sĩ nói sau này, nhất là đối với người thiếu thốn mọi phương tiện như tôi, nghĩa là chỉ có xấp giấy trắng và cây bút nguyên tử (cầm bút mà ly!). Sau đó muốn gửi cho báo nào, thì lại phải đi photocopy rồi đem ra Bưu Điện, và kết quả là cái ông chủ bút, chủ nhiệm hay thư ký toà soạn, cũng lây cái khổ từ nghiệp văn chương như tôi, nghĩa là ngồi cong lưng đánh máy lại. Sau này khi được ông anh họ tống khứ cái máy computer cũ tôi mới học đánh máy bỏ dấu chữ Việt, việc viết lách nhờ vậy đỡ khổ hơn cái thời ngồi bôi bôi xoá xoá, viết đi viết lại mỏi cả tay.
Nhà ở gần một cái chợ nhỏ của người Việt Nam, mỗi tuần đi chợ lại nhặt đem về vài tờ báo nữa, quảng cáo thì nhiều, bài vở thì ít nhưng dù sao cũng là món ăn tinh thần của người Việt tha hương mới sang định cư như gia đình tôi. Dù vậy ngoài mục bình luận về thời thế, tin địa phương, chuyện gia đình thì họ cũng ráng nhét thêm một, hai bài thơ, hay một truyện ngắn không dài lắm. Lần này thì cái Nghiệp Khổ của tôi nó thừa thắng xông lên, nhớ đến lời khích lệ của thầy Phạm Huy Viên, giáo sư dạy môn Văn trường Đoàn thị Điểm Cần Thơ năm xưa, khi tôi mạo muội đưa cho thầy đọc vài truyện ngắn viết về nỗi trăn trở của tuổi trẻ thời chiến tranh. Đọc xong thầy thở dài vì biết học trò mình đã trưởng thành và đánh mất quá sớm tuổi học trò khi phải chứng kiến hằng ngày sự bi thảm của chiến tranh. Dù sao thầy cũng thân mật nói với tôi một câu:
" Thầy dạy em thật nhưng chưa chắc viết được như em. Cố lên, hy vọng sau này em sẽ trở thành một văn sĩ."
Tôi bắt đầu viết cho tuần báo "Saigon Journal" do chị Vũ Thanh Thuỷ, phóng viên chiến trường ở VN trước năm 75 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cứ mỗi tuần, cô thư ký lại gọi phôn nhắc tôi gửi bài, và hầu như bài được đăng dài dài trên tuần báo này. Đâu ngờ nơi đây cũng chính là bàn đạp để tôi sáng tác, nhiều đề tài khác nhau để có truyện đọc dai dẳng hơn 10 năm, mỗi tháng một truyện, ôi biết bao nhiêu chuyện từ những cay chua để có thể tồn tại được với trăm bề thiếu thốn ở VN sau chiến tranh, cho tới cuộc sống xung quanh của người tỵ nạn mới chân ướt chân ráo tới Hoa Kỳ. Sau đó thì cái nghiệp lại có vẻ nặng nề hơn, tôi được mời phụ trách chương trình đọc truyện trên Radio do chính tôi viết và đọc, ban đầu thì rất khớp vì đây không phải là viết cho độc giả đọc, mà còn cho thính gỉa nghe khiến tôi ... run như phải đứng trước hằng nghìn người để nói một bài gì đó mà lại không thuộc bài. Mãi sau cũng quen, tôi đã làm được chương trình này hơn 10 năm, chưa kể chương trình Giới Thiệu Sách cho các nhà văn, nhà thơ khắp nơi gửi tới nhờ giới thiệu.
Tôi được nhiều tạp chí mời cộng tác, trong đó có tạp chí "Văn Hóa Việt Nam" do anh Phạm quang Tân làm chủ nhiệm, nhà văn Lê Cần Thơ làm chủ bút. Tạp chí này ba tháng một lần, quy tụ được rất nhiều cây bút tầm cỡ khắp nơi, nhất là về văn học. Sau đó thì cái Nợ đưa đẩy, trở về với những anh em trong gia đình HO, hoàn cảnh chung là những người Lính bị đi tù sau năm 75, và được chính phủ Hoa Kỳ cho định cư ở Mỹ, đền bù lại những lúc ăn bo bo và đi kinh tế mới. Trong các tạp chí tôi thương nhất tờ báo này, vì toàn chỗ anh em đồng cảnh ngộ, tạp chí HO cũng nghèo tơi tả sống nhờ quảng cáo và đôi khi từ tiền túi của ông chủ nhiệm Phạm Hi, (anh cũng đã ra đi về với Chúa 10 năm rồi), và cũng là người làm được nhiều chương trình thiết thực cho gia đình HO lúc bấy giờ.
 Ảnh dưới đây: GS Nguyễn Văn Trường bồng đứa cháu gọi bằng ông, chụp 2 ngày trước khi GS Trường từ giã thế gian ngày 3 tháng 1 năm 2018 tại Houston, Texas.
NN_ThayNVTruong.jpg
Tôi tiếp tục câu chuyện dở dang này khi một truyện ngắn của tôi đăng trên Đặc San PTGĐTĐ ở San Jose năm 1999. Câu chuyện tình khá lâm ly bi đát, nhưng lại đưa ra hoàn cảnh bi luỵ của một mối tình học trò, giữa hai giai cấp giàu nghèo của "chàng và nàng", khi cô nữ sinh ngày ấy lại là con một người lính trận, sống trong một khu lao động nghèo, để rồi khi người cha tử trận, bỏ lại một gia đình nheo nhóc trong cảnh lầm than. Mối tình ấy chắc chắn phải vỡ tan vì cái nghèo càng ngày càng đưa đẩy gia đình người tử sĩ vào bế tắc, và cuối cùng thì đến năm 1975, chế độ miền Nam hoàn toàn sụp đổ, cô gái may mắn theo đoàn người di tản qua xứ người, còn chàng trai nhà giàu kia sau cũng là một sĩ quan VNCH, nên cũng bị tù nhiều năm trong trại tù CS.
Chuyện còn nhiều tình tiết theo tưởng tượng của người viết, tha hồ cho nhân vật mình đi vào ngõ ngách của cuộc đời, cũng không gọi là một câu chuyện đặc biệt lắm nhưng lại được giáo sư Nguyễn văn Trường chú ý đến tác giả, và nhân một dịp họp mặt nho nhỏ, Thầy đã giới thiệu tôi đến với tạp chí Đi Tới ở Montréal, với lời gởi gấm và hy vọng đem trồng một cây hoa dại, giữa khu vườn toàn những cây bút gạo cội như Bác Sĩ Ngô thế Vinh "Cửu Long cạn giòng, biển Đông dây sóng", tiến sĩ Mai thanh Truyết viết về chất độc màu da cam, giáo sư Nguyễn văn Trường viết nhiều bài về giáo dục, nhà văn Phan Nhật Nam, Vũ ngự Chiêu viết về chiến tranh,  nhà văn Trần bang Thạch viết về cuộc sống quanh chúng ta, và còn rất, rất nhiều những cây bút khác mà tôi không nhớ rõ.
Hôm nay một ngày mùa đông 2018, thầy Nguyễn văn Trường đã ngủ yên trong lòng đất, và nếu như thế giới bên kia hồn được bay bổng, tôi mong rằng thầy cũng đang trên đường thênh thang về thăm lại Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nơi chôn nhau cắt rốn của Thầy. Và sẵn dịp lan man vài giai thoại vui vui về Thầy, khi giới thiệu tôi với tạp chí Đi Tới, đa số là những những nhà khoa bảng, nhà giáo, nhà chính trị có tên tuổi trước kia, tôi đã đáp ứng ngay bằng bài viết "Lá Thư Gửi Thầy Giáo Cũ", để không ngờ bài viết đã làm rơi lệ bao thầy cô giáo một thời lao đao với XHCN. 
Giữa thầy và tôi hình như đã không có một khoảng cách xa tăm tắp như người trên trời, kẻ dưới đất, lắm khi thầy viết email cho tôi chỉ để hỏi về một chữ phải viết sao cho đúng, vì thầy tin tưởng cái chất Bắc Kỳ của tôi có khả năng viết ít khi trật chính tả. Thầy tâm sự, đời học trò thời Pháp thuộc học toàn chữ Tây, lại dân Nam Kỳ nên " nói sao viết vậy", bài viết có giá trị mà đôi khi hơi bị ... sai lỗi chính tả, nên thấy cũng không ổn lắm.
Nhưng đặc biệt nhất vào một mùa thu, thầy được mời thuyết trình cho Hội Giáo Chức, và thêm một buổi nói về Thu tại Trung Tâm Cao Niên khu Northwest. Thầy Trường đã mượn bài thơ " Chiếc Lá" của tôi để dẫn nhập vào bài thuyết trình hôm ấy, vì nỗi trăn trở khi muốn biết thân phận cuả chiếc lá hay con người rồi sẽ đi về đâu:
"Có đôi khi tôi hỏi mình là ai
Từ đâu tới, và còn đi đâu nữa..."
Trong vài lần tiếp xúc này, tôi đã nhận ra tính cách khiêm nhượng của thầy, một nhà giáo đúng nghĩa trong đời thường cũng như trong nghề nghiệp. Thầy thắc mắc khi đọc tiếp vài câu thơ trong bài thơ Chiếc Lá, và hỏi tôi lý do tại sao lại viết như vậy:
" Một nửa đời đã đong đầy nỗi nhớ
Một nửa đời còn lại để lãng quên
Rồi một ngày sẽ không nhớ nổi tên
Của những người quen mà mình đã biết"
Tôi đã hồn nhiên trả lời sự thắc mắc này, như ngày xưa tuổi học trò tôi vẫn hồn nhiên nói chuyện với các thầy cô của tôi:
"Thưa thầy, theo em thì ... mỗi người thời tuổi trẻ, đã chất chồng bao nhiêu kỷ niệm huy hoàng, đau thương vào trí nhớ của mình, cái đó gọi là quá khứ. Nhưng rồi đã đến nửa đời sau người ta từ từ muốn quên đi, và em coi đó là Buông, buông đi cho nó nhẹ để an hưởng tuổi già. Cuối cùng Quên chưa đủ, đến lúc không nhớ nổi tên người mình quen nữa thì gọi là Lãng. Đó là lúc Chiếc Lá nó sắp rơi đó thầy...hì hì hì"
Cứ tếu tếu vui vui vậy, hai thầy trò trao đổi với nhau trong điện thoại, ngày xưa tôi học dốt nhưng may mắn ông trời ban cho chút năng khiếu bù trừ, nên mới có cái may nhờ văn chương mà gần gũi với độc giả khắp nơi. Mùa đông năm nay, mới bước vào năm mới thì Thầy đã vĩnh viễn ra đi, thoảng như chiếc lá rơi nhẹ đến nỗi đất trời tưởng như cũng không ngờ chiếc lá vàng ấy đã lặng lẽ lìa xa trần thế, về nơi vĩnh hằng mà khi còn sống thấy vẫn gọi đó là hội Nát Bàn. Ý nghĩ ấy khiến tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ viết đã lâu:
" Lá ơi, khi lá mới vừa trổ
Là biết khi nào lá sẽ rơi!"
Chuẩn bị tinh thần thì sẽ thấy lằn ranh sống chết chỉ đi bằng một bước chân, tìm cách sống an nhiên tự tại để hưởng hạnh phúc từng ngày là đạt Đạo.
Cuối năm, ở tuổi "ôn cố tri tân" nên không khỏi nghĩ ngợi chuyện cũ, chuyện mới, có khôn hơn một tý thì cũng là lúc bước gần hơn một tý điểm tới của đời người. Chẳng có chi mà buồn!
Trở về câu chuyện văn chương, tôi cũng chẳng thấy là Nghiệp hay Nợ, vì nếu như mình buông không nắm giữ thì coi như nhẹ gánh cho đôi tay đỡ mỏi khi gõ chữ trên máy, và cái đầu cũng không lộn xộn nghĩ tới nghĩ lui mấy nhân vật (thường là tưởng tượng) ẩn hiện trong bữa cơm, giấc ngủ của mình.
Nguyên Nhung
Mùa hè 2018.
___________________________________________________________ 



THƠ XUÂN NGUYÊN NHUNG
NN_MeToiHoaTimGiuaMuaXuan.jpg 

1 comment:

Tật Hay Cừ said...

Hình hai bà như là bà Chưng và bà Chiệu dzị
THCừ