Mặc Nhân
Tình
nhân ái trong ngắn ngủi cuộc đời, chưa đủ! Con người cần phải giữ lại và thể
hiện một mối tình khác đang tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.Đó là tình yêu
loài vật.
Mặc Nhân
Mặc Nhân
Anh Bảy gác cu tên thật là Bảy
Nhỏ, con nhà khá giả, từ nhỏ đến lớn ở trong xóm Cây me. Nhà anh ở một bên là
vườn cây sum suê, một bên là đồng lúa mênh mông, nên chim chóc các loại bay về
làm tổ. Từ nhỏ mẹ anh hát dỗ anh ngủ trên võng cứ lập đi lập lại:
Cu
kêu ba tiếng cu kêu
Cho
mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Rồi lớn lên ra đồng
buổi sáng cũng nghe cu kêu, vào vườn buổi trưa nghe cu gáy. Tiếng cu kêu, cu
gáy thâm nhập vào thính giác anh, truyền lên não anh, đọng lại trong trí nhớ
anh thành một đồng vọng không thể thiếu. Cho nên anh thích cu. Thích cu là anh
nuôi cu. Nuôi cu là phải đi gát cu. Thế là anh có cái tên anh Bảy gát cu.
Trong dân gian có
truyền tụng câu sau đây nói lên một sự thật phũ phàng về việc gát cu, nhưng anh
vẫn bỏ qua, đã thích thì làm:
Ở
đời có bốn cái ngu
Làm
mai lãnh nợ gát cu cầm chầu.
Ngu hay không, không
sao miễn là mỗi lần xách lồng ra đồng gát cu là anh thấy lòng anh phơi phới
sung sướng vô cùng. Nầy nhé, cánh đồng bao la, mây xanh gió mát, leo lên cành
cây sầu đâu treo cái lồng bẫy xong, xuống nằm cạnh cây rơm thơm phức mùi rạ
mới, lắng nghe tiếng con cu mồi gáy gọi “mồi” mà lòng anh mê mẫn. Con cu mồi
lại thường đổi giọng tứ rúc lên cu, cu….đến gật gù đổ hột dòn tan rồi lại mơn
trớn gọi bạn tình bằng một hơi líu ríu mê hồn…anh Bảy nghe mà mê ly, mà say
đắm: Anh nằm ngửa, gối đầu lên một rể cây, miệng ngậm một cọng cỏ cầm chầu,
chân gát chữ ngũ ...ngo ngoe mấy ngón chân...lắng nghe con cu mồi trổ tài, anh
sung sướng đến tột cùng:
- Trời ơi! Con Cườm
gắm của ta sau mà gáy hay…vàng mây vậy ta!
Thế là anh Bảy vui vẻ chờ
đợi. kiên nhẫn chờ đợi…Anh giương mắt nhìn lên cành me đong đưa theo gió thổi,
ẩn nhẫn chờ thời, cầu xin một con cu trống nào đó nổi máu ghen lên đến chiến
đấu với con Cườm gắm của mình là…khoẻ. Anh chờ và chờ mà chưa thấy. Anh không
nãn chí. Kiên nhẫn là mẹ đẻ thành công mà. Cũng có một vài chú cu non nghe
tiếng gáy của chim mồi, bay lại đậu trên một cành cây bên cạnh, nhìn vào cái
bẩy, do dự rồi bay mất. Có con bay sà vào bẩy nhìn anh chàng Cườm gấm thấy mình
không đủ sức thi đấu với anh chàng cao thủ nầy nên cũng cất cánh bay xa.
Mặt trời đứng bóng,
anh đã đói bụng, con cu mồi Cườm gắm đã phí sức cho ông chủ mà cũng không kết
quả gì, cũng mất hứng nên không hót gáy gì nữa, đứng xụi lơ trong lồng. Anh Bảy
gát cu chán quá, leo lên cây me gở bẩy, xách về, mặt mày bí xị. Về đến nhà lớn
tiếng xách ngoé gọi vợ:
- Đói bụng rồi, mẹ nó đâu
dọn cơm ăn coi.
Từ trong buồng, chớ
không phải dưới nhà bếp có tiếng trả lời như nhát gừng:
- Đói thì xuống bếp
nấu mà ăn. Hay kêu mấy con cu đó nó nấu cho mà ăn. Già đầu mà không nên nết,
tối ngày cứ cu cu…
Anh Bảy giận quá nhưng
không cãi lại được, xuống bếp lục cơm ngụi ăn để trông cho trời mát mát một
chút trở ra đồng gác nữa.
Thật tình mà nói, nhà
anh Bảy từ hàng ba trước vòng ra mái hiên sau cả hai bên chái đều tòn teng lồng
cu và lồng cu. Cu đã thuần, cu đang tập, cu mới bẫy…mỗi buổi sáng sớm, trới
tốt, nắng ấm đàn cu đồng loạt kêu, gáy, gù, hót, đổ hột vang rân… thì nhà anh
quả thật là một nhà hát ô-pê-ra đang trình diễn mọi thể điệu với mọi điệu hòa
âm hòa khí đủ các loại âm thanh và nhạc cụ. Đó là nói với anh hoặc người tình
cờ đến chơi thôi, chớ còn đối với vợ anh thì quả là một cực hình phải ngày ngày
đinh tai nhức óc về cái giai điệu cúc cu cu…chán ngấy nầy.
Mặc cho vợ cằn nhằn,
đay nghiến, bỏ đói bỏ khát nhưng anh Bảy gát cu vẫn miệt mài mê mẩn gát cu. Một
hôm anh đi gát về, vui như trúng số vì anh mới bẩy được một con cu trong một
cặp mà anh theo dõi nó từ lâu vì chúng có lối đổ hột đến mê hồn. Anh chọn một
cái lồng đẹp, cho vào đồ ăn thức uống cẩn thận, thả con cu mới bẫy vào và chừng
đó anh mới nhận ra đây là con cu mái. Không sao, anh sẽ có cách bẫy con trống.
Con cu mới bẫy chưa
thích hợp với cảnh chim lồng cá chậu
nên cứ bay nhảy loạn xạ trong lồng son. Nhưng cũng từ hôm ấy, mỗi sáng con cu
trống đều đến nhà anh Bảy có lẽ để tìm cách cứu thoát hay ít ra thăm con cu
mái. Sáng, trưa, chiều, anh Bảy biết chính là con trống nầy, chính con nầy mới
hết sẩy, mà anh định bắt luôn cho đủ cặp.
Cho nên anh chọn chỗ
để đặt bẫy gần lồng nhốt con cu mái, dụ con cu trống đến, nhưng con trống thừa
kinh nghiệm để không là nạn nhân của anh Bảy. Anh Bảy lại nghĩ cách khác là anh
dùng mũ mít, mũ sa kê trét lên các cành cây mà chim trống thường hay đậu. Thủ
đoạn độc ác của anh chưa thành công thì một hôm anh được biết là vợ anh bỏ anh
dẫn con về bên nhà vợ và tuyên bố là ở luôn bên đó.
Được tin nầy, anh Bảy
cười khẩy:
- Khoẻ! Khỏi bị cằn
nhằn nữa. Ở nhà một mình mặc sức mà đi gát cu, tập cu hát, cho cu ăn, tắm rửa cu, nghe cu gáy…
Anh vui vẻ ra mặt. Đi
đâu anh cũng khoe:
- Mẹ con nó về bển tôi
còn khoái nữa kìa, vài bữa lội về bây giờ cho coi. Ở bên cạnh cằn nhằn cửi nhửi
hoái, đàn bà con gái...thiệt là....
Những ngày đầu là như
vậy, anh khoái thật, muốn làm gì cho đàn cu thì làm không thấy đôi mắt soi bói
của vợ nữa.
Con cu trống mỗi ngày
vẫn đến thăm cu mái, đứng trên cành cao nhìn về phía chim mái bị nhốt trong
lồng mà bất lực nên không gáy không kêu, không hót mà dáng điệu nó trông ủ rũ,
thê thảm. Cu mái cũng vậy, mỗi khi cu trống đến nó vẫy vùng dữ lắm, cánh nó đập
vào trong lồng, lông nó vẫy tung ra khỏi lồng bay lả chả, muốn đạp tung cả lồng
để bay theo cu trống.
Anh Bảy nhìn cảnh nầy
rất lâu. Bỏ vào nhà, anh thấy nhà vắng hoe, trưa rồi mà không có cơm ăn. Thằng
con nhỏ mà anh rất thương thường ngày nó đỏ đẻ với anh mà bây giờ nó theo về
bên ngoại với mẹ nó rồi. Anh thấy nhớ nó. Nhớ con rồi anh thấy nhớ vợ. Cằn nhần
thì cằn nhằn nhưng nhiều đêm mưa gió có vợ hủ hỉ cũng vui. Nhà vắng hoe, anh
cảm thấy buốn và buồn thật. Anh trở ra nhìn cảnh con cu mái và con cu trống,
anh thở ra....
Một hôm không chịu nổi
cảnh cô đơn, anh bấm bụng qua bên nhà vợ, Anh lỏn lẻn vào nhà. Không ai chào
hỏi, chỉ có thắng con chạy lại gọi : ba, ba. Anh vói tay bồng con, xuống nhà bếp
kiếm vợ năn nỉ:
- Thôi bà ẩm con về
đi. Ở nhà một mình buồn quá.
Chị vợ hứ một cái cốc
bảo:
- Còn mấy con cu của
ông đâu?
- Thôi mà bà, chuyện
giải trí mà.
- Giải trí vậy đó hả. Ruộng nương
không làm. Vườn tược không chăm sóc. Vợ con không ngó ngàn tới. Tối ngày cứ cu
cu…Đi về đi!
Bà mẹ vợ đi xuống bảo:
- Má nói con nghe, lớn
rồi phải lo gia đình vợ con chớ còn mấy con cu đó có ích lợi gì đâu. Lại với
con cầm tù mấy con vật đó mang tội lắm. Nó cũng như mình cũng muốn sống sum họp
tự do ngoài trời cao đất rộng với vợ với con.. Con bắt nó nhốt lại cho con vui,
con biết đâu là con chia cắt chúng nó, con nhốt nó trong lồng, chúng nó đau khổ
biết chừng nào. Nội hổm rày nè, con vợ con nó bỏ về đây là con chịu hổng nổi
rồi, con thấy hông?
Anh Bảy trước khi đến
đây xin đón vợ về đã chứng kiến đôi cu bị chia cách cứ tìm nhau mãi, con trong
lồng con ngoài lồng, nên khi nghe mẹ vợ nói như vậy anh xúc động quá bật khóc
như một đứa con nít.
Chiều lại cùng với vợ
con về nhà, việc đầu tiên là anh mở lồng thả con cu mái ra. Nó bay lên và đậu
bên con cu trống rồi cả hai cùng tung cánh trên nền trời xanh. Anh nhìn theo mà
lòng anh sung sướng vô cùng. -
5 comments:
Truyên của MN lúc nào cũng có hậu, tiền hung hậu kiết.
Cu có 3 loại:
- cu cườm
- Cu đất
- Cu ngói
Cu ngói là loại cu phá nhứt, tiếng gáy không thanh, cúc cu....cu.
Cu đất dân nhậu chịu lắm, thịt ngon, mềm,rôti nước dừa xiêm là hết sẩy, rượu Đường Xuồng có bao nhiêu cũng hết.
cu cườm ,dân gác cu thích nhứt, tiếng gáy thanh kéo dài,anh Bảy gác cu mê là vì vậy, cúc...cà. Rút...cà ..rút .....cu. Chỉ khác biệt một chút xíu mà dân gác cu phải chịu cực khổ, bà xã nhằn suốt ngày đêm, nói nặng, nói nhẹ đủ điều, chỉ Cần nghe nó gáy là:
Quá đã!!!! Là đủ rồi.
Có vị nào biết tại sao người ta không gọi là chim cu mà chỉ gọi vắn tắt CU mà thôi !!!
BLG
Đệ tử thì không biết một chút tí nào về gác cu . Hồi nhỏ tới giờ nghe nói về 4 cái ngu 3cái kia thì hiểu lơ tơ mơ ,nhưng bây giờ đọc bài nầy của bác MN thì đã hiểu chút chút tại sao người ta nói gác cu là cái ngu thứ 3rồi . Con thành thật cám ơn bác đã giúp con hiểu thêm về 4 cái ngu mà từ trước tới giờ hiểu chưa hết .
Anh bảy cũng hên nên vợ chưa bỏ luôn chứ bây giờ mà mê cở đó thì không chết cũng bị thương bầm dập ..
Dân Lục Tỉnh gọi con cu là con cu, hông có chim cò gì trong đó hết. Gác cu là gác cu, nói gác chim cu nghe hổng được.Tại sao tui hổng biết.
Anh Bảy nầy nếu gọi đúng cách của Miệt Vườn thì là ...Anh Bảy Cu, như Tám Gà, Tư Cua, Chín Lò Rèn, Hai nồi ... vậy chớ đâu có ai kêu là Tư Bắt Cua, Hai Làm Nồi hay Hai Bán Nồi đâu.
Hihi... lần nầy thì ông BLG hết hỏi tại sao tiếng "cu"... hổng có chim nghen.
Bài rất hay! YT
Bai viết của Bác MN rất hay, con cám ơn Bác.
Còn Anh YT ơi ! Đêm hôm qua cả nhà tui đọc comment của Anh cừơi pễ pụng hết ngủ luôn...
Người Rạch Gía
Tha Huong co nhung comments rat la vui nhon tui thich nhat cai muc nay
Mot doc gia TH
Post a Comment