Friday, July 24, 2015
Lan man… chữ, nghĩa
____________
Đoàn Khuê
Hai chữ nhà văn đối với tôi thật to tát. Trời không ban cho sẵn văn tài thì đố ai học mà thành. Ai gọi tôi là nhà văn, tôi vừa sướng, sướng chứ, rồi lại… bẻn lẻn ngay, nhất là sau đó người ta nhắc tới một nhà văn đã thành danh nào đó. Bảo ông ấy là một nhà văn, nếu ai nghe cũng gật đầu, hay im lặng vô tư, thì đó mới nhà văn. Như Bùi Ngọc Tấn, như Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, có ai dám nghi ngờ. Và tôi phải thêm chút nữa, một nhà văn trọn nghĩa sẽ chẳng bao giờ đọc văn ai kém hơn văn mình mà cười cả. Nhà văn có khác chi nhà thơ về chuyện này.
Tôi mới biết thơ hơn gần đây thôi, xưa nay tôi sợ thơ lắm. Như sợ giữa mấy tiệc nhậu, mà cứ thình lình ông chủ nhậu hăm hở từ trên lầu vác xuống nguyên tập thơ dày không dính bụi, bảo mình đọc… thử ra sao. Đọc thì phải khen chớ ai dám đọc thử rồi im luôn. Khen vài lần kiểu đó, ai không sợ thơ như tôi sợ… mới là lạ. Thơ đến với tôi như một người bạn mới, dù bạn đã lớn tuổi lắm, một người bạn chắc rất cô đơn. Hình như ai mang tâm hồn thơ đều dễ buồn, mình khen thơ ai khác mà chưa khen thơ họ là chuyện to, mười năm nào dễ ai quên. Thật ra, cảnh nhìn người làm thơ yêu thơ mình, đẹp chứ, đẹp vô tội rất ngây thơ. Có anh nhà văn lớn hải ngoại kia, chắc phải quen nhiều bạn thơ, nhưng anh từng viết vào sách, đại khái, thơ lỗi thời rồi, thơ giờ bán ai mua, chủ tiệm sách nào không lè lưỡi khi nghe ai trên phone nói muốn mang thùng thơ tới. Tôi hi vọng sau đó, anh ta biết áy náy về chuyện này. Nhưng cứ nhìn nụ cười hãnh diện ấy của anh khắp nơi thì tôi nghĩ là anh không bao giờ biết.
Từ khi biết nhận ra thơ, tôi thấy văn hay luôn phải chứa chất thơ. Dù chuyện nhận ra này phải tùy tiện thôi, khó ai đồng ý ai thơ đang ở hóc nào. Như đố ai thấy văn Bùi Ngọc Tấn rắn rỏi khô khan như thế, hể đâu ông chấm xuống nhấn mạnh nghĩa đó thiếu điều nghe cả tiếng bịch bịch, vậy mà lại chở nhiều chất thơ đến lạ lùng. Cụ thể hơn, thơ ông hiện ra lồ lộ đến không thể quên để ý được ở khúc vợ ông tắm dưới trăng tù, lúc ông đang ở tù, trong Chuyện kể năm 2000, hay cảnh bến cảng sương mù lúc tàu đang lờ lờ rời bến, kêu lên những thứ tiếng tu tu… tu tu… hoang sơ đến bềnh bồng tiền sử… Và lát đát khắp nơi, nhất là mỗi khi ông tự sự tiếng dài tiếng ngắn, ừ, ông hay thích… than thật, dù chỉ than ẩn qua bao sự việc quanh mình…
Thiệt ra theo tôi, chất thơ, chất lãng mạn, phải có trong văn, đã gọi là văn chương thì phải lãng mạn. Một ông nhà văn đúng điệu thì dù có viết một bài phân tích kinh tế, hay chỉ dẫn cách người ta mổ não… cũng vẫn lai rai lãng mạn. Lãng mạn đâu cần phải có mặt tình yêu, hay trăng trôi trên sông nước, hay sim tím chiều hoang… Một dáng nằm bất động chờ định mệnh của bệnh nhân, một cái chết không lời chia tay ai, một làng nghèo vì thất mùa thu hoạch… tất cả đều dư sức gợi lan man bất ngờ đến nhiều cung bậc cảm xúc của một nhà văn. Nếu văn chương phải biết chuyên chở êm ái những sự lan man, mông lung, tình cảm… như thế, thì chắc văn chương có khi cũng không cần tới những thứ luật lệ khắt khe của mấy dấu chấm câu mà phải làm mọi người phân tâm bận bịu linh tinh đâu nhỉ. Những câu tỏ tình đứt khoãng vụng dại kia, thì có cần chi chấm câu phải sít nghĩa, sao vẫn cứ động lòng cỏ cây đến nghẹn lời. Những lời chia tay ra chiến trận với vợ trẻ con thơ kia sao nghe thật não lòng căn nhà nhỏ, đố ai nhớ tới mấy dấu chấm câu cho chuẩn nghĩa mà thêm vào…
Đúng là những phép chấm câu ấy giúp văn chương được rõ nghĩa tận ngọn từng ý một. Nhưng ai ra lệnh văn chương thì phải sao cho minh bạch, cho lớp lang như thế chứ. Có bài tình ca bay bỗng kỷ niệm nào, có bức tranh vẽ tay truyền cảm nào, có bài thơ miẽn man ký ức nào sâu lắng mà phải rõ ràng từng câu từng ý như thế chứ. Đang miên man lim dim thì người đọc có cần thấy cái dấu chấm than hay cái dấu hỏi làm giựt mình đấy không. Văn đang lan man thì có ai muốn đặt mấy dấu hỏi thiệt mà chờ ai trả lời đâu chứ.
Tôi chợt nhìn lên đầu đề bài này, tôi thấy dấu phẩy ở giữa chữ và nghĩa ấy mà cười, ấy là tôi bắt chước lối viết của nhà thơ Du Tử Lê đấy. Dấu phẩy ấy tách rời ra hai chữ vốn vẫn hay đứng chung, đúng là có tạo trân trọng hơn, có tạo rõ nghĩa hơn cho từng chữ, tuy lựng khựng hơn đối với ai hay đọc vội. Chắc mỗi chữ đối với nhà thơ đều biết thở, đều có một đời sống, có một nghĩa, một ấn tượng hẳn hoi, và chắc khi làm thơ thì ông lựa từng chữ rất khổ công. Chắc ông phải ráng trau chuốt từng chữ thơ kinh lắm, để chúng mang màu áo cũ thời gian như chưa hề bị trau chuốt, cho tự nhiên, cho lan man hơn…
Tôi hay bị ám ảnh bởi cách chấm câu nhiều lắm, đọc bất kỳ ai là tôi lưu ý chuyện đó trước. Nhưng chắc tôi chưa bị ám ảnh bằng chị nhà văn kia, chị vừa nhà văn lâu năm lắm, vừa lo mục gỡ mối tơ lòng gì đó trên một tờ báo cộng đồng nơi tôi ở. Có lần trước khi trả lời cho ai đó cần chị giúp ý kiến đời tư, chị viết câu, đại khái, cám ơn bà đã gởi tôi bức thư mà không hề bị vấp bất kỳ… lỗi chính tả nào. Chị vui tánh thật. Chắc chị từng là cô giáo. Hình như những người từng là nhà giáo, dễ có sẵn lối sống nề nếp, nên hay phải trái rõ ràng như đinh đóng cột về cách chấm câu thì phải. Và đương nhiên, họ thích xài dấu chấm phẩy. Tui đọc trên mạng thấy nhiều người cho rằng dấu chấm phẩy đang từ từ bị loại bỏ, mà mừng. Tui chúa ghét cái dấu ấy, lắm khi xài mà cứ bực bực. Là cái dấu ít lãng mạn nhất trên đời. Mà chắc không chỉ riêng tôi, anh nhà văn nổi tiếng nhất nhì hải ngoại kia, chỉ hay chấm phẩy chừng vài lần trong mỗi tác phẩm của anh.
Tôi ráng nghĩ đến cái hay của văn chương như cái duyên của một cô gái. Nếu có duyên thì sẽ có duyên, không ai xóa đi nổi duyên cô được, cho dù cô gái ấy mới ngủ dậy, hay đang giữa cơn bực tức, hay từ phòng vệ sinh vừa bước ra, vừa… thở phào nhẹ nhõm. Nếu hôm nào cô có lỡ mặc chiếc áo quá hở ngực làm cả bàn tiệc cưới chới với, tưởng cô sẽ trở thành vô duyên trong mắt một người khó tánh nào đó trên bàn, nhưng không, chính sự áy náy cứ vừa muốn cúi cúi che đi, vừa mắc cỡ đến đỏ mặt có duyên đến kỳ lạ ấy của cô sẽ hiện ra và cứu lấy duyên cô. Cũng như nếu văn chương hay thì… cứ hay thôi, bất kể gì gì khác.
Càng nghiên cứu sâu hơn cách chấm câu, tôi càng thích lối viết lan man một hơi, kiểu hơi lạ lạ không đồi dốc, không biết vậy thì có sao không. Một hơi, có nghĩa là, tôi tránh viết hoa nặng nề khi có thể được, và tôi ráng né xài lắm thứ dấu bề bộn như chấm phẩy, như hai chấm, như ngoặc kép, như gạch ngang, như dấu hỏi, và ngay cả chấm than… Vấn đề tiên quyết mà tôi phải nhớ là, liệu người ta đọc và có hiểu mình đang viết cái gì không. Nếu họ hiểu dễ dàng thôi thì có vấn đề gì mà ầm ĩ chứ. Đọc bớt đi các thứ dấu bận rộn ấy, chắc hơi văn sẽ lơ mơ hơn, lan man hơn, chắc trầm trầm hơn, lãng mạn hơn thì phải.
Mong gửi được lan man hơn đến người đọc. Dù bài viết chắc phải có chỗ hơi… lờ mờ tối nghĩa.
Đoàn Khuê
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
2 comments:
Bài nầy bao nhiêu dấu 3 chấm? Sơ sơ có 20 dấu thôi. Trên Tha Hương, không có bao nhiêu bài văn hay comment ở cuối bài thơ văn mà không có dấu than. Em muốn học viết văn (EMHVV)
Mình dường như là cố tật, hay dùng dấu chằm phẫy. Đọc qua bài văn nầy của tác giả làm mình tỉnh mộng,rà thắn bớt. Từ rày trở đi sẽ ít dùng dấu chấm phẫy. Cám ơn tác giả.
tp
Post a Comment